Người mẹ làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa

Thực ra, gia đình chính là hình ảnh gần nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, gia đình có một lợi thế để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong những đặc điểm sau:

1. Hiệp nhất và chia sẻ

Mensel nói: “con người trở nên cô đơn vì trong cuộc đời thay vì xây những chiếc cầu, người ta lại đi xây những bức tường”. Đúng vậy, xã hội càng văn minh, người ta càng khép kín “đèn nhà ai nấy rạng” không cần biết đến người thân cận. Thật là phi lý khi từ nguyên thuỷ, Thiên Chúa thấu hiểu nỗi cô đơn của Ađam, nên Ngài mới dựng nên cho ông Eva là bạn đời. Mãi cho đến bây giờ, con người vẫn cảm thấy cô đơn, cô đơn không phải vì thiếu người làm bạn, nhưng cô đơn vì người ta tự cô lập mình, khép kín cửa lòng mình, vì không muốn bắc cầu cho người khác đi đến với mình, mà lại tự xây một lô cốt nhốt mình lại. Như thế thì có đến Thiên Chúa cũng đành bó tay mà thôi.

Hoạ sĩ Goya người Tây Ban Nha vào thế kỷ XVIII đã vẽ một bức hoạ thời danh có tên là “gậy gộc”. Bức tranh vẽ hai người đàn ông đang giơ cao chiếc gậy trong tay để choảng vào nhau trong một sa mạc đang cơn bão cát. Hai chiếc gậy còn cách xa nhau, khó có thể đập vào nhau, nhưng đôi chân của hai ông đang lún dần xuống cát và có nguy cơ bị bão cát nhận xuống. Bức tranh cho thấy hai ông chưa chắc đã chết vì hai chiếc gậy mà có thể sẽ chết vì bão cát. Câu chuyện phản ánh một thực tế rất đời thường, nhiều khi người ta sẽ không chết vì những tai hoạ gây ra cho nhau, nhưng có thể chết vì sự thù hận trong chính lòng mình.

Trong một thế giới mở rộng đường cho chủ nghĩa cá nhân phát triển đến giới hạn tột cùng của nó, cũng là mảnh đất rất tốt nuôi dưỡng sự chia rẽ. Thì sự hiệp nhất của đời sống gia đình là một lời chứng hùng hồn cho những giá trị siêu nhiên của hạnh phúc đích thực, giải toả những cô đơn trong tâm hồn con người. Và đó cũng là lời chứng cho Tình Yêu Thiên Chúa, vì Thiên Chúa luôn muốn con người được hạnh phúc. Nhưng phải sống sự hiệp nhất ra sao?

Mỗi người mẹ được mời gọi nên một với chồng mình, với con mình và cả với người thân cận. Nên một với chồng để xây dựng một gia đình hạnh phúc, nên một với con cái để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng con mình và giúp con cái trưởng thành và sống sung mãn. Nên một với người thân cận để thấy nỗi đau của người khác cũng là của mình để cảm thông và chia sẻ, thấy được khuyết điểm của người khác cũng là của mình để  tìm cách che đậy và kín đáo sửa chữa cho nhau thay vì biến nó thành một mẩu tin “thời sự” rao rêu với người khác, tạo cơ hội cho tính “ngồi lê đôi mách” có đất phát triển và nhân rộng.

2. Làm chứng cho niềm tin.

Khi khoa học phát triển, đã tạo ra những dịch vụ nhằm cung ứng mọi nhu cầu cho con người. Khi không thể sinh con, cũng chạy đến dịch vụ, khi muốn phá thai cũng là dịch vụ, khi cung ứng những nhu cầu đời sống cũng nhờ dịch vụ. Đến nỗi, con người ngày nay dường như tin vào dịch vụ hơn là tình người. Dịch vụ thì sòng phẳng, “tiền trao cháo múc” không còn gì phải áy khi một khi tiền trao đủ, nhưng tình người thì khác, nó bắt mình phải nghĩ ngợi, phải tìm cách trả ơn “hòn đất ném đi, thì hòn chì phải ném lại”. Tình người ngày càng bị bán rẻ bởi những tính toán so đo, đến nỗi tình yêu chân thành vô vị lợi trở thành “cổ vật” được trưng bày trong viện bảo tàng hơn là được nhân rộng. Bên cạnh đó, ai cũng ham lợi nhuận, đôi khi dùng thủ đoạn để lừa lọc nhau, hạ bệ lẫn nhau, khiến cho tính đa nghi lớn dần lên và sự chân thành trong lòng người trở thành của quý hiếm. Với một xã hội như thế, thì người mẹ được mời gọi trở nên nhân chứng của lòng tin. Nhưng tiên vàn, người mẹ phải sống làm sao để trở nên người đáng tin cậy. Để người chồng có thể tin vào sự thuỷ chung của vợ, người con có thể tin vào tình yêu vô vị lợi của mẹ, để người chòm xóm tin vào sự chân thành của tình làng nghĩa xóm nơi các mẹ các chị. Muốn thế, các mẹ các chị cần có một thái độ sống thật đứng đắn, thật hoà nhã, thật bao dung.

Bên cạnh đó, làm chứng cho niềm tin biểu hiện nơi một cuộc sống luôn vui tươi biết hy vọng, đời còn có hy vọng thì đời còn đáng sống. Chỉ khi cuộc sống gia đình chúng ta trào tràn niềm vui thì chúng ta mới làm chứng cho mọi người thấy rằng : cuộc sống của chúng ta luôn là tin mừng, mang tin mừng cho dẫu của cải vật chất còn phải bóc ngắn cắn dài.

3. Làm chứng cho tình yêu.

Người ta thường nói: Trái tim người nữ chỉ có một ngăn, đã yêu ai thì một lòng một dạ với người đó, đôi khi tình yêu mù quáng đã che mắt khôn ngoan khiến nhiều cô gái nhẹ dạ trao cả đời mình cho những người đàn ông không thật xứng đáng. Những cô gái ấy đáng thương hơn đáng trách, song với sĩ diện gia đình và đạo đức xã hội thì lại coi hành vi đó đáng trách hơn là đáng thương.d

Ở đây, con chỉ muốn đề cập đến tình yêu nơi người phụ nữ vốn là tình yêu không mạnh mẽ nhưng đằm thắm, không chiếm hữu mà chỉ cho đi. Tuy nhiên, với môi trường xã hội hôm nay, tình yêu nơi người phụ nữ không còn vô tư như trước. Nhiều cô gái ngày nay tính toán rất kỹ trước khi lập gia đình, những người mẹ cũng rất so đo trước khi gả con gái hay cưới vợ cho con.

Vậy thì người mẹ công giáo sẽ làm chứng cho tình yêu tinh ròng của Thiên Chúa như thế nào?

Người mẹ yêu con luôn là một hình ảnh đẹp, nhưng tình yêu người mẹ cần phải độ lượng hơn. Có nhiều bà mẹ chỉ mở lòng ra với con mình và đóng lại với con người khác. Ví dụ: Khi con còn nhỏ, chúng ra đường đánh nhau, người mẹ bênh con chưa tìm hiểu thực hư đã vội đánh mắng con hàng xóm và chuyện xích mích giữa những đứa trẻ trở thành chuyện thù hằn giữa những người lớn. Khi con khôn lớn, đến tuổi cập kê chúng yêu ai, mến ai đều phải được phép mẹ. Có những người mẹ khi thấy bạn con mình thua kém nhà mình nhiều thứ thì cấm cách, có khi khinh bỉ ra mặt. Cho nên, người mẹ chỉ có thể làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa khi tình yêu ấy phải có chất men của độ lượng, của quảng đại, của hy sinh.

Người vợ yêu chồng cũng là điều chính đáng, nhưng tình yêu ấy phải son sắt thuỷ chung, biết thông cảm, tha thứ và chia sẻ khi cần thiết.

Người phụ nữ biết sống tốt với xóm làng cũng là một hình ảnh biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa. Sống tốt bằng cách nào ? nhiều khi chúng ta cho rằng mình nghèo, chẳng có gì để cho nên người ta cũng không muốn thân thiện với mình. Nhưng không ai giàu có đến độ không thiếu một thứ gì, và cũng không ai nghèo đến độ không có gì để cho. Chúng ta có thể nghèo vật chất, nhưng chúng ta không nghèo nụ cười, nghèo lời thăm hỏi, nghèo tình yêu thương chân thành mà những thứ này ai cũng cần, cũng muốn nhận, nên chúng ta cứ hào phóng dâng tặng, đó chính là biểu hiện của một cuộc đời có Chúa ở cùng và người ta cũng dễ thấy Chúa nơi các mẹ qua cách hành xử như thế.

Làm chứng cho tình yêu sung mãn của Thiên Chúa còn biểu hiện nơi sức sống trào tràn trong gia đình, vì tình yêu luôn làm cho sống chứ không đưa đến chỗ tiêu diệt. Với bàn tay khéo léo của người mẹ, chúng ta phải làm cho sự sống triển nở không ngừng trong gia đình mình. Những người ngoài công giáo sẽ thấy được sức sống vươn lên trong mỗi thành viên, sức sống biểu hiện trong sự hiệp nhất huynh đệ, sức sống của một đức tin công giáo vững mạnh, luôn yêu mến và tôn trọng sự thật cho dù phải chịu những thua thiệt.

4. Làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa.

Phải làm sao để bản thân các mẹ các chị phải sống thánh mỗi ngày. Muốn vậy trước hết chúng ta cần biết kiểm thảo mình trước khi xét nét hay đổ lỗi cho người khác.

Có một câu chuyện kể rằng: Một ông lão thích ngủ ngày, đứa cháu tinh quái của ông đã lén bôi bột cà ri lên râu của ông. Khi đó, mùi cà ri chưa phổ biến ở tây Âu, sở dĩ đứa bé có được là vì cha nó mới đưa từ Ấn Độ về. Đang ngủ, ông bị mùi cà ri đánh thức, ông thấy sao giường mình hôm nay hôi thế, ông chỗi dậy đi ra phòng khách, ngồi được 5 phút lại vẫn thấy hôi, ông lẩm bẩm: sao phòng khách nhà mình hôm nay hôi thế, vậy tiếp khách sao được. Ông đi xuống bếp, cũng vẫn thấy hôi, ông bảo : quái! sao bếp hôm nay hôi thế làm sao mà ngồi ăn. Ông lững thững đi ra phố, đi đến đâu thì mùi hôi vẫn cứ theo ông, ông không chịu được nữa bèn nói : sao hôm nay cả thế giới đề hôi thế này không biết!

Vâng, ông lão đi đâu cũng thấy hôi, nhưng ông không biết rằng mùi hôi phát xuất từ ông, chỉ cần ông lau mặt đi là đủ.

Kính chúc các mẹ các chị làm tốt vai trò của mình trong việc làm chứng cho sự Thánh thiện của Thiên Chúa giữa lòng đời.

bài liên quan mới nhất

Ngày 20/4: Thánh Anê Môntepuxiano (1268-1317)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng