Đời Thánh Hiến Sống Niềm Vui Phục Sinh

Dẫn nhập

Mở đầu tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, Đức thánh cha Phanxicô đề cập đến những con người gặp được Đức Kitô là những người ngập tràn niềm vui trong tâm hồn bởi vì họ được Đức Kitô cứu độ giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập. Nơi những con người này, niềm vui được sinh ra và luôn luôn tái sinh, vì họ đã được chạm đến Đức Kitô là nguồn mạch của niềm vui bất tận[1]. Tuy nhiên, ngay sau đó, Đức thánh cha đã cảnh báo “nguy cơ lớn nhất trong thế giới ngày nay, với những cung cấp tràn ngập và đa dạng của chủ nghĩa tiêu thụ, là một nỗi buồn cá nhân đến từ tâm hồn tự mãn và tham lam, từ cơn sốt tìm kiếm những thú vui phù phiếm, và một lương tâm bị cô lập. Khi đời sống nội tâm bị đóng kín với những tư lợi, thì không còn chỗ cho người khác nữa, những người nghèo không thể vào được nữa, người ta không còn nghe được tiếng của Thiên Chúa, không còn được hưởng niềm vui ngọt ngào của tình yêu Ngài, tim họ không còn đập những nhịp nhiệt thành để làm việc thiện nữa.”[2]

Đời thánh hiến trong phẩm trật giáo hội chẳng thuộc hàng giáo sĩ, và cũng chẳng thuộc hàng giáo dân[3], nhưng là để làm trung gian cho một mẫu hình đã được Đức Kitô chạm đến và đổ đầy những hứng khởi thiêng liêng. Người sống đời thánh hiến là những người đã gặp được Đức Kitô và chính nơi đó mà niềm vui của họ được phát sinh và liên tục tái sinh. Niềm vui ấy, không chỉ hướng các năng lượng của một đời người đến Thiên Chúa, mà còn khơi động nơi họ niềm vui được Đức Kitô đồng hành, niềm vui được Đức Kitô khơi dậy niềm bình an và tin tưởng, niềm vui được Đức Kitô làm cho cuộc đời có ý nghĩa.

Thế nhưng, niềm vui gặp gỡ ấy chỉ trở nên trọn vẹn nơi Đức Kitô phục sinh, nghĩa là cùng nhịp bước đi với Đức Kitô xuyên qua gian khổ để đến vinh quang. Do đó, niềm vui trọn vẹn của những người sống đời thánh hiến là niềm vui để cho Đức Kitô phục sinh dẫn dắt đời mình, để đời sống của họ là một cuộc góp phần biến đổi cấu trúc thế giới, qua những đóng góp giá trị Tin mừng nơi những con người mà Thiên Chúa đặt để họ đi chung trên đường đời. Nếu những người sống đời thánh hiến hôm nay có được niềm vui gặp gỡ và lan toả được niềm vui này, thì thế giới sẽ thấy rằng dẫu lúc này ta chưa chia sẻ được, dẫu lúc này ta chưa cải hoá được, nhưng đây là lối sống trong tương lai của đời thánh hiến .[4]

1. Niềm vui được Đức Kitô đồng hành trên mọi nẻo đường

Nhìn vào các trình thuật của tác giả Tin mừng, người ta dễ dàng nhận ra một Đức Kitô phục sinh không còn bị ảnh hưởng hay giới hạn của thời gian, không gian hay bất cứ cảnh ngộ nào của cuộc sống nữa. Ngài có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Ngài có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống của các môn đệ, bất kể đó là ngày hay đêm, nơi này hay nơi kia. Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài. Không gian khép kín không ngăn được bước chân Ngài. Đức Kitô phục sinh có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt. Điều này đã làm cho các môn đệ không còn buồn rầu, sợ sệt hay lo lắng nữa, bởi vì không có thời gian nào Ngài không ở bên họ.

Cũng vậy, những người sống đời thánh hiến, một khi đã chạm được Đức Kitô phục sinh, họ cũng có chung cảm nghiệm được như các môn đệ, là không còn nhận ra sự đơn độc trong hành trình cuộc đời, bởi các mối liên hệ giữa họ với Đức Kitô phục sinh, cũng như giữa những con người với nhau và sự đổ đầy tình người đã san bằng những khoảng trống trong tâm hồn họ.

Hình ảnh một chiếc ao tù túng, nước đọng và một chiếc ao có sự tuôn chảy của dòng nước diễn tả rất rõ nét điều này. Chiếc ao không đón nhận nguồn nước mới sẽ luôn là một chiếc ao tù túng. Nơi đó, rác rưởi, cặn bã sẽ tồn đọng và tạo điều kiện cho những rêu phong bám víu, làm ô nhiễm vùng nước. Ngược lại, một chiếc ao luôn đón nhận và cho đi nguồn nước sẽ luôn có cơ hội đón nhận nguồn nước mới và làm cho môi trường sống của chiếc ao đó luôn tươi mới nhờ việc thông chuyển dòng nước, đồng thời, sự sống luôn có dịp được phát triển. Một tâm hồn luôn biết mở lòng đón nhận ân sủng, để cho nguồn ân sủng tuôn chảy trong đời mình, sẽ là một tâm hồn đầy ắp niềm vui. Thật vậy, cuộc đời của những người sống đời thánh hiến sẽ trở nên tù túng, ngột ngạt và sẽ không cảm nghiệm được niềm vui khi không đón nhận nguồn ân sủng từ nơi Đức Kitô phục sinh.

Sống niềm vui được Đức Kitô đồng hành trên mọi nẻo đường không làm cho những người sống đời thánh hiến mất đi phẩm giá nội tại của mình trong cộng đồng xã hội, vốn đã được tạo dựng cách tốt đẹp nhưng bị đánh mất do tội nguyên tổ, trái lại nó giúp họ thoát khỏi những hệ luỵ do tội lỗi gây nên, đồng thời làm tăng thêm địa vị của họ, giúp họ sống trọn tình “con thảo” đối với Cha trên trời. Trong lối nhìn này, sống niềm vui phục sinh là đón nhận hồng ân của Thiên Chúa ban cho con người qua “Người Con chí ái” là Đức Kitô phục sinh.

2. Niềm vui được Đức Kitô phục sinh khơi động sự bình an, tin tưởng

Lời chào “Bình an cho anh em”[5] là lời đầu tiên mỗi khi Đức Kitô phục sinh gặp gỡ các môn đệ, mà không phải bất cứ lời nào khác. Trong những thời khắc mà các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, thì Đức Kitô phục sinh đã không những ban bình an cho các môn đệ, mà còn ban Thánh Thần cho họ: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”[6] . Một khi các môn đệ gặp được Đức Kitô phục sinh, họ cảm nghiệm được sự bình an tự đáy lòng.

Cũng vậy, những người sống đời thánh hiến cũng sẽ cảm nghiệm được niềm vui gặp gỡ Đức Kitô phục sinh qua những khoảnh khắc nguyện gẫm, chiêm niệm, những khoảnh khắc một mình với Chúa, khi vui cũng như lúc buồn. Có khi họ có nhiều nỗi niềm để tâm sự, nhưng cũng có nhiều lúc họ chẳng có gì để thân thưa. Họ chìm đắm trong thinh lặng với chỉ một mình Chúa. Thế nhưng, trong sự thinh lặng thâm sâu ấy, họ cảm nghiệm được bình an đến lạ lùng[7]. Và chính sự bình an nơi thâm sâu cõi lòng đó khơi động lên một niềm vui sâu lắng, niềm vui nội tâm.

Nếu cuộc gặp gỡ với Đức Kitô phục sinh khiến tâm hồn các môn đệ đang tan nát trở nên ổn định và đầy tràn bình an của Thánh Thần, Maria đang buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau sầu não tuyệt vọng trở nên phấn khởi, Tôma đang ngờ vực trước thực trạng cuộc sống của mình trở nên vững tin, thì những thế hệ tiếp theo, và dường như đời môn đệ qua mọi thời, đều có cùng một cảm nghiệm về niềm vui được Đức Kitô phục sinh mang lại bình an trong từng tình huống, biến cố cuộc đời họ. Đức Kitô phục sinh chính là nguồn khơi động sự bình an và tin tưởng cho đời môn đệ, để họ có thể khẳng định và chia sẻ niềm vui với nhau.

Sống niềm vui gặp gỡ Đức Kitô phục sinh, là nhận ra ân huệ của đời mình, như những chú ve, ca hát khi mùa xuân tới, hơn là những chú kiến, làm việc miệt mài để dự trữ thức ăn cho mùa đông[8]. Niềm vui sâu lắng qua cuộc gặp gỡ này không phải là một thứ kỷ vật nào đó mà người ta đem cất giữ thật kỹ trong tủ kiếng, để rồi chỉ có thể chiêm ngắm nó từ xa, nhưng là cả một mênh mông của biển khơi mà nơi đó, người ta có thể thỏa sức đắm mình bơi lội, vùng vẫy và ngụp lặn giữa đại dương của tình yêu thương. Đó là ý nghĩa cao cả của mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người và giữa những con người trong cuộc đời mà qua đó, người ta có thể thiết lập để bước đi giữa những phong ba của cuộc sống và để có sức mạnh hầu sống trọn vẹn kiếp người.
Thật vậy, sự kỳ diệu của số phận con người được sáng tỏ khi được đặt để trong mối tương quan với Thiên Chúa và với những người xung quanh. Chính trong mối tương giao với Thiên Chúa và với đồng loại, con người có thể khẳng định được vị trí và giá trị của bản thân mình. Trong mối tương giao với Thiên Chúa, con người được khẳng định địa vị làm con và phẩm giá trổi vượt trên mọi loài. Trong mối tương giao với đồng loại, cái tôi của một cá thể được bộc phát và được công nhận bởi một cá thể khác. Việc gặp gỡ Đức Kitô phục sinh đã không những phục hồi vị trí môn đệ mà còn khơi động nơi tâm hồn các ông niềm phấn khởi và hăng say, lên đường trở về Giêrusalem để gặp gỡ, chia sẻ cho nhau niềm vui gặp Chúa và từ đó, tỏa đi khắp nơi loan báo cho mọi người về kinh nghiệm về Đức Kitô phục sinh của mình. Chính trong từng kinh nghiệm gặp gỡ cá vị, riêng tư với Đức Kitô phục sinh mà họ cảm nghiệm được niềm vui được Đức Kitô khơi động và chính là động lực thôi thúc họ quy tụ để chia sẻ cho nhau và cho mọi người. Người sống đời thánh hiến, một khi được chạm đến Đức Kitô phục sinh, cũng sẽ cảm nghiệm được niềm vui được bình an giữa những ngổn ngang của cuộc đời.

3. Niềm vui được Đức Kitô phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa

Sau thời điểm Đức Kitô bị hành hình, tâm hồn các môn đệ hầu như hoàn toàn rơi vào tuyệt vọng, vào trạng thái khủng hoảng, khép kín. Các ông có nguy cơ rơi vào trạng thái mãi mãi ở trong bản thân, và có nguy cơ bị đóng khung trong “nhà tù cái tôi” của mình. Và nếu bị giam hãm mãi, bản thân họ có nguy cơ bị đóng băng và trở thành những cái tôi ích kỷ, ngột ngạt. Lúc đó, hành trình của một đời người trở nên hành trình của sự lẻ loi, cô độc.

Mỗi một con người, một khi được sinh ra trong thế giới này, đều mang trong mình sứ mạng hoàn thành cuộc đời của mình qua những công việc cụ thể, qua những chọn lựa cho mình một hướng đi, một cách sống trong cuộc đời để có thể sống một đời sống có ý nghĩa. Ai ai cũng phải sống cuộc đời mình và không ai có thể sống thay cho người khác, dù họ có quyền và có thể chết thay cho người khác. Thế nhưng, nếu thiếu đi động lực sống, hay nói cách khác, nếu không tìm được ý nghĩa cho đời mình, thì đời sống chỉ là những bước chân lê lết, mệt nhoài, kéo lê cuộc đời từ trong quá khứ, lết vào hiện tại và lê về tương lai. Các môn đệ Đức Kitô đã trải qua những thời khắc như thế sau khi Thầy bị đóng đinh. Họ đã lầm lũi bước đi trong bóng đêm của lầm than và tuyệt vọng.

Con người được sinh ra trong cuộc đời, với một loạt những giá trị, tính cách, quan niệm sống, sở thích, xu hướng mà không ai có thể thay thế. Họ là những cá thể độc nhất vô nhị và có trách nhiệm với bản thân về những giá trị đó; kể cả khi đối diện với Tuyệt Đối, họ vẫn là một nhân vị với tất cả ý nghĩa đầy đủ của hạn từ này. Tất cả đều như hối hả, tất bật cho việc hoàn thành sứ mạng cao cả của mình là sứ mạng làm người. Tuy nhiên, hành trình trong đơn độc luôn là một hành trình với những bước chân cô đơn, rời rã, bởi tự bản chất, con người không thể sống “đơn thân độc mã”, không thể sống mà không cần đến động lực sống làm cho đời sống của họ có ý nghĩa. May thay, Đức Kitô phục sinh đã trở lại và những tâm hồn như đã chết bỗng hồi sinh, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ, những cái tôi cô độc giờ đây lại tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một sức sống, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa[9]. Những cái tôi tuyệt vọng giờ đây được nối kết với Cái Tôi vinh hiển, tạo nên những mối dây liên hệ giữa đất và trời và giữa những con người với nhau.

Đức Kitô phục sinh đã khai mở thời đại mới. Tuy nhiên, biến cố phục sinh của Đức Kitô không phải là một biến cố bất ngờ xuất hiện, nhưng được đánh dấu bằng những biến cố trong cuộc đời công khai. Nếu chỉ nhìn bằng cặp mắt thường, khó có ai có thể nhận ra được con người của Đức Kitô trên thập giá lại là con người của niềm vui, khó có thể nhận ra nơi một thân xác bị tan nát vì đòn đánh lại là một thân xác sáng láng, huy hoàng với những thương tích thánh trong ngày phục sinh. Khi đón nhận đi vào mầu nhiệm vượt qua, Đức Kitô đã hứa “một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”[10]. Theo các nhà chú giải, lời tiên báo này không những chỉ nhắm đến cuộc khổ nạn mà còn ám chỉ đến cuộc phục sinh của Đức Kitô trong công trình cứu chuộc. Tác giả Henri Nowen đã trình bày ý nghĩa này như sau: “Được giương lên không nguyên ám chỉ Đấng bị đóng đinh, mà còn ám chỉ Đấng phục sinh nữa. Được giương lên không nguyên ám chỉ cơn hấp hối đau thương khủng khiếp, mà còn ám chỉ cơn hôn mê ngây ngất trong niềm hoan lạc nữa. Được giương lên không nguyên ám chỉ đau khổ chết chóc, mà còn ám chỉ cả niềm hoan lạc phục sinh nữa.”[11]

Con đường của những người sống niềm vui được Đức Kitô phục sinh làm cho có ý nghĩa không gắn liền với vẻ hào nhoáng của những thành công hay vinh hoa sáng chói ở đời, nhưng là “con đường nghịch lý” và nó trở thành quy luật bất di bất dịch mà bất cứ ai muốn sống niềm vui này đều phải tuân theo, đó là đón nhận chính cái thực tại thường ngày của mình để thông hiệp với cái thực tại mà Đức Kitô phục sinh đã khai mở. Đó là một con đường âm thầm bước đi giữa thế gian nhưng lại đưa đến đích điểm huy hoàng với tất cả những giá trị cao quý của con người. Điều chính yếu ở đây là việc để cho Đức Kitô phục sinh dẫn dắt không làm cho con người thoát ra khỏi thế giới hay tách lìa khỏi thế giới, nhưng làm cho họ tiếp tục gắn bó với thế giới, cải biến thế giới hiện tại để rồi sự sống và niềm vui lại có thể được nhân rộng và toả lan đến tất cả[12].

Sống niềm vui phục sinh là đón nhận chính Đức Kitô phục sinh vào trong cuộc đời để Ngài biến đổi cuộc sống hiện tại của mình và mở rộng tâm hồn để có thể bước ra khỏi những tối tăm, mịt mù của thời gian và của những giới hạn, những bất toàn trong suy nghĩ để tiến đến một tương lai khác biệt, tươi mới đang chờ sẵn. Sống niềm vui phục sinh là đón nhận Đức Kitô phục sinh vào trong cái thực tại bi nhất nhất của phận người để qua đó, con người có thể kéo dài niềm vui hữu hạn để tiến đến niềm vui vô hạn trong cái cảm nghiệm thâm sâu của tâm hồn nhờ sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh.

Kết

Sự kiện về cái chết của Đức Kitô trên thánh giá là một cuộc khủng hoảng lớn lao ngần nào đối với các môn đệ, thì cuộc phục sinh của Ngài lại mang đến ý nghĩa lớn lao ngần ấy cho các môn đệ và biến đổi toàn bộ đời sống các môn đệ, và còn hơn thế nữa, cuộc gặp gỡ với Đức Kitô phục sinh đã phục hồi nơi các ông niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin vào con người. Cả hai niềm tin nâng đỡ nhau và mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho các môn đệ. Các môn đệ không thể không loan báo Tin mừng trọng đại này.

Dưới cái nhìn của đức tin, con người bị bủa vây tư bề giữa những bùn lầy của sự dữ, bởi sự kiêu căng vô đối, bởi những ngạo mạn, muốn loại trừ tất cả ra khỏi cuộc đời mình, kể cả Đấng có quyền trên sự sống và sự chết của mình. Theo đó, đau khổ, sự dữ đã xâm nhập và đang đè nặng lên phận người. Vì thế, con người cần được giải thoát để có thể thảnh thơi sống trong tự do. May thay, Đức Giêsu phục sinh đã giải thoát con người khỏi sự kiềm tỏa của tội lỗi, để giao hòa giữa tình đất và tình trời, để nối lại tình trời và tình người, để con người có thể thanh thoát sống và ngụp lặn trong bầu trời của ân sủng. Qua đó, một lời mời gọi con người đi vào mối tương giao giữa đất và trời, giữa người với người vẫn ngân lên giữa lòng cuộc đời, hôm qua và hôm nay, và còn ngân mãi.

Những ai đã gặp được Đức Kitô phục sinh đều trở thành những sứ giả của niềm vui gặp gỡ này. Chẳng ai đã thực sự gặp được Đức Kitô phục sinh rồi mà vẫn còn thờ ơ với chính mình và với cuộc đời.

Hôm nay, Đức Kitô phục sinh vẫn ngỏ lời với từng người sống đời thánh hiến và với mọi người đi vào một cuộc tương giao với Ngài và với con người để tình người, tình trời được lớn mãi trong cuộc đời, và để hành trình của con người không trở nên đơn độc, lẻ loi giữa dòng đời tấp nập, vội vã, nhưng luôn rộn lên tiếng reo vui vì đã gặp được Đức Kitô phục làm biến đổi đời sống của mình.

Nguyên Minh, MF

(Nguồn: https://mfvietnam.org/)

[1] x. Đức giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng, số 1.

[2] Ibid., số 2.

[3] Bộ giáo luật, số 588 § 1.

[4] x. John L. Allen, Jr., Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Hồ Ngọc Thảo dịch, (Hà Nội: Tôn Giáo, (2005) 2008), tr. 264.

[5] Lc 24,36; Ga 20,19; 20,21; 20,26.

[6] Ga 20,22.

[7] x. Lê Hoàng Nam, SJ., Niềm Vui Đời Dâng Hiến, Truy cập ngày 19/04/2018, tại https://dongten.net/2014/11/17/niem-vui-doi-dang-hien/.

[8] x. Jose Cristo Rey Garcia Paredes, CMF. Passion for Christ, Passion for Humanity, Trịnh Minh Trí, OFM dịch, (TPHCM: Tôn Giáo, 2016), tr. 1.

[9] x. Giuse Ngô quang Kiệt. Gặp Gỡ Đức Kitô Phục Sinh.

[10] Ga 12,32.

[11] Henri Nowen, sđd., tr. 33. Henri Nowen. Chén cuộc đời. Nguyễn Phúc Thuần dịch. Eymard.

[12] x. John L. Allen, Jr., sđd., tr. 200. John L. Allen, Jr.. Đức Giáo Hoàng BENEDICT XVI, Hồ Ngọc Thảo dịch, (Hà Nội: Tôn Giáo. (2005) 2008), tr. 200.

bài liên quan mới nhất

Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng