Trong buổi tiếp kiến các tham dự viên Khoá họp Toàn thể của Uỷ ban Thần học Quốc tế, sáng thứ Năm ngày 28/11, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết đưa Chúa Kitô trở lại trung tâm, và phát triển một nền thần học về hiệp hành.
Trước hết, đưa Chúa Kitô trở lại trung tâm, Đức Thánh Cha nói Năm Thánh sắp đến mời gọi chúng ta tái khám phá khuôn mặt Chúa Kitô và “tái tập trung” vào Người. Năm Thánh này cũng là dịp cử hành 1700 năm Công đồng Đại kết Nicea, một cột mốc lịch sử của Giáo hội và toàn thể nhân loại. Đức tin vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể “vì loài người chúng ta và vì ơn cứu độ chúng ta”, đã được định nghĩa và tuyên xưng như ánh sáng chiếu soi ý nghĩa thực tại và vận mệnh của toàn bộ lịch sử.
Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em được kêu gọi nuôi dưỡng một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và đạt đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về mầu nhiệm của Người, để chúng ta có thể ‘thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Chúa Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết’ (Ep 3, 18-19)”.
Ngài nhấn mạnh thêm, đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm có nghĩa là thắp lại hy vọng về một thế giới trong đó mọi người sống tình huynh đệ, trở thành nghệ nhân của hoà bình. Và đây chính là những gì thần học được kêu gọi thực hiện, với sự kiên trì, khôn ngoan và tầm nhìn xa, và trong cuộc đối thoại với tất cả các lĩnh vực kiến thức khác.
Đức Thánh Cha đi đến điểm thứ hai: phát triển một thần học về tính hiệp hành. Ngài nhắc lại văn kiện chung kết của Thượng Hội đồng Giám mục đã mời gọi các tổ chức thần học tiếp tục nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ và đào sâu ý nghĩa của tính hiệp hành (số 67). Thực vậy, đã đến lúc phải thực hiện một bước can đảm về phía trước và phát triển một nền thần học về tính hiệp hành, một suy tư thần học có thể giúp, khuyến khích và đồng hành với tiến trình thượng hiệp hành, cho một giai đoạn truyền giáo mới, sáng tạo và táo bạo hơn, được truyền cảm hứng bởi Kerygma và liên quan đến mọi thành phần của đời sống Giáo hội.
Đức Thánh Cha kết thúc bài nói chuyện, đưa ra hình ảnh Thánh Gioan Tông đồ nghiêng đầu vào ngực Chúa trong bữa Tiệc ly, và trích số 31 của Tông huấn Dilexit nos nhằm nhấn mạnh rằng “bằng cách ở gần Thánh Tâm Chúa, nền thần học của anh chị em sẽ được kín múc suối nguồn và sinh hoa trái trong Giáo hội và thế giới”.
Nguồn: vaticannews.va