Người mẹ - Đáp trả lời mời gọi nên Thánh của Thiên Chúa trong vai trò hiền mẫu

1. Những lý do mà Thiên Chúa dựng nên người nữ được Kinh Thánh ghi lạis

Ban đầu khi mới làm quen với quyển Kinh Thánh, đọc các trình thuật Sáng Tạo, con thường thắc mắc những câu hỏi cắc cớ: Tại sao khi dựng nên các tạo vật, Chúa chỉ cần phán một lời là có tất cả. Như Thánh Vịnh 33, 6 viết: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú”. Nhưng với con người sao Chúa không phán 1 câu để có hàng đoàn người như thế mà lại phải lấy bùn đất, loay hoay nhào nặn, rồi thổi hơi. Mà không phải nhào nắn hàng loại y như công nghệ khoa học bây giờ thường làm mà chỉ được có một người? Rồi khi Ađam buồn vì không thấy ai tương xứng với mình, sao Chúa lại không nặn thêm một anh nữa, để chơi chung với Ađam, mà phải làm ông ngủ, lấy xương sườn, lắp thịt vào thành một người hoàn toàn khác với Ađam về cả hình dáng lẫn tính tình?

Con không có ý chú giải thần học kinh thánh ở đây, song qua trình thuật này con muốn chia sẻ với các mẹ các chị một số lý do mà Thiên Chúa dựng nên người nữ:

– Để làm bạn với người nam: Khi nhìn vào cách thức Thiên Chúa lấy đất nặn lên con người, một kiểu nói để diễn tả Tình Yêu của Thiên Chúa ưu ái đối với con người, chính tay Ngài đã chạm vào con người khi dựng nên họ, cho thấy Thiên Chúa quan tâm đến con người biết bao, ngài quan tâm cả đến những nhu cầu và sinh hoạt của con người. Từ đó, Ngài nhận ra nỗi lòng Ađam: nỗi buồn thiếu người bầu bạn, thiếu người trợ tá tương xứng.

– Để làm cho cuộc sống của người nam nên tốt (St 2, 18). Thiên Chúa xác nhận: người nam ở một mình không tốt (nhưng như thế không có nghĩa là người nữ ở một mình thì tốt, mà ai ở một mình cũng đều không tốt cả). Không tốt là vì: dụng ý của Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Tình yêu, con người giống Thiên Chúa là con người phải biết yêu và có đối tượng để yêu. Nhưng nếu chỉ có một mình thì làm sao yêu. Thêm nữa, tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu sung mãn, cho nên Thiên Chúa dựng nên người nữ khác hẳn người nam để hai người có thể yêu nhau, nên một với nhau, hiến mình cho nhau để làm cho cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn nhờ sự tồn tại của tình yêu và nhất là từ tình yêu ấy con người có khả năng nên giống Thiên Chúa.

– Để nên một với nhau – bất khả phân ly: Thiên Chúa không lấy bùn đất dựng nên người nữ vì như thế hai người sẽ hoàn toàn không có khả năng nên một với nhau, người này đối với người kia không quan trọng lắm, có cũng được, không có cũng không sao, và nếu gặp chuyện bất bình có thể thay thế người khác ưng ý hơn. Thiên Chúa dùng chính xương thịt của AĐam dựng nên Eva cho thấy một điều: hai người là của nhau, không thể loại bỏ nhau, nếu thiếu nhau sẽ tự tìm đến nhau, vì là một xương một thịt.

– Để tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa (St 1,28) Thiên Chúa dựng nên Eva không chỉ làm bạn với Ađam mà còn có khả năng cùng với Ađam thực hiện việc truyền sinh. Vai trò người nữ rất quan trọng, người nữ trực tiếp mang nặng đẻ đau, trực tiếp bảo vệ sự sống đang hình thành và phát triển trong mình và sinh ra con người cho trái đất. Vai trò sáng tạo con người là vai trò của Thiên Chúa, nhưng được đặc cách dành cho người nữ với sự cộng tác của người nam.

– Để hình thành một gia đình để làm chủ vạn vật (St 1,28) Khi Thiên Chúa dựng nên Ađam, Ngài đặt ông vào vườn địa đàng và cho ông hưởng dùng những thứ cây nhất định (St 2, 8-17) Nhưng khi người nữ được dựng nên, Thiên Chúa yêu cầu họ sinh sôi nảy nở, để làm chủ vũ trụ. Cho nên, làm chủ vũ trụ không thể thực hiện được với chỉ một người mà cần có một cộng đồng. William Ross Wallace đã nói: “bàn tay để đẩy nôi con trẻ, là bàn tay ngự trị thế gian”. Cổ nhân ta cũng có kinh nghiệm: sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. Vâng, nếu không có những người con có đủ tư chất làm cha hay làm ông thì sao có thể xây dựng được thế giới nên tốt, mà để có những đứa con có phẩm cách tốt thì lại phải nhờ đến bàn tay đưa nôi của người mẹ.

Chính trong vai trò người mẹ, mà Thiên Chúa mời gọi các chị các mẹ nên thánh trong bậc sống gia đình, bằng cách thực hiện đầy đủ những đòi hỏi phải có nơi một người mẹ, đó là một trái tim biết yêu thương, một tâm hồn rộng mở trước Thánh Ý của Thiên Chúa, một cuộc sống biết đón nhận và biết cho đi.

2. Gương mẫu của Đức Maria.

sKhông biết các mẹ, các chị ngưỡng mộ Đức Maria ở điểm nào?

Riêng con, con ngưỡng mộ Đức Maria vì cách sống và vì những đức tính của Mẹ.

– Sự phó thác: Đức Maria luôn phó thác vào Thiên Chúa. Mẹ nhận lời đề nghị của Sứ Thần cưu mang con Thiên Chúa, dù biết rằng lời thưa “Xin vâng” là hành vi chấp nhận bước qua cánh cửa để đi vào một cuộc phiêu lưu rất nguy hiểm có thể mất mạng, có thể bị ném đá chết do luật Do Thái rất khe khắt với người phụ nữ “không chồng mà có thai”. Khi vừa sinh con, đã phải đưa con chạy trốn. Khi Đức Giêsu đi rao giảng thì có kẻ cho ông này là mát, người thì bảo ông ta là bạn của quỷ sứ, lúc thì cho là lộng ngôn phạm thượng rồi cuối cùng là đem đi giết. Mẹ đã đi cùng với Đức Giêsu qua từng chặng đường đau thương ấy, đau nỗi đau của Chúa Giêsu đã vậy, Mẹ còn đau vì xót con, vì tình mẫu tử đang giằng xé trong Mẹ và trái tim Mẹ cũng đã bao lần rướm máu như bị dao đâm. Nhưng mẹ chỉ âm thầm ghi lại để suy niệm trong lòng và tuyệt đối tin thác vào Chúa.

– Sự khiêm tốn: Đức Maria biết mình sinh ra Đấng Cứu Thế, là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ có quyền hãnh diện vì những phép lạ Con mình làm, hãnh diện vì có nhiều người đi theo nghe con mình giảng. Nhưng Mẹ vẫn giữ được lòng khiêm tốn thẳm sâu, sống cuộc sống bình dị với mọi người bên làng xóm của mình.

– Nhẫn nại chịu đựng những khó khăn: Từ khi thụ thai cho đến khi Đức Giêsu chết treo trên thập giá, Mẹ trải qua rất nhiều đau khổ. Từ trong đời sống gia đình đến bên ngoài ; khổ vì không thể giải thích với Thánh Giuse về cái thai trong bụng, sinh con và nuôi con trong nghèo khó. Con mới sinh đã phải đem chạy trốn, rồi những gièm pha dị nghị về sự khác người của con mình, cuối cùng là cái chết như một tử tội của con…Với những cay cực ấy, chắc hẳn không một bà mẹ nào có thể khổ hơn Mẹ. Nhưng Mẹ không hề than vãn, kể khổ ngay cả với người thân cận, mà luôn kiên cường trước những khổ ải ấy.

– Mẹ có những đức tính để giữ gìn một mái ấm hạnh phúc: Gia đình Thánh Gia là kiểu mẫu điển hình cho mọi gia đình. Muốn được như thế, chắc chắn Mẹ phải là một mẫu phụ nữ mang đủ những đức tính : công, dung, ngôn, hạnh, thể hiện đạo làm vợ và làm mẹ cách hoàn hảo. Mẹ luôn lắng nghe và ít lời. Mọi biến cố xảy đến, Mẹ chỉ ghi tâm và suy niệm trong lòng. Mẹ luôn thấu hiểu con mình và đây là một phương thế thành công trong việc giáo dục con cái. Điều này được chứng minh ở cách ứng xử của Mẹ khi Chúa Giêsu lên Giêrusalem lúc 12 tuổi, ở lại đền thờ mà không xin phép và tại tiệc cưới Cana.

Qua đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy Đức Maria đã có được những đức tính rất đẹp và đáng quý chứng tỏ từ thiếu thời Mẹ là một thiếu nữ được giáo dục cẩn thận, để có đủ tư chất trở thành một người vợ hiền thục đảm đang và là một người mẹ gương mẫu. Thiên Chúa đã không lầm khi chọn Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, để muôn đời khi nhắc đến Mẹ cũng phải thốt lên “Mẹ thật diễm phúc”.

3. Gương Thánh Anê Lê Thị Thành (Bà Thánh Đê)

Đây là Thánh nữ tiên khởi và cũng là bà Thánh duy nhất của Việt Nam. Trước khi trở thành vị Thánh tử đạo, bà đã là một người mẹ gương mẫu, và có lẽ đó cũng là lý do để các mẹ các chị nhận bà Thánh làm bổn mạng của mình. Theo hạnh Thánh nhân, con gái của Bà đã xác nhận: Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con, chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách tham dự Thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc giục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập hội con Đức Mẹ, và ban thiếu nữ thưa kinh ở nhà thờ.

Một người con gái khác thì nói: Song thân chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, thân mẫu thường đến thăm và khuyên bảo những lời tốt lành. Có lần Người dạy tôi: tuân theo ý chúa, con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng nhận Thánh Giá Chúa gởi cho. Hai con hãy sống hoà hợp, an vui, đừng để qi nghe chúng con cãi nhau bao giờ.

Với người ngoài, bà có lòng bác ái. Lịch sử các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã ghi nhận vì lòng bác ái này đã dẫn bà đến cái chết vì đạo. Nhưng bà luôn kiên cường trước những cực hình tra khảo, bà không hối tiếc vì mình đã làm việc lành mà chịu hậu quả như thế, bà luôn lạc quan và cho chiếc áo đẫm máu đang mặc là áo hoa hồng Chúa ban.

Mỗi người mẹ ở đây cũng được Chúa mời gọi nên Thánh trong bậc sống của mình, trong chính những môi trường chúng ta đang sống, và cả những hoàn cảnh rất riêng của mỗi người. Chúng ta học được những tấm gương sáng nơi Đức Maria, nơi bà Thánh Anê Lê Thị Thành rất gần gũi với chúng ta. Đó là những kiểu mẫu điển hình cho những người mẹ công giáo, là niềm khích lệ cho những người mẹ đừng nản lòng khi gặp gian nan, khốn khó, đừng mất niềm tin vào Chúa khi gặp bão táp cuộc đời.

Xin Chúa ban cho các mẹ các chị tìm được một phương cách nên Thánh cho riêng mình, trong chính bậc sống cũng như hoàn cảnh của mình.

bài liên quan mới nhất

Thứ Năm tuần IV Phục Sinh: “Nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng