Gia trưởng và việc định hướng nghề nghiệp cho con cái

Để mặc cho con cái tự chọn hướng đi cho đời mình, hay là cha mẹ nên tham gia vào việc định hướng cho mơ ước đời con, và tham gia vào ở mức độ nào là vừa đủ ? Trong những ngày này, các ngôi trường trong toàn xã hội vừa bước vào năm học mới, mỗi gia trưởng chúng ta cùng suy tư về những ước mơ của con cái.

1. Mơ ước làm cho đời người thêm ý nghĩa.

Bắt đầu khi trí khôn phát triển, con người đã không ngừng mơ ước. Trẻ thơ mơ ước được ăn ngon, mặc đẹp, được vui chơi giải trí. Lớn lên, con người mơ ước có được một cuộc sống tốt đẹp. Và ước mơ mãi luôn đồng hành với con người cho đến cuối cuộc đời.

Có những ước mơ ao cả, là niềm khát khao, trở thành lý tưởng phấn đấu suốt một đời người. Đó là những ước mơ canh tân xã hội, đóng một dấu son vào lịch sử dân tộc và nhân loại. Trường hợp này ta có thể bắt gặp nơi những vĩ nhân, những nhà đạo đức dùng cuộc đời mình hiến dâng cho Chân, Thiện, Mỹ.

Cũng có những ước mơ bình dị nhưng cao đẹp, là hướng phấn đấu cả của một đời người, giúp cho bản thân thăng tiến và góp phần nhỏ bé vàp việc xây dựng đời sống chung. Chẳng hạn ước mơ là bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo, ước mơ làm thầy cô giáo dạy cho những trẻ em vùng nghèo khó, ước mơ là nhà báo dùng ngòi bút của mình mà xây dựng lẽ sống đẹp cho đời,… Đó những ước mơ của phần đa nhân loại, trong đó có chúng ta.

Và cũng có những ước mơ rất đỗi tầm thường. Đó là sự thèm khát được thỏa mãn mọi nhu cầu ích kỷ của bản thân, bất chấp quyền lợi của người khác. Thực sự đó cũng là một thứ ước mơ, nhưng đa phần trong trường hợp này, từ “ước mơ” được thay bằng từ “ham muốn”. Trong bài viết này, nội dung sẽ không đề cập đến loại ước mơ tầm thường đó.

Như vậy, ước mơ làm cho đời sống con người thêm ý nghĩa. Nó là câu trả lời cho câu hỏi thẳm sâu mà Thiên Chúa đặt sẵn trong tâm hồn mỗi người: “Ta là ai? Ta sống để làm gì?”. Nhờ có ước mơ, con người có thể chấp nhận đối mặt với gian nan thử thách, với hiều lần thất bại; bằng nghị lực và sự kiên trì, quyết vượt qua những trở ngại trên đường đời để đạt bằng được ước mơ đẹp của đời mình.

2. Làm gì với những ước mơ đầu đời của con cái.

Có thể từ rất sớm, cũng có thể tới tuổi học cấp ba, cũng có thể trễ hơn nữa, con cái chúng ta bộc lộ ra ước mơ của đời mình.

Con muốn làm bác sĩ.

Con muốn làm kỹ sư.

Con muốn làm linh mục.

Tất nhiên, chẳng cha mẹ nào tin rằng đó là những nguyện vọng bất biến nơi con cái. Theo năm tháng, đa phần những ước mơ này được thay thế bằng những ước mơ khác. Nhưng, đứng trước những ước mơ bất chợt ấy của con cái, bậc làm cha mẹ như chúng ta không thể dửng dưng cho qua.

Nếu đó là những ước mơ không rõ là tốt hay xấu, chẳng hạn con chúng ta bảo:”Con muốn sau ngày làm gì đó có thật nhiều tiền”. Và đây lại là ước mơ của đông đảo học sinh hiện nay. Cứ nhìn vào hồ sơ thi các trường đại học hiện nay là rõ. Đông đảo học sinh chọn vào các trường đại học liên quan đến kinh tế, ngân hàng, doanh nghiệp, và xem đó như một đảm bảo chắc chắn cho tương lai của mình. Còn những ngành khối C mỗi năm mỗi ít hồ sơ dự thi, vì nó không gắn với những ngành nghề dễ kiếm tiền. Đặt trong trường hợp này, hãy nghiêm túc cho con thấy rằng việc kiếm được nhiều tiền là cần thiết thật đấy, nhưng quan trọng hơn là con kiếm nhiều tiền bằng cách nào. Đồng tiền có được từ lao động chân chính bằng trí tuệ và công sức của con sẽ là đồng tiền chân chính. Còn bất chấp thủ đoạn để có được nhiều tiền, kể cả việc làm hại người khác, thì đó là đồng tiền bất chính vì nó dính mồ hôi và máu của đồng loại, không được phép làm.

Nếu đó là những ước mơ viển vông, chẳng có một cơ sở nào để con cái có thể thực hiện được thì hãy mạnh dạn chỉ ra những điều không thể, để qua đó con cái sớm thay đổi ý định mà xây cho mình những ước mơ khác phù hợp hơn. Có một câu chuyện thật đã xảy ra như thế này: Vào những năm 78, 79 của thế kỷ trước, khi điện sáng, truyền hình, phim ảnh còn lạ lẫm với nhiều vùng quê nghèo. Lúc ấy, có những đoàn cải lương về quê lưu diễn, rất lôi cuốn tất cả trẻ già lớn bé với những vở tuồng như Lá sầu riêng, Phạm Công-Cúc Hoa, Nàng tiên cá,… Có một thiếu nữ Công giáo vì mê những buổi diễn cải lương đã mê luôn anh kép hát vai chính. Cô quyết theo đuổi nghề cải lương, dù cô là người Bắc di cư nói rặt tiếng miền Bắc. Ngày đoàn hát ra đi, cha mẹ cô cũng không còn thấy bóng con gái mình. Trôi giạt theo khắp các vùng quê, hai năm sau cô gái ấy quay về gia đình, trở thành một phụ nữ âm thầm và héo hắt. Khỏi phải nói nhiều về những tổn thất, đổ vỡ đã xảy ra trong cuộc đời cô. Nếu như có thể phân tích trước cho cô gái ấy điều không thể theo nghiệp cải lương của một người con gái gốc Bắc như cô, có thể hiện thực đáng buồn kia đã không xảy ra.

Con trẻ do non nớt, thường chưa nhận thức rõ được về bản thân mình, nên mơ ước nhiều khi thật viển vông. Một chữ ngoại ngữ không biết lại mơ làm hướng dẫn viên du lịch, bề cao khiêm tốn lại muốn làm người mẫu, ăn nói lắp bắp lại thích làm MC, … Là người cha trách nhiệm và yêu thương con, đừng phỉ báng những ước mơ ấy của con dù nó là viển vông, cũng đừng chế giễu con về những khiếm khuyết không đạt yêu cầu. Trái lại, hãy ôn tồn nêu ra những quy định bắt buộc của những ngành nghề con mơ ước, để con tự nhận ra mình không thể theo đuổi nó.

Còn nếu đó là những ước mơ đẹp, hãy khích lệ con cái và tận tâm chỉ cho con phải rèn luyện những gì để có thể chạm tay vào ước mơ ấy. Học hành chăm chỉ, rèn luyện đạo đức tốt, biết quan tâm đến những người xung quanh, vì đó là những viên đá chân móng đầu tiên cho tòa nhà mơ ước sau này thành hiện thực. Là gia đình Công giáo, trên hết mọi sự, nhân cách người Kitô hữu là thực hiện lề luật của Chúa. Bậc cha mẹ cần thực hiện nghiêm túc lời hứa trong nghi thức Hôn phối ngày xưa nơi bàn thờ: “Các con có sẵn yêu thương, đón nhận và giáo dục con cái như luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?”.

Trong mọi ước mơ cao đẹp, xin phép được dừng lại ở ước mơ của con trẻ muốn được hiến dâng đời mình cho Chúa. Thiên Chúa quan phòng cách huyền nhiệm trên trí khôn của nhân loại: Ơn gọi làm nữ tu, làm linh mục có thể đến với những người con trong một gia đình đông con, và cũng có thể đến với người con độc nhất của một gia đình. Chẳng có một lý do nào gọi là chính đáng khi cha mẹ tìm cách trì hoãn hoặc ngăn cản ơn gọi ấy. Đó không hẳn là ý muốn nhất thời, mà trong con mắt đức tin, có thể chính Thiên Chúa đang thiết tha gọi trong sâu xa tâm hồn người con hãy hiến dâng đời mình cho Chúa vì hạnh phúc của nhiều linh hồn. Vậy thì, bậc cha mẹ chỉ có thể tìm cách tạo môi trường thánh thiện cho con sống, cho con học tập và rèn luyện, để mầm ơn gọi được nảy nở và phát triển theo năm tháng con lớn khôn.

3. Đích cùng của mọi ước mơ đẹp.

Nhưng ở đời, nhiều khi đã cố gắng hết mình, song ước mơ vẫn không thành hiện thực ở một số người. Cha mẹ cũng đừng vì thế mà khinh khi, phỉ báng con cái mình là hạng giá áo túi cơmbất tài vô tướng,… Có những bậc cha mẹ ứng xử cách bất công khi muốn đời con thực hiện được ước mơ mà đời cha mẹ không thực hiện được. Khi con cái thất bại thì chua chát và nặng lời trách cứ. Sao không thẳng thắn nhận ra rằng: Con giống cha. Câu nói của người xưa “Con hơn cha nhà có phúc” phải đặt chữ hơn ấy là thuộc về những khía cạnh nào, chứ không thể nhất nhất đúng trong mọi trường hợp. Sai lầm cho bậc cha mẹ nào ép buộc con cái mình đi theo những ước mơ do chính mình đặt ra, bất chấp nó có phù hợp với con cái của mình không. Như thế, thất bại là điều có thể nhìn thấy trước.

Mà, suy cho cùng, không có học, thua thiệt mọi người trong xã hội, đâu phải là điều kiện để mất linh hồn. Người xưa rất triết lý khi khẳng định rằng: ”Trời sinh ta, ắt hữu dụng”. Điều đó càng giúp ta khẳng định chắc chắn bằng niềm tin rằng, con người, dù là bất kỳ ai, đều mang hình ảnh của Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng nên. Trước con mắt người đời, dù khôn ngoan hay khờ dại, dù thành công hay thất bại, người ấy vẫn có chỗ hữu dụng trong bàn tay quan phòng đầy nhân ái của Thiên Chúa quyền năng.

Còn nếu có học mà phá bỏ lề luật Chúa thì tài năng và tiền của bao nhiêu cũng thành vô ích thôi, vì linh hồn sẽ được trao vào tay quỷ dữ. Cho nên, cha mẹ mà nại vào lý do con cái lo lắng việc học hành mà bào chữa, đồng lõa cho con lơ là đến Nhà thờ, chểnh mảng học hỏi giáo lý, thờ ơ với các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa giải; thì cha mẹ ấy không chỉ lỗi trách nhiệm trước mặt Chúa, mà còn tàn nhẫn đẩy con cái yêu quý của mình vào chỗ sau này đánh mất Chúa trong cuộc đời.

Như vậy đích cùng của mọi ước mơ đẹp đều quy hướng về Thiên Chúa, vì Ngài chính là Đấng Chân Thiện Mỹ. Mọi trí tuệ, tài năng của con người đều do Thiên Chúa ban cho. Ngài đòi buộc những trí tuệ và tài năng ấy có bổn phận làm sáng Danh Ngài thông qua con đường phục vụ tha nhân. Tiền của và cuộc sống thong dong là ân huệ được Thiên Chúa ban thưởng cho những công việc phục vụ ấy. Đừng mông muội cho rằng, chính nhờ trí tuệ của ta mà ta có được cuộc sống sung túc kia. Đó là kiêu ngạo, cẩn thận mà có ngày tất cả thành phù vân.

Kính thưa quý gia trưởng!

Tiếng trống khai trường đã điểm. Hãy dạy con sốt sắng đời sống giữ đạo, đồng thời chuyên chăm học tập nơi trường học. Đó là con đường giúp con cái chúng ta vươn tới những ước mơ đẹp trên đời.

* Cùng suy tư: Ta đang làm những gì cho con cái ta hiện thực hóa ước mơ cao đẹp trong đời?

bài liên quan mới nhất

Lễ Đức Mẹ Mân Côi: “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng