Dấu trích dẫn trong Kinh Thánh


DẤU TRÍCH DẪN TRONG KINH THÁNH

Dấu trích dẫn trong các văn bản thường rất hữu ích cho độc giả, giúp họ biết đích xác khi nào một người đang nói và hiểu đích xác điều họ nói.

Trong khi các tác giả hiện đại thường quen dùng “dấu ngoặc kép” (dấu trích dẫn) để trích dẫn câu nói trực tiếp, thì những người đọc Kinh Thánh phải nhớ rằng “các tác giả thời xưa không sử dụng những thủ pháp văn chương như ngày nay. Họ không biết đến dấu ngoặc kép, dấu hai chấm, dấu chấm lửng (…), hay dấu ngoặc đơn, v.v.” (Jackson, 1988). Điều rất quan trọng đối với những người đọc Kinh Thánh là phải nhớ rằng các tác giả Kinh thánh được linh hứng và những người sao chép tác phẩm của họ đã không sử dụng dấu ngoặc kép để xác định những gì mà các cá nhân khác nhau đã nói. Giống như với tất cả những tác gia thời xưa, dấu ngoặc kép là điều xa lạ đối với những người viết Kinh Thánh. Hàng ngàn dấu ngoặc kép trong nhiều bản dịch hiện đại được các dịch giả thêm vào với hy vọng giúp người đọc Kinh Thánh hiểu văn bản dễ dàng hơn. Rủi thay, dấu ngoặc kép có thể là một trở ngại nếu người nghiên cứu Kinh Thánh trước hết không hiểu rằng những tác giả được linh hứng thường không có ý định muốn nói rằng những câu từ của họ là những trích dẫn chính xác mà là những tóm tắt của chân lý được linh hứng.

Đôi khi khá rõ ràng là dấu ngoặc kép đặt không đúng chỗ. Chẳng hạn, tác giả được linh hứng của 1 Các Vua 14 đã ghi lại cách Đức Chúa thông báo cho ngôn sứ Akhigia rằng vợ của Vua Giarópam sẽ đến thăm ông. Sau đó, tác giả đã viết: “Ngươi sẽ trả lời nó thế này, thế này” (1V 14, 5). Trong một số phiên bản dịch có sử dụng dấu ngoặc kép khiến ta có ấn tượng rằng những gì Chúa nói với Akhigia theo nghĩa đen là “thế này, thế này …”. Nhưng thật ra, “thế này, thế này” chỉ là cách của tác giả được linh hứng nói rằng Đức Chúa đã phán điều gì đó với Akhigia - những điều mà Akhigia sau đó chuyển lại cho vợ của Giarópam trong các câu 6-16. Đức Chúa không nói “thế này, thế này” theo nghĩa đen cho Akhigia. Ngài tiết lộ cho ông ấy một số câu rất cụ thể mà cụm từ “thế này, thế này” đã tóm tắt lại tất cả những điều đó.

Thuật ngữ tương tự đã được sử dụng trong 2 Các Vua, sau khi một cô hầu người Ítraen báo cho vợ của Naaman rằng Êlisê có thể chữa lành bệnh phong cùi cho Naaman, Naaman đã nói với vua xứ Syri rằng: “Một thiếu nữ xuất thân từ đất Ítraen đã nói thế này thế này” (2V 5, 4). Rõ ràng là Naaman đã không đến với vua Syri và nói chính xác từng từ là “thế này thế này”. Thay vì lặp lại những gì cô gái nói với vợ của Naaman, tác giả được linh hứng trong 2 Các Vua đã tóm tắt lời nói của Naaman với nhà vua qua những từ “thế này thế này”. Tuy nhiên, vì những từ này nằm trong dấu ngoặc kép trong một số bản dịch hiện đại nên một số người có thể hiểu sai cuộc gặp gỡ. Hai ví dụ từ 1 và 2 Các Vua này chứng minh rõ ràng rằng những người học hỏi Kinh Thánh trong thế kỷ 21 phải cẩn thận khi giải thích những “trích dẫn” có từ nhiều ngàn năm trước đây.

Trích dẫn lời Đức Giêsu

Nhiều lần trong các trình thuật Tin Mừng, các tác giả Kinh thánh đã ghi lại những lời tuyên bố của Đức Giêsu khi Ngài còn ở trần thế. Mặc dù tác giả Kinh Thánh thường ghi lại cùng một câu nói, nhưng chúng không giống y hệt nhau (từng từ một). Ví dụ, trong khi Matthêô ghi lại rằng Đức Giêsu đã nói với Satan rằng: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng (palin gegrapti): Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4, 7), thì Luca viết: "Đã có lời nói rằng (eiratai): Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4, 12). Mặc dù sự khác biệt này được cho là nhỏ và đề cập đến cùng một điều (đến Cựu Ước), Matthêô và Luca vẫn ghi lại lời nói của Đức Giêsu bằng những từ ngữ khác nhau. Tại sao? Tại sao Matthêô, Marcô, Luca và Gioan ghi lại những lời của Đức Giêsu không phải lúc nào cũng giống như nhau?

Đầu tiên, có thể một số khác biệt trong các trình thuật Tin Mừng là do Đức Giêsu đã nói cả hai lời. Thật thiếu khôn ngoan khi nghĩ rằng mọi lời tương tự được các tác giả Tin Mừng ghi lại đều phải nói đến cùng một thời điểm. Trong ví dụ về việc Chúa Giêsu đối đáp lại cơn cám dỗ của Satan, có thể Đức Giêsu đã lặp lại cùng một tư tưởng trong cùng một dịp bằng những từ ngữ khác nhau. Sau khi nói với Satan: “Có lời chép rằng: ‘Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”, Đức Giêsu có thể nhấn mạnh lại điều đó (đặc biệt nếu Satan lặp lại hành động cám dỗ) bằng cách nói: “Đã có lời nói rằng: ‘Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Như vậy, Đức Giêsu có thể đã nói cả hai.

Lý do thứ hai tại sao có sự khác biệt giữa những lời trích dẫn Đức Giêsu của các tác giả Tin Mừng là vì mục đích của các tác giả là ghi lại chính xác những gì Thần Khí cho là cần thiết (x.Ga 16, 13: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”), nhưng không nhất thiết phải chính xác những gì Đức Giêsu đã nói. Dưới sự hướng dẫn của Thần khí (2Tm 3, 16-17; 2Pr 1, 20-21), một tác giả có thể diễn giải lời nói của một người (chẳng hạn như Đức Giêsu), trong khi một tác giả khác có thể trích dẫn chính xác từng từ. Cũng như hai nhà báo khác nhau cùng thông minh và trung thực, có thể đưa ra những tường thuật chính xác về cùng một sự kiện, nhưng đồng thời sử dụng các thuật ngữ, phong cách khác nhau, v.v., các tác giả được linh hứng của Thiên Chúa có thể tường thuật chính xác những gì Đức Giêsu truyền đạt cho nhân loại, đặc biệt khi chúng được xem như là những điều “nhờ Thánh Thần thúc đẩy” (2Pr 1, 21).

Kết luận

Suốt Kinh thánh, người ta có thể tìm thấy những lời nói chính xác của Đức Giêsu và những người khác, nhưng không nhất thiết phải là những trích dẫn chính xác (mặc dù thực tế là các dịch giả và nhà xuất bản hiện đại thường dùng dấu ngoặc kép hay dấu trích dẫn để đóng khung những lời nói của Đức Giêsu và những người khác). Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những tóm tắt được linh hứng về điều ai đó đã nói không làm mất đi tính chính xác của những câu Kinh Thánh do Thiên Chúa trao ban cũng như khả năng mà một người áp dụng những câu Kinh Thánh ấy vào trong đời sống mình.

Tham khảo: Jackson, Wayne (1988), “Principles of Bible Prophecy,” Reason & Revelation, 8[7]:27-30, July.

Eric Lyons, M.Min.

Valor & Virtue, Issue 8, tr. 16-19.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Nguồn: gpquinhon.org

 

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng