ĐTC Phanxicô tiếp Thánh Hội đồng của Giáo hội Siro-Malankara Thánh Tôma (VATICAN MEDIA Divisione Foto)
Sáng thứ Hai ngày 11/11/2024, gặp gỡ Thánh Hội đồng của Giáo hội Siro-Malankara Thánh Tôma, thường được gọi là Giáo hội Thánh Tôma, Đức Thánh Cha hy vọng rằng trong tương lai hai Giáo hội có thể cử hành chung Thánh Thể. Ngài cũng nói rằng việc cùng làm chứng tá cho Chúa Kitô sẽ đưa các Kitô hữu đến gần nhau hơn.
Giáo hội Siro-Malankara Thánh Tôma có nguồn gốc từ Thánh Tôma Tông đồ và phổ biến ở bang Kerala, tây nam Ấn Độ; hiện Giáo hội này có gần 3 triệu tín hữu ở Ấn độ và nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên Thánh Hội đồng của Giáo hội Thánh Tôma viếng thăm Giáo hội Roma và yết kiến Giáo hoàng của Công giáo Roma.
Ơn gọi đại kết
Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói rằng Giáo hội Thánh Tôma có thể được định nghĩa là “Giáo hội cầu nối” giữa Đông phương và Tây phương và có ơn gọi đại kết. Ngài nhắc lại mối quan hệ giữa Giáo hội Roma và Giáo hội Thánh Tôma, đặc biệt trong những năm gần đây, với kết quả là cuộc đối thoại chính thức giữa hai Giáo hội. Ngài hy vọng rằng đến một ngày hai Giáo hội có thể chia sẻ cùng Thánh Thể, thực hiện lời Chúa Giêsu: “Họ sẽ đến từ phương Đông và phương Tây và sẽ tham dự cùng bàn tiệc” (Mt 8, 11).
Hiệp hành không thể tách rời đại kết
Sau đó Đức Thánh Cha chia sẻ hai chiều kích của cuộc đối thoại: hiệp hành và sứ vụ. Ngài nói rằng hiệp hành không thể tách rời đại kết, bởi vì “cả hai đều dựa trên một Bí tích Rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận, trên cảm thức đức tin mà mọi Kitô hữu đều tham gia nhờ chính Bí tích Rửa tội”. Dựa trên Tài liệu Chung kết của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành, Đức Thánh Cha nói rằng “các thực hành hiệp hành đại kết và các hình thức tham vấn, cho đến những vấn đề cùng quan tâm và cấp bách” (s.138) của Giáo hội Thánh Tôma chắc chắn có thể giúp Giáo hội Roma trên con đường hiệp hành đại kết.
Sứ vụ không chỉ là mục đích mà còn là phương tiện của hành trình đại kết
Và nói về sứ vụ, Đức Thánh Cha khẳng định rằng "hiệp hành và đại kết cũng không thể tách rời bởi vì cả hai đều có mục tiêu là chứng tá tốt hơn của các Kitô hữu. Tuy nhiên, sứ vụ không chỉ là mục đích của hành trình đại kết mà còn là phương tiện của hành trình đó”. Ngài tin chắc rằng cùng nhau làm việc để làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh là cách tốt nhất đưa các tín hữu đến gần nhau hơn. Ngài hy vọng rằng trong tương lai các Giáo hội có thể cử hành Thượng hội đồng đại kết về việc truyền giáo để cầu nguyện, suy tư và cùng nhau dấn thân cho một chứng tá Kitô giáo tốt hơn, “để thế giới có thể tin” (Ga 17, 21).
Nguồn: vaticannews.va