Người mẹ - người kiến tạo một Gia đình Thánh

Song, khi sống trong bậc đôi bạn, khi tự tình thề nguyền trước Chúa và Hội Thánh để sống cho nhau, vì nhau và nên một với nhau, cũng như được Thiên Chúa kết hợp mà: “sự gì Thiên Chúa kết hợp thì con người không được phân ly”. Vì thế, khi sống đã không được phân ly thì khi chết cũng thế thôi. Do đó, người này không thể nên Thánh nếu không có người kia, mỗi người không thể nên hoàn thiện nếu không có sự bổ sung hỗ tương lẫn nhau giữa hai người, vì hai người là một nửa của nhau đó thôi. Cho nên, Bí tích Hôn Phối kết nối đôi bên thành một gia đình, thì gia đình ấy sẽ đem lại ơn cứu độ cho mọi người trong nhà cũng như mỗi thành viên trong gia đình đều có vai trò cứu rỗi nhau. Bởi vì, chiều kích gia đình chứng minh rằng: mỗi người là một ngôi vị có đủ tự do để tiến đến việc tự nguyện hiệp thông và yêu nhau như ĐTC JP II đã nói: “duy chỉ có các ngôi vị mới có khả năng hiện hữu trong hiệp thông. Gia đình hình thành từ mối hiệp thông vợ chồng mà Công Đồng Vat II gọi là giao ước, trong đó người nam và người nữ tự hiến cho nhau và đón nhận lẫn nhau” (thự gửi gia đình 1994 số 7).

Từ những ý nghĩa trên, người mẹ có vai trò kiến tạo gia đình mình thành một gia đình thánh như Chúa muốn.

 1. Gia đình là Thánh Điện của sự sống

Một số lý do khiến người phụ nữ ngày nay sợ sanh con là:

  • Sợ mất đi vóc dáng lý tưởng mà mình cất công gìn giữ nhiều năm.
  • Sợ phải hy sinh quá nhiều thời gian để chăm sóc con cái.
  • Sợ không giữ được chồng vì mình không còn đẹp, hấp dẫn.
  • Sợ vất vả nuôi con.
  • Sợ không dạy dỗ được chúng.

Những lý do ấy không chính đáng chút nào. Chung quy cũg vì tính ích kỷ đã nảy sinh những suy nghĩ như thế. Nếu như vì giữ vóc dáng cho người khác ngưỡng mộ mà ngại sinh con thì là người không nhận thức đầy đủ giá trị cuộc sống. Vì tình mẫu tử chẳng đẹp hơn vóc dáng bề ngoài đó sao ? Nếu sợ chồng bỏ mà ngại sinh con thì người đó đánh giá chồng mình quá thấp, giản lược tình yêu trong những hành vi tính dục và hạnh phúc gia đình lẽ ra phải kết quả của một gia đình có đủ cha mẹ con cái thì lại bó hẹp trong sự thoả mãn giới tính.

Đức Thánh Cha cảnh báo về sự bành trướng của văn hoá sự chết trong xã hội hiện đại, người ta coi thường sự sống và muốn làm chủ trong việc sinh sản: có con theo ý muốn. Nạn phá thai tràn lan trên thế giới. Tại Nhật, trong các nơi ẩn khuất hay rừng rậm hoặc đồi núi, người ta lập những ngôi chùa để tưởng nhớ những trẻ thơ không được chào đời. Trong đó, ngôi chùa nổi tiếng nhất có tên là Camakora cách thủ đô Tôkyô không xa. Bên trong có tượng Phật Bà Quan Âm, và hàng ngàn tượng Phật nhỏ xếp quanh chùa biểu trưng cho các sinh linh bị chết oan. Những tượng đó do các phụ nữ phá thai đưa đến, và mặc cho những bộ áo trẻ thơ, treo thêm những món đồ chơi và có ghi tên con họ. Mỗi sáng, người coi chùa đều thấy xuất hiện tượng mới, chứng tỏ người ta phá thai mỗi ngày.

Tuy nhiên, theo con số thống kê thì Việt Nam chúng ta đứng hàng thứ hai thế giới về nạn phá thai, chỉ sau Trung Quốc. Có cả một nghĩa trang ở Komtum để chôn cất những hài nhi như thế. Trước cổng vào có hàng chữ: “con tha thứ cho mẹ”. Lẽ ra khoa học phát triển để phục vụ cho con người, làm cho con người sống cho ra người hơn, nhưng lại tiếp tay tạo những phương tiện cho người ta hưởng thụ thái quá đã vậy, còn cho người ta có quyền coi thường mạng sống, có quyền cho hoặc không cho con cái mình được làm người. Khi phá thai, người ta không còn coi cái thai là một nhân vị mà chỉ là một khối u cần loại bỏ không hơn không kém.

Bên cạnh đó, cách cư xử thiếu tôn trọng đối với người lớn tuổi như ông bà cha mẹ trong nhà khiến cho các ngài mặc cảm, vì phải phiền hà đến con cái, đó cũng là một trong những lý do những người già tủi thân và khi lâm bệnh họ yêu cầu bác sĩ cho họ được chết. Thế giới gọi trường hợp này là chết êm dịu.

kTôn trọng sự sống của người Công giáo chúng ta không chỉ bó hẹp trong việc tránh xử dụng những phương pháp ngừa thai nhân tạo, không phá thai mà còn mở rộng đến việc duy trì và phát triển sự sống. Trong ngày thành hôn, với câu hỏi : anh chị có sẵn sàng âu yếm đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không ? thì hai người đồng thanh thưa : có. Tuy nhiên để hiểu và thực hành lời thưa ngắn gọn ấy quả không đơn giản chút nào. Bởi vì, cha mẹ không được phép sinh sản theo kiểu: “trời sinh voi – sinh cỏ”, cũng không thể thoái thác việc không sinh sản, mà phải tiếp nhận sứ mạng cộng tác với Thiên Chúa trong việc truyền sinh, sáng tạo con người một cách có trách nhiệm, bảo đảm cho con cái có một cuộc sống tương đối tốt, một môi trường lành mạnh để trưởng thành về đức – trí – dục, có khả năng trở thành người xây dựng gia đình, xã hội và cả Giáo Hội trở thành người làm thừa kế Nước Trời.

2. Xây dựng gia đình thành một tổ ấm.

Một gia đình hình thành do tình yêu đích thực thì đó là một gia đình hạnh phúc. R. Voillaume nói: “đâu không có tình yêu, đấy không có hành động, không có cuộc sống. Con người không thể hoàn toàn là mình nếu không được yêu và không cố gắng yêu”. Tình yêu luôn đưa đến sự sống chứ không phải là tiêu diệt. Sự sống sung mãn chính là hiện thân của một tình yêu mãnh liệt. Gia đình có tình yêu, gia đình sẽ có hạnh phúc. Một gia đình hạnh phúc, là một tổ ấm hấp dẫn, là nơi an toàn và yên bình cho người sống trong đó. Nếu gia đình vắng bóng tình yêu thì nơi đó trở thành một “tủ lạnh” hoặc là một “lò lửa”.

– Là tủ lạnh: khi mọi người trong gia đình không còn thiết tha quan tâm đến nhau, không cần để ý đến nhu cầu tình cảm, tâm lý và suy nghĩ của nhau. Họ cho như thế là tôn trọng nhau, tôn trọng khoảng trời riêng của nhau. Nhưng làm gì có sự tôn trọng một khi mà mình không còn muốn biết người kia làm những gì, ở đâu, đang gặp những khó khăn gì, và đang cần giúp đỡ ra sao … thực chất đó là biểu hiện của một tình yêu chưa đủ và chưa chín, đúng hơn đó chưa phải là tình yêu, vì làm gì có một tình yêu nửa vời như thế.

– Là lò lửa: khi hai người lại xét nét nhau quá đáng, mọi lý do to hay nhỏ đều trở thành tiền đề cho một cuộc xung đột và gây gổ, tước đoạt tự do tối thiểu của mọi người trong gia đình, tước mất luôn khả năng làm chủ hợp lý trong vai trò của mình đối với gia đình. Người trong cuộc thường cho đó là cách quản lý tốt nhất để duy trì sự tồn tại của gia đình, là gìn giữ tình yêu. Nhưng ở đây làm gì có tình yêu mà gìn giữ, vì ngay cả sự tôn trọng lẫn nhau cũng không có, nó chỉ là biểu hiện của sự ích kỷ, chiếm hữu. Mà tình yêu chiếm hữu thì không nằm trong hạn mục của tình yêu đích thực.

Người ta thường nói: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Vai trò xây dựng gia đình thành một tổ ấm có nghĩa là không nóng, không lạnh là vai trò của người phụ nữ. Người phụ nữ được trời cho đức tính dịu dàng như một dòng suối mát chảy tràn trên những nơi nóng cháy đang biến thành sa mạc; một đức tính mềm mỏng để xoa dịu những cứng cỏi, khô khan của người cha, một đức tính trầm lặng, hiền hoà để kiềm giữ những xốc nổi của con cái. Người phụ nữ trong gia đình phải biết biến mình trở thành niềm an ủi đúng lúc khi chồng trở về sau cuộc vất vả mưu sinh, phải là điểm tựa vững chắc cho con cái để chúng an tâm bước vào đời. Có như thế, gia đình của các mẹ các chị mới thực sự là nơi trở về yêu thích của mọi thành viên sau những bôn ba của cuộc sống.

3. Gia đình phải là một Hội Thánh thu nhỏ.

Gia đình là một Hội Thánh thu nhỏ vì cũng đang hiện diện giữa lòng đời để làm chứng cho Đức Kitô nên trước hết, gia đình luôn gắn bó với một nền văn hoá nhất định và phải là chiếc nôi văn hoá để từ đó chuyển tải ơn cứu độ đến cho từng thành viên trong gia đình và cho những người thân cận.k

– Gia đình là chiếc nôi văn hoá: Ngày 28/06 vừa qua là ngày “Gia đình Việt Nam” mang chủ đề: “Xây dựng nếp sống gia đình văn hoá, chủ động phòng chống các tệ nạn xã hội”. Đối với chúng ta, văn hoá là những giá trị truyền thống rất đẹp về gia đình mà ngày hôm nay bị mai một khá nhiều. Người ta hiếm thấy cảnh đầm ấm của một gia đình “tam đại đồng đường”. Trong năm Thánh hoá gia đình, Giáo phận Xuân lộc đã chọn “sống đạo trong nền luân lý dân tộc” để khai triển hướng sống cho chúng ta. Trong đó, chữ Hiếu được đặt lên hàng đầu. Trong chữ hiếu, không chỉ là nuôi nấng cha mẹ già yếu, mà còn thể hiện một tôn ti trật tự trong gia đình, con cái phải biết kính trên nhường dưới. Muốn vậy, những người mẹ phải có nhiệm vụ giáo dục con mình, phải để ý từng hành vi rất nhỏ, từng cơ hội bất chợt để dạy dỗ con cái. Ví dụ: khi có ai đó mang sang biếu gia đình một ít trái cây chẳng hạn, đứa con trông thấy, vòi mẹ cho ăn, thì người mẹ chỉ cần nhẹ nhàng nói với con : Con chờ ba (hay ông, bà) về dùng trước rồi sẽ cho con ăn, vì con nhỏ, ăn trước như thế là không ngoan. Chỉ thế thôi, nhưng chúng ta đã tập cho con biết trên biết dưới, biết nhìn trước nhìn sau. Và khi nhận của ai cái gì, chúng ta cần dạy con mình biết cám ơn để giáo dục lòng biết ơn nơi con cái. Chính cha mẹ cũng phải làm gương trong cách ứng xử cho con cái mình. Trong gia đình, người mẹ cần dạy con cách xưng hô đúng bậc mình để giáo dục tính lễ phép. Như thế, để tạo một nếp sống văn hoá trong gia đình, thì giáo dục là điều quan trọng. Hơn nữa “mục đích của giáo dục là chuẩn bị chu đáo cho một cuộc sống hoàn hảo” (Spencer). Khi hấp thụ một nền giáo dục càng cặn kẽ, con cái các mẹ sẽ càng thành người có ích cho xã hội.

– Xây dựng một gia đình Thánh: Chính trong chiếc nôi văn hoá gia đình mà ơn Cứu độ được thực hiện. Thiên Chúa muốn dùng gia đình để thông chuyển ơn cứu độ cho mọi thành viên trong gia đình cũng như cho người khác. Người mẹ có bổn phận kiến tạo một gia đình thánh, thành một giáo hội thu nhỏ, nơi đó có Thiên Chúa hiện diện. Tuy nhiên để gây dựng một nếp sống đạo đức cho gia đình, người mẹ phải nêu gương sáng của một đời sống thánh thiện, cổ nhân nói : “phúc đức tại mẫu”. Cái đức của người mẹ không chỉ để nêu gương mà còn để lại phúc lành cho con cái. Do đó, người mẹ cần cẩn trọng trong mọi hành vi lời nói, xa tránh những điều xấu và chuyên chăm làm việc thiện. Đôi khi, trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường bị cám dỗ làm điều xằng bậy với một lý do xem ra chính đáng. Song, không thể nào có môt điều xấu mà mang dụng ý tốt, mọi lý do đưa ra chẳng qua nhằm hợp thức hóa sự sai trái của chúng ta để trấn an lương tâm mà thôi. Do đó, để kiến tạo một gia đình thánh không phải là chuyện dễ, vì chúng ta phải chấp nhận thua thiệt, phải từ bỏ những toan tính vụ lợi, mà những toan tính ấy nhiều khi đem lại cho chúng ta một nguồn lợi đáng kể không dễ gì bỏ qua. Cho nên, chúng ta vẫn phải đấu tranh với chính mình, phải giằng co khi lựa chọn: một là Nước trời, hai là mối lợi trước mắt. Nhưng Chúa đã dạy rằng: “Nếu lời lãi cả thế gian, mà mất linh hồn thì nào có ích gì.”

Rất mong các các mẹ các chị cùng suy nghĩ và cầu nguyện thêm để chúng ta vạch ra một hướng đi đúng cho gia đình mình mà không phải hối tiếc về sau.

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần IV Phục Sinh: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng