Hiểu Để Có Thể “Đi Xa Hơn” Trong Đời Tận Hiến

Từ đó, mỗi người lại đưa ra câu trả lời theo cách thức của riêng mình và cho mình. Nhưng, tựu trung lại có thể định nghĩa ơn gọi như sau: “Ơn gọi là ơn Thiên Chúa gọi con người tham dự vào chương trình cứu độ của Ngài.” Cách riêng, đối với ơn gọi thánh hiến thì lời mời gọi của Thiên Chúa lại khoác lên một vẻ huyền nhiệm đặc biệt thật đáng để ngẫm suy.

Với ngôn sứ Giêrêmia và qua lời thổ lộ tâm tình của ông với Thiên Chúa ta cũng có thể hiểu thêm phần nào về hạn từ ‘ơn gọi’: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ, Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng”(Gr 20,7). Có thể nói được rằng ơn gọi chính là sự quyến rũ của Thiên Chúa. Thiên Chúa mở lời. Thiên Chúa đi bước trước. Thiên Chúa tìm đến với con người và tìm cách quyến rũ để mời gọi con người tham gia vào chương trình tình yêu của Ngài. Hay nói cách khác, Thiên Chúa đến với chúng ta, ngỏ lời để biểu lộ chính Ngài và ý định của Ngài cho chúng ta hầu mời gọi chúng ta đến – trò chuyện – chiêm ngưỡng – lắng nghe Lời – và sai chúng ta đến phục vụ Ngài trong chương trình cứu độ. Như thế, bởi phát xuất từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, ơn gọi thực sự là một huyền nhiệm, một huyền nhiệm của ân ban nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người.[1]

Trong ý nghĩa của chính hạn từ ơn gọi cũng đã thể hiện về một mối tương quan giữa người gọi và kẻ được gọi. Hay nếu coi ơn gọi là một ân ban thì đó là mối tương quan của người cho và kẻ nhận. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa như sau: “Gọi” có hai nghĩa chính là 1- Lên tiếng để kêu; 2- Xưng hô, chỉ tên. “Ơn” nghĩa là làm điều gì mang lại lợi ích tốt đẹp cho người nào đó.[2]Như thế, ơn gọi trước hết và trên hết là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Thiên Chúa lên tiếng gọi và kêu mời ai đó làm việc cho Ngài. Tuy nhiên, để nó thực sự trở nên cụ thể thì còn tùy thuộc vào sự tự do đáp trả của người được gọi. Thực tế cho thấy không phải ai cũng nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa là một ân ban để rồi mau mắn đáp trả. Có người còn xem nó như là một sự bó buộc, hay chỉ là chuyện thường tình. Chính việc không cảm nhận được vẻ đẹp và sự cao quý của việc Chúa gọi, hay không thấy được tính cách ân ban đặc biệt Thiên Chúa dành cho riêng mình mà nhiều người đã không muốn đáp trả, từ chối, hoặc trốn tránh. Do đó, họ bỏ lỡ cơ hội làm “người của Chúa”; chọn sai con đường tốt nhất mà Chúa muốn họ bước đi trong chương trình tình thương của Ngài. Hoặc, nếu giả có cất bước theo tiếng thôi thúc của lòng mình, thì họ cũng chỉ bước đi như một kẻ làm công, chứ chưa thực sự cảm nếm vẻ đẹp của sự chọn lựa kia. Họ cũng vì thế mà chưa hoàn toàn hiến dâng để sống mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa nên cũng chưa có được hạnh phúc trọn vẹn với đời hiến dâng.

Vậy, để có thể mau mắn đáp trả và thực sự sống hạnh phúc với đời dâng hiến, chúng ta cần nhận biết sự cao quý và vẻ đẹp tuyệt vời của ơn gọi. Nhờ đó, ta biết trân quý và cố gắng mỗi ngày để khám phá mà đáp trả ân huệ mà Thiên Chúa đã dành tặng riêng mình.

Trước hết, ơn gọi dâng hiến là một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa ban tặng cho một số người, để họ bước theo Ngài, yêu mến Ngài cách trọn vẹn, và trở nên một với Ngài. Họ, từ những con người tầm thường và hèn kém được cất nhắc lên thành “người của Chúa” (như cách dân chúng thời Cựu Ước gọi các ngôn sứ); hay là môn đệ, là bạn hữu nghĩa thiết với Chúa (như cách Chúa Giêsu gọi các môn đệ trong thời Tân Ước). Thiên Chúa tuyển chọn và kêu gọi những người mà Ngài muốn.

Thứ hai, Thiên Chúa hoàn toàn tự do tuyển chọn và kêu gọi. Thiên Chúa không bị lệ thuộc bởi bất cứ điều kiện hay tiêu chuẩn đánh giá nào theo kiểu con người đặt ra. Cho nên, có thể nói việc được gọi hoàn toàn là ân ban.

Thứ ba, việc được tuyển chọn và được gọi mang lại cơ hội lớn lao, quý giá để sống gần gũi với Chúa, cảm nếm trước hạnh phúc thiên đàng. Thiên Chúa ban cho những người được tuyển chọn cơ hội và những phương thế để có thể kết hiệp với Ngài ngay tại thế này. Tất nhiên, xét ở khía cạnh nhân loại tính thì với trách nhiệm và nhiệm vụ được giao thì “người của Chúa” cũng đồng thời được hưởng những quyền lợi kèm theo: Không ai từ bỏ cha mẹ, vợ con vì Chúa và vì Tin Mừng mà không nhận lại được gấp trăm. Hay Chúa cũng khẳng định khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng rằng thợ gặt thì đáng được thưởng công. Và, đặc biệt hơn, Chúa còn coi họ là bạn hữu chứ không phải tôi tớ nữa…[3].

Việc nhận ra sự cao quý và tính ân ban của ơn gọi là điều hệ trọng. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đủ. Ơn gọi còn phải là một sự thiết lập mối tương quan trong tình yêu với Thiên Chúa. Ơn gọi phải là một mối tương quan, một kết ước giữa đôi bên. Vì thế, ơn gọi cần sự đáp trả hoàn toàn tự do của con người. Và, để có thể đáp trả khi Thiên Chúa gọi thì ta cần “nghe” được tiếng gọi ấy; để có thể nghe, ta cần sự lắng nghe; và để có thể lắng nghe, ta cần luôn tỉnh thức và cầu nguyện.

Câu chuyện về việc Thiên Chúa gọi cậu bé Samuel là một diễn tả rất đẹp và giàu ý nghĩa cho việc lắng nghe – đáp trả và sống mối tương quan giữa Đấng kêu gọi và kẻ được gọi. Câu chuyện đó mang đến cho chúng ta những chỉ dẫn khá chi tiết để nghe tiếng Chúa, đón nhận và đáp trả lời mời gọi của Chúa. Trong đêm tối tĩnh mịch, khi cậu bé Samuel đang chìm sâu trong giấc ngủ, Thiên Chúa đã cất tiếng gọi “Samuel, Samuel!” (x. 1Sm 3,4-10). Việc Thiên Chúa lên tiếng gọi Samuel đang khi Samuel chỉ là một cậu bé cho thấy tình chất huyền nhiệm của ơn gọi. Thiên Chúa tự do kêu mời những người Ngài muốn phục vụ Ngài. Thiên Chúa gọi bất chấp tuổi tác, địa vị, trí khôn ngoan hay các tiêu chuẩn con người chúng ta thường đặt ra. Thiên Chúa chọn và gọi chỉ bởi vì Ngài muốn. Và, Ngài đi bước trước trong việc ngỏ lời với con người.

Nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, Samuel tưởng đâu thầy Hêli gọi cậu. Cậu chạy đến chỗ ngủ của thầy mình mà thưa: “Dạ, con đây, vì thầy gọi con!” (1Sm 3,4-5). Sự việc cứ diễn ra như thế đến lần thứ ba thì ông Hêli mới nhận ra việc Thiên Chúa đã chọn và gọi cậu học trò của mình. Ông bày cho cậu bé cách trả lời nếu còn nghe tiếng gọi ấy “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (1Sm 3,9). Đoạn tường thuật này ngoài việc diễn tả về lòng trung tín và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với kẻ Người kêu gọi, còn cho ta những bài học quý giá của sự lắng nghe và đáp trả. Ta có thể thấy, cậu bé Samuel mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng đã rất trưởng thành trong nhân đức. Nói được như vậy là bởi cậu luôn “tỉnh thức” và “sẵn sàng” ngay cả trong giờ ngủ; đồng thời cũng cho thấy cậu bé rất ngoan ngoãn – là học trò, cậu luôn kính trọng thầy mình và sẵn sàng phục vụ thầy bất cứ thời điểm nào thầy gọi. Quả thế, dẫu nghe tiếng gọi tên mình đến ba lần và chắc mẩm là thầy vì trong nhà chỉ có hai thầy trò, và lần nào chạy đến thưa với thầy đều nghe thầy nói không có gọi và hãy về ngủ lại, ấy thế mà cậu bé không hề bực bội hay tỏ ý phật lòng…

Đoạn cuối của câu chuyện này cũng cho ta thấy tầm quan trọng của vị linh hướng khôn ngoan trong việc nhận định tiếng gọi của Chúa để giúp người thụ hướng của mình. Ta thấy ngôn sứ Hêli quả là một người thầy, một người linh hướng tốt khi đọc ra dấu chỉ để xác định ơn gọi của cậu học trò; ông còn đưa ra một hướng dẫn phù hợp cho học trò của mình để cậu đáp lại tiếng Chúa. Đó cũng chính là hình ảnh của việc Hêli hướng dẫn cho Samuel về cách cầu nguyện với Thiên Chúa.

Câu chuyện Chúa gọi Samuel đi đến đoạn kết ở cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Samuel sau lời đáp của cậu: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3,10). Và, đây chính là cầu nguyện. Cầu nguyện tức là một cuộc trò chuyện với Thiên Chúa. Chính việc cầu nguyện giúp ta nghe được tiếng gọi của Chúa, gặp gỡ được Ngài và kết hợp mật thiết với Ngài để hành động trong cuộc đời như Ngài muốn.

Cuộc đời dâng hiến là cuộc đời của kẻ luôn kết hiệp với Thiên Chúa, hay nói như ngôn ngữ của thánh Phaolô là mỗi ngày nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Giêsu”[4]. Bởi xét cho cùng, chính đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, chính tình yêu dành cho Thiên Chúa là căn tính của đời dâng hiến. Tình yêu sẽ chỉ đạo tất cả mọi suy nghĩ, lời nói và hành vi của người hiến dâng. Tình yêu dành cho Chúa càng lớn bao nhiêu, sự kết hiệp với Ngài càng vững chắc bao nhiêu thì chúng ta càng nên đồng hình đồng dạng với Ngài bấy nhiêu. Nên đồng hình đồng dạng với Ngài thì cũng suy nghĩ như Ngài, nói năng như Ngài, hành động như Ngài… Hay nói cách khác là nên giống như Ngài về mọi đàng. Chính đây là đời sống của người môn đệ. Đây cũng chính là lời đáp trả hồng ân ơn gọi dâng hiến mà Chúa muốn nơi người môn đệ.

Ơn gọi phát xuất từ Thiên Chúa. Đáp trả là việc của kẻ được gọi. Thiên Chúa kêu gọi và Ngài chờ lời đáp trả trong tự do hoàn toàn của kẻ Ngài tuyển chọn. Chúng ta không biết Chúa sẽ lên tiếng gọi ta lúc nào, vì thế chúng ta cần luôn tỉnh thức và không ngừng cầu nguyện để có thể nhận ra tiếng gọi của Chúa. Ơn gọi cũng đòi hỏi một sự hiểu biết mà xét cho cùng cũng hoàn toàn là ân ban đó chính là nhận ra vẻ đẹp và sự cao quý của chính ơn gọi. Đồng thời, cần một sự can đảm dấn thân đáp trả bằng một cuộc ra đi khỏi chính mình, từ bỏ chính mình cho Chúa. Như Chúa Giêsu kêu gọi người thanh niên giàu có trong Tin Mừng Máccô: Chàng thanh niên được đánh giá là người tốt nếu dựa vào đời sống tuân giữ Lề Luật khá hoàn hảo của anh. Anh cũng rất đáng được khen thưởng bởi lòng muốn “đi xa hơn nữa” trong đường trọn lành khi tìm đến với Đức Giêsu để tham vấn Người. Thế nhưng, như Tin Mừng mô tả, anh đã sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi vì anh có nhiều của cải và không thể từ bỏ tất cả mà theo Người như Người mời gọi được[5]. Như thế, có thể nói rằng, chính việc nhận ra giá trị cao quý và vẻ đẹp của ơn Chúa gọi mà chúng ta mới có thể can đảm đánh đổi để đi xa hơn trong đời sống hiến dâng: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21).

 

Thập Huyền Cầm

 

[1] X. Ep 1, 4-11.

[2] X. Huyền Linh (biên soạn), Từ Điển Tiếng Việt, Nxb. Thời Đại, Hà Nội, 2014, tr. 222 và 397.

[3] X. Mc 10,29; Lc 10, 7; Ga 15,14-15.

[4] X. Rm 8,29.

[5] Mc 10,17-22.

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng