ĐTC Phanxicô gặp một số tổ chức truyền thông Công giáo Ý (VATICAN MEDIA Divisione Foto)
Trong buổi tiếp kiến dành cho phái đoàn gồm Liên đoàn toàn quốc các Tuần báo Công giáo, Liên đoàn Báo chí Định kỳ Ý, các hiệp hội “Corallo” và “Aiart - Cittadini mediali”, Đức Thánh Cha nhắc nhở họ rằng truyền thông, là “chia sẻ, dệt nên những sợi dây hiệp thông, tạo ra những cây cầu mà không dựng lên những bức tường”.
Đức Thánh Cha khuyến khích phái đoàn các nhà truyền thông Công giáo Ý cổ võ một “nền sinh thái truyền thông” trong thế giới kỹ thuật số và theo gương Chân phước Carlo Acutis.
Trong bối cảnh “các xa lộ truyền thông” vĩ đại ngày nay, ngày càng nhanh hơn và quá tải thông tin, Đức Thánh Cha đã mời gọi các nhà truyền thông hãy luôn đi theo ba con đường.
Giáo dục
Con đường đầu tiên là giáo dục. Con đường này rất quan trọng vì “tương lai của xã hội đang bị đe dọa”. Quả thực, giáo dục là cách kết nối thế hệ già và trẻ ngày nay đang đắm chìm trong nền văn hóa kỹ thuật số.
Đức Thánh Cha lưu ý đến việc giáo dục giới trẻ về sự “thận trọng và đơn giản” khi vào mạng internet, đặc biệt trên web, “nơi chúng ta không được ngây thơ và đồng thời không được nhượng bộ trước cám dỗ gieo rắc sự tức giận và thù hận”.
Truyền thông Công giáo nhắm đào tạo tâm trí và trái tim
Theo Đức Thánh Cha, các tuần báo Công giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc này: “Chúng không chỉ đưa ra những tin tức thời sự, nhưng còn truyền tải một tầm nhìn nhân bản và Kitô giáo nhằm đào tạo tâm trí và trái tim”.
Do đó, ngài khuyến khích các nhà truyền thông người Ý thúc đẩy một “nền sinh thái truyền thông” trong cộng đồng, trường học và gia đình: “Quý vị có ơn gọi nhắc nhở mọi người rằng ngoài những tin tức và tin sốt dẻo, luôn có những cảm xúc, những câu chuyện, những con người thực sự cần được tôn trọng”.
Bảo vệ những nhóm yếu thế nhất trong xã hội
Con đường thứ hai Đức Thánh Cha chỉ ra là bảo vệ đặc biệt những nhóm yếu thế nhất trong xã hội, bao gồm trẻ vị thành niên, người già và người khuyết tật, “khỏi sự xâm lấn của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và sự cám dỗ của truyền thông mang tính khiêu khích và mang tính bút chiến”.
Ngài khuyến khích các nhà báo Công giáo tiếp tục thúc đẩy nhận thức công dân về vấn đề này mà không sợ hãi, đồng thời lưu ý rằng đó là “vấn đề về nền dân chủ truyền thông”.
Chứng tá
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến con đường làm chứng tá. Ngài trích dẫn mẫu gương của Chân phước Carlo Acutis, người khi còn trẻ, “đã biết cách sử dụng công nghệ truyền thông mới để truyền tải Tin Mừng, truyền đạt các giá trị và vẻ đẹp”.
“Chứng tá là lời ngôn sứ, nó là sự sáng tạo, nó giải thoát và thúc đẩy chúng ta rời khỏi vùng an toàn của mình để chấp nhận mạo hiểm” và “trung thành với các định đề của Tin Mừng để đi ngược lại xu hướng: nói về tình huynh đệ trong một thế giới theo chủ nghĩa cá nhân; về hòa bình trong một thế giới đang có chiến tranh; quan tâm đến người nghèo trong một thế giới thiếu kiên nhẫn và thờ ơ”.
Nguồn: vaticannews.va