ĐTC Phanxicô: đừng bao giờ loại trừ ai khỏi nguồn kiến thức

ĐTC Phanxicô tiếp giáo sư và sinh viên của Trường Ngôn ngữ cổ, Ngoại giao và Văn khố Vatican và của Trường Khoa học Thư viện Vatican  (Vatican Media)

Gặp gỡ khoảng 200 giáo sư và sinh viên của Trường Ngôn ngữ cổ, Ngoại giao và Văn khố Vatican, nhân dịp kỷ niệm 140 năm trường ra đời, và của Trường Khoa học Thư viện Vatican, nhân 90 năm thành lập, Đức Thánh Cha mời họ “bảo vệ mọi người khỏi những gì độc hại, không lành mạnh và bạo lực có thể ẩn giấu trong thế giới truyền thông xã hội và kiến thức công nghệ”.

Bảo vệ mọi người khỏi những độc hại, không lành mạnh và bạo lực của truyền thông xã hội và kiến thức công nghệ

Đánh giá cao công việc giáo dục của các Trường này, vốn đòi hỏi sự dấn thân và cập nhật liên tục, Đức Thánh Cha cám ơn những điều họ đã làm được, nhưng cũng kêu gọi luôn nhìn về phía trước và không ngừng lại vì hài lòng với những kết quả đạt được, sẵn sàng đón nhận những thách thức văn hóa quyết định mà thời đại chúng ta đặt ra trước mắt. Ngài nói: “Tôi nghĩ đến những vấn đề lớn liên quan đến sự toàn cầu hóa, nguy cơ san bằng và sự mất giá của tri thức; tôi nghĩ đến mối quan hệ ngày càng phức tạp với công nghệ; suy tư về các truyền thống văn hóa phải được trau dồi và đề xuất mà không áp đặt lẫn nhau; tôi nghĩ đến sự cần thiết phải bao gồm và không bao giờ loại trừ bất kỳ ai khỏi các nguồn kiến thức, đồng thời, bảo vệ mọi người khỏi những gì độc hại, không lành mạnh và bạo lực có thể ẩn giấu trong thế giới truyền thông xã hội và kiến thức công nghệ”.

Suy tư về quá khứ và hướng đến tương lai

Trong bối cảnh hiện tại, Đức Thánh Cha tiếp tục nhấn mạnh những đặc điểm chính cần có của những người làm việc trong các trường này: “Một sự cởi mở tuyệt vời để thảo luận và đối thoại, sẵn sàng chào đón, đặc biệt là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và nghèo đói về vật chất, văn hóa và tinh thần”. Ngài khen ngợi các Trường học đã có thể đối mặt với “nhu cầu về những nơi bảo tồn kiến thức”, để phát triển và trên hết là tránh sự tự quy chiếu. Từ đây, Đức Thánh Cha mời gọi họ “Có can đảm để suy nghĩ lại về bản thân trước những yêu cầu đến từ thế giới văn hóa và nghề nghiệp”.

Sự nguy hiểm của ý thức hệ

Khi nhắc lại nguồn gốc của các Trường Vatican này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh “cách tiếp cận thực tế và cách tiếp cận cụ thể của họ đối với các vấn đề và nghiên cứu”. Đó là một quan điểm được ngài đánh giá cao vì nó gắn liền với sự so sánh với thực tế chứ không phải với ý thức hệ, bởi vì “các ý thức hệ luôn giết chết”. Ngài nói: “Ở đây chúng ta dạy và học để trở thành nhân viên lưu trữ và thủ thư thông qua tiếp xúc, không chỉ với việc học mà còn với kinh nghiệm sống của những người làm nghề này”.

Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

Đức Maria thăm viếng bà Elizabeth: "Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng