COP28: sự hiện diện của Đức Phanxicô tại Dubai có thể kích thích “mô hình ngoại giao”

Sự hiện diện của Đức Phanxicô tại COP28 cho thấy bảo vệ môi trường là chủ đề trọng tâm triều giáo hoàng của ngài | © Truyền thông Vatican

Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 12, Đức Phanxicô sẽ đi Dubai để dự hội nghị biến đổi khí hậu COP28. Ngài sẽ là giáo hoàng đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quốc tế. Ông François Mabille, giám đốc Viện nghiên cứu tôn giáo địa chính trị tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, IRIS phân tích sự tham dự lịch sử này của Đức Phanxicô tại COP28 dựa trên những nỗ lực ngoại giao của Tòa thánh trong những thập kỷ qua.

Kể từ triều Đức Phaolô VI, các giáo hoàng đã có mặt trong các lãnh vực của các tổ chức Liên Hiệp Quốc, giúp Tòa thánh lấy lại tính hợp pháp quốc tế đã bị mất sau khi các Quốc gia công giáo sụp đổ vào thế kỷ 19. Trong tông huấn Laudate Deum về biến đổi khí hậu được công bố ngày 4 tháng 10, Đức Phanxicô nhắc lại tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và các thỏa thuận quốc tế nhằm đối đầu với những thách thức sinh thái và xã hội có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Ông François Mabille phân tích sự tham gia lịch sử này của Đức Phanxicô tại COP28.

Liệu sự tham gia của Đức Phanxicô tại hội nghị COP28 có đánh dấu điều gì đó mới mẻ trong lịch sử quan hệ quốc tế của Tòa thánh hay đây chỉ là tiếp nối hoạt động ngoại giao của các giáo hoàng tiền nhiệm?

François Mabille: Sự hiện diện của giáo hoàng trong một cơ quan quốc tế tương đối cổ điển, vì các giáo hoàng thường đến Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, sự hiện diện cá nhân của Đức Phanxicô tại hội nghị COP28 lần này cho thấy việc bảo vệ môi trường là chủ đề trọng tâm triều của ngài, như đã được chứng minh qua thông điệp Laudato si’ (năm 2015) và Tông huấn Laudate Deum (năm 2023). đây là chi tiết khá kỹ thuật liên quan đến cuộc chiến chống khí hậu toàn cầu nóng lên.

Lên tiếng với tổ chức phi chính phủ này có thể tạo ngạc nhiên, nhưng thông điệp Fratelli tutti được công bố trong cuộc khủng hoảng Covid năm 2020, cũng đề xuất các hành động nhằm thúc đẩy bảo vệ tình huynh đệ nhân loại. Giáo hoàng ở trong lãnh vực này với cách tiếp cận rất thực dụng. Một số người có thể giải thích đó là dấu hiệu của một cam kết quá chính trị và xa sứ mệnh lãnh đạo thiêng liêng của ngài. Nhưng quy mô và tính cấp bách của các cuộc khủng hoảng hiện nay đã làm cho ngài phải hành động cụ thể, đề xuất đường lối hành động cho người công giáo và cho tất cả những ai sẵn sàng lắng nghe ngài.

Về khía cạnh đa phương, các trao đổi dự kiến ngài sẽ có với các nguyên thủ quốc gia có mặt tại COP28 sẽ được quan sát cẩn thận. Liệu sự hiện diện của người đã gần 87 tuổi này, người không do dân bầu như hầu hết những người đồng cấp với ngài, có thực sự có trọng lượng trong cuộc họp quốc tế kiểu này không? Hay ngài chỉ được xem là một nhân vật mang tính biểu tượng, mà cuối cùng ảnh hưởng của ngài chỉ là hạn chế?

Nhìn chung, ảnh hưởng của ngài còn hạn chế. Cuộc gặp năm 2014 của ngài với tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas và người đồng cấp Israel lúc bấy giờ là Shimon Peres đã có một hình ảnh mạnh mẽ. Nhưng chín năm sau, chúng ta thấy rõ, nó đã không mang lại kết quả như mong chờ. Quyền lực của giáo hoàng nhất thiết bị hạn chế, vì Tòa thánh không có các phương tiện thông thường của các Nhà nước để duy trì các mối quan hệ quyền lực, do quyền lực ép buộc phải có.

Lời cầu nguyện cho hòa bình ở Đất thánh ngày 8 tháng 6 năm 2014 tại Vatican. Bên cạnh giáo hoàng là tổng thống Mahmoud Abbas, Shimon Peres và thượng phụ Constantinople | © Truyền thông Vatican

Nhưng chúng ta có thể nhìn mọi thứ từ một góc độ khác: ngoại giao cũng có thể không chính thức, một phần của mô hình ngoại giao với khía cạnh tư vấn và hòa giải. Tôi tin chính trong lãnh vực này mà hành động của giáo hoàng và Tòa thánh có thể được xác định. Giáo hoàng có thể tạo điều kiện cho một số cuộc gặp nào đó: chẳng hạn mối quan hệ tốt đẹp Tòa thánh duy trì với Iran có thể cho phép giáo hoàng gởi thông điệp đi từ Iran đến các quốc gia khác và ngược lại. Vì thế chính sách hòa giải hoặc chức vụ tốt đẹp  này của Tòa thánh có thể hữu ích cho các Quốc gia truyền thống.

“Ngoại giao cũng có thể không chính thức, một phần của mô hình ngoại giao với khía cạnh tư vấn và hòa giải. (…) Chính trong lãnh vực này mà hành động của giáo hoàng và Tòa thánh có thể được xác định.”

Các hội nghị COP là một trong những nơi thể hiện sự đối đầu giữa các nước miền Bắc và các nước miền Nam, đặc biệt là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Là người đến từ Argentina, ngài rất phê phán mô hình phương Tây, liệu ngài có thể giúp ngăn chặn sự phân cực giữa các nước giàu và nước nghèo, kết tinh theo một cách thậm chí còn bạo lực hơn không?

Thực sự ngài có một tiếng vang mới cho Châu Mỹ Latinh trên trường quốc tế, nhưng thực tế vị trí giáo hoàng không hòa hợp với chính trị phương Tây, không chỉ bắt nguồn từ Đức Phanxicô. Chúng ta nhớ sự phản đối gay gắt của Đức Gioan Phaolô II trước cuộc tấn công của Hoa Kỳ tại Iraq năm 2003: khi đó rõ ràng giáo hoàng đã nói cuộc chiến này là không hợp pháp, và nếu người công giáo liên quan đến cuộc tấn công này, thì người dân sẽ xem đạo công giáo là vấn đề của phương Tây, điều này sẽ làm nổi bật hơn nữa nhận thức về sự xung đột giữa các nền văn minh.

Nhưng đúng là giáo hoàng đến từ miền Nam với những lời nói rất có chủ đích. Ngài đến từ Argentina và ngài xem các nước phương Tây nằm ngoài phạm vi văn hóa của ngài và ngoài cách tiếp cận chính trị truyền thống mà ngài đã thấm nhuần ở Châu Mỹ Latinh. Bằng cách liên kết sinh thái với “tiếng kêu của người nghèo”, vì thế nó hoàn toàn nằm trong đấu tranh truyền thống của người công giáo Châu Mỹ Latinh vốn rất tích cực trong nhiều thập kỷ. Do đó sự ủng hộ của ngài phù hợp với Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh, được xác định cụ thể trong hội nghị Aparecida mà ngài tham gia năm 2007. Điều này có thể mang lại cho ngài một tính hợp pháp nào đó theo quan điểm của các quốc gia miền Nam.

“Đến từ miền Nam có thể cho phép ngài lên tiếng thay mặt cho những quốc gia có hoàn cảnh khó khăn nhất”.

Ở một số quan điểm nhất định – đặc biệt là về vấn đề di cư – ngài đụng chạm đến một số người công giáo châu Âu, những người có ấn tượng giáo hoàng không hiểu thực tế của họ và diễn tả một cách bề ngoài. Chúng ta luôn ở trong tình trạng ngoại tại trong mối tương quan với một bản sắc, nhưng việc đến từ miền Nam có thể cho phép ngài phát biểu thay mặt cho những quốc gia có hoàn cảnh khó khăn nhất.

Dưới triều giáo hoàng này, chúng ta có chứng kiến sự tái đầu tư của Tòa Thánh vào Liên Hiệp Quốc không?

Đức Phanxicô thực sự đã tái đầu tư vào các diễn đàn Liên Hiệp Quốc và dường như ngài tham gia nhiều hơn vào chính trị quốc tế so với người tiền nhiệm trực tiếp của ngài là Đức Bênêđíctô XVI. Đức Bênêđictô XVI tập trung hơn vào châu Âu và quảng bá di sản kitô giáo ở đây, cả khi ngài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc ở New York năm 2008. Còn Đức Gioan-Phaolô II đã đầu tư rất nhiều vào các tổ chức của Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Chiến tranh và cuộc chiến trực diện chống lại Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản.

Đức Phanxicô đến với một góc nhìn khác, không phải của một nhà ngoại giao hay một chuyên gia quan hệ quốc tế. Ngài có thể được xem là nhà hoạt động, nhưng cách ngài xem xét các vấn đề hiện tại mang tính toàn cầu và có chiều hướng siêu quốc gia được phản ánh qua công việc mục vu của ngàiï, qua các chuyến tông du và trong việc tái đầu tư các nhà ngoại giao của Tòa Thánh vào các cơ quan Liên Hiệp Quốc.

Để nhường chỗ cho Tòa thánh trong một thế giới đa cực, có vẻ như vai trò của Đức Gioan Phaolô II trong sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu ngày nay có xu hướng bị tương đối hóa trong các phát biểu của ngài trước quần chúng và trong hoạt động của các nhà ngoại giao Tòa Thánh để không làm mất lòng Trung quốc… Việc ổn định mối liên hệ với đất nước cộng sản này, có nghĩa chúng ta xa rời di sản của chúng ta, theo quan điểm của Tòa thánh?

Một “quyền kiểm kê” nào đó liên quan đến triều của Đức Gioan-Phaolô II đã được Đức Bênêđictô XVI bày tỏ trong một số phỏng vấn. Ngài vạch rõ sự khác biệt trong cách tiếp cận so với người tiền nhiệm, theo cách riêng, có sắc thái, khiêm tốn, tôn trọng. Về mong muốn hiện nay của Tòa thánh là hòa giải với Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta có thể đọc được một khía cạnh vừa mang tính cá nhân vừa mang tính tập thể.

Cờ Vatican tung bay gần Nhà thờ Phát Diệm, miền bắc Việt Nam | © Flickr/Jeannie Zakharov/CC BY-NC-ND 2.0

Chiều kích cá nhân gắn liền với bản sắc Dòng Tên của Đức Phanxicô. Trong nhiều thế kỷ, Dòng Tên luôn mong muốn đi truyền giáo ở châu Á và Trung Quốc. Đức Phanxicô ở trong đường hướng này, được thấy rõ trong lần ngài tỏ lòng kính trọng thần học gia Teilhard de Chardin, vào cuối chuyến thăm Mông Cổ gần đây của ngài.

Nhưng cũng có một khía cạnh tập thể. Hơi giống chính quyền Barack Obama đã thực hiện “xoay trục sang châu Á”, Giáo hội công giáo hiểu thế giới đang thay đổi và châu Á là nơi quan trọng cho tương lai của Giáo hội, cho động lực truyền giáo. Tầm nhìn này cũng giải thích chính sách của giáo hoàng đối với Trung Quốc là khá rủi ro.

Trong các chuyến tông du, ngài ưu tiên cho các quốc gia có người công giáo là thiểu số. Đây có phải là một cách cho thấy người châu Âu thường đau khổ trước sự suy giảm của Giáo hội công giáo, rằng tình trạng thiểu số không ngăn cản người công giáo hoạt động vì hòa bình và đối thoại, giữa các quốc gia và trong mỗi quốc gia?

Đúng là các cơ cấu của Giáo hội đang gặp khủng hoảng ở nhiều nơi và thực tế công giáo đang có xu hướng trở thành thiểu số, ngay cả khi một số quốc gia vẫn đang ghi nhận sự gia tăng về số lượng người công giáo. Đây là một vấn đề lớn. Quan điểm của giáo hoàng là mời gọi người công giáo đảm nhận vai trò của họ trong các xã hội đa nguyên, và làm điều này trong tinh thần khiêm tốn.

Tuy nhiên, nhiều cách tiếp cận phòng thủ hơn đang xuất hiện và một số trào lưu dân túy nhất định đang khai thác mối lo ngại liên quan đến sự suy thoái của tôn giáo bằng cách tìm cách đảo ngược trật tự sự việc này. Chúng ta đã thấy điều này ở Pháp với chiến dịch tranh cử của ông Eric Zemmour và ở Ý với chiến thắng bầu cử của bà Giorgia Meloni năm 2022, dù bà thấy mình phải đối diện với những giới hạn trong những bài phát biểu của chính bà,  và tỏ ra thực dụng trong việc thực hiện trách nhiệm của mình.  Dù sao trong mọi trường hợp, Đức Phanxicô luôn tìm cách tránh sự đồng hóa người công giáo với bất kỳ sự phân cực mạnh mẽ nào. 

“Quan điểm của giáo hoàng là mời gọi người công giáo đảm nhận vai trò của họ trong các xã hội đa nguyên, và làm điều này trong tinh thần khiêm tốn.”

Khi chúng ta nhìn vào mức độ bạo lực và phân cực trong thế giới hiện nay, những lời nổi tiếng của Đức Phaolô VI phát biểu ở Liên Hiệp Quốc năm 1965 – “Không bao giờ chiến tranh nữa” – có vẻ lý tưởng, thậm chí ngây thơ. Tuy nhiên, liệu họ có cho phép chính sách ngoại giao của giáo hoàng tìm được chỗ đứng trong quan hệ quốc tế, sau khi Tòa thánh bị gạt ra ngoài lề trong hai cuộc chiến thế giới và các hiệp ước sau đó, đặc biệt là Hiệp ước Versailles năm 1919 không?

Chúng ta đã giữ lại những lời mạnh mẽ này của Đức Phaolô VI, nhưng cần lưu ý, trong phần còn lại của bài phát biểu, ngài đã thừa nhận khả năng sử dụng vũ khí để tự vệ. Điều gây ấn tượng nhất là hình ảnh một giáo hoàng ở Liên Hiệp Quốc. Những người tiền nhiệm của ngài đã chỉ trích Liên Hiệp Quốc trong thời giữa hai cuộc chiến, sau đó là khi Liên Hiệp Quốc được thành lập năm 1945. “Quan điểm của Tòa Thánh có thể được tóm tắt là “không, nhưng…” với Liên đoàn Quốc gia Âu-Mỹ latinh và “có, nhưng…” với Liên Hiệp Quốc.”

Chuyến đi của Đức Phaolô VI đến Liên Hiệp Quốc đã giúp giải quyết được thời kỳ bị gạt ra ngoài lề của Vatican | © Ảnh Liên Hiệp Quốc/Yutaka Nagata

Cuối cùng sự hiện diện của Đức Phaolô VI đã đánh dấu sự hỗ trợ của Tòa thánh với các tổ chức quốc tế như nơi đối thoại giữa các quốc gia. Sự chào đón giáo hoàng tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York 20 năm sau khi thành lập, thể hiện sự tiến bộ đáng kể so với việc Tòa thánh bị gạt ra ngoài lề trong Hiệp ước Versailles năm 1919, sau đó là sự bất lực của Tòa Thánh trước sự nỗi dậy của các chế độ toàn trị.

“Quan điểm của Tòa Thánh có thể được tóm tắt là “không, nhưng…” với Liên đoàn Quốc gia Âu-Mỹ latinh và “có, nhưng…” với Liên Hiệp Quốc.”

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dù có lập trường trung lập, Tòa thánh thậm chí còn bị gạt ra ngoài lề so với vai trò truyền thống của mình là một tổ chức từ thiện, đúng hơn là Hội Hồng Thập tự cung cấp hỗ trợ cho các tù nhân. Chỉ từ năm 1945, Tòa Thánh mới dần dần lấy lại được vai trò nhân đạo này một cách có tổ chức hơn.

Vì thế chuyến đi của Đức Phaolô VI đến Liên Hiệp Quốc đã giúp giải quyết giai đoạn bị gạt ra ngoài lề xã hội này và mở ra một chu kỳ mới, cho phép Tòa thánh tham gia vào nhiều cuộc họp quốc tế, từ cuộc đàm phán Helsinki dẫn đến một thỏa thuận giữa Đông và phương Tây vào năm 1975 trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, cho đến hội nghị COP hiện tại.

cath.ch, I.Media, Cyprien Viet, 2023-11-22

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn

bài liên quan mới nhất

Cử hành Thánh Thể: Bài 31 - Tung hô: Thánh! Thánh! Thánh!

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng