Một em bé biết mẹ đi chợ về sẽ mua quà thì nó sẽ thấp thỏm chờ đợi, và khi thấy bóng mẹ thấp thoáng đầu ngõ nó sẽ ba chân bốn cẳng chạy ra đón. Một cô gái biết người yêu đang chờ ở cây đa đầu làng sẽ mau mắn trang điểm thật nhanh để ra gặp người yêu của mình. Đứa bé chạy không hẳn là vui vì thấy mẹ về nhưng chạy để đón bánh, đón kẹo. Cô gái mau mắn chạy không chỉ vì được gặp người trong mộng nhưng còn vì trái tim đang thổn thức yêu. Chạy – thể hiện sự vội vàng, gấp rút nhưng cũng diễn tả niềm vui, hạnh phúc khi đón chờ, thực hiện một điều gì đó hay gặp gỡ một ai đó.
Ta cũng bắt gặp các môn đệ của Chúa Giê-su, đặc biệt sau biến cố Phục Sinh, họ đều là những người có đôi chân biết chạy và có trái tim đang thổn thức yêu. Thổn thức vì yêu Thầy, chạy vì hân hoan muốn đem Tin Mừng Phục Sinh đến chia sẻ cho mọi người.
Maria Macdala là người đầu tiên chạy sau khi Chúa Giêsu sống lại. Bà là một phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng đã diễm phúc trở nên một trong những người trung thành cùng Thầy đón hoàng hôn của cuộc đời trên đỉnh đồi xa[1]. Và rồi sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, khi trời còn tối thì bà đã ra mộ để thăm Thầy[2]. Tuy Tin Mừng không kể lại nhưng có lẽ bà đã phải rất đau khổ khi phải chứng kiến Thầy không còn hiện diện, và rồi chỉ với thân xác bất động nằm đấy nhưng chẳng ngại ngùng đến thăm, xức dầu thơm diễn tả tấm chân tình và lòng yêu mến thực sự. Khi không thấy xác Thầy, bà đã chạy, có lẽ bà đã chạy rất nhanh, chạy vì lo lắng, chạy vì sợ hãi, chạy thật nhanh để báo cho môn đệ mau mau mà đi tìm Thầy. Và sau khi được lệnh của Thầy: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”[3] Maria chạy thêm lần nữa và bà đã chính thức trở nên người môn đệ đầu tiên đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
Ngay sau hình ảnh ấy, ta lại bắt gặp hình ảnh hai người đàn ông chạy, đó là Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Tin Mừng diễn tả cả hai ông cùng chạy nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đã tới mộ trước[4]. Có thể là môn đệ kia trẻ khỏe, chân dài nên chạy nhanh hơn Phêrô, nhưng với danh hiệu là người môn đệ được Đức Giêsu thương mến, hơn nữa còn được diễm phúc tựa đầu vào ngực Thầy trong bữa tiệc ly[5] thì động lực nâng bước chân ông chính là tình yêu, khi nhấc chân chạy, ông cảm nhận được sự hiện diện và niềm vui, niềm hạnh phúc của Thầy trong tốc độ của mình, và chỉ ao ước chạy nhanh thật nhanh để gặp Thầy.
Chúng ta lại bắt gặp niềm vui vỡ òa của hai môn đệ trên đường Emmau (một làng quê cách Giêrusalem chừng 11 cây số). Trên con đường ấy, Thầy đã chuyện trò với hai môn đệ, và với cử chỉ bẻ bánh các ông đã nhận ra Chúa. Hai môn đệ đang ủ rũ thất vọng về quê đã quay ngược lại tiến thẳng lên Giêrusalem. Tuy Tin Mừng không kể rõ nhưng chắc chắn hai môn đệ ấy đã chạy, phải chạy chứ, chạy nhanh nữa là đàng khác. Và, phải vui chứ vì đã gặp được Thầy của mình bằng xương, bằng thịt, được cùng Thầy sống lại giây phút hạnh phúc khi được đồng bàn. Và rồi niềm vui chia sẻ là niềm vui lớn, chẳng chần chừ đường xa, chẳng ngại ngần đêm tối hai ông đã mau mắn lên đường chia sẻ niềm vui gặp gỡ Chúa Phục Sinh cho anh em của mình.[6]
Lại thêm một hình ảnh thật đẹp về người môn đệ có đôi chân biết chạy và trái tim thổn thức yêu được tìm thấy trong sách Tông Đồ Công Vụ, đó chính là Philiphê. Ông được thần khí Thiên Chúa hướng dẫn để gặp viên thái giám người Êthióp. Thần khí nói với ông: “Tiến lên, đuổi kịp xe đó”, chắc chắn là ông đã phải chạy rất nhanh để đuổi kịp một người đang đi xe. Hình ảnh ấy cho ta thấy sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của lệnh truyền: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[7]. Và rồi với lòng nhiệt thành của môn đệ Philiphê, con chiên ngoan người xứ Êthióp ấy liền mau mắn không chút chần chừ: “sẵn nước đây”[8], và ngay lập tức xin được làm con Chúa.
Tông đồ Phaolô có lẽ là người môn đệ chạy nhiều nhất vì ông luôn cảm nhận “tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi”[9]. Và chắc chắn là trái tim của Phaolô đã thổn thức bao phen vì sau bao năm sống trên cõi trần này, bất chấp mọi gian lao chỉ mong Tin Mừng được rao giảng, thì giờ đây khi cảm nhận được tình yêu, ông khám phá ra rằng “sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”[10]. Ông khẳng định một cách chắc chắn rằng: cuộc sống hiện tại ông không còn sống cho chính mình nữa nhưng là Đức Kitô luôn sống thật sống động trong cuộc đời[11]. Với đôi chân biết chạy và trái tim luôn thổn thức yêu ấy, ông đã bôn ba truyền giáo khắp nơi và còn tự ví mình như vận động viên, chạy thế nào để chiếm được phần thưởng, tuy phải chạy để mang Tin Mừng đến cho mọi người nhưng luôn ông luôn “bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính ông lại bị loại”[12].
Sau thời các tông đồ nhiệt thành của Chúa Giêsu, trong lịch sử giáo hội cũng có biết bao nhiêu môn đệ thời danh cũng đã hăng hái “chạy” để mang Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người.
Điển hình là Thánh Đa Minh, một nhân vật thật ấn tượng mà ngay từ trong giấc mơ của thân mẫu đã gắn liền với hình ảnh con chó ngậm bó đuốc chạy khắp thế giới để loan báo Tin Mừng[13]. Và rồi chỉ với chiếc bị trên vai, hành trang duy nhất chỉ có tập Thánh Kinh, nhà là ngay chỗ đất đang đứng và chiếc gối kê đầu là tấm đá thô. Để làm gì? để làm gì vậy? để làm gì mà xem ra có vẻ khốn khó và nghèo đói thế…..Xin thưa, để sẵn sàng chạy, chạy vì trái tim đang thiêu đốt, chạy vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, chạy để mong niềm tin sẽ thắp sáng trong cuộc đời, chạy để cho tình yêu cứu độ rạng ngời muôn nơi[14].
Không thể không nhắc đến hình ảnh của Thánh Phanxico Asisi, người mà: “Kể từ lúc dứt áo đặt dưới chân thân phụ, cho đến lúc qua đời, nằm trên nền đất trơ trọi, tay dang hình thập giá, cuộc đời của thánh nhân luôn được dệt bằng những thái độ dứt khoát và mau lẹ”[15]. Thái độ dứt khoát và mau lẹ ấy là biểu hiện của một trái tim thổn thức và khát khao đem Chúa đến cho muôn loài muôn vật. Thánh nhân xác tín rằng: “thao thức của Chúa cũng là thao thức của con, đam mê của Chúa cũng chính là đam mê của con”[16]. Để rồi cả cuộc đời nghèo khó, Ngài đã luôn ra đi hăng say và nhiệt thành loan báo Tin Mừng bằng chính cuộc sống và ơn gọi của người môn đệ hèn mọn của Thầy Chí Thánh.
Và rồi một người phụ nữ thân hình mảnh mai nhưng sở hữu ý chí trượng phu đã “chạy” mòn các con đường và các khu ổ chuột tại Ấn Độ và đã dành cả cuộc đời để chăm sóc người nghèo, kẻ bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối….. Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã có một trái tim cùng nhịp đập với Thầy Giêsu, trái tim yêu thương ấy khiến tâm hồn Mẹ luôn nhận ra mọi người là những chi thể của Đức Kitô, trái tim thổn thức ấy đã nâng bước chân Mẹ luôn mau mắn và hân hoan ra đi để yêu thương và phục vụ những tâm hồn và những con người đau khổ và chịu nhiều thiệt thòi nhất của xã hội.
Còn nhiều, còn nhiều nữa những môn đệ của Thầy Giêsu, những môn đệ luôn có đôi chân biết chạy và sở hữu một trái tim biết yêu.
Người môn đệ trong thời đại kĩ thuật số hôm nay cũng được mời gọi trở nên người môn đệ có đôi chân biết chạy và có trái tim thổn thức yêu để mong cho “danh Cha được cả sáng”[17] và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Ước mong môn đệ luôn mặc lấy tâm tình của ngôn sứ Isaia: “luôn hăng chạy mà không biết mệt, đi bộ hoài mà không xỉu”[18] để Tin Mừng của Chúa Giêsu được loan rao đến tận chân trời góc biển. Môn đệ phải luôn xác tín rằng mình không chạy một mình vì luôn có Thầy ở cùng mọi ngày cho đến tận thế[19].
Nữ tu Maria Phạm Trang
[1] Ga 19, 25
[2] Ga 20, 1
[3] Ga 20, 17
[4] Ga 20, 4
[5] Ga 13, 23
[6] Lc 24, 13-35
[7] Mt 28, 19
[8] Cvtđ 8, 36-37
[9] 2 Cr 4, 14
[10] Pl 1, 21
[11] Gl 2, 20
[12] 1Cr 9, 24-27
[13] https://thinhviendaminh.net/thanh-da-minh-nhung-dau-lam-nen-mot-nha-giang-thuyet-vi-phu-va-vi-thanh/
[14] Bài hát: Thánh Đa Minh và chiếc bị https://www.youtube.com/watch?v=herhM15hUBc
[15] Tại sao là Kitô hữu, TYMOTHY RADCLIFFE. OP, Tr 42
[16] https://dongten.net/2016/10/03/dam-me-cua-thanh-phanxico-assisi/
[17] Mt 6, 9
[18] Is 40, 31
[19] Mt 28, 20