Đời sống chung dưới ánh sáng Tin Mừng

1. Bàn về những yếu tố cốt yếu của đời thánh hiến trong sắc lệnh Perfectae caritatis, Công Đồng Vatican II, tiếp theo các lời khuyên Phúc Âm khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục đã nói đến đời sống chung dựa theo mẫu gương của cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi và dưới ánh sáng Tin Mừng.

Giáo huấn của Công Đồng về điểm này rất quan trọng, mặc dù trên thực tế đời sống chung hiểu nghĩa chặt chẽ thì hoặc không có hay bị giảm thiểu ở một vài hình thức tu trì, tựa như nếp sống ẩn tu, đang khi các Tu hội đời lại không nhất thiết đòi hỏi. Nhưng đời sống chung hiện hữu ở phần lớn các Hội dòng tận hiến, và từ lâu các vị sáng lập cũng như Giáo Hội nhìn nhận nó như là một kỷ luật cơ bản cho việc thăng tiến đời sống thánh hiến và cho việc phối trí hữu hiệu các công tác tông đồ. Để xác nhận điều ấy, Bộ các Tu Hội Tận Hiến và Tu Đoàn Tông Đồ mới đây (2/2/1994) đã phát hành một văn kiện đặc biệt về “Đời Sống Huynh Đệ Cộng Đoàn”.

2. Nếu chúng ta nhìn vào Tin Mừng, có thể nói rằng đời sống chung đáp trả lời giảng dạy của Chúa Giêsu về mối liên kết giữa hai mệnh lệnh mến Chúa và yêu người. Trong một bậc sống muốn yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, thì không thể nào không dấn thân yêu thương cả người thân cận với lòng quảng đại đặc biệt, bắt đầu từ những người gần gũi nhất vì họ thuộc về cùng một cộng đoàn. Đây chính là bậc sống của những người thánh hiến.

Ngoài ra, Tin Mừng cho thấy rằng mặc dầu lời mời gọi của Chúa Giêsu hướng đến từng cá nhân, nhưng nói chung là để mời gọi họ liên kết với nhau thành một nhóm : điều ấy đã xảy ra cho nhóm các môn đệ, điều ấy cũng đã xảy ra cho nhóm các phụ nữ.

Qua những trang sách Tin Mừng, chúng ta cũng thấy ghi chép tầm quan trọng của đức ái huynh đệ như là linh hồn của cộng đoàn, và vì thế, như là giá trị thiết yếu cho đời sống chung. Tin Mừng cũng nhiều lần kể lại những cuộc tranh cãi giữa các tông đồ, là những kẻ đi theo Chúa Giêsu nhưng vẫn còn là những con người, những con đẻ của thời đại và của dân tộc : họ rất bận tâm với địa vị và quyền hành. Câu trả lời của Chúa Giêsu là một bài học về sự khiêm tốn và thái độ sẵn sàng phục vụ (x. Mt 18,34 ; 20,26-28 và song song). Rồi Người ban cho họ giới răn “của Thầy”, giới răn yêu thương nhau (x. Ga 13,34 ; 15,12.17) theo tấm gương của Người. Trong lịch sử Giáo Hội và đặc biệt trong các Dòng Tu, vấn đề tương quan giữa những cá nhân và các nhóm luôn được đặt ra, và không giải pháp nào có giá trị ngoài câu trả lời của sự khiêm tốn Kitô giáo, của tình yêu huynh đệ, hiệp nhất nhân danh và chiếu theo tình yêu của Đức Kitô, theo như lời điệp khúc của bài ca “agape” cổ truyền : “Congregavit nos in unum Christi amor” : tình yêu của Đức Kitô qui tụ chúng ta nên một.

Dĩ nhiên, việc thực hành tình yêu huynh đệ trong đời sống chung đòi hỏi những nỗ lực và hy sinh đáng kể, và nó đòi hỏi lòng quảng đại không thua gì việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm. Vì thế việc gia nhập một Hội Dòng tận hiến hay một Cộng Đoàn bao hàm một sự dấn thân nghiêm túc sống tình yêu huynh đệ dưới hết mọi khía cạnh.

3. Đời sống cộng đoàn của các Kitô hữu tiên khởi là một ví dụ. Ngay sau khi Chúa Giêsu lên trời, cộng đoàn tụ họp lại với nhau để đồng tâm nhất trí cầu nguyện (x. Cv 1, 14) và để kiên trì trong “tình hiệp thông huynh đệ” (Cv 2,42), thậm chí tiến tới việc chia sẻ tài sản vật chất : “để mọi sự làm của chung” (Cv 2,44). Vào thời khai nguyên Giáo Hội, Sự hiệp nhất mà Đức Giêsu khao khát thì đã được thể hiện vào lúc khai nguyên Giáo hội đáng ghi nhớ : “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo mà chỉ có một lòng một ý” (Cv 4, 32),

Trong Giáo Hội luôn luôn còn lưu lại một ký ức sống động – có lẽ cũng là nỗi hoài nhớ – về cộng đoàn tiên khởi. Và trong thâm tâm các cộng đoàn tu trì đã luôn luôn tìm cách tái diễn lý tưởng hiệp thông trong tình yêu, trở thành quy luật thực hành của đời sống chung. Các thành viên trong các cộng đoàn tu trì, được quy tụ bởi tình yêu của Đức Kitô, sống với nhau vì cùng muốn trụ trì trong tình yêu này. Như thế họ có thể trở nên những chứng nhân cho khuôn mặt đích thực của Giáo Hội, trong đó phản chiếu đức ái là linh hồn của Giáo Hội.

Một lòng một ý” không có nghĩa là đúc khuôn đồng bộ, chặt chẽ, nhưng là hiệp thông sâu xa trong sự hiểu biết hỗ tương và tôn trọng lẫn nhau.

4. Tuy nhiên ở đây không phải chỉ là một sự hiệp nhất theo thiện cảm và tình nghĩa con người. Dựa theo sách Tông Đồ Công Vụ, Công Đồng nói về “sự hiệp nhất về tinh thần” (DT 15). Đó là sự hiệp nhất cắm rễ sâu trong Chúa Thánh Thần, Đấng tuôn đổ tình yêu vào lòng chúng ta (x. Rm 5,5), và thúc giục những người khác biệt cùng giúp nhau trong hành trình tiến tới sự trọn hảo, thiết lập và duy trì giữa họ bầu khí đoàn kết và hợp tác. Cũng như Chúa Thánh Thần đã bảo đảm sự hiệp nhất trong toàn thể Giáo Hội thế nào, thì Ngài cũng thiết lập và duy trì sự hiệp nhất, kể cả dưới hình thức chặt chẽ, trong cộng đoàn đời thánh hiến như vậy.

Những con đường của tình yêu do Chúa Thánh Thần phú bẩm là gì ? Công Đồng chú ý đặc biệt tới sự tôn trọng lẫn nhau (x. PC 15). Công Đồng áp dụng vào các tu sĩ hai lời khuyên của thánh Phaolô đối với các tín hữu : “Anh em hãy yêu mến nhau trong tình huynh đệ, cùng thi đua tôn trọng lẫn nhau” (Rm 12,10) ; “Anh em hãy vác đỡ gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2)

Sự tôn trọng nhau là một lối diễn tả tình yêu hỗ tương ; nó đối nghịch với khuynh hướng phổ biến là lên án nghiêm khắc và chỉ trích tha nhân. Lời khuyên của thánh Phaolô thúc giục ta khám phá nơi những người khác phẩm cách của họ, và trong tầm mức hữu hạn của cặp mắt hạn hữu của ta, khám phá công trình kỳ diệu của ân sủng – và nói cho cùng – của Chúa Thánh Thần nơi họ. Sự tôn trọng này bao gồm sự chấp nhận người khác với những đặc tính, lối suy nghĩ và hành động của họ ; như thế mới có thể khắc phục được nhiều trở ngại để đạt tới sự hài hoà giữa các cá tính vốn thường khác biệt. “Anh em hãy vác đỡ gánh nặng cho nhau” có nghĩa là chấp nhận những khuyết điểm (khách quan hay chủ quan) của người khác, cho dù khi cảm thấy bực bội, và sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gây ra do việc chung sống với những người không có tâm thức và tính khí hoàn toàn hoà hợp với cách nhìn và phán đoán của mình.

5. Cũng trong mục này, Công Đồng (DT 15) nhắc nhớ rằng yêu thương là chu toàn lề luật (x. Rm 13,10), là sợi dây liên kết sự trọn lành (x. Cl 3,14), dấu hiệu của cuộc vượt qua từ cõi chết sang cõi sống (x. 1Ga 3,14), sự tỏ hiện Đức Kitô (Ga 14,21.23), nguồn năng lực tông đồ. Chúng ta có thể áp dụng vào đời sống chung sự trổi vượt của đức ái, được thánh Phaolô diễn tả trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu Côrintô (13,1-13) và gán cho nó những điều mà thánh Tông đồ gọi là hoa trái của Thánh Thần : “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22) : những hoa trái – như Công Đồng nói – là những hoa trái của “tình yêu Thiên Chúa đổ tràn trong mọi tâm hồn” (DT 15).

Đức Giêsu đã nói : “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ” (Mt 18,20). Đây, sự hiện diện của Đức Kitô sẽ đạt được ở bất cứ nơi đâu có hiệp nhất trong tình yêu, và sự hiện diện của Người là nguồn mạch của niềm vui sâu xa, được canh tân mỗi ngày cho đến cuộc gặp gỡ vĩnh viễn với Người.

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng