ĐHY Parolin: Châu Phi cần “những người bạn chân thành” của cộng đồng quốc tế

Nhân dịp Ngày Phi châu lần thứ 61, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma, cầu nguyện cho châu lục. Sau đó, trong một trò chuyện với Vatican News, ngài nói rằng châu lục này có khả năng và nguồn lực để đối diện với những thách đố, nhưng cần phải đặt con người và hạnh phúc của mọi người lên hàng đầu, vì nếu không, con người phải hy sinh và sẽ không có hoà bình.

Những thách đố và hy vọng

Trong bài giảng Thánh lễ được cử hành vào ngày 27/5, trích lời của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, và của Thánh Gioan Phaolô II trong văn kiện về Giáo hội ở Phi châu Ecclesia in Africa, Đức Hồng Y nói đến những thách đố, khó khăn mà châu lục này đang phải đối diện, nhưng cũng đề cập đến những khía cạnh của niềm hy vọng.

Sau đó, Đức Hồng Y giải thích với Vatican News rằng qua cử hành này ngài cảm nhận được sự gần gũi hơn nữa với Phi châu, bởi vì trước đó ngài đã có cơ hội viếng thăm một số nước của châu lục.

Cần sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế

Quốc vụ khanh Toà Thánh nói thêm: “Tôi tin rằng Phi châu phải tự làm điều đó, châu lục này có sức mạnh, nguồn lực, sự phong phú về mọi mặt; nhưng châu lục này cũng cần những người bạn chân thành của cộng đồng quốc tế, làm việc vì các dân tộc, người dân, hoà bình, hoà giải và sự phát triển đất nước. Sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là cần thiết vì châu lục này đang ở trong hoàn cảnh rất khó khăn và giữa nhiều xung đột làm cho nhiều người đau khổ. Tôi tin rằng khu vực này có thể tiến lên nhưng cần phải đặt con người lên trên tất cả. Nếu chúng ta đặt những lợi ích khác lên trên thì chắc chắn con người phải hy sinh, và không thể có hoà bình. Trái lại, nếu có công bằng, có của cải - và đây là nhiệm vụ của chính quyền địa phương và cộng đồng quốc tế - thì Phi châu sẽ được cải thiện”.

Ngày châu Phi

Ngày Thế giới Phi châu được cử hành vào ngày 25/5, vì vào ngày này trong năm 1963, các thoả thuận của Công ước của Tổ chức Thống nhất Châu Phi được ký kết, tượng trưng cho cuộc đấu tranh của toàn lục địa Phi châu vì tự do, phát triển, tiến bộ kinh tế và xã hội, cũng như thúc đẩy và khai thác văn hoá phong phú của Phi châu. Ngày này đã trở thành một truyền thống của tất cả các nước Phi châu và một cơ hội để các phái đoàn ngoại giao của Phi châu cạnh Toà Thánh tổ chức các sự kiện nhằm nâng cao vai trò của châu lục trên thế giới.

Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/7: Thánh Melchior Garcia Sampedro - Xuyên. Giám mục, tử đạo (1858)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng