Các Phúc Âm giúp tôi sống

Được học Phúc Âm từ thuở bé, đi xem lễ hàng tuần được nghe Phúc Âm, các bài Phúc Âm đã để lại gì trong lòng tôi, tôi đã đem áp dụng như thế nào trong cuộc đời. Với tôi nổi trội hơn hết là năm bài học:

– Kiên nhẫn – tha thứ

– Dung thứ

– Biết ơn

– Nguy hiểm gây nên bởi của cải

– Làm chủ

1- Kiên nhẫn

“Vậy ông có muốn chúng tôi nhặt ngay đi không?” Ông nói: “Không! Lỡ khi nhặt cỏ lùng, các anh lại nhổ lúa cả rễ một thể. Hãy cứ để chúng mọc lên cả hai cho đến mùa gặt. Vào buổi gặt hái, tôi sẽ bảo thợ gặt: “Các anh hãy nhặt cỏ lùng trước, bó lại thành bó để thiêu đi; còn lúa, các anh hãy thu vào lẫm của tôi” (Mt 13, 24-43).

Rất nhiều lần tôi chỉ muốn vạch người anh em ngay lập tức, nhưng nhớ lại dụ ngôn này, tôi kiên nhẫn chờ. Chờ lâu cũng làm mình quên đi mục đích vạch ban đầu, rồi thì dần dần cũng tha thứ được. Với lại khi chưa rõ manh ý của người anh em thì cũng không thể vạch lỗi được, và đến khi cỏ lùng mọc lên cao rồi thì cơn giận ban đầu đã nguội, thêm nữa lúc đó cỏ lùng sẽ tự loại, tôi chẳng phải tốn công.

Và tôi đã được Chúa tha rất nhiều, tội tôi làm không ai biết, không ai vạch, tội của người, họ vừa manh nha là tôi biết ngay, quy kết ngay, nên khi gặp trường hợp này, tôi nhớ đến dụ ngôn cỏ lùng, dụ ngôn giúp tôi thoát hiểm trong nhiều trường hợp!

2- Dung thứ:

Nhà vua vừa tính sổ, thì người ta điệu đến một người nợ một vạn nén vàng. Y không có gì để trả nên vua ra lịnh bán y và vợ con sản nghiệp thay thảy để trả nợ. Vậy người bầy tôi phục xuống đất bái lạy: “Xin Ngài khoan hồng cho, thần sẽ trả hết”. Vua chạnh lòng thương, thả về và tha nợ. Đi ra, ông ấy gặp một người bạn đồng liêu mắc nợ một trăm đồng, y liền bóp cổ chận họng: “Nợ đâu, trả đây!” Người bạn nài xin: “Xin ông khoan hồng cho, tôi sẽ trả!”. Nhưng y không chịu, lại đi bỏ tù cho đến khi trả nợ xong. Các bạn của họ thấy vậy đến trình với vua, vua cho triệu y đến: “Tôi tớ bất lương, ta đã tha bổng cho ngươi, chỉ vì ngươi đã nài xin ta! Há ngươi không thương xót bạn đồng liêu sao, như chính ta đã thương xót ngươi? Thịnh nộ, vua giao y cho lý hình cho đến khi nào y trả xong nợ. Cũng vậy Cha Ta, Đấng ngự trên trời, sẽ xử với các ngươi, nếu các ngươi mỗi người không thật lòng tha cho anh em mình” (Lc 16, 20).

Dụ ngôn này là dụ ngôn tôi suy nghĩ và áp dụng mỗi ngày, trong gia đình, ở nơi làm việc. Đời người không ai là không có thảm kịch, thảm kịch tày trời nào rồi cũng vượt thoát, nếu không vượt thoát thì đâu còn ngồi đây! Vượt thoát xong, hú vía, tự nhủ lòng sẽ tu tỉnh, sẽ đền tạ nhưng rồi bất cứ hành động nhỏ nhặt nào của người anh em là tôi nổi giận, chỉ muốn phản ứng ngay lập tức.

Dụ ngôn này là phút hồi tâm của tôi mỗi ngày. Tôi nợ Chúa từ sức khỏe, của cải, gia đình nhưng ai mắc nợ tôi điều gì, tôi muốn họ phải trả ngay, đền ngay, lắm khi tôi hành động mà quên sờ gáy.

3- Nguy hiểm gây nên bởi của cải

Ngươi biết các giới răn: Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, hãy thảo kính cha mẹ ngươi”. Người ấy nói: “Mọi điều đó tôi đã giữ từ thuở bé”. Nghe vậy Đức Giêsu bảo người ấy: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều: “Ngươi hãy bán tất cả những gì ngươi có mà phân phát cho kẻ khó, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, đoạn hãy đến theo Ta”. Nghe thế, người ấy rất đỗi buồn rầu, vì giàu có quá đỗi (Mt 19, 21).

Với tôi, đây là nét lãng mạn nhất của Phúc Âm và thường những gì lãng mạn nhất thì khó thực hiện nhất, làm cho đến cùng, sống tận cùng cái lãng mạn của mình là điều không phải dễ. Chỉ có những thánh lớn, những người biết mục đích đời mình là gì mới có thể thực hiện được. Ai cũng mơ có một ngày mình sẽ thanh thản bán hết, buông hết, vui sống một đời phục vụ nhưng biết đến bao giờ giấc mơ đẹp này mới được thực hịên.

Đọc đoạn Phúc Âm này làm tôi liên tưởng đến đoạn bông huệ ngoài đồng mặc áo đẹp nhất, chim sẽ trên trời không thiếu thức ăn nhưng tôi vẫn sợ cái ngày hoạn nạn đến cho gia đình, ai lo thuốc men, ai lo cơm áo. Sợ như thế tôi quên đi người anh em bên cạnh đang thiếu cơm áo thật, đang đau đớn vì bệnh tật.

Vì thế, với tôi, quá là lãng mạn để bỏ hết mà theo Chúa.

4- Biết ơn

Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đến gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”  Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Đang khi đi thì họ đã được sạch. Một người trong họ, thấy được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh sấp mình dưới chân Đức Giêsu tạ ơn. Anh lại là người Samari. Đức Giêsu nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,  11-19).

Lòng biết ơn là một cái gì rất khó hiểu. Khi thọ ơn ai, ngay lập tức mình muốn suốt đời phục vụ họ cũng không xứng. Nhưng một thời gian sau thì quên mong muốn này.

Sách vở đã phân tích rất nhiều về chuyện này, nhìn dưới nhiều khía cạnh vì sao con người không biết ơn cho đủ, nhất là biết ơn cha mẹ. Có một cái gì mình không thể nào tha thứ được, để không thể nào biết ơn…và vì không biết ơn nên khó làm chủ được đời mình!

5- Làm chủ

– Người phụ nữ thống hối và biết ơn: Có người Biệt Phái kia mời Ngài tới dùng bữa với mình. Ngài vào nhà người Biệt phái, và lên giường ăn. Và này: một phụ nữ, một người tội lỗi trong châu thành. Biết Ngài dùng bữa tại nhà người Biệt Phái, bà xách theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Đứng phía sau chân Ngài, bà khóc nức nỡ, sa nước mắt ướt đẫm chân Ngài. Xõa tóc trên đầu, bà cố lau sạch. Và tha thiết hôn chân Ngài và xức dầu thơm (Lc 7 26-).

– Người phụ nữ bị băng huyết: Có một phụ nữ bị mất máu từ mười hai năm, gia tư bao nhiêu cúng cho các thầy thuốc, mà không ai có tài chữa nổi, bà tiến lại đàng sau, mà rờ tua áo choàng của Ngài; và lập tức máu chảy đã cầm lại. Và Đức Giêsu nói: “Ai rờ đến Ta?” Ai nấy đều chối cả, Phêrô mới nói: “Thưa Thầy, dân chúng dồn dập lại chen phải Thầy đó!” Nhưng Đức Giêsu nói: “Có kẻ rờ đến Ta, vì Ta biết có sức nhiệm từ trong Ta đã xuất ra”. Thấy mình không ẩn trốn được, người phụ nữ run rẩy đến sấp mình lạy Ngài, thú ra trước mặt toàn dân vì lý do gì mình đã rờ đến Ngài, và làm sao lập tức mình đã được lành. Còn Ngài thì nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con, hãy đi bằng yên!” (Lc 8, 43-44).

– Người Samari nhân hậu: Một người Samari nọ, nhân đi qua đường, cũng đến nơi ấy, thấy thế thì chạnh lòng thương, tiến lại mà ràng buộc thương tích người ấy, sau khi đã đổ dầu và rượu; đoạn vực người ấy lên lừa của mình mà đưa đến quán trọ, và săn sóc người ấy. Sáng hôm sau, rút hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo: “Ông hãy săn sóc người ấy, và phải tiêu pha gì thêm, thì chính tôi, vòng về, tôi sẽ trả ông” (Ga 4, 7-31).

– Người mù thành Giêricô: Ngài đã đến gần Giêricô; có người mù nọ đang ngồi ăn xin ở vệ đàng. Nghe có đông người đi ngang qua, anh dò hỏi biết Giêsu Nazaret đang đi ngang qua. Và anh la lên: “Giêsu, con Đavit, xin thương xót tôi!” Những kẻ đi trước quát bảo anh im đi, nhưng anh càng kêu hơn nữa: “Lạy Con Đavit, xin thương xót tôi!” Dừng lại, Đức Giêsu truyền dẫn anh đến với Ngài. Anh lại gần, thì Ngài hỏi: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” Anh đáp lại: “Lạy Ngài, xin cho tôi thấy được!” Đức Giêsu bảo anh: “Ngươi hãy được thấy, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Và tức thì anh đã thấy được, và anh đi theo Ngài mà tôn vinh Thiên Chúa (Lc 18, 35-43).

– Người cha nhân hậu: “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bây giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con dê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay đã tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng (Lc 15, 11-32).

– Phục vụ trong khiêm tốn: Có ai trong các con có người đầy tớ cày ruộng hay chăn cừu, khi người đầy tớ đi làm về lại nói: “Mau lại đây ngồi xuống ăn cơm”. Họ sẽ nói: “Xắn áo lên, dọn bàn cho ta ăn tối, rồi hẵn ăn uống sau”.  Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ, vì nó đã làm theo lịnh mình? Các con cũng vậy, khi đã làm mọi điều truyền dạy cho các con rồi, hãy nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, không làm gì hơn là phận sự phải làm” (Lc 17, 7-10).

Với tôi, bài học lớn nhất rút ra từ Phúc Âm là tinh thần làm chủ, là chủ động trong các công việc của mình. Từ các phép lạ chữa lành, người bệnh đến xin Chúa Giêsu chữa bệnh, không ngồi buông tay, đến dụ ngôn người cha nhân hậu, người cha chủ động đón con vào lòng, lấy áo đẹp cho con mặc, tổ chức tiệc mừng con, không chờ con phải van xin và cuối cùng là người đầy tớ vui vẻ phục vụ.

Vui vẻ phục vụ giúp mình đỡ bị hẫng trong cuộc sống. Đằng nào mình cũng không đổi được số phận, bằng chi vui vẻ làm để còn vui vẻ sống.

Thêm một lần nữa, thái độ này cũng là một thái độ mang tính lãng mạn. Nghèo nhưng vui.

Ai làm chủ đều lo lắng cho công việc của mình, đều vui vẻ tiếp khách, đều làm việc không than van, không hề nệ nhọc. Người chủ nào cũng muốn có nhân viên có tinh thần làm chủ. Không có tinh thần này, các nhân viên sẽ nệ hà, sẽ cành nanh, sẽ…sinh ra lắm chuyện nhức đầu với nhau. Vì thế sống trong xã hội phải có luật, có khuôn thước, dĩ nhiên chuyện gì cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực; luật và khuôn thước sẽ có nguy cơ làm giảm đi tính sáng tạo. Có tinh thần làm chủ là có tinh thần trách nhiệm cao, mở cho con người nhiều đường đi thoáng rộng và sẽ giúp sống vui vẻ.

Nhưng để có thái độ làm chủ thì không phải dễ. Triết gia Épictète thời cổ đại phân biệt cái gì thuộc về mình, cái gì không thuộc về mình. Cái gì thuộc về mình là những gì của riêng mình: ý kiến, ước muốn, khuynh hướng, thương ghét…; cái gì không thuộc về mình là sức khỏe, của cải, danh vọng…Nếu mình lệ thuộc vào những gì không thuộc về mình thì mình sẽ không có tinh thần làm chủ, vì mình đã để những gì không thuộc về mình làm chủ mình!

Phải đọc Phúc Âm, phải thấm nhuần tinh thần Phúc Âm mới có tinh thần làm chủ sao? Tôi không biết, nhưng riêng tôi, nếu tôi không được đọc, không miệt mài suy nghĩ về những câu chuyện này thì tôi sẽ sống vô tư, ai sao mình vậy!

Làm chủ, một trách nhiệm nặng nề nhưng giúp tôi vui sống, giúp tôi tiết chế được nhiều tật xấu như tị nạnh, kể công, lười biếng…

Bởi vì, đến một lúc nào đó trên đường đời khi phải lo sinh kế, lo đối đầu với gia đình cha mẹ hai bên, chồng con, đồng nghiệp, bạn bè… thảy thảy đều là những cuộc chiến to có, nhỏ có, vui có, buồn có mà về lâu về dài nó làm cho mình mỏi mệt không thiết sống, cọng thêm một tinh thần nô lệ nữa thì làm sao mà sống!

Không có cái dại nào lớn hơn cái dại này, vì thế, trong mọi trạng huống, tôi quyết định tôi phải làm chủ cuộc sống.

Để trước hết cứu tôi.

Và Phúc Âm đã cứu tôi như thế đấy!

Marta An Nguyễn

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Năm tuần IX Thường niên: Giới răn trọng nhất...

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng