Giọt mồ hôi, nỗi nhọc nhằn của cha mẹ lập tức tan biến cuối ngày khi được nghe giọng cười tiếng nói trẻ thơ. Con cái trở thành trung tâm của sự quan tâm mà cha mẹ dành cho. Thế rồi những đứa con khác sau đó lần lượt ra đời, khi ấy, đối mặt với gánh nặng áo cơm, đối mặt với những cá tính khác nhau của con cái, rất vô tình, cha mẹ đã biểu lộ những cung bậc tình cảm rất khác nhau cho mỗi người con. Cách ứng xử nhiều khi thiên vị này nhiều phen đã làm cho bầu khí gia đình mất đi sự an vui.
1. Sự cao cả của tình yêu thương con
Thiên Chúa nhiệm mầu đã đặt định trong tâm hồn con người một ngọn lửa yêu thương. Ngọn lửa ấy luôn luôn chực chờ le lói và lập tức toả sáng khi có dịp thuận tiện. Khi có con, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là một ngọn lửa nồng nàn và thiết tha nhất. Không đợi ai mách bảo, không cần ai cho phép, cha mẹ lập tức đón nhận con cái với tất cả thương yêu. Con cái được bảo bọc chở che, được nuôi dưỡng và giáo dục để sống và lớn lên trong những điều kiện thuận tiện nhất mà cha mẹ có thể làm được cho con.
Ngay cả khi cha mẹ có nhiều con, thì tình thương con cái vẫn không hề thay đổi. Tục ngữ Việt Nam từng nói: “Lòng bàn tay cũng là thịt, mu bàn tay cũng là thịt”, chẳng có người con nào mà cha mẹ không thương, dù con ngoan hay hư, con giỏi giang khéo léo hay thất bại vụng về. Có thể trong một lúc nào đó, tình yêu cha mẹ dồn vào cho một người con, chẳng hạn đó là đứa con nhỏ bé nhất cần được chăm chút từng li từng tí, đứa con đang bệnh tật cần sự chăm sóc nhiều hơn, đứa con hư hèn cần sự tha thứ nhiều hơn, đứa con thất bại cần được an ủi nhiều hơn,… Sự quan tâm đặc biệt cho đứa con này, trong một giai đoạn nhất định là điều hoàn toàn chính đáng của tình cha mẹ. Và khi giai đoạn ấy qua đi, cha mẹ lại đổ tràn sự quan tâm yêu thương cho tất cả đàn con. Có thể nói, chính sự cao cả vĩ đại của tình cha mẹ mà nhân loại phần nào cảm nhận được tình Thiên Chúa bao la đã dành cho con người.
2. Thiên vị trong tình cảm đối với con cái
Tuy vậy, trong thực tế cuộc sống, ở đâu đó quanh ta vẫn còn có cảnh “con yêu, con ghét”. Đi tìm nguyên nhân cho vấn đề này không dễ, chỉ biết rằng thực tế nó vẫn diễn ra, và trước sự thiên vị của bậc làm cha mẹ, đã để lại không ít những thương tổn trong lòng người con đến suốt đời.
- Có thể ban đầu chỉ là tình cảm rất tự nhiên của cha mẹ dành cho con cái: Yêu thương khi thấy con ngoan hiền, học hành giỏi giang. Rồi người con ấy trổi vượt hơn các con khác trong nhiều lĩnh vực, đem lại niềm tự hào mãn nguyện của cha mẹ trước bao người xung quanh. Bao nhiêu sự quan tâm, tạo điều kiện đều dồn hết cho người con này. Tình cảm ấy lướt thắng nên cha mẹ dễ dàng bỏ qua cho những vi phạm nhỏ nhặt khi người con ấy lỡ mắc phạm.
- Và ngược lại, với đứa con cá biệt về tính cách, vụng về trong ứng xử, thua kém bạn bè cùng trang lứa, học hành bê trễ,… Phản ứng ban đầu của cha mẹ chỉ là nhắc nhở khiển trách để con nên tốt hơn. Song lâu dài, ở nơi những đứa con chậm thay đổi, sự định kiến hình thành trong suy nghĩ của cha mẹ. Chúng thường xuyên bị trách móc, trừng phạt và vì không tốt không ngoan, chúng thường bị mất đi những niềm vui chính đáng khi cha mẹ thưởng cho những thành tích tốt đẹp của con cái.
Trong một gia đình mà cha mẹ có cả hai xu hướng tình cảm trên trong ứng xử với các con cái của mình thì hậu quả thật khôn lường. Trẻ được khen sinh tự mãn kiêu căng, xem thường ngay cả anh chị em trong nhà; còn trẻ bị khiển trách thường xuyên trở nên lầm lì ít nói, mặc cảm về bản thân và ganh ghét đố kỵ với chính anh chị em trong nhà. Sự bất ổn trong gia đình càng tăng cao khi đàn con khôn lớn và khi con cái ra ở riêng mà sự phân chia tài sản thừa kế chẳng đồng đều. Trong trường hợp bị thua thiệt, đứa con sẽ mất đi sự kính trọng cha mẹ, sẵn sàng chà đạp lên chữ hiếu và nhạt nhẽo trong tình anh em ruột thịt. Cha mẹ khi ấy phải gánh chịu nỗi đau khi nhìn thấy đàn con của mình chối bỏ tình thâm, đùn đẩy chữ hiếu cho nhau, và càng cay đắng hơn khi chính những đứa con được yêu chiều nhất lại nhiều khi chẳng hề biết hiếu thảo với đấng sinh thành.
3. Học cách yêu thương con hợp lý
Tình yêu tưởng như rất tự nhiên trong đời người, xem ra bậc làm cha mẹ như chúng ta cũng cần phải học hỏi cách biểu lộ. Trước đàn con Thiên Chúa đã trao ban, cha mẹ có bổn phận yêu thương đón nhận, nuôi dưỡng và giáo dục chúng nên tốt đẹp trước mặt Chúa. Nguyên tắc cơ bản nhất là hãy yêu thương chúng và dạy cho chúng biết yêu thương.
- Ngay khi con cái còn nhỏ dại, cha mẹ cần tìm cách vừa biểu lộ tình thương con vừa dạy con cách yêu thương. Tận dụng ngay trong những biểu hiện nhỏ nhặt nhất trong đời sống. Khi thấy thằng anh lớn 4-5 tuổi xụ mặt vì cha mẹ nâng niu em bé trong nôi, ta đừng bỏ qua cơ hội này. Trong lòng đứa anh đang manh nha một ý niệm là cha mẹ thương em bé hơn mình. Hãy cầm tay anh dẫn đến bên nôi em: ”Con có thấy ba mẹ thương em nhiều không?” - “Dạ nhiều!” - “Đúng rồi, vì em còn nhỏ, cần phải được yêu thương nhiều để em lớn. Ngày xưa, khi con còn nhỏ như em, ba mẹ cũng yêu thương nhiều như vậy!”. Chắc chắn đứa anh sẽ rạng rỡ khuôn mặt ngây thơ, ngập tràn niềm vui trong lòng và tíu tít muốn được biểu lộ tình thương em. Rồi một dịp thuận tiện khác, khi anh em chúng đang nô đùa với nhau, cha mẹ mang về một cái bánh, đừng tự mình chia bánh cho con, vì sự phân chia nào cũng chẳng đồng đều trong lòng trẻ. Hãy đưa cho đứa anh nhờ chia: ”Anh hai rất thương em, anh hai hãy giúp ba mẹ chia chiếc bánh này cho em một phần để thấy anh hai thương em này”. Nếu con chia hai phần đều nhau, hãy nói: ”Ồ, anh hai công bằng chưa, là anh lớn mà cũng chỉ ăn bằng phần em thôi. Em cám ơn anh đi nào.” Nếu con lấy phần nhỏ, đưa cho em phần lớn, hãy khen: “Ồ, anh hai thật thương em khi đã nhường cho em phần hơn. Em cám ơn anh đi nào.” Và nếu anh lấy phần lớn, chìa cho em phần nhỏ, hãy ôn tồn nói: “Ồ, chắc là sơ sót nên anh chia ra không đều được, chứ anh hai thương em lắm, chẳng muốn tranh phần nhiều với em đâu, phải không nào!”… Rồi một lần khác với một chiếc bánh khác, hãy đưa cho đứa em nhờ chia, và ta sẽ lại có dịp thuận tiện để dạy con cái tình yêu thương.
- Rồi khi các con đến tuổi đi học, chi phí tăng cao. Nhiều gia đình đông con đến mùa tựu trường là cả một gánh nặng tiền áo quần, sách vở. Ngoài việc cha mẹ chủ động lên kế hoạch chi tiêu sắm sửa sao cho khéo, còn phải dạy con cái biết quan tâm đến các thành viên khác trong nhà. Đừng công bằng cách máy móc rằng anh được sắm giầy thì em phải có bis, anh có áo sơ mi mới thì em cũng phải có đầm xinh. Cha mẹ có điều kiện kinh tế đã đành, còn phần đông những gia đình nghèo đông con làm sao đáp ứng. Cứ sắm cho anh lớn quần áo mới, sách mới; còn quần áo cũ, sách cũ của anh nhường lại cho em trai sau. Hãy ôn tồn cho con thấy trong mỗi giai đoạn, đâu mới là sự cần thiết hơn. Dù trẻ không vui, nhưng rồi cũng sẽ hiểu ra. Còn hơn là chiều chuộng vô lối, dễ dẫn trẻ đến sự ích kỷ, không bao giờ chịu nhận phần thua thiệt về mình. Vả lại, khi chiếc áo cũ, quyển sách cũ của anh được nhường lại cho em, trong ý thức của người anh sẽ biết trân trọng và gìn giữ tài sản mà cha mẹ đã dành cho.
- Với những người con chưa ngoan, cha mẹ cần bình tĩnh trước mọi tình huống. Tối kỵ việc la mắng đánh đập khi có mặt anh em chúng, nhất là đừng đem ra so sánh chúng với những anh em khác bằng thái độ chì chiết, thất vọng. Trái lại, cần tạo tình huống riêng tư trò chuyện với chúng, chỉ cho chúng điều đúng sai, và đặc biệt tìm cách khích lệ và ngay lập tức khen ngợi chúng trước mặt anh em khi chúng làm được điều tốt đẹp. Điều ấy có tác dụng kích thích một nỗ lực vươn lên trong lòng chúng, vì chúng nhận ra được cha mẹ yêu thương đã không xem mình như “một thứ bỏ đi”.
Kính thưa quý gia trưởng!
Giáo dục con cái là một trọng trách thiêng liêng của bậc làm cha mẹ. Yêu thương tất cả những đứa con mình đã cộng tác với Đấng Sáng Tạo mà sinh ra là một lệnh truyền của Thiên Chúa qua Bí tích Hôn phối. Như Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh chính mạng sống mình, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái trở nên vĩ đại và thiêng liêng bởi chính sự hy sinh đời mình cho con cái. Hãy làm cho con cái mình cũng biết sống với cha mẹ, anh em trong nhà bằng tình yêu và sự hy sinh cho nhau.
* Cùng suy tư:
Lắng nghe ý Chúa qua dụ ngôn “Người Cha nhân từ” để tìm được sự thích hợp trong biểu hiện tình cảm và ứng xử với con cái chúng ta.