Gia trưởng sống Lời Chúa

1. Sự cần thiết của Lời Chúa.

Con người, gia đình, Giáo xứ, Giáo hạt, Giáo phận, Giáo hội, Xã hội đang sống là đang đi trên con đường tiến về cùng đích của mình, và đang mỗi ngày hoàn tất sứ mạng của mình trên trần thế. Đang tiến về, đang hoàn tất thì luôn cần sự hướng dẫn, cần bảng chỉ đường để không lầm đường lạc lối, nhưng đi đến đúng đích mà mình phải đến.

Trong cuộc đời này, cá nhân mỗi người cũng như các cộng đoàn đều ít nhiều gặp được các sự hướng dẫn, các bảng chỉ đường, nhưng không phải sự hướng dẫn nào cũng dẫn mình đến nơi mình cần đến, bởi vì có những hướng dẫn sai lạc, và có những bảng chỉ đường đặt không đúng chỗ.

Chỉ có Lời phát xuất từ Đấng “là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Ga 14,6) mới có thể soi sáng cho cuộc hành trình của con người lữ hành. Nói cách khác, trong việc định hướng cho con người, không gì có thể thay thế được Lời Chúa; cũng như không ai có thể phủ nhận vị trí trung tâm của Lời Chúa trong đời sống con người”. (Bản hướng dẫn sinh hoạt mục vụ năm 2011)

2. Thế nào là sống Lời Chúa?

Mỗi khi đọc hay nghe Lời Chúa hoặc Kinh Thánh, các nhà tu đức dạy ta phải xem Chúa muốn nói gì với ta. Chính lúc đọc hay nghe, ta cần suy nghĩ và cầu xin, sau đó đem đối chiếu với đời sống cụ thể của mình, nếu chưa hợp với Lời ấy thì phải sửa đổi lại. Đó chính là sống Lời Chúa.

Nói cách khác, phải liệu cho sinh hoạt, tức là tư tưởng, tình cảm, ngôn ngữ, hành vi của ta hợp với Lời Chúa, nghĩa là Lời Chúa dạy thế nào thì làm như vậy.

Quảng diễn rộng hơn, sống Lời Chúa là giải quyết các vấn đề nhân sinh theo ánh sáng các chân lý mạc khải, cũng có nghĩa là áp dụng các chân lý đức tin vĩnh cửu vào những hoàn cảnh thay đổi của thực tại nhân loại. Ví dụ, nghe Lời Chúa dạy: “Có thì nói có, không thì nói không.” (Mt 5,37), nên không nói dối. Ví dụ khác: khi nghe người ta nói xấu về mình thì nghĩ xem Chúa muốn mình phản ứng thế nào. Hãy nhớ câu: “Đừng lấy ác báo ác” (Rm 12,17) và im lặng không nói gì. Đó là sống Lời Chúa.

Căn cứ vào  hai ví dụ trên thì sống Lời Chúa có hai chiều:

Một là từ Lời Chúa xuống đời sống. Cách này dạy ta nên chọn một số Lời Chúa để làm nguyên tắc hướng dẫn đời sống.

Hai là từ đời sống lên tới Chúa. Trong đời sống, mỗi biến cố phải xử trí, mỗi hoàn cảnh phải đối phó, mỗi công việc phải thi hành, ta nghĩ xem có lời nào hay ý tưởng nào trong Kinh Thánh dạy ta cách phản ứng sao cho hợp với ý Chúa không? Để được Chúa hướng dẫn và soi sáng, cách này dạy ta trong mọi tình huống, nên hỏi Chúa: “ Lậy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” (Cv 9,6).

3. Giới thiệu những câu Lời Chúa nên học thuộc lòng để làm nguyên tắc cho từng hoàn cảnh.

CẢI THỆN: “Anh em hãy cởi bỏ… con người cũ” (Ep 4,22).

MẾN CHÚA: “Này con đến để làm trọn ý Cha” (Dt 10,7).

CÔNG BÌNH: “Đừng làm cho ai cái mình không muốn chịu” (Tb 4,15).

BÁC ÁI: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thế nào, thì hãy làm cho họ như vậy” (Mt 7,12).

HÒA GIẢI: “Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26).

TRÁNH DỊP TỘI HAY GƯƠNG XẤU: “Khốn cho thế gian vì nhiều thứ gây vấp phạm” Mt 18,7).

CÁM DỖ: “Hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,46).

KHI VUI: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (Lc 1,46).

LÚC BUỒN: “Nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ” (2Cr 7,10).

LO SỢ: “Mọi lo âu hãy trút cả cho Người vì Người lo cho anh em” (1Pr 5,7).

KIÊU NGẠO: “Thiên Chúa chống với kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho người khiêm nhường” (1Pr 5,5).

NÓNG GIẬN: “Hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).

GHEN GHÉT: “Đừng lấy ác báo ác, hãy lấy lành thắng dữ” (Rm 12,17.21).

MÊ TIỀN CỦA: “Ham mê tiền của là cội rễ mọi sự dữ” (1Tm 6,10).

MÊ DÂM DỤC: “Kẻ dâm dật không có phần gia nghiệp trong Nước Chúa Kitô (Ep 5,5).

MÊ ĂN UỐNG: “Đừng say sưa rượu chè vì trong tửu có sắc” (Ep 5,18).

LƯỜI BIẾNG: “Kẻ lười biếng tựa như phân bớn” (Hc. 22,2).

TÔNG ĐỒ: “Cách nào cũng được, miễn Chúa Kitô được rao giảng” (Pl 1,18).

THÀNH CÔNG: “Ai ở trong Ta, và Ta ở trong người ấy, kẻ ấy sinh hoa trái nhiều” (Ga 15,5).

VIỆC ĐỘT XUẤT: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” (Cv 9,6).

Kính thưa quý vị gia trưởng,

Lời Chúa không phải là một lý thuyết để nghiên cứu, chiêm ngắm hay bình giải, nhưng để thực hành, để sống hầu giúp ta kiện toàn đời sống trần thế của mình.

Kính chúc quý vị luôn yêu mến, say sưa học hỏi và sống Lời Chúa để hạnh phúc Nước Trời của mình luôn được bảo đảm. 

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần IV Phục Sinh: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng