Người Phụ Nữ tội lỗi và ba lời khấn

Đổ hết cuộc đời vào chân Chúa (vào chân Chúa, chứ không đổ lên đầu !) Lời khấn của chúng ta là như vậy, dù tạm hay trọn. Tạm hay trọn là pháp lý thôi, là những cột mốc mang tính huấn luyện hay sư phạm, vì chúng ta chỉ có thể lớn lên từ từ trong Dòng và trong Chúa. Nhưng, tương quan của chúng ta với Chúa, cam kết của chúng ta với Chúa phải là trước sau như một và mãi mãi.

Vì tình yêu của Chúa dành cho từng người chúng ta là trọn vẹn và mãi mãi. Giống như người cha nhân hậu, Chúa nói với chúng ta: “Tất cả của cha là của con”, Ngài chờ đợi chúng ta nói với Ngài trong tự do : “tất cả của con là của Cha”. Qua ba lời khấn, chúng ta thực sự đổ hết cuộc đời của chúng ta vào chân Chúa.

  • Có điều gì gắn liền máu thịt với chúng ta hơn là cái thú sở hữu (cả xã hội sống bằng động lực sở hữu ; không cần phải có nhiều kinh nghiệm cuộc đời để nhận ra điều này : tiền bạc, máy móc, xe cộ, nhà cửa, phương tiện các loại từ rất bé đến rất lớn…). Vậy mà qua lời khấn khó nghèo, chúng ta từ bỏ quyền sở hữu. Trong đời tu chúng ta được sử dụng nhiều điều, nhưng chúng ta sử dụng vì mục đích phục vụ và nhất là chúng ta không làm chủ.
  • Có điều gì gắn liền với thân phận con người chúng ta hơn là phái tính : đó là sức mạnh tự nhiên của thân xác (mạnh đến độ, tự mình không thể khuất phục được ; mạnh đến độ nó tự tìm cách trồi hiện lên ngang qua những biểu hiện rất tinh vi), và nhất là ơn gọi cao quí làm mẹ, làm cha. Thế mà, qua lời khấn khiết tịnh chúng ta hi sinh vì Chúa.
  • Có điều gì gắn liền với chính chúng ta hơn là ý muốn riêng của mình : mình học điều này điều kia, mình muốn đi chỗ này chỗ kia, mình ở chỗ này chỗ kia, mình muốn làm việc này việc kia… làm điều mình muốn, mình mới là chính mình. Vậy mà qua lời khấn vâng phục, chúng ta từ bỏ ý muốn riêng, để muốn điều Chúa muốn, muốn điều Nhà Dòng muốn. Không phải là mình dửng dưng, không còn ý muốn nữa, nhưng là muốn điều Chúa muốn. Hai ý muốn thành một.

Sự hi sinh này sẽ đi theo chúng ta suốt đời. Thách đố sống khiết tịnh, với tuổi tác rồi sẽ qua (vì còn sơ múi gì nữa đâu!) ; thách đố sở hữu, với tuổi tác rồi cũng qua (sức khỏe xuống, phát bệnh, có dùng được cái gì nữa đâu, với lại nhà Dòng cho chúng ta đầy đủ, quá đủ nữa ; nhưng điều quan trọng hơn là với sự lớn lên của đời sống thiêng liêng, mình sẽ cảm thấy tự do với của cải vật chất). Nhưng thách đố làm theo ý mình sẽ còn mãi đến hơi thở cuối cùng. Động lực nào, nếu không phải là lòng biết ơn, lòng cảm mến, vì được sinh ra, được đón nhận và được bao dung, dù là hư vô, là nhỏ bé và “tội rất nhiều”, khiến chúng ta dâng cho Chúa tất cả, khiến chúng ta « đổ vào chân Chúa tất cả », vì « tất cả là của Chúa, nay con xin dâng lại Chúa tất cả ».

Đời tu có nhiều khó khăn, thách đố, nhưng rất cao quí, rất đáng giá để cho chúng ta « đổ hết cuộc đời vào » chân Chúa. Bởi vì sống đời dâng hiến, chính là để làm chứng cho sự hiện diện và tình yêu có sức mạnh lôi cuốn con người đến như thế, và để cho Chúa làm phát sinh sự sống mới khởi đi từ “cung lòng trinh nguyên” của chúng ta, nghĩa là từ cuộc đời dành riêng và dành hết cho một mình Chúa, như Đức Maria và thánh Giuse. Và sự sống của Chúa là gấp trăm và gấp bội, giống như “năm cái bánh và hai con cá” nhỏ bé và ít ỏi, tượng trưng cho bản thân chúng ta, nhưng nếu được đặt vào tay Chúa, sẽ có khả năng sinh sôi nẩy nở và nuôi sống được nhiều người.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/12: Các thánh Anh hài. Lễ Kính

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng