Đức Thánh Cha: việc đền tạ biểu hiện sự hòa giải với Thiên Chúa

Sáng 10/5, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các tham dự viên Hội nghị “Đền bù những gì không thể khắc phục” nhân kỷ niệm 350 năm ngày Chúa Giêsu hiện ra với thánh Margherita Maria tại Paray-le-Monial, Pháp.

Đức Thánh Cha giải thích: Việc đền bù là một khái niệm chúng ta thường thấy trong Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, nó mang một chiều hướng xã hội về việc đền bù cho những tội ác đã phạm. Đây là trường hợp của luật Môsê quy định việc trả lại những gì đã bị đánh cắp hoặc đền bù những thiệt hại đã gây ra (xem Xh 22,1-15; Lv 6,1-7). Đó là một hành động công bằng nhằm bảo vệ đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong Tân Ước, nó mang hình thức của một quá trình thiêng liêng, trong chiều kích cứu chuộc do Chúa Kitô thực hiện. Việc đền bù được thể hiện trọn vẹn nơi hy tế Thập Giá. Điều mới ở đây là nó bộc lộ lòng thương xót của Chúa đối với tội nhân. Do đó, việc đền bù góp phần vào sự hòa giải giữa con người với nhau, nhưng cũng góp phần vào sự hòa giải với Thiên Chúa, bởi vì tội ác chống lại người lân cận cũng là xúc phạm đến Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nhận xét một đàng, chúng ta hy vọng mọi vết thương đều có thể được chữa lành, ngay cả khi nó rất sâu. Đàng khác, việc sửa chữa hoàn toàn đôi khi dường như là không thể khi tài sản hoặc người thân bị mất vĩnh viễn hoặc khi một số tình huống trở nên không thể cứu vãn được. Nhưng ý hướng đền bù và thực hiện điều đó một cách cụ thể là điều cần thiết cho tiến trình hòa giải và mang lại bình an cho tâm hồn.

Đối với Kitô hữu, việc đền bù chạm đến trái tim của người bị xúc phạm chứ không chỉ là một hành vi công bằng giao hoán đơn giản. Đức Thánh Cha chỉ ra rằng, nó đòi hỏi hai thái độ, trước hết là nhận ra mình có tội và sau đó là xin sự tha thứ.

Bất kỳ sự đền bù nào, về mặt nhân bản hay thiêng liêng, đều bắt đầu bằng việc nhận ra tội lỗi của mình. “Việc tự nhận lỗi là một phần của sự khôn ngoan Kitô giáo, điều này làm đẹp lòng Chúa, bởi vì Chúa đón nhận tấm lòng thống hối” (Bài giảng trong Thánh lễ tại Nhà nguyện S. Marta, ngày 6 tháng 3 năm 2018).

Kế đến, việc cầu xin sự tha thứ mở lại cuộc đối thoại và thể hiện ước muốn tái lập mối dây bác ái huynh đệ. Nếu điều đã gây ra không thể sửa chữa hoàn toàn được thì tình yêu luôn có thể tái sinh, làm cho vết thương trở nên có thể chịu đựng được.

Đức Thánh Cha nhắc rằng Chúa Giêsu đã yêu cầu Thánh Margarita Maria thực hiện việc đền tạ vì những xúc phạm do tội lỗi của con người gây ra. Ngài ước mong nhiều người tìm được bình an trong hành trình hoán cải và đền tạ Thánh Tâm Chúa (CSR_1924_2024).

Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần XXXII TN: Sức mạnh của lòng tin...

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng