Ở loạt bài trước, chúng tôi đã đề cập đến sự lôi kéo từ bên ngoài môi trường sống đã tác động xấu đến đời sống đạo đức, nhất là đời sống đức tin của con cái chúng ta. Trong bài này, chúng tôi tiếp tục triển khai đề tài đức tin của con cái nhưng trên một bình diện khác, từ chính người con, đức tin bị thử thách giữa những gì đón nhận được từ xưa đến giờ trong tôn giáo và những gì con cái tiếp thu được qua môi trường học tập và ngoài xã hội. Sự thử thách này rất quyết liệt, giằng xé, mất nhiều thời gian, và nếu không có ơn Chúa nâng đỡ, con trẻ có thể đi đến phủ nhận niềm tin của mình.
1. Đức tin phôi thai thời ấu thơ.
Sinh ra và lớn lên trong mái ấm gia đình, trong xứ sở có truyền thống đạo đức, đức tin của con cái chúng ta được hình thành và phát triển trong một môi trường thuận tiện, rất hiếm khi nào gặp phải những thử thách; con trẻ cứ thế lớn lên cùng niềm tin tôn giáo của mình. Con cái lần lượt được lãnh nhận các Bí tích Khai tâm, bậc làm cha mẹ như chúng ta thật sự vui mừng khi nhìn ngắm con cái lớn lên từng ngày trong luật Chúa Kitô và Hội Thánh.
Quãng thời gian ấy là cần thiết nhưng chưa đủ để khẳng định sự bền vững trong niềm tin của một Kitô hữu. Bởi đó là đức tin phôi thai trong thời ấu thơ của đời người, chưa được rèn luyện qua gian nan thử thách. Theo quy luật của cuộc sống lữ hành tại thế, niềm tin ấy cần phải trải qua những cọ sát thực tế, những cám dỗ và thậm chí cả vấp ngã, niềm tin ấy mới tiến đến sự kiên vững trong hành trình đời người làm con Chúa.
2. Va chạm với tri thức khoa học được tiếp nhận qua học tập.
Con cái chúng ta tiếp nhận đức tin thuở ấu thơ rất đỗi hồn nhiên, không hề mảy may thắc mắc. Trẻ không có khái niệm biện chứng, không có câu hỏi “tại sao?” trong những vấn đề đức tin được tiếp nhận. Hơn nữa, dẫu là một con trẻ siêng năng học hỏi giáo lý đến mấy cũng chỉ mới trải qua mấy khóa giáo lý vỡ lòng, và ngay cả người lớn như chúng ta, có mấy ai dám đoan quyết mình tham thấu nhiều vấn đề về giáo lý và đức tin?
Do vậy, khi tiếp cận với tri thức khoa học trong quá trình học tập, không ít lần con cái chúng ta bối rối, thậm chí hoang mang dao động khi có những điều được xem là tuyệt đối trong niềm tin xưa nay lại không trùng khớp với những gì mà sách vở nêu ra: “Con người đầu tiên của nhân loại là Ađam hay người nguyên thủy? Tại sao ngày thứ tư Thiên Chúa mới tạo dựng mặt trời thì ở ba ngày trước đó lấy đâu ra khái niệm ngày và đêm?” ...
Đó là một vài trong nhiều câu hỏi đầu đời mà hầu như con trẻ Công giáo nào cũng gặp phải trong tuổi đến trường. Ban đầu trẻ bảo sách sai, giáo lý mới đúng. Nhưng rồi sách vở với những luận cứ khoa học và qua cửa miệng của thầy cô mà chúng rất tin tưởng ngày ngày tác động đến nhận thức con trẻ, khiến chúng mất dần sự tự tin ban đầu. Chúng không thể tìm được câu trả lời nơi bạn bè đồng trang lứa, đành chọn thái độ im lặng hoặc về hỏi lại cha mẹ. Đứng trước vấn đề này, nhiều bậc cha mẹ cực đoan đã quát mắng con trẻ, sỉ vả sách vở khoa học sai lầm, coi như thế là xong bổn phận giáo dục của mình. Thái độ ấy thật sự không khôn ngoan, vì trẻ sẽ không bao giờ đề cập đến vấn đề này nữa. Thay vào đó, chúng sẽ âm thầm tự mình tìm hiểu và một ngày nào đó tự đưa ra quyết định cho đời mình.
Gia trưởng khi gặp trường hợp như vậy, cần bình tĩnh lắng nghe con tâm sự, rồi bằng kinh nghiệm đã trải qua trong đời mình, bằng niềm tin tôn giáo mà mình đã xác tín và bằng một lý lẽ gần gũi phù hợp nhất để giảng giải cho con hiểu đúng vấn đề. Khi ấy, trẻ sẽ hiểu được cách đơn giản nhất: “Ađam” hay “người nguyên thủy” chỉ là cách gọi khác nhau, nhưng chắc chắn nhân loại phải có người đầu tiên, và con người ấy được Thiên Chúa yêu thương mà tạo dựng nên. Trường hợp gia trưởng hạn hẹp về khả năng giáo huấn, hãy đưa con đến với những lớp giáo lý, với thầy xứ, cha sở để con cái có được sự giải đáp hiệu quả và tốt lành nhất cho đức tin của mình.
Những thắc mắc này không bao giờ dừng lại; nó cứ nhiều lên và tăng độ khó theo từng năm tháng con cái chúng ta lớn khôn. Đến tuổi học sinh trung học, đặc biệt vào đại học, con trẻ biết đến thuyết tiến hóa, chủ nghĩa vô thần. Nhân loại nhân danh khoa học phủ nhận cả Thượng đế, tuyên bố “Thượng đế đã chết”. Con trẻ buộc phải đối mặt với nhiều học thuyết, nhiều hệ tư tưởng cho rằng con người tạo ra thần linh chứ không phải chiều ngược lại, và rằng tôn giáo chỉ là sản phẩm của tư duy nhân loại mà thôi,… Dù muốn hay không, con cái chúng ta nơi mái trường trung học, nơi giảng đường đại học đang ngày ngày phải đối mặt với thực trạng này. Bên cạnh vốn đức tin của con trẻ đã được trang bị để có thể tự mình giải mã, chúng thực sự cần được sự nâng đỡ của chính bậc làm cha mẹ là chúng ta. Khi ấy, cần giúp con xác tín rằng:
- Tôn giáo không mâu thuẫn và cũng không đồng nhất với khoa học, vì khoa học dựa trên thực tế trải nghiệm của một giai đoạn nhất định trong lịch sử nhân loại, còn tôn giáo dựa trên cơ sở của niềm tin bất biến với thời gian.
- Điều mà khoa học hôm nay khẳng định đúng, chưa chắc đã là chân lý của tương lai. Mãi mãi khoa học chỉ là một hành trình mà nhân loại phải vất vả tìm kiếm để đến gần với chân lý. Còn đức tin tôn giáo, nhờ sức mạnh của Thánh Thần mặc khải, một sơ sở vững chắc vượt trên khả năng của muôn đời nhân loại, ta hoàn toàn có cơ sở chắc chắn vào điều mình tin là đúng. Ta hoàn toàn tin rằng, chân lý cuối cùng mà nền văn minh khoa học của nhân loại nếu có thể tìm ra, thì chắc chắn đó “phải và chỉ là” Thiên Chúa.
3. Va chạm với thực tế cuộc sống.
Mặt khác, đức tin của con cái chúng ta còn gặp thử thách khi phải đối mặt với thực tế muôn mặt của cuộc sống. Va chạm với nhiều người, nhiều tôn giáo hoặc không tôn giáo, con trẻ không nhìn thấy sự ưu việt nơi cách sống của người Kitô hữu. Người có đạo cũng tham lam, cũng gian dối, cũng tội lỗi như bất cứ ai. Đó là chưa kể đến những tình huống đổ vỡ trong lòng con cái chúng ta khi chứng kiến sự thật xấu xa được phơi trần nơi những người xưa nay đạo đức khả kính. Khi ấy, tự nhiên một tâm lý phản kháng trỗi dậy, chúng thù ghét mọi sự giả hình, chúng không thích lễ lạc kinh nguyện, suy tôn phương châm “đạo tại tâm”. Chúng không hào hứng khi nói về niềm tin của mình, trái lại sống trung dung và thích thú nghiên cứu vẻ đẹp của những tôn giáo khác.
Rồi khi cái Thiện bị chà đạp, cái Ác lên ngôi; con cái chúng ta nhiều khi hoang mang về Thiên đàng - Hỏa ngục, cảm thấy giáo luật quá nặng nề, tự mình đặt ra một “giới răn mới” của luật lương tâm và mặc nhiên để mình sống trong luật đó.
Là gia trưởng, chúng ta không thể thờ ơ với con cái trong trường hợp này. Chúng ta cần gần gũi chúng nhiều hơn, chỉ cho chúng thấy đâu là “hiện tượng” và đâu mới là “bản chất” của vấn đề. Chúng cần phải hiểu rõ tính chất lữ hành của Hội Thánh tại thế, tuy rất thánh thiện nhưng lại cưu mang trong lòng cả những bất toàn của nhân loại tội lỗi. Một Kitô hữu sống có trách nhiệm với niềm tin của mình không phải là thái độ oán trách buông xuôi, mà phải vững vàng dấn thân làm chứng cho niềm tin ấy.
Kính thưa quý gia trưởng!
Với loạt bài đề cập đến việc gìn giữ đức tin của con cái, chúng tôi đã trình bày khá nhiều những nguyên nhân, những tác động khách quan lẫn chủ quan làm ảnh hưởng đến đời sống đức tin của chúng. Song, như người xưa có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đức tin có qua thử thách mới bén rễ và trổ sinh hoa trái tốt tươi. Chúng ta cần giúp con cái khiêm tốn nhận ra sự yếu đuối của thân phận con người để đừng bao giờ quên cậy dựa vào ơn Chúa. Hồng ân nơi Thánh lễ mỗi ngày và nơi các Bí tích sẽ đủ nâng đỡ đời sống đức tin cho mỗi người. Đức tin không phải là thành quả do con người làm ra mà do hồng ân Thiên Chúa trao ban. Không một ai có thể bền đỗ đến cùng trong niềm tin của mình mà không nhờ đến Ơn Chúa.
* Cùng suy tư:
Một gia trưởng có đời sống đức tin mạnh mẽ sẽ là một tấm gương thuyết phục nhất để con cái gìn giữ đức tin của mình.