Ngồi trên ban công của nhà Dòng, tôi bất giác nhìn ra những giọt mưa đang nhẹ buông giữa buổi chiều buồn ảm đạm. Mưa rơi ngoài trời hay trong lòng tôi mà làm cho lòng tôi ướt sũng khi hình ảnh của người mẹ đang tảo tần hôm sớm nơi quê nhà ùa về bất tận. Gió cuộn từ nơi đâu làm cho bao ký ức về gia đình từ đó lũ lượt kéo nhau về. Tổ ấm, tiếng gọi thân thương mà bất kì ai sinh ra trong cuộc đời đều mong được ủ ấp trong đó.
Không chỉ đơn thuần khi ta có một mái nhà thật to và vài ba con người sống chung trong đó chưa chắc là tổ ấm. Vậy mà chỉ là một mái tranh nghèo thôi nhưng lại được sưởi ấm bằng tình cảm vợ chồng thiêng liêng và tình yêu thương, chăm sóc lại trở nên một tổ ấm mà bất kì ai đã ở đều không muốn rời xa.
Tôi vẫn còn nhớ như in những tháng ngày mình còn sống ở quê. Căn nhà chỉ có khoảng 50m2 cho năm người sống. Ba tôi là một tài xế lái xe. Mẹ tôi là một phụ nữ tảo tần với gánh hàng ăn để lo cho ba miệng ăn còn đang trong tuổi chơi, tuổi học. Cuộc sống cứ thể trôi qua, gia đình tôi cũng phải chật vật để kiếm từng đồng. Vào một ngày nắng đẹp hơn mọi ngày, tôi chẳng biết lý do tại sao ba tôi lại dọn dẹp khu bếp nơi mẹ vẫn hằng ngày nấu nướng cho gánh hàng của mình. Cuộc sống nhà tôi tuy nghèo xen lẫn vất vả nhưng tình yêu của ba và mẹ dành cho anh chị em chúng tôi luôn tràn trề, chan chứa. Hôm ấy, ba tôi làm một bữa cơm thịnh soạn với 5 con cá mú chiên giòn cùng với một chén nước mắm tỏi ớt. Bên cạnh đó, ba tôi cũng bày thêm một dĩa rau muống luộc và một tô nước luộc rau với chanh. Một bữa cơm thịnh soạn được bày lên bàn và nhẹ nhàng đậy lồng bàn lại. Tôi nào biết rằng đó là bữa cơm cuối cùng mà ba tôi dành tặng cho cả nhà.
8 giờ tối, chị gái tôi gọi điện về, bên đầu dây bên kia tôi chỉ nghe được một câu: “Nhà lo dọn dẹp, ba chết rồi”. Xung quanh tôi như tối sầm lại và dường như tai tôi hóa rè ra với những điều vừa đón nhận. Kể từ sau khi ba tôi đi, tôi vẫn dùng chính chiếc chăn mà ba tôi dùng lúc còn sống để giữ ấm cho mình như thể muốn níu kéo chút hơi ấm của một bàn tay mạnh mẽ vừa đi qua trên cuộc đời mình.
Khoảng thời gian sau đó tôi sống cùng với mẹ. Anh trai của tôi lại tiếp tục lên đường để hoàn tất chương trình nghĩa vụ quân sự. Chị gái tôi thì lên Sài Gòn học. Tôi ở lại quê vừa đi học mà cũng vừa chia sẻ cuộc sống cùng mẹ. Dường như, mọi vất vả, khó khăn với tôi trong khoảng thời gian đó lại trở nên những nấc thang để tôi sống mạnh mẽ hơn. Hồi đó, tôi dành dùm hết số tiền lì xì của mình để nói mẹ dẫn tôi đi mua một chiếc nhẫn vàng có khắc hình Thánh Giá. Tôi giữ chiếc nhẫn như vật bất ly thân và coi nó như là vật báu. Khoảng một năm sau đó, gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn kinh tế khiến mẹ tôi không còn đủ vốn để có thể tiếp tục kinh doanh gánh hàng ăn của mình. Mỗi buổi sáng khi đi học, tôi thấy mẹ nằm co ro trên giường, có vẻ như việc ngồi dậy để nghĩ xem ăn sáng món gì lúc ấy là một điều xa xỉ. Trưa đi học về, tôi còn trong túi áo đúng 20.000đ. Tôi dùng số tiền đó mua một hộp cơm 18.000đ và để dành 2.000đ còn lại mà trả tiền gởi xe khi đi học. Tôi mang hộp cơm về nhà, tôi và mẹ cùng chia nhau một hộp cơm. Tôi cố tình nhường cho mẹ miếng thịt to nhất vì tôi còn trẻ và còn khỏe. Mẹ thấy thế liền nhường lại cho tôi. Hai mẹ con chẳng ai nói ai lời nào, nhìn nhau rồi nước mắt đã rơi tự bao giờ.
Trong lúc túng bấn lúc ấy, tôi chẳng biết làm gì khác ngoài việc hằng ngày chạy lên nhà thờ để cầu nguyện xin Chúa thương giúp đỡ gia đình mình. Đang vật lộn với những đau khổ và dằn vặt về nỗi bất lực của bản thân, tôi bất chợt nhìn xuống tay mình và phát hiện ra mình vẫn còn đeo chiếc nhẫn vàng đã làm phép. Tôi đeo chiếc nhẫn ấy với lời nhắc nhở rằng mình dành cuộc đời này cho Chúa theo con đường dâng hiến. Bất ngờ, tôi nghĩ rằng mình sẽ bán chiếc nhẫn đi để đưa cho mẹ. Con tim nói rằng bán nhưng cái đầu lại bảo không. Con tim nó nói bán đi để có tiền lo cho gia đình, còn cái đầu lại bảo nhẫn làm phép rồi bán đi không phải lẽ cho lắm. Trở về nhà, tôi thấy mẹ vẫn đang ủ rũ ngồi nhìn ra cửa sổ với đôi mắt buồn với cuộc đời lênh đênh, mà gia đình tôi đang phải cố gắng chèo chống.
Chiều đã buông và mọi người đã trở về sau một ngày dài làm việc, tôi nghe đâu đó những tiếng cười đùa từ những mái nhà xung quanh. Xa xa, tôi nghe những tiếng leng keng của chén đũa của nhà nào đó đang dùng cơm tối. Chợt nhận ra mình và mẹ cũng chưa có gì lót dạ chiều nay. Tôi liền theo phản xạ cho tay vào túi thì một sự thật phũ phàng rằng trong đó chỉ là hư không.
Cuối cùng, tôi mang chiếc nhẫn của mình đến tiệm và bán nó. Tối đó, tôi và mẹ cũng vẫn cùng nhau ăn chung một hộp cơm. Khi chuẩn bị đi ngủ, tôi choàng tay ôm mẹ và nói: “Mẹ! Mẹ cầm tiền để mai ăn uống rồi bán hàng nè”. Mẹ tôi ngạc nhiên lắm vì chẳng biết tiền ở đâu ra, nhưng tôi hiểu cảm giác đó của mẹ. Tôi liền trấn an: “Mẹ yên tâm! Tiền con bán chiếc nhẫn đó”.
Vất vả vẫn còn đó, tôi vẫn sống trong ngôi nhà đó với người mẹ tảo tần khuya sớm với nồi bún bò. Chiếc nhẫn đã làm được điều kỳ diệu đó là mang lại cho mẹ tôi một tia hy vọng trong hành trình dài phía trước của hai mẹ con. Phải mất gần 5 năm sau, anh trai và chị gái của tôi mới ổn định công việc. Gia đình tôi bắt đầu sang trang mới từ đấy.
Vâng, khi nói về tổ ấm, người ta thường nói về những hạnh phúc, những yêu thương và những thành công. Đằng này tôi lại đi nói về sự đau khổ và vất vả. Tổ ấm với tôi nó không chỉ là gia đình nhưng nó còn là hơi ấm của tình yêu xen lẫn hy sinh. Tổ ấm là một điều rất thiêng liêng với tôi vì nó mang lại cho tôi một con tim biết rung những nhịp đập thổn thức nỗi đau của người gần bên tôi. Tổ ấm vừa là cái nôi dạy tôi làm người nhưng cũng là lớp học vỡ lòng hướng dẫn tôi biết yêu. Tổ ấm trong tôi không chỉ ấm khi êm ả nhưng nó vẫn luôn ấm trong những khi bão giông.
Hôm nay, khi ngồi viết ra những dòng tâm sự này, tôi đã trở thành một tu sĩ Dòng Tên trẻ với biết bao hoài bão, với ước ao dâng cuộc đời cho những sứ mạng phía trước. Trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống, tôi hiểu rằng tổ ấm là nơi tôi trở về để sống lại những yêu thương ngay cả trong giông tố. Xin cho những ai đang có tổ ấm luôn biết trân quý những gì mình có. Vì yêu thương mới làm nên một tổ ấm thực sự.