Đàng Thánh Giá của Đức Phanxicô, lòng trắc ẩn giữa những sự kết án

ĐÀNG THÁNH GIÁ CỦA ĐỨC PHANXICÔ,

LÒNG TRẮC ẨN GIỮA NHỮNG SỰ KẾT ÁN

Tối 29/3/2024, tại Đấu trường Colisée, Đàng Thánh Giá đã kết hiệp 25.000 tín hữu đang hiện diện với sự đau khổ của Chúa Kitô. Như vào năm 2023, từ Vatican, Đức  Phanxicô đã theo dõi buổi cử hành này, một buổi cử hành tạo thành một trong những khoảnh khắc mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của thành phố Rôma.

Sau nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa được cử hành lúc 5 giờ chiều (giờ Rôma) tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha, người được mong đợi tại Colisée, đã theo dõi Đàng Thánh Giá trên truyền hình từ nhà Thánh Mátta ở Vatican, “để giữ gìn sức khỏe của ngài trước Thánh lễ Vọng và Chúa nhật Phục sinh ngày mai,” Phòng Báo chí Toà Thánh thông báo ngay trước khi buổi lễ bắt đầu. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã hiện diện qua bài suy niệm về 14 chặng đường mà chính ngài lần đầu tiên đã viết.

Trong bài suy niệm về 14 chặng đàng được Đức Phanxicô viết cho Đàng Thánh Giá năm 2024 tại Colisée, lấy cảm hứng từ Năm Cầu nguyện, cái nhìn tập trung vào Chúa Giêsu, Đấng hiến mạng sống mình để cứu chúng ta. Trong một thế giới mà “một bàn phím cũng đủ để xúc phạm và đăng các bản án”, Đức Thánh Cha không ngừng lặp lại rằng “đau khổ, với Thiên Chúa, không có lời cuối cùng”.

Đó là một cuộc đối thoại với Chúa Giêsu mà Đức Thánh Cha Phanxicô khai triển trong các bài suy niệm Đàng Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Theo truyền thống, bắt đầu từ Colisée qua các đường phố ở Rôma, Đàng Thánh Giá năm nay lần đầu tiên được viết bởi chính Đức Thánh Cha. Những bài suy niệm này đề nghị một cuộc đối thoại trực tiếp với Chúa Kitô, được tạo thành từ những suy tư, những câu hỏi, những sự xem xét nội tâm, những lời xưng thú, những lời cầu khẩn. Một lời cầu nguyện dài thân mật, trong Năm Cầu nguyện đi trước Năm Thánh này, làm cho trái tim của con người lên tiếng.

Trong mười bốn chặng, những đau khổ của Chúa Giêsu trên đường đến Golgotha ​​​​và những cuộc gặp gỡ trên Đường Thương Khó cho phép một sự kiểm điểm lương tâm cá nhân vốn trở thành lời cầu nguyện, với lời khẩn cầu cuối cùng lặp lại danh Chúa Giêsu mười bốn lần. Cái nhìn trìu mến của Mẹ Maria, những người phụ nữ có những cử chỉ dịu dàng và can đảm, Simon thành Kyrênê giúp đỡ Chúa Giêsu, Giôxếp Arimathia dâng tặng ngôi mộ…đều là những nhân vật được Đức Phanxicô khắc họa để nuôi dưỡng cuộc sống của các tín hữu.

Đức Thánh Cha giới thiệu Đàng Thánh Giá bằng cách nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện được chuẩn bị mỗi ngày trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh này, Đức Thánh Cha nhắc lại các giai đoạn chuẩn bị của Chúa Giêsu để trải qua thử thách khủng khiếp này: cuộc trò chuyện với Thiên Chúa, sự do dự, sợ hãi trong vườn Ghếtsêmani. Đối mặt với nỗi sợ chết và “nỗi thống khổ dưới sức nặng của tội lỗi của chúng ta”, lời cầu xin của Chúa Giêsu đã biến đổi “nỗi đau đớn tột cùng” thành “của lễ tình yêu” dành cho nhân loại.

Sự im lặng của Chúa Giêsu

Chặng đầu tiên giúp chúng ta suy niệm về sự im lặng của Chúa Giêsu trước “phiên tòa giả trá” nhằm kết án Người. Đức Thánh Cha giải thích, sự im lặng phong nhiêu này “là lời cầu nguyện, sự dịu dàng, sự tha thứ, con đường để sửa chữa sự dữ”, và cho phép biến đau khổ thành một món quà được trao tặng. Một sự im lặng mà con người ngày nay không biết đến, bởi vì họ không có thời gian dừng lại để ở lại với Thiên Chúa và để “Lời của Chúa Cha hành động trong thinh lặng”. Sự im lặng này “làm rung chuyển”, bởi vì nó dạy rằng lời cầu nguyện nảy sinh “từ một trái tim biết lắng nghe”.

Thập giá mà Chúa Kitô vác lấy (chặng thứ 2) nhắc lại những kinh nghiệm mà mỗi người trải qua: những buồn phiền, đau đớn, thất vọng, vết thương, thất bại, thập giá…“Lạy Chúa Giêsu, chúng con cầu nguyện thế nào trong những trường hợp này?” Đức Thánh Cha hỏi và đồng thời đưa ra một cầu xin chung: phải làm gì khi chúng ta cảm thấy bị cuộc sống đè bẹp? Rất thường xuyên, chúng ta nghiền ngẫm và chìm vào tình trạng trở thành nạn nhân, “nhà vô địch về sự tiêu cực”. Ngược lại, Đức Phanxicô kêu gọi kết hiệp thập giá của chúng ta với thập giá của Chúa Kitô. Ngài mời gọi chúng ta đến gần Người để cất đi gánh nặng thập giá của chúng ta.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu ngã xuống đất (chặng thứ 3), nhưng Người có sức mạnh để đứng dậy. Dc nhấn mạnh, nguồn lực thúc đẩy Người tiến về phía trước chính là tình yêu. “Người yêu thương thì không ở lại trên mặt đất, họ bắt đầu lại; ai yêu thương thì không mệt mỏi, họ chạy; ai yêu thương thì bay lên”. Lời cầu nguyện của ngài rất đơn giản: “Lạy Chúa Giêsu, con luôn xin Chúa nhiều điều, nhưng con chỉ cần một điều duy nhất: biết yêu thương”.

Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu, món quà cho nhân loại

Chúa Giêsu trên đường đến đồi Canvê chỉ một mình, bị Phêrô bỏ rơi, bị Giuđa chối bỏ. Nhưng Người đã gặp Mẹ mình (chặng thứ 4), Người nhìn Mẹ và nhớ đến sự dịu dàng và vòng tay yêu thương của Đức Maria. Đức Thánh Cha nói: “Cái nhìn của người mẹ là cái nhìn của ký ức, làm cho chúng ta bén rễ vào sự tốt lành”. Sau Bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô ban cho chúng ta “Mẹ Maria, món quà cuối cùng trước khi chết”. Bằng dấu hiệu này, Người chỉ rõ Mẹ của Người cho loài người để Mẹ có thể giúp họ có thể “bảo tồn ân sủng”, “nhớ đến sự tha thứ và những điều kỳ diệu của Thiên Chúa”, để “một lần nữa tận hưởng những điều kỳ diệu của sự quan phòng” và “khóc với lòng biết ơn.”

Trái lại, Simon thành Kyrênê, người giúp Chúa Giêsu vác thập giá (chặng thứ 5), chất vấn về tính tự phụ hành động một mình “trước những thách thức của cuộc sống”. Ngay cả Chúa Giêsu, Đấng có “quyền năng vô hạn”, cũng không coi thường sự giúp đỡ của ông Simon. Do đó, Đức Phanxicô khuyến khích mỗi người “hạ thấp sự phòng vệ” để những điểm yếu trở thành cơ hội.

Thật khó biết bao khi cầu xin sự giúp đỡ, vì sợ tạo ấn tượng là không đủ tầm, chúng ta, những người vốn luôn lưu ý đến việc xuất hiện và được chú ý! Không dễ để tin tưởng, thậm chí còn khó tâm sự hơn. Nhưng ai cầu nguyện thì biết rằng mình đang cần giúp đỡ và Chúa Giêsu, Chúa đã quen tâm sự trong lời cầu nguyện.”

Sự can đảm của lòng trắc ẩn

Trong đám đông chứng kiến ​​“cảnh tượng man rợ” của việc hành hình Con Thiên Chúa, cũng có những người đưa ra “những phán xét và lên án”, thốt ra “sự sỉ nhục và khinh thường” Người mà không hề biết Người “và không hề biết sự thật.” Đức Phanxicô nhìn nhận : “Lạy Chúa, điều này vẫn xảy ra ngày nay”, vì “một bàn phím cũng đủ để xúc phạm và đăng các bản án.” Giờ đây, tại Giêrusalem, trong khi “rất nhiều người đang kêu gào và phán xét” Chúa Giêsu, một người phụ nữ tiến tới, bà “không nói: bà hành động. Bà không xúc phạm: bà thương xót. Bà lội ngược dòng: một mình, với sự can đảm của lòng trắc ẩn, bà mạo hiểm vì tình yêu, bà tìm ra cách đi qua giữa những người lính” chỉ để trao cho khuôn mặt của Chúa Giêsu sự an ủi. Cử chỉ an ủi này, của bà Veronica, (chặng thứ 6) là một câu trả lời cho “tình yêu không được yêu thương” này của Chúa Kitô, Đấng ngay cả ngày nay vẫn tìm kiếm “giữa đám đông những trái tim nhạy cảm” trước sự đau khổ và nỗi đau đớn của Người, những người thờ phượng đích thực, trong tinh thần và chân lý.

Nhưng “thập giá thì nặng nề: nó mang sức nặng của sự bại trận, của sự thất bại, của sự tủi nhục”. Lúc đó, Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai (chặng thứ 7). Chúng ta thấy mình trong Người khi bị mọi thứ đè bẹp, bị cuộc sống vây hãm, bị người khác hiểu lầm, bị đè nén “dưới ảnh hưởng của nỗi thống khổ và bị gánh nặng lo âu đè nén”, chúng ta nghĩ rằng mình không thể trỗi dậy và chúng ta sa ngã vào những lỗi lầm và tội lỗi của mình. Nhưng với Chúa Giêsu, “niềm hy vọng không bao giờ dừng lại, và sau mỗi lần vấp ngã, chúng ta đứng dậy”, giống như Người đã đứng dậy lần thứ hai, bởi vì Thiên Chúa luôn chờ đợi và tha thứ, ngay cả khi chúng ta vấp ngã nhiều lần.

Xin Chúa nhắc cho con nhớ rằng những cú vấp ngã có thể trở thành những khoảnh khắc quan trọng trên đường đi vì chúng làm cho con hiểu điều duy nhất quan trọng: rằng con cần Chúa. Lạy Chúa Giêsu, xin ghi khắc vào lòng con niềm xác tín quan trọng nhất: con chỉ thực sự trỗi dậy khi Chúa nâng con dậy, khi Chúa giải thoát con khỏi tội lỗi.”

Nhận ra sự cao cả của phụ nữ

Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các phụ nữ thành Giêrusalem (chặng thứ 8) là cơ hội để Đức Phanxicô khuyến khích chúng ta “nhận ra sự cao cả của phụ nữ, những người mà vào lễ Phục Sinh, đã trung thành và gần gũi” với Chúa Kitô, “nhưng ngày nay vẫn còn bị gạt bỏ và phải chịu đựng sự lăng nhục và bạo lực”. Những giọt nước mắt của họ khiến chúng ta tự hỏi liệu chúng ta có biết cách cảm động trước Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh vì chúng ta, liệu chúng ta có khóc vì sự dối trá của chính mình, hay trước những bi kịch, “sự điên rồ của chiến tranh, trước những khuôn mặt của những đứa trẻ không còn biết mỉm cười nữa, của những người mẹ nhìn thấy chúng bị suy dinh dưỡng và đói khát và không còn nước mắt để rơi nữa.” Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh rằng “các phụ nữ không khóc cho chính mình, nhưng họ khóc cho [Chúa Giêsu], họ khóc cho sự dữ và tội lỗi của thế gian”.

Và khi chiêm ngắm Chúa Kitô bị lột trần (chặng thứ 9), lời mời gọi của Đức Thánh Cha là hãy nhìn thấy Thiên Chúa làm người “trong các Kitô hữu bị hạ nhục bởi sự kiêu ngạo và bất công, bởi những lợi ích bất chính đạt được trên da thịt người khác trong sự thờ ơ nói chung” và hãy trút bỏ “rất nhiều thứ bên ngoài”. Thiên Chúa “bị tước đoạt phẩm giá” muốn những lời cầu nguyện phong nhiêu trong tình bác ái. Rồi, Đức Phanxicô hỏi: “Tôi có cầu nguyện cho những người bị tước đoạt phẩm giá không? Hay tôi cầu nguyện chỉ để bảo vệ những nhu cầu của mình và mặc cho mình sự an toàn?

Trên thập giá, trong khi “nỗi đau thể xác là tàn khốc nhất”, Chúa Giêsu lại tha thứ cho những ai “đóng đinh vào cổ tay Người” (chặng thứ 10). Ngài dạy chúng ta rằng chúng ta có thể “tìm thấy lòng can đảm để chọn sự tha thứ nhằm giải thoát tâm hồn và phục hồi cuộc sống,” và mạc khải cho chúng ta “sự cao cả của lời cầu nguyện chuyển cầu để cứu thế giới”. Sau đó, lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha hướng lên Chúa Kitô: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cầu nguyện không chỉ cho con và những người thân của con, mà còn cho những người không yêu thương con và những người làm hại con”.

Tình yêu luôn có câu trả lời

Vào thời điểm đen tối và cùng cực nhất khi Chúa Giêsu thốt lên sự bỏ rơi (chặng thứ 11), bài học rút ra là gì? “Trong giông bão của cuộc đời: thay vì im lặng và kìm nén, hãy kêu lên” Thiên Chúa. Đức Phanxicô lấy làm mẫu mực vị “Thiên Chúa hiệp thông, Đấng cảm thấy bị bỏ rơi để không còn để tôi làm con tin cho nỗi cô đơn nữa”.

Chặng thứ 12 tập trung vào người trộm lành tâm sự với Chúa Kitô, Đấng hứa ban cho anh ta Thiên đường. Vì vậy, Người biến “thập giá, biểu tượng của sự tra tấn, thành biểu tượng của tình yêu”, biến “bóng tối thành ánh sáng, chia ly thành hiệp thông, đau khổ thành một vũ điệu, và thậm chí cả ngôi mộ, giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, thành điểm xuất phát của niềm hy vọng”.

Mọi sự đã hoàn tất

Đức Maria đón Chúa Giêsu đã chết trong vòng tay mình (chặng thứ 13). Vào cuối Đàng Thánh Giá, Mẹ giúp chúng ta nói lời xin vâng với Thiên Chúa, Mẹ là Đấng “mạnh mẽ trong đức tin”, tin rằng “nỗi đau, ngang qua tình yêu, sẽ mang lại hoa trái cứu độ; sự đau khổ với Thiên Chúa không phải là lời cuối cùng.” Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta noi gương Đức Trinh Nữ Maria, Đấng lẽ ra có thể đặt điều kiện cho tình yêu của Mẹ, giống như chúng ta, những người “nghèo trong tiếng “xin vâng” và giàu có trong tiếng “nếu””, nhưng đã kiên quyết chọn nói xin vâng.

Cuối cùng, Giôxếp Arimathia, khi đảm nhận thi hài Chúa Giêsu để chôn cất Người cho xứng đáng (chặng thứ 14), cho chúng ta thấy rằng “mọi món quà dâng lên Thiên Chúa đều nhận được phần thưởng lớn hơn”, “tình yêu không phải không có câu trả lời, nhưng cho phép những khởi đầu mới”, “bởi vì chính khi cho đi là chúng ta nhận lãnh; bởi vì chúng ta tìm thấy sự sống khi chúng ta đánh mất nó và chúng ta sở hữu nó khi chúng ta trao ban nó”,

Đức Thánh Cha kết thúc bài suy niệm của mình bằng một lời cuối cùng, đơn giản: “Cảm ơn Chúa và Thiên Chúa của con”.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Tiziana Campisi và Jean-Benoît Harel, Vatican News)

Nguồn: https://xuanbichvietnam.net

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng