Sống căn tính đời Tu

Hành trình dâng hiến không luôn là một hành trình dễ dàng. Thật vậy, để có thể trở nên một người môn đệ đích thực bước theo Đức Kitô, người tu sĩ phải luôn nhạy bén nhận diện những thách đố hầu có thể vượt thắng. Những thách đố ấy có thể đến từ chính trong bản thân mỗi người, nơi cộng đoàn mà người tu sĩ thuộc về và cũng là những thách đố mà xã hội ngày nay đặt ra. Bài viết dưới đây là những suy tư cá nhân xoay quanh chủ đề trên.

 1. Những giới hạn của cá nhân và cộng đoàn

Một trong những thách đố đặt ra cho không ít Hội Dòng hiện nay chính là sự “già hóa” trong các thành viên. Qủa vậy, do ảnh hưởng của môi trường xã hội và những yếu tố khách quan lẫn chủ quan làm cho các mầm non ơn gọi đang ngày càng giảm sút, trong khi đó các tu sĩ sống trong các Hội Dòng mỗi ngày trở nên lớn tuổi. Chính vì thế, trong không ít Hội Dòng có thực trạng một số thành viên phải đáp ứng nhu cầu công việc cách quá tải; kiêm nhiệm quá nhiều công việc. Điều này dễ khiến người tu sĩ bị cuốn hút theo công việc hay sứ vụ mà quên đi chiều kích thiêng liêng của đời tu.

 Ngoài ra, sống trong xã hội ngày nay không ít các người trẻ hẳn đã ít nhiều lĩnh hội một lối giáo dục và tư duy mang nặng tính chất giải thiêng, tục hóa và thực dụng. Nhiều tu sĩ thường chỉ đánh giá con người và các thực tại theo vẻ bên ngoài hoặc thành quả công việc mà bỏ quên mất rằng để có thể có một nhận định khách quan và đúng đắn về một con người phải dựa trên rất nhiều yếu tố.

 Yếu tố môi trường xã hội và thực tế trong đời tu thực sự là một thách đố lớn với các nhà đào tạo. Đôi khi vì muốn chạy đua với thời gian, không ít người trẻ được chọn gọi cách thiếu cân xứng, chưa lĩnh hội một nền tảng đào tạo vững chắc. Thậm chí không ít các ứng viên chưa có được sự được đồng hành cách nghiêm túc và xứng hợp từ những người có trách nhiệm trong suốt quá trình đào tạo. Điều này gây nên một lỗ hổng khá lớn cho sự phát triển và triển nở tròn đầy của các ứng viên nói riêng và sự phát triển bền vững của Hội dòng nói chung.

 Một thách đố khác đặt ra cho các Hội Dòng rất có thể là khả năng hy sinh và đáp trả. Thật vậy, khả năng sống hy sinh và tiết độ không cao sẽ là một trở ngại rất lớn cho sự phát triển tròn đầy và khả năng đáp trả của người tu sĩ. Lối sống tiết độ đã được thực hành và đón nhận trong Hội Thánh. Đây là một trong những đòi hỏi đối với người tu sĩ. Tuy vậy, ngày nay người trẻ sợ sống khổ chế và ngại nói đến khổ chế vì dễ bị coi “lạc hậu”. Lối sống này với nhiều người có vẻ quá xa lạ và bất khả thi. Khả năng đáp trả không cao sẽ dẫn đến sự phai nhạt theo tháng năm; mất đi tình yêu mến nhiệt thành thuở ban đầu. Ngọn lửa mến trong người tu sĩ kém nồng nàn thậm chí đôi khi tắt lịm trước Thiên Chúa và tha nhân.

 2. Những bận tâm với giá trị thế trần

Dường như có một tỷ lệ nghịch trong đời sống con người ngày nay. Khi đời sống vật chất càng tiện nghi đủ đầy thì con người càng xa lánh và chạy trốn Thiên Chúa; muốn thoát khỏi những giá trị thiêng thánh. Một tâm thế quá dính bén và bận tâm với trần thế và của cải vật chất khiến người tu sĩ dần mất đi cảm thức thánh thiêng về Thiên Chúa. Hệ quả là nơi người tu sĩ dần mất đi lòng nhiệt thành và dấn thân để đáp trả trước tiếng gọi của Thiên Chúa.

 Não trạng này đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến các mầm non ơn gọi và chính ngay các tu sĩ đã tuyên khấn. Họ dần đánh mất thao thức tông đồ và tinh thần thừa sai. Chỉ muốn tìm an toàn trong vỏ ốc của chính mình. Mất đi những sáng kiến và lòng hăng hái cho sứ vụ. Thật vậy, thế giới vật chất quá hấp dẫn và lôi cuốn ngày nay phần nào khiến người tu sĩ có cái nhìn không còn đậm ánh nhìn của Giêsu. Thay thế những giá trị Tin Mừng bằng những giá trị thế trần thực dụng. Một khi quá dính bén với vật chất, con tim người tu sĩ không còn thổn thức trước những người cần sự giúp đỡ và hiện diện của mình. Những yếu tố này cũng sẽ được mang vào và thể hiện làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống hiệp thông huynh đệ đích thực trong cộng đoàn.

Yếu tố tình-tiền-quyền nơi một số ít các tu sĩ ngày nay cũng làm giảm bớt uy tín của chính họ, làm đời tu và đời sống luân lý không theo những giá trị của Tin Mừng nữa.

 “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên không thể đánh giá chung hết được những hậu quả mà những thực trạng ấy ảnh hưởng đến người tu sĩ. Một điều quan trọng là người tu sĩ cần luôn luôn tái định hướng, theo sát triệt để giá trị Tin mừng và căn tính đời tu cũng như đặc sủng Hội Dòng để đời tu không biến chất nhưng luôn vững vàng và thăng hoa trước những tác động của môi trường xã hội.

3. Bước theo Đức Kitô cách đặc biệt

Thiên Chúa luôn kêu gọi người tu sĩ dấn thân cách trọn vẹn cho ơn gọi và sứ mạng. Người tu sĩ là những người đã được thánh hiến cách đặc biệt và sai đến trong thế gian. Thật vậy, người tu sĩ phải sống sao cho đời thánh hiến của họ phải nên họa ảnh sống động cho Đức Kitô giữa lòng thế giới hôm nay. “Trong truyền thống Giáo Hội, việc tuyên khấn tu trì được coi như việc đào sâu độc đáo và phong phú sự thánh hiến đã lãnh nhận trong bí tích thánh tẩy ; nhờ việc tuyên khấn ấy, sự kết hiệp thâm sâu với Đức Kitô đã khai mào trong bí tích rửa tội được phát triển thành hồng ân trở nên đồng hình đồng dạng với Người một cách rõ rệt và trọn vẹn hơn bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm” (Thánh GH Gioan Phaolô II, Tông huấn đời sống thánh hiến- Vita consecrata, số 30).

Như các tông đồ xưa, người tu sĩ là những người được Chúa tuyển chọn, quy tụ và dành riêng cho một sứ vụ. Khởi đầu là một tiếng gọi; dần lớn lên trong cộng đoàn và được xác nhận bằng cam kết giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và người tu sĩ trong lời tuyên khấn. Sống hiệp thông và dấn thân cho sứ vụ để làm vinh danh Thiên Chúa và mang lại ơn cứu độ cho tha nhân là một cách diễn tả hữu hình và bền vững cho sự lựa chọn và liên kết của người tu sĩ với Đức Kitô. Thật vậy, chính Đức Kitô sẽ hiện diện và ân sủng của Thánh Thần sẽ được tuôn đổ tràn đầy nơi cộng đoàn quy tụ và hiệp nhất với nhau. Đó chính là biểu hiện cho sự toàn hiến và thuộc trọn về Đức Kitô của mỗi thành viên trong cộng đoàn.

 4. Cam kết sống cho Chúa và những giá trị Tin mừng

Đời sống thánh hiến là một đời sống bước theo Đức Kitô “Sequela Christi”. Đời sống ấy được thể hiện qua việc sống theo ngài trong đời sống giản đơn, thanh bần và vâng phục. Thật vậy, qua việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, người tu sĩ được mời gọi theo Đức Kitô cách sát sao hơn và cam kết trọn vẹn sống cho Chúa và tha nhân. Nhờ đó, người tu sĩ sống những giá trị của đời sống vĩnh cửu ngay trong cuộc sống hôm nay.

 Khi triệt để tuân giữ ba lời khấn phúc âm, người tu sĩ đã nói lên niềm xác tín chọn chính Chúa làm gia nghiệp duy nhất. Qua tiếng xin vâng, người tu sĩ đã dâng hiến trót cuộc đời mình cho Đức Kitô. Đó là một sự dâng hiến toàn diện và đó cũng chính là điều cần duy nhất mà người tu sĩ phải luôn xác tín: kiếm tìm Ngài trên hết tất cả các giá trị khác. Qua lời tuyên khấn, người tu sĩ quyết tâm sống cho một sự lựa chọn dứt khoát trong cả cuộc đời: chỉ sống cho Thiên Chúa và những giá trị của Tin mừng.

 Tuy nhiên, một nguy cơ là người tu sĩ có thể có ngộ nhận rằng việc chọn Chúa và những công việc của Chúa chỉ là một. Thật ra, đời sống dâng hiến hệ tại ở việc chọn Chúa chứ không phải là công việc của Chúa. Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã từng nói: “Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Những gì con đã làm và tiếp tục làm như kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở mang các thí điểm truyền giáo... tất cả những công tác ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa! Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài. Chúa có thể làm tốt hơn con muôn nghìn lần; Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!”. Ngài chia sẻ thêm: chính niềm xác tín này giúp tôi có một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi một sự bình an mà thế gian không cho được (x. ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, 5 Chiếc Bánh Và 2 Con Cá- Chiếc Bánh Thứ Hai- Phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa).

 5. Lòng trung thành trong ơn gọi thánh hiến

Khi tuyên khấn lời khấn vĩnh thệ, người tu sĩ cam kết trung thành cho đến chết, cho dù hoàn cảnh cuộc sống ơn gọi có thế nào đi nữa.

 Sự kiên trì là điều kiện để tín trung cho đến cùng. Để luôn tín trung trong đời sống và sứ vụ, người tu sĩ phải biết can đảm đón nhận sự khốn khó; can đảm bước theo con đường thập giá của Đức Kitô. Dù không ít thách đố nhưng người tu sĩ cần luôn xác tín với lời hứa của Chúa. “Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16, 10); và “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10, 13). Còn thư Hípri trình bày: “Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt” (Hr 10, 23-24).

Mục đích và ý nghĩa đời sống và sứ vụ của người tu sĩ là phụng sự Chúa và cứu rỗi các linh hồn, nên mỗi tu sĩ cần phải đặt căn tính đời tu của mình nơi Chúa Kitô; sáng tạo và uyển chuyển cho thích nghi với các thực tại của thế giới hôm nay để nên thánh và nhằm phục vụ hữu hiệu và trung thành sứ mạng của Giáo Hội qua sứ mạng của Hội Dòng.

 Để có thể vượt thắng những thách đố ngày hôm nay và triển nở trong ơn gọi, thiết nghĩ, người tu sĩ cần phải ý thức luôn canh tân bản thân cách toàn diện, hòa hợp những nét độc đáo của bản thân đồng thời hòa hợp trong tổng thể Hội Dòng. Mỗi người tu sĩ cần luôn xác tín và tập sống trưởng thành qua từng lời đáp trả trong mỗi gian đoạn theo nền tảng Phúc âm và với sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, cũng cần sống với các thực tại của thế giới hôm nay nhưng luôn bén rễ và gắn bó sâu trong các giá trị: luôn trung thành với Chúa Kitô và Phúc Âm; trung thành với Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội; trung thành với đặc sủng và sứ mạng của Hội Dòng, qua các dấu chỉ  được Chúa Thánh Thần khơi gợi và thúc đẩy (x. Linh mục Micae-Phaolô Trần Minh Huy, Đào tạo trưởng thành nhân bản Kitô giáo và đời tu, lưu hành nội bộ, 2016, trang 50-63).

 Cùng với mẹ Hội Thánh, người tu sĩ cần phải khiêm tốn và luôn kiên định cầu nguyện cho ơn trung thành và sử dụng mọi trợ giúp siêu nhiên cũng như tự nhiên để có được sự trung thành trong suốt cuộc đời dâng hiến. Ước mong người tu sĩ luôn biết khẩn xin ơn Thánh Thần để được luôn tín trung suốt đời, cho đến cùng, với Chúa, với Giáo Hội, với Hội dòng, với anh/ chị em, trong việc thực thi cách khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu ba lời khuyên Phúc Âm Vâng Lời- Khó Nghèo và Khiết Tịnh mà mỗi người đã tuyên khấn.

***

Ước mong sao mỗi người tu sĩ luôn xác tín và sống triệt để các lời khuyên Phúc âm bằng việc gắn bó đời sống của mình với chỉ Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, hiệp nhất với Chúa Kitô; sống các giá trị Tin mừng và trong tình huynh đệ chân thành hiệp nhất của cộng đoàn; luôn tích cực hoán cải và biến đổi và trung thành với căn tính và sứ vụ mà mình đã cam kết chọn lựa. Nhờ đó, người tu sĩ sẽ vượt thắng những thách đố và luôn vui sống hân hoan và trọn vẹn căn tính đời tu. 

 

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 20/4: Thánh Anê Môntepuxiano (1268-1317)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng