Dòng Tu hiện diện trong Giáo phận: Dòng Thánh Tâm Huế

Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys Lý (1852-1936) là vị giám mục quan tâm đến việc truyền giáo cho lương dân bằng cách dạy văn hóa cho các thanh thiếu niên trong các trường học của Hội thánh, qua đó huấn luyện chúng theo giáo huấn và đạo lý Kitô giáo[1]. Do vậy từ năm 1923, Đức Cha đã tiến hành công việc chuẩn bị lập một Dòng nam tu sĩ theo mẫu của dòng Ploermel.[2]
 
Sau khi đã được sự chấp thuận của Đức Hồng y Van Rossum, Tổng trưởng bộ Truyền giáo, cũng như đã bàn hỏi với các linh mục giáo phận, vào tháng 7 năm 1924, Đức Cha chỉ định linh mục Đaminh Hồ Ngọc Cẩn làm Bề trên tiên khởi của dòng mới, đặt trụ sở tại Trường An. Sau cùng, lúc 8 giờ sáng thứ sáu ngày 9 tháng 10 năm 1925, Đức Cha cử hành lễ khánh thành và khai sinh Dòng mới với danh hiệu “Dòng anh em hèn mọn Thánh Tâm Chúa Giêsu”. Ngay từ lúc khai sinh, đã có 25 thanh niên xin gia nhập Dòng.
 
Vào ngày 8 tháng 9 năm 1929, sáu tập sinh đầu tiên được tuyên khấn lần đầu. Ngày 15 tháng 8 năm 1937, lần đầu tiên Dòng có hai thành viên tuyên khấn trọn đời, đánh dấu bước tiến vững chắc trong tương lai.
 
Mười năm sau khi Dòng được thành lập, cha Đaminh Trần Văn Phát đã hoàn thành bản luật đầu tiên, được Đức Cha Francois Marie Lemaste châu phê ngày 15 tháng 5 năm 1941[3]. Các “Sư Huynh Giáo Giảng viên Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Huế” (Frères Instituteurs Catéchistes du Sacré Coeur) là một dòng giáo phận, với lời khấn đơn, gồm bởi các tu sĩ giáo dân (điều 1), với mục tiêu chuyên biệt là “giảng dạy và giáo dục thiếu niên theo các chương trình của chính phủ, và dạy đạo cách riêng cho các thiếu niên Kitô hữu và các dự tòng” (điều 2).
 
Từ khi thành lập, Bề trên Dòng là một linh mục do Đức giám mục chỉ định[4]. Đức Cha Jean Baptiste Urrutia Thi cho phép họp tu nghị đầu tiên để bầu Bề trên tổng quyền từ hàng ngũ các tu sĩ trong Dòng. Tu sĩ Hiêrônimô Nguyễn Đức Phú đắc cử vào chức vụ này vào ngày 16 tháng 8 năm 1951.
 
Năm 1960 một tu sĩ đầu tiên được thụ phong linh mục để làm tuyên úy phục vụ trong Dòng, đó là cha Laurent Trần Văn Đàng.
 
Theo ước muốn của công đồng Vatican II, từ năm 1969 Dòng đã bắt tay vào công cuộc canh tân thích nghi. Tiếc rằng công việc này đã bị đình trệ do những diễn biến thời cuộc vào những năm 1972 và 1975, cho nên mãi đến ngày 21 tháng 4 năm 1980, “bản Qui luật và Hiến chương Hội dòng Tu sĩ Giáo Giảng viên Thánh Tâm Chúa Giêsu” mới được Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền duyệt y “để thử” cho đến Tu nghị kế tiếp. Trong thời gian đó, vì không thể tiếp tục sứ mạng giáo dục trực tiếp trong các học đường, Dòng được mời gọi tham gia vào công cuộc truyền giáo tại một môi trường rộng lớn hơn qua các tác vụ mục vụ của chức linh mục. Thực ra ý định này đã được Đức Cha Philipphê khi còn làm giám quản giáo phận, gợi lên trong bức thư gửi cho Dòng ngày 29 tháng 3 năm 1965.
 
Trước hoàn cảnh mới, nhờ số linh mục gia tăng, Dòng đã xin Đức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể cho phép chuyển đổi tư cách từ dòng giáo dân sang dòng giáo sĩ.  Với chuẩn nhận trên Đơn Xin Sửa Hiến Pháp Và Mở Tu Nghị Ngoại Thường của Dòng, ngày 25 tháng 7 năm 2011, ngài đã chấp thuận và thúc giục Dòng sớm hoàn tất việc duyệt lại bản Hiến Pháp đã thực hiện trong suốt ba mươi năm qua.
 
Theo chiều hướng đó, Bản Hiến Pháp và Kim Chỉ Nam được soạn thảo dựa theo điều 587 của Bộ Giáo luật, và được Tu Nghị ngoại thường biểu quyết ngày 30/7/2011.
 
Hiến Pháp gồm những nguyên tắc căn bản về căn tính của Dòng, về đời sống thánh hiến của các phần tử, cũng như về cách thức điều hành Dòng. Hiến Pháp cần được phê chuẩn bởi Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế, nơi Dòng Thánh Tâm Huế đặt trụ sở chính.
 
Kim Chỉ Nam là những cách thức áp dụng các quy tắc vừa nói vào các hoàn cảnh cụ thể. Kim Chỉ Nam có thể sửa đổi do Tu Nghị của Dòng.

Mục đích:
Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu được thành lập do ý muốn truyền giáo của Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys Lý, giám mục Huế. Với châm ngôn “Hãy ra đi giảng dạy khắp muôn dân” (Euntes docete omnes gentes: Mt 28,19), các tu sĩ mang sứ mạng truyền bá Tin mừng, đặc biệt qua việc giảng dạy giáo lý Kitô giáo cho các tín hữu cũng như cho những người ngoại đạo.

Tinh thần:
Dưới danh hiệu nguyên thuỷ là “Dòng Anh em hèn mọn Trái Tim Chúa Giêsu” (1925), vị sáng lập đã muốn cho các tu sĩ được cung hiến cho Thánh Tâm Chúa, để mặc lấy những tâm tình của Ngài là lòng thương xót, sự hiền lành và khiêm nhường, ngõ hầu trở nên những người tông đồ của Tình yêu Thiên Chúa.

Sứ mạng:
Thật vậy, các tu sĩ không những mang sứ mạng rao giảng Tình yêu Chúa Cha dành cho nhân loại, được biểu lộ qua việc trao ban Con Một của Ngài cho chúng ta, nhưng còn muốn được huấn luyện từ trường học của Thánh Tâm, để được thiêu đốt với cùng ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn, cũng như tấm gương hiền hậu và khiêm tốn của Đấng đã đến phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

Các tu sĩ Dòng Thánh Tâm cũng ý thức rằng lễ phẩm mà Thiên Chúa mong đợi không chỉ là những công tác hoạt động, nhưng tiên vàn là tâm tình của những người bé nhỏ sống trong niềm tín thác và tri ân Cha nhân lành.

Căn tính của Dòng được diễn tả qua huy hiệu súc tích ý nghĩa:


HH DONG
 

- Hàng chữ “EUNTES DOCETE” – nói lên châm ngôn của toàn Dòng. Đây chính là lời Đức Giêsu Ki-tô phán cùng các Tông đồ năm xưa, và hôm nay, Thánh Tâm Ngài cũng muốn mời gọi mỗi anh em Thánh Tâm nhận lời này như là mục đích quy chiếu mọi tâm niệm, suy tư và hành động. Tất cả cho Ngôi Lời được được loan báo đến mọi nơi mọi lúc.

- Trái tim toả sáng tượng trưng cho Thánh Tâm Chúa Giê-su là danh hiệu và bổn mạng chính của Dòng. ​

- Trung tâm Logo là hình ảnh một con rồng miệng ngậm đuốc cháy sáng đang chuyển mình quanh địa cầu nói lên khát vọng của anh em Thánh Tâm trong việc rao giảng Tin mừng cho khắp thế giới .

- Con rồng nhuộm màu đỏ và màu vàng biểu trưng cho sắc quốc kỳ nước Việt Nam. Rồng uốn hình chữ “S” nói lên nguồn gốc khai sinh Dòng Thánh Tâm Huế trên mãnh đất con rồng cháu tiên này, và Dòng này được mời gọi Phúc Âm hóa cho đồng bào mình trước tiên, vì thế mà cây đuốc được quay về trên lưng rồng.

- Quả địa cầu có màu xanh lục chuyển sang màu vàng, xem như là một cánh đồng lúa bao la sắp chín nặng trĩu hạt, nhắc nhỡ mỗi anh em Thánh Tâm Chúa hãy mang trong mình lời Chúa phán: “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

- Phần dưới bên phải logo có hình Thánh giá và cuốn sách là biểu tượng chính trong huy hiệu của Đức Giám mục Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1876 – 1948). Ngài là Bề trên tiên khởi của Dòng từ năm 1925 đến năm 1935.

- Phần dưới bên trái logo là hình lông chồn trắng (hermine) một loại chồn ở xứ lạnh. Tục truyền rằng chồn trắng này có mang trong huyết quản dòng máu quân tử nên chúng không bao giờ nhảy vào chỗ bùn nhơ dầu có phải sa vào tay thù địch sát hại mình. Con chồn bạch này là biểu hiệu của xứ Bretagne (Pháp) quê hương Đức Giám Mục Joseph Allys Lý (1852 – 1936), Tổ phụ sáng lập Dòng Thánh Tâm. Hình ảnh lông chồn trắng này cũng có trong huy hiệu Giám mục của Ngài.

- Hai cành hoa trang hoàng phía dưới huy hiệu là hoa lý và hoa cẩn để kính nhớ “quý danh” của Đức Giám mục Allys (Lý) và Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn.

- Nền vàng ở phần đầu logo, làm nền cho trái tim cháy lửa biểu tượng cho Đức Ái của anh em Thánh Tâm đang cháy lên những ngọn lửa tình yêu nồng nàn.

Bản chất pháp lý
Dòng Thánh Tâm là một dòng tu, có ba lời khấn công: khiết tịnh, thanh bần, tuân phục, sống cộng đoàn, thuộc luật giáo phận; tuy là Dòng giáo sĩ, nhưng bao gồm các anh em linh mục cũng như không linh mục.

Tu phục
(1) Tu phục của Dòng là áo chùng màu đen, có dây nịt (đai) lưng màu đen theo mẫu của Dòng và cổ côn màu trắng; đồng thời đeo thêm Thánh giá có gắn hình Trái Tim Chúa Giê-su trước ngực.

(2) Tu sĩ phải mặc tu phục để làm dấu chỉ của sự thánh hiến và làm chứng cho đức nghèo khó.

(3) Khi nhu cầu mục vụ đòi hỏi, Tu sĩ có thể mặc y phục đơn giản và xứng đáng, với một huy hiệu thích ứng để người ta nhận ra sự thánh hiến của tu sĩ.

Tháng 8 năm 2018, Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Tâm đã có cuộc gặp với Đức Giám mục Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng Giuse Châu Ngọc Tri để đề nghị cho Dòng được cộng tác vào việc mục vụ truyền giáo của Giáo phận. Linh mục Phêro Vũ Văn Hiển được gửi ra miền đất Truyền giáo này.

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng