Các bạn trẻ lần chuỗi Mân Côi cách sốt sáng dịp Đại hội (tối 20/11/2024)
Ngày 24/11 hàng năm, Giáo hội Việt Nam hân hoan mừng kính Thánh Andrew Dũng Lạc và các Bạn Tử Đạo. Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng không có vị nào được Tôn phong trong số 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhưng lịch sử Truyền giáo của vùng đất này thấm đẫm bao mồ hôi, nước mắt và xương máu của các thế hệ Mục Tử và Tông đồ Giáo dân. Người viết xin trình bày một vài suy tư về con đường gian nan của sứ mạng loan báo Tin Mừng tại Lạng Sơn-Cao Bằng, hôm qua và hôm nay, để nhìn về quá khứ với niềm tri ân và tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, bước trong hiện tại với nhiệt huyết Tông đồ để loan báo Tin Mừng, và hướng tới tương lai trong niềm hy vọng.
Lạng Sơn-Cao Bằng, miền biên viễn xa xôi, mang trong mình những câu chuyện thấm đẫm máu và nước mắt của hành trình gieo trồng hạt giống đức tin giữa vùng đất khô cằn. Từ những hạt giống đức tin bé nhỏ, gieo xuống trong cảnh lưu đày và khó khăn, đức tin đã bén rễ, nảy mầm, và dần dần trở thành một hành trình tử đạo liên lỷ, biểu trưng cho sức mạnh phi thường của Tin Mừng trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Từ một nơi từng được ví như sa mạc hoang vu về đời sống đức tin Công giáo, nhờ sự hy sinh không ngừng của các vị thừa sai, các vị giám mục, linh mục, tu sỹ và tông đồ giáo dân, vùng đất Lạng Sơn – Cao Bằng đã dần trở thành một mảnh đất trổ sinh hoa trái, minh chứng cho quyền năng và sự quan phòng đầy tình yêu thương của Thiên Chúa. Thật đúng như lời ngôn sứ Isaia: “Sa mạc và hoang địa sẽ vui mừng, đồng hoang sẽ hân hoan và trổ hoa như bông huệ” (Is 35, 1).
Lịch sử Truyền Giáo tại vùng đất Lạng Sơn-Cao Bằng không bắt nguồn với dấu chân của các vị Thừa sai, nhưng từ những giáo dân miền xuôi là những người bị lưu đày lên vùng “rừng thiêng nước độc” trong thời kỳ bách hại Đạo. Lịch sử ghi nhận rằng một trong những người giáo dân đầu tiên đặt chân đến miền đất này là ông Phó Nhậm, con của Thánh Tử đạo Antôn Nguyễn Đích. Vào năm 1858, thời vua Tự Đức, ông bị phát lưu lên Cao Bằng. Cùng thời gian này, một đại chủng sinh tên Trần Triêm, sau này được biết đến với danh xưng Cụ Sáu Trần Lục (người xây Nhà thờ Phát Diệm), cũng bị phát lưu lên vùng rừng núi Lạng Sơn. Những người bị lưu đày này, dù trong cảnh khốn khó, đã kiên trì bền bỉ gìn giữ và sống đức tin, họ chính là những người đầu tiên đã mang theo hạt giống đức tin, bắt đầu gieo trồng nơi miền đất xa lạ này. Họ là những nhân chứng sống động của lời Chúa trong thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô: “Chúng tôi bị áp bức tứ phía, nhưng không bị đè bẹp; bối rối, nhưng không tuyệt vọng” (2Cr 4, 8). Chính họ là những người thực hiện sứ mạng “làm cho sa mạc nở hoa,” dám tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ biến đổi những khổ đau thành niềm vui và sự sống mới.
Không lâu sau, các giáo sĩ thuộc Dòng Đaminh Lyon từ Giáo phận Đông Đàng Ngoài cũng tìm đến miền đất mới này, bắt đầu một hành trình truyền giáo đầy gian khó. Đến năm 1876, số giáo dân tại Lạng Sơn-Cao Bằng chỉ khoảng 300 người, phần lớn là những người bị phát vãng từ miền xuôi lên đây trong thời cấm Đạo. Những giáo dân đầu tiên ấy, trong sự khổ nhọc và cô lập, đã xây dựng nền móng cho đức tin Công giáo tại miền đất này, một nền móng được hình thành từ chính sự hiến dâng, nước mắt và khổ đau. Dù Lạng Sơn ngày nay không có vị Thánh Tử đạo nào trong danh sách 117 vị Thánh Tử đạo Việt Nam đã được Giáo hội tôn phong, nhưng hành trình đức tin của nơi đây đã trở thành một minh chứng sống động về “máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu”. Giữa vô vàn gian khổ ấy, họ vẫn không ngừng kiên trì gieo trồng hạt giống đức tin.
Theo sử liệu, nhận thấy công cuộc truyền giáo tại đây có những kết quả ban đầu đáng khích lệ, ngày 30 tháng 12 năm 1913, Tòa Thánh thiết lập Phủ doãn Tông Tòa Lạng Sơn-Cao Bằng, tách ra từ Giáo phận Mẹ Bắc Ninh. Phủ doãn được trao cho các Cha Dòng Đaminh Lyon, với Đức ông Bertrand Cothoney O.P. (Cố Chiểu) được đặt làm Phủ doãn Tông Tòa tiên khởi. Được trao nhiệm vụ đầy thách đố, các thừa sai đã nhận được lời căn dặn từ Bộ Truyền Giáo: “Hãy làm cho sa mạc nở hoa”. Trong hoàn cảnh ấy, vùng đất Lạng Sơn-Cao Bằng thật sự là một sa mạc khô cằn về đời sống đức tin, khác xa với những vùng đồng bằng trù phú của các Giáo phận miền xuôi. Tuy nhiên, chính sự kiên trì và lòng yêu mến Chúa đã giúp các thừa sai từng bước biến đổi vùng đất này, để rồi như lời tiên tri Isaia: “Sa mạc và hoang địa sẽ vui mừng, đồng hoang sẽ hân hoan và trổ hoa như bông huệ” (Is 35, 1). Các vị Thừa sai đầu tiên tại vùng đất Lạng Sơn xa xôi này không chỉ phải đối mặt với địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, mà còn chịu cảnh cô lập và thiếu thốn. Các ngài đã hy sinh trọn vẹn đời mình để vun trồng cây đức tin trên vùng đất mới, đúng như lời Chúa Giêsu phán: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24).
Vào năm 1925, Đức ông Dominique Maillet O.P. (Cố Bính) thay thế Đức ông Bertrand Cothoney, tiếp tục công cuộc chăm sóc đời sống đức tin cho giáo dân. Những nỗ lực này đã dẫn đến sự kiện ngày 11 tháng 7 năm 1929, khi Phủ doãn Tông Tòa Lạng Sơn-Cao Bằng được nâng lên thành Đại diện Tông Tòa. Đức cha Felix Maurice Hedde O.P. (Đức cha Minh) trở thành Giám mục Đại diện Tông Tòa tiên khởi, tiếp tục nhiệm vụ gieo trồng đức tin trên mảnh đất này. Tuy nhiên, các biến cố lịch sử như Thế chiến thứ I, chiến tranh Việt-Pháp, và cuộc di cư năm 1954 đã gây tổn thất nặng nề, khiến công cuộc truyền giáo hầu như phải bắt đầu lại từ đầu. Nhưng chính trong những thử thách ấy, sức sống của đức tin vẫn không bị dập tắt.
Giai đoạn chiến tranh biên giới năm 1947 đã để lại những tổn thất nặng nề cho Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng. Nhiều linh mục bị mất tích hoặc bị giết hại nơi rừng sâu. Các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé phải sống trong cảnh tan tác, lẩn trốn. Thế nhưng, giữa những đau thương ấy, hạt giống đức tin vẫn không ngừng được vun xới, cây đức tin dù còn bé nhỏ non nớt nhưng đầy sức sống tìềm tàng. Các mục tử không từ bỏ sứ mạng của mình, tiếp tục kiên trì phục vụ và âm thầm cầu nguyện giữa muôn vàn khó khăn nguy hiểm và thách đố. Các ngài trở nên những chứng nhân của lời Chúa như thánh Phaolo đã đề cập trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Chúng tôi bị áp bức tứ phía, nhưng không bị đè bẹp; bối rối, nhưng không tuyệt vọng; bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2Cr 4, 8-9).
Thậm chí trong những năm tháng khó khăn nhất, khi các nhà thờ bị phá hủy và các cộng đoàn tan rã, niềm hy vọng đức tin vẫn cháy sáng, dù đôi khi chỉ còn le lói nơi miền đất xa xôi núi rừng trùng điệp ấy. Đức cha Felix Maurice Hedde O.P. đã kiên trì thực hiện sứ mạng Đại diện Tông Tòa, dù hoàn cảnh tuổi già đau yếu và cô đơn, ngài vẫn một lòng ở lại giữa đoàn chiên của mình, vẫn không ngừng kêu gọi mọi người tín thác vào Chúa bởi chắc chắn ngài luôn giữ vững niềm tin rằng Thiên Chúa quan phòng và yêu thương sẽ không bỏ rơi đoàn chiên của Người, và sẽ làm nở hoa trên mảnh đất khô cằn này. Ngài thực sự đã trở nên hạt giống tốt gieo vào lòng đất xứ Lạng để rồi cây đức tin do ngài vun trồng sẽ có ngày trổ sinh hoa trái.
Khi chiến tranh kết thúc, Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng lại phải đối mặt với những khó khăn mới. Sau năm 1954, với cuộc di cư lớn từ Bắc vào Nam, Lạng Sơn-Cao Bằng trở nên vắng bóng giáo dân bởi đa phần tín hữu đã theo dòng người di cư vào Nam, đời sống đức tin vốn đã non nớt nay lại gần như phải tái thiết từ con số không. Nhưng nhờ ơn Chúa và sự kiên trì của các vị mục tử, Giáo phận đã dần hồi sinh dẫu còn muôn vàn gian khó. Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Tòa Thánh nâng Đại diện Tông Tòa Lạng Sơn-Cao Bằng lên thành Giáo phận Chính tòa, thuộc Giáo tỉnh Hà Nội. Đức cha Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ trở thành Giám mục Chính tòa tiên khởi. Tuy nhiên, ngài phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi gần như bị giam lỏng khi phải cư trú hoàn toàn tại Giáo xứ Thất Khê, cách Tòa Giám mục 70 km, và không được Tấn phong Giám mục. Mãi đến năm 1979, trong dòng người di tản lội sối băng rừng trốn chạy cuộc chiến tranh biên giới, Đức cha Vinhsơn Phaolô mới đến được Tòa Giám mục Bắc Ninh và được tấn phong Giám mục trong một căn phòng nhỏ. Hình ảnh vị Giám mục già nua phải gồng mình giữa những thử thách khắc nghiệt, là một minh chứng sống động cho lời Chúa Giêsu: “Ai bền chí đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24, 13). Trong mọi hoàn cảnh, ngài sống đúng châm ngôn Giám mục của mình “Theo Chúa Trong Mọi Trường Hợp”, vẫn không ngừng cầu nguyện và âm thầm củng cố đời sống đức tin cho đoàn chiên đau khổ.
Năm 1999 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Giáo phận khi Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, lúc ấy mới 47 tuổi, được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng. Khi về nhận sứ vụ Mục tử tại đây, ngài được ví như vị Giám mục “ba không”: không Nhà thờ Chính tòa, không linh mục đoàn, và hầu như không có giáo hữu. Giáo phận chỉ còn lại một số ít giáo dân rải rác, nhà thờ Chính toà đã bị sụp đổ trong chiến tranh, các nhà thờ thì xuống cấp hoặc bị hư hại nghiêm trọng, đời sống đức tin gần như bị lãng quên. Thế nhưng, với lòng tín thác vào Chúa và với sức trẻ cùng một tình yêu cháy bỏng dành cho Giáo phận, Đức cha Giuse đã bắt tay khắc phục từng khó khăn, đặt những nền móng vững chắc để hồi sinh Giáo phận. Ngài kiên trì thăm viếng mọi người, xây dựng và tái thiêt các Nhà thờ, nhất là Nhà thờ Chính tòa, đào tạo chủng sinh và linh mục, quy tụ các cộng đoàn giáo dân đang tản mát, và đặc biệt nhấn mạnh đến sứ mạng loan báo Tin Mừng. Có thể nói, Đức cha Giuse đã sống trọn vẹn sứ mạng của một mục tử như lời Chúa Giêsu: “Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10), đúng như châm ngôn Giám mục “Chạnh Lòng Thương” của ngài.
Tiếp nối sứ mạng của Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, các Đức Giám mục kế nhiệm như Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân và hiện nay là Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri đã không ngừng dồn tâm huyết vào công cuộc tái thiết Giáo phận và thúc đẩy sứ mạng loan báo Tin Mừng, đề ra các chương trình mục vụ sáng tạo, phù hợp với đời sống văn hóa đặc thù của vùng biên giới. Nhờ những nỗ lực không ngừng ấy, đời sống đức tin tại Lạng Sơn-Cao Bằng không chỉ được hồi sinh mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành chứng nhân sống động của lời hứa Chúa: “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc và khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Is 43, 19). Thực sự đến với Lạng Sơn-Cao Bằng hôm nay, người ta có thể thấy rằng vùng đất sa mạc đức tin ấy nay đã dần trổ sinh hoa trái.
Một trong những điểm nhấn trong hành trình phát triển của Giáo phận là Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội vừa qua, được tổ chức tại chính mảnh đất Lạng Sơn nhỏ bé xa xôi với trên 6000 bạn trẻ tham dự, thật đặc biệt khi con số này cũng hầu như ngang bằng với số tín hữu của Giáo phận hiện nay, sau 110 năm thành lập Phủ doãn Tông Toà. Sự kiện này đã khiến mọi người phải ngỡ ngàng và cảm phục trước sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần hiệp nhất và lòng nhiệt thành của cộng đoàn Giáo phận. Một Giáo phận nhỏ bé nhưng đầy sức sống, đáng yêu và dễ mến đã trở thành điểm nhấn nổi bật, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người tham dự. Sự kiện này không chỉ là niềm vui lớn lao mà còn là lời khẳng định rằng Lạng Sơn-Cao Bằng, dù nhỏ bé, vẫn đang âm thầm và mạnh mẽ trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Hình ảnh cộng đoàn hiệp nhất, chung tay với nhau tổ chức Đại hội Giới trẻ đã thể hiện rõ nét tinh thần “đồng tâm nhất trí” (Pl 2, 2) của Gia đình Giáo phận, làm nên một kỳ Đại hội tràn đầy sức sống, là biểu tượng cho tương lai đầy hứa hẹn của Giáo phận. Nhiều người xưa nay chỉ nghe đến vùng đất xa xôi với bao khốn khó này, nhưng giờ được đến tận nơi, họ thốt lên không ngờ Lạng Sơn dễ thương dễ mến đến vậy!
Như lời Chúa Giêsu: “Hãy ra đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng đang từng bước vươn mình, mang Tin Mừng đến những vùng đất xa xôi nhất, nơi các bản làng heo hút ở rừng sâu hay núi cao. Trong hành trình ấy, Lạng Sơn-Cao Bằng đã chứng minh rằng, dù bắt đầu từ những thử thách khắc nghiệt, nhưng với sự hy sinh và nỗ lực không ngừng của các vị mục tử, tu sĩ, và giáo dân, mảnh đất này đang dần “nở hoa” trong niềm vui Tin Mừng. Đây không chỉ là một minh chứng cho tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, mà còn là lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống tinh thần hy vọng, dấn thân và kiên trì trong mọi hoàn cảnh như lời Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em hãy vững vàng, kiên trì, và hăng say trong công việc của Chúa, vì biết rằng trong Chúa, sự khó nhọc của anh em không trở nên vô ích” (1Cr 15, 58).
Trải qua bao gian nan khốn khó, hạt giống Tin Mừng nay đã bén sâu nơi miền đất địa đầu Tổ quốc Lạng Sơn- Cao Bằng và Hà Giang. Tương lai của Giáo phận Truyền giáo này chính là lời mời gọi mỗi Kitô hữu hãy sống niềm tin cách mạnh mẽ, tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và hăng say loan báo Tin Mừng. Những hạt giống đã gieo, những giọt nước mắt đã rơi, tất cả đang góp phần làm nên một mảnh đất trổ sinh hoa trái dồi dào, minh chứng rằng nơi nào có Tình yêu và sự Quan phòng của Thiên Chúa, nơi ấy không bao giờ thiếu sức sống, nơi ấy Ánh sáng Tin Mừng sẽ rạng rỡ chiếu toả. Những cộng đoàn nhỏ bé vẫn âm thầm sống đức tin, trở thành những ánh sáng trong vùng đất mà xưa kia từng được gọi là “sa mạc khô cằn”. Hành trình này tiếp tục vang vọng lời hứa của Thiên Chúa: “Này Ta sắp làm một điều mới, bây giờ nó ló dạng, các ngươi không nhận thấy hay sao? Chính Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc và khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Is 43,19).
Ngày nay, dù Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng ánh sáng Tin Mừng vẫn tiếp tục lan tỏa trên vùng đất biên cương rộng lớn này. Sứ mạng của Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng đang mở ra những chân trời hy vọng, một vùng đất nhỏ bé nhưng đầy tiềm năng, nơi mà hạt giống đức tin tiếp tục được vun trồng, để vùng đất sa mạc mãi mãi nở hoa. Hành trình đức tin tại đây, từ những ngày đầu gian khó cho đến hiện tại, đã và đang chứng minh sức mạnh kỳ diệu của lời Chúa: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, khi gieo xuống đất, nó nhỏ bé nhất trong mọi hạt giống, nhưng khi mọc lên, nó lớn hơn mọi thứ rau cỏ và trở thành cây lớn” (Mc 4, 31-32).
Từ Holy Apostles College & Seminary, Cromwell, CT
Giuse Trần Ngọc Huấn