Chia sẻ của Đức TGM.Giuse Ngô Quang Kiệt về Đức cha cố Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ

Tháng 10 năm 2000, tôi đi dự cuộc hành hương Năm Thánh dành cho các Giám mục tại Rôma. Hơn một ngàn giám mục tham dự. Phòng mặc áo chính là đền thờ thánh Phêrô. Để  khỏi đi lạc, các đức cha Việt nam luôn đi cùng nhau. Còn đang mặc áo thì thấy một vị cao lớn tươi cười tiến đến chào thăm. Nụ cười quá quen thuộc nên ngay từ xa chúng tôi đã nhận ra Đức Hồng Y Roger Etchegaray. Thì ra ngài nhận thấy đoàn Việt nam nên vội vã đến chào. Tay bắt mặt mừng. Truyện tuôn như suối. Những kỷ niệm về Việt Nam còn đầy ắp trong trí nhớ vị Hồng y dễ mến. Ngài không bao giờ quên được chuyến viếng thăm Việt nam mà ngài gọi là một Lễ Hiện Xuống Mới. 

Khi biết tôi từ Lạng sơn đến, ngài nhắc ngay đến Đức cha Vinhsơn Phaolô Phạm văn Dụ : “Tôi luôn nhớ ngài, vị giám mục chưa bao giờ đội mũ mitra, chưa bao giờ cầm gậy giám mục. Cho đến khi đồng tế với tôi tại Nhà thờ Chính tòa Hà nội, ngài mới đội mũ mitra lần đầu tiên”. 

Tôi thật ngạc nhiên về trí nhớ của ngài. Nhưng tôi cũng hiểu ngài nhớ như in hình ảnh Đức cha Vinhsơn Phaolô vì ngài yêu mến Việt nam. Tất cả những gì về Việt nam đối với ngài đều thân thương và dễ nhớ. Nhưng cũng vì Đức cha Vinhsơn Phaolô là một vị giám mục rất đặc biệt nên đã để lại trong trí nhớ của ngài một hình ảnh không khi nào mờ phai được. Điều đó làm tôi nghĩ đến sự hiện diện, một cung cách trong truyền giáo.

ĐỨC CHA VINHSƠN PHAOLÔ PHẠM VĂN DỤ

Quả thật Đức cha Vinh sơn Phaolô Phạm văn Dụ là một vị giám mục làm việc chỉ bằng sự hiện diện. 

Hiện diện trong âm thầm. Có thể nói Đức Cha Vinh sơn Phaolô là vị giám mục âm thầm nhất. 

Âm thầm trong nơi cư trú

Ngài được thuyên chuyển về làm cha xứ Thất khê vào năm 1959. Năm ấy các linh mục giáo phận đã di cư vào Nam gần hết. Chỉ còn 4 vị là các cha Dụ, cha Thu, cha Đức và cha Khái. Thất khê là một xứ xa xôi, biệt lập, cách Lạng sơn gần 70 cây số và cách Cao bằng cũng ngần ấy. Vì thế cần có một vị mục tử hiện diện thường xuyên để chăm sóc đoàn chiên xa xôi này. Nơi xa xôi khó khăn cần có người can đảm tài đức. Cha Thu đã yên vị một mình đảm trách cả tỉnh Cao bằng. Tại Lạng sơn còn 3 cha. Cha Đức và cha Khái đã lớn tuổi và sức khỏe cũng kém. Nên cha Vinhsơn Phaolô người còn trẻ và khỏe mạnh nhanh nhẹn lại đạo đức hăng hái, đã được tuyển chọn để chăm sóc cho đoàn chiên tại nơi hẻo lánh này. Bấy giờ đường xá hiểm trở, giao thông khó khăn và ít phương tiện, nên rất ít người lui tới và ngài cũng không đi đâu. Thi thoảng có những người dưới xuôi đi lên rừng làm thợ cưa xẻ đến vào những dịp lễ trọng. Nhưng gặp gỡ kín đáo mau chóng rồi rút lui. Ngoài đường cả ngày chẳng thấy xe nào qua lại. Thường người ta hay đi bộ. Có những người đi bộ từ Cao bằng về Lạng sơn, sau một ngày đi bộ, tối về có thể kể cho bạn bè biết hôm nay đã gặp mấy chiếc xe và có thể tả chính xác hình dáng đặc điểm của từng chiếc xe. Thị trấn chìm giữa núi rừng âm thầm lặng lẽ. Cuộc đời vị mục tử hòa vào núi rừng quạnh quẽ. Như thân cây mọc chênh vênh bên sườn núi đá vẫn bám rễ chắc vào số đất ít ỏi giữa những khe đá, người mục tử sống giữa cảnh núi rừng hoang vu vẫn bám rễ sâu trong Chúa, trong đức tin son sắt, trong đức cậy vững vàng và trong đức mến nồng nàn. Năm 1992 ngài mới về tòa giám mục Lạng sơn. Từ năm 1959 đến năm 1992, ba mươi ba năm âm thầm trong rừng sâu núi thẳm. Ba mươi ba năm kiên trì giữ vững đức tin cho bản thân và cho đoàn chiên.

Âm thầm trong chức vụ

Sau khi về Thất khê được một năm, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục. Không được công nhận, nên không thể được tấn phong. Bấy giờ Đức Cha Felix Maurice Hedde, vị thừa sai cuối cùng còn ở lại miền Bắc đã qua đời vào tháng 05 năm 1960. Đức Cha Hedde là vị mục tử sống chết với đoàn chiên theo đúng nghĩa đen. Vào năm 1954, khi phong trào di cư rộ lên, ngài đã nói với giáo dân: “Đi theo người Pháp thì có ích lợi gì đâu”. Ngài cũng kêu gọi các linh mục tu sĩ ở lại giáo phận, trừ những vị có những lý do rất quan trọng. Chính bản thân ngài, khi bị trục xuất vào năm 1959, cũng cương quyết ở lại với lý do bệnh nặng. Ngài qua đời trong cô đơn, chung quanh không có một ai tâm sự. Trong cơn nguy tử, ngài cứ lẩm bẩm : “Je suis seul” (Tôi cô đơn quá). 

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn, bấy giờ là cha xứ Nhà thờ Chính tòa Hà nội, khi nghe tin ngài qua đời, đại diện Tổng giáo phận Hà nội lên dự lễ an táng. Nhưng khi lên đến nơi, thì đã an táng xong xuôi rồi. Không còn giám mục, Đức Cha Phạm văn Dụ lại không được đi khỏi phạm vi 5 km của thị trấn Thất khê, nên không thể được tấn phong. Cùng được bổ nhiệm với ngài, có các Đức Cha Đinh đức Trụ, giáo phận Thái bình, Đức cha Phạm năng Tĩnh, giáo phận Bùi chu. Tất cả đều không được công nhận. Đức Cha Đinh đức Trụ đã giả dạng làm phu xích lô, đạp xích lô lên Hà nội để được Đức Cha Giuse Maria Trịnh như Khuê làm lễ tấn phong. Khi về, ngài hẹn với Đức Cha Giuse Maria Phạm năng Tĩnh đến một nơi kín đáo và tấn phong cho Đức Cha Bùi chu. Khi nghe tin ấy, Đức Cha Phạm văn Dụ than thở : “Đi đâu mà không báo tin cho biết để cùng đi”. Từ ấy, ngài vẫn sống như một cha xứ bình thường. Không ai được gọi ngài là “Đức cha”. Ngài không có áo viền tím, không có mũ gậy. Hoàn toàn như một cha xứ nhà quê âm thầm. 

Năm 1979, khi Trung quốc tấn công biên giới Lạng sơn, mọi người phải di tản. Đức Cha Phạm văn Dụ cũng theo đoàn người di tản về Bắc ninh, tại đây ngài được Đức Cha Phaolô Phạm đình Tụng, bấy giờ làm giám mục Bắc ninh, tấn phong giám mục. Lễ nghi hết sức âm thầm và đơn sơ diễn ra trong căn phòng nhỏ hẹp của Tòa giám mục Bắc ninh. Hết chiến tranh trở về, ngài vẫn chưa được công nhận. Mãi đến khi Đức Hồng Y Roger Etchegaray đến thăm Việt nam vào năm 1989, ngài mới được cứu xét và công nhận. Và dịp Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn qua đời, Đức Cha Dụ mới lần đầu tiên được mặc phẩm phục giám mục, có mũ mitra, đồng tế với Đức Hồng Y Etchegaray. Ba mươi năm ẩn dật âm thầm, ngài giống như Chúa Giêsu, người thợ mộc thành Nazareth. Ba mươi năm ẩn dật âm thầm, ngài có lẽ là một trong các vị giám mục âm thầm nhất thế giới.

Âm thầm trong họat động

Suốt ba mươi ba năm ở Thất khê, ngài sống như một cha xứ nhà quê. Họat động giới hạn trong một giáo xứ, tuy là một giáo xứ tương đối đông đúc và sống động của giáo phận nhỏ bé xa xôi, nhưng cũng chỉ là một giáo xứ. Nhất là trong những năm tháng khó khăn chẳng có nhiều họat động. Không thể tổ chức các lớp giáo lý, ngài dậy giáo lý ngay trong nhà thờ. Mỗi buổi chiều trước giờ kinh, ngài dậy giáo lý cho tất cả mọi người trong nhà thờ. Từ trên phía cung thánh xuống dưới cuối nhà thờ, rồi lại từ dưới cuối nhà thờ đi lên phía cung thánh, ngài vừa đi đi lại lại vừa giảng giáo lý. Giọng sang sảng chẳng cần và cũng chẳng có micro, ngài giảng say sưa và xác tín khiến giáo dân chăm chú lắng nghe và rất thích những giờ giáo lý này. Ngoài giáo lý thông thường, còn có giáo lý hôn nhân. Những đôi hôn phối khác đạo từ khắp các xứ trong giáo phận đều tuốn đến Thất khê để xin phép chuẩn hôn phối. Họ thường ở lại vài ngày để được nghe giáo lý và được chính ngài ban phép chuẩn hôn phối khác đạo. Ngoài những việc đạo đức ít ỏi trong nhà thờ, ngài dành thì giờ đọc sách và lao động. Ngài cùng với giáo dân đi vào rừng kiếm củi. Có những giai đọan ngài tự mình xách nước, nấu cơm. Cuộc sống âm thầm như một người dân trong rừng sâu núi thẳm.

Âm thầm trong quên lãng

Chắc chắn đó là cảm tưởng của riêng ngài khi phải sống cách ly trong một thời gian dài. Không có liên lạc gì với thế giới bên ngoài. Dĩ nhiên có nhiều người nhớ đến ngài, nhưng không có cách nào liên lạc. Ngài không thể biết tình cảm của những người thân yêu dành cho mình, cũng không có thông tin từ những người anh em trong Giáo hội. Chắc chắn ngài tha thiết nhớ những người thân yêu trong gia đình và mong ước được gặp gỡ chia sẻ với những anh em trong chức vị giám mục và linh mục. Mong ước ấy cứ lớn mãi với thời gian nhưng ngày càng trở nên vô vọng. Vì thế ngài càng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Có lẽ khi ngắm những đồi núi hùng vĩ và rừng xanh bạt ngàn, ngài càng cảm thấy mình nhỏ bé, lạc lõng và bị mất hút trong núi sâu rừng thẳm. Có lẽ ngài cảm thấy mình dần bị chôn vùi đi trong góc trời cô quạnh chẳng còn ai nhớ đến. Và chẳng còn bám víu vào ai khác ngoài Thiên Chúa, Đấng ngài hằng yêu mến tôn thờ và tuyệt đối tin tưởng.

Hiện diện trong đau khổ.   

Đức cha Vinhsơn Phaolô Phạm văn Dụ không chỉ hiện diện trong âm thầm mà còn chịu nhiều đau khổ. Những đau khổ không thể nói cùng ai. Những đau khổ cũng âm thầm như cuộc đời của ngài. Nó dai dẳng gặm nhấm suốt cuộc đời. Ta có thể kể ra vài loại đau khổ mà ngài phải gánh chịu.

Đau khổ do thời thế

Miền đất biên giới luôn luôn là miền đất chịu nhiều biến động. Nếu Lạng sơn trong những năm sau thế chiến thứ hai đã trải qua nhiều biến động, Đức cha Vinhsơn Phaolô không chỉ là người chứng kiến, nhưng còn đồng số phận, đồng cam cộng khổ với mọi người. Năm 1945, khi chiếm đóng Lạng sơn, quân đội Nhật đã thẳng tay trừng trị những người có liên hệ với Pháp, trong số đó có các giáo sĩ. Làm sao tránh liên lạc với Pháp được, khi các bề trên trong giáo phận là người Pháp và nhất là khi phải phục vụ cho những lính Pháp công giáo cần lãnh bí tích. Vì tội này, Cha Cố Giuse Vũ văn Toàn đã phải ngồi trong nhà tù của quân đội Nhật, bị họ dùng điện tra khảo nên sau này ngài mang bệnh hen suốt đời. Các giáo sĩ khác tuy không phải ngồi tù, nhưng chắc chắn bị theo dõi kỹ lưỡng và bị đối xử một cách khắc nghiệt. 

Rồi kháng chiến bùng lên, cách mạng nơi vùng Việt Bắc là ngọn cờ đầu. Đang trong khí thế hừng hực của cách mạng, quân đội Pháp trở lại càng làm cho người dân thêm nghi ngờ các giáo sĩ người Pháp và giới  Công giáo hay tiếp xúc với người Pháp. Trong hoàn cảnh đó, giáo sĩ sống không thoải mái. Đã có những giáo sĩ, tu sĩ thiệt mạng trong thời kỳ này. Rồi đến chiến dịch Đông Khê, những trận chiến ác liệt diễn ra ngay trên đất Lạng sơn. Đèo Bông Lau vẫn còn loang máu chiến trận. Nằm ngay dưới chân đèo Bông Lau, Thất Khê làm sao tránh được ảnh hưởng. Và sau cùng là cuộc chiến biên giới. Đức Cha Vinhsơn Phaolô phải trốn chạy âm thầm, không dám đi với những người tị nạn, nhưng phải luồn lách trong núi rừng để về đến được Bắc ninh.

Đau khổ do trách nhiệm

Sau khi một số linh mục tu sĩ di cư vào miền Nam, số còn lại chết dần mòn. Và một số lớn xứ đạo tại Lạng sơn – Cao bằng không còn mục tử chăm sóc. Đoàn chiên bơ vơ vất vưởng. Là một mục tử thương yêu đoàn chiên, nhưng Đức cha Vinhsơn Phaolô đành đứng nhìn đoàn chiên bơ vơ đói khát lương thực thiêng liêng. Chứng kiến cảnh đoàn chiên bơ vơ đói khát làm cho người mục tử đau lòng. Còn đau lòng hơn nữa khi người mục tử có mặt mà đành bó tay, không thể làm gì cho đoàn chiên. Như người mẹ đang có dư thừa thức ăn nhưng đau lòng nhìn đứa con đói khát khóc ngằn ngặt mà không có cách nào chuyển thức ăn cho con được. Có lần ngài đã đi đến thăm hai xứ Bó Tờ và Tà lùng. Nhưng qua khỏi cầu Phục hòa thì có chốt chặn. Vùng biên giới mới trải qua chiến tranh, chưa yên ổn nên không được vào. Ngài cứ kiên nhẫn ngồi trên xe chờ đợi. Trong kia giáo dân đang khao khát vì nhiều năm chưa thấy bóng dáng mục tử. Ngoài này vị mục tử đau lòng không thể vượt qua hàng rào cách ngăn. Sau nửa ngày chờ đợi không có kết quả, ngài đành buồn bã ra về. Lòng quặn đau khi nghĩ đến các con chiên nơi vùng xa xôi hẻo lánh chịu nhiều thiệt thòi. 

Nhìn các xứ đạo dần tàn lụi đi vì thiếu linh mục, Đức Cha càng đau đớn hơn, vì bản thân là giám mục, nhưng ngài không thể phong chức cho một linh mục nào. Chắc chắn ngài phải rất tự chế, dâng những đau khổ, tha thiết cầu nguyện cho giáo phận mà ngài có trách nhiệm. Không thể thi hành nhiệm vụ, xin Chúa bù đắp và chăm sóc địa phận của Chúa.


Đau khổ do bệnh tật

Ngoài những đau khổ vì đoàn chiên, vì việc chung, ngài còn phải chịu đau khổ do bệnh tật. Thật oái oăm. Khi còn sức họat động thì không thể họat động. Khi có thể họat động, ngài lại bị chứng bệnh ngặt nghèo. Sau khi được công nhận, ngài bị tai biến mạch máu não. Tuổi mới ngoài 60, giáo phận đang thiếu thốn, mục tử còn ít ỏi, vừa được công nhận để làm việc, ngài lại bị bệnh phải ngồi yên một chỗ. Còn đau đớn nào hơn. Bị bệnh, ngồi nhìn những diễn biến trái ý chung quanh mà không còn sức để can thiệp, chỉnh đốn, lòng ngài buồn biết bao. Những năm 90, xã hội đang trên đà đổi mới, khắp nơi xây dựng, phát triển. Lạng sơn còn bao nhiêu nhà thờ đổ nát đến lúc cần xây dựng và được xây dựng. Nhưng Đức Cha đau bệnh phải nằm một chỗ. Chắc chắn tâm hồn ngài đau khổ vì phải đành ngồi nhìn giáo phận đổ nát mà không thể làm gì hơn.

Hiện diện trong yêu thương. 

Dù âm thầm, dù đau khổ, ngài vẫn yêu thương.  

Yêu thương nên không bao giờ oán trách

Có thể nói ngài là vị giám mục gặp nhiều trắc trở nhất, nhưng ngài không bao giờ oán trách hoàn cảnh. Ngài đón nhận những hoàn cảnh nghiệt ngã vì biết rằng đó là ý Chúa. Ngài không bao giờ oán trách con người. Có lẽ ngài hiểu rằng con người cũng chỉ là những nạn nhân. Bị cuốn vào vòng xoáy của lịch sử, con người không được chọn lựa, không thể thóat ra. Con người cần được thông cảm. Ngài càng không oán trách bệnh tật. Cùng lắm, như thánh Gióp, ngài chỉ thắc mắc đi tìm thánh ý Chúa và lúc nào cũng sẵn sàng vâng theo ý Chúa. 

Yêu thương nên chấp nhận tất cả. 

Dù hoàn cảnh khắc nghiệt, Đức Cha Vinhsơn Phaolô thản nhiên tự tại, vui vẻ chấp nhận. Ngài hòa mình vào với công việc của người dân. Ngài sống tròn đầy phút giây hiện tại. Có khi lên rừng đốn củi. Có khi bổ củi gánh nước. Có khi cùng thanh niên đi xe đạp trên những con đường quanh co đầy ổ gà gập ghềnh của vùng rừng núi. Ngài đón nhận mọi người. Hiểu rằng trong những lúc khó khăn, con người bị nhiều áp lực không thể làm điều mình muốn, Đức Cha thông cảm với tất cả nên đón nhận mọi người, kể cả những người vì hoàn cảnh mà phải thay đổi thái độ đối với ngài. Tất cả đều là những con chiên trong cùng một đoàn chiên. Con nào càng đau yếu càng được yêu thương chăm sóc hơn. Khi về Lạng sơn, ngài rất gần gũi với ông Tiền, nguyên giám đốc Công an Lạng sơn. Hai người đồng bệnh cao huyết áp nên thường trao đổi về bệnh tật, thuốc men và cách phòng ngừa, chữa trị. Đồng bệnh tương lân, hai người truyện trò rất tâm đắc. Thật là một cảnh tượng hiếm thấy.

Yêu thương nên quan tâm đến mọi người

Cuộc sống khó khăn dường như càng khiến ngài gần gũi với mọi người hơn, đặc biệt đối với những người nghèo khổ, túng thiếu, họan nạn. Ngài thường xuyên thăm viếng gia đình giáo dân trong xứ. Hiểu biết hoàn cảnh từng người. Chia sẻ với từng người bằng cách an ủi, hòa giải, cho lời khuyên, hoặc trách mắng khi lỗi phạm. Mỗi khi có dịp, ngài đều giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, nhất là khi ngài đã có nhiều phương tiện hơn. Khi thì giúp một thanh niên nghèo khó đi học nghề. Lúc thì giúp  một gia đình túng thiếu có chút ít vốn để xoay sở làm ăn. 

Yêu thương nên tha thiết xây dựng giáo phận.  

Bắt đầu từ năm 1990, khi hoàn cảnh đã cho phép, ngài hăng hái bắt tay vào việc xây dựng giáo phận. Về mặt nhân sự ngài chuẩn bị cho người đi chủng viện, mời các dòng ra cộng tác và kiến nghị với chính quyền cho các linh mục gốc Lạng sơn cũng như các linh mục cháu chắt của ngài trở về làm việc. Về cơ sở, ngài cho tu sửa, xây mới các nhà thờ đã bị tàn phá hoặc xuống cấp. Mọi người còn nhắc đến việc xây dựng nhà thờ Bó Tờ. Giáo dân khắp nơi tuốn về giúp xứ đạo người dân tộc Nùng. Kẻ tải gạo, người rau quả, kẻ búa kìm. Tất cả túm vào xây dựng nhà thờ mà cả giáo phận đều coi là nhà của chung. Thật vui tươi, thánh thiện và cảm động. Tại Bó Tờ, vùng đất giáp ranh với Trung quốc, người ta trồng được loại khoai sọ rất ngon gọi là khoai sọ Lệ Phố. Những người từ các xứ đến làm nhà thờ đều tán thưởng món khoai đặc sản này, nên đã có lời truyền tụng : “Đi thời nhớ vợ cùng con. Về nhà lại nhớ khoai môn Bó Tờ”. Điều ngài quan tâm nhất là xây dựng ngôi nhà thờ chính tòa, trái tim của giáo phận. Ngài tích lũy tiền bạc, chuẩn bị vật liệu, tìm kỹ sư thiết kế, tìm mẫu mã. Dành hết tâm lực cho ngôi nhà thờ mẹ này, ngài đã phải giảm bớt chi tiêu ăn uống rất nhiều. Món ăn thường xuyên của ngài là canh cua và cà muối. Mỗi dịp lễ, phải cho giáo dân liên hoan, ngài thường nói đùa : Hôm nay các ông các bà ăn hết cả một cái cột nhà thờ rồi đấy. Tiếc rằng ngài đã sớm ra đi khi chưa thể xây được ngôi nhà thờ chính tòa như lòng mong ước.

Khi về Lạng sơn, tôi mới hiểu được hết những tình cảm sâu nặng giáo dân dành cho ngài. Đi đâu cũng thấy mọi người nhắc đến ngài với những tâm tình thương mến, kính phục. Chỗ nào cũng nghe trích dẫn những lời ngài đã dậy dỗ, khuyên bảo. Anh hưởng của ngài thật lớn lao, rộng rãi và sâu xa. Hình ảnh ngài bàng bạc khắp nơi. Giáo dân thấy ngài trong những hiện tượng thiên nhiên. Khi an táng ngài, trời mưa như trút đến nỗi các Đức Giám mục và các linh mục không thể bước ra phần mộ. Tại phần mộ, dù người ta đã che bạt, nước vẫn chảy xuống như thác. Giáo dân càng thương nhớ ngài hơn. Ngày giỗ đầu được bình an. Giỗ năm thứ hai, trời mưa như trút đến nỗi không thể dâng lễ ngoài trời, dù đã che rạp. Mưa trĩu nước trên bạt che làm sập khung sắt. Rạp đổ xuống làm vỡ cả tượng thánh Giuse. Giáo dân càng thương nhớ ngài tha thiết. Giỗ mãn tang trời mưa lớn hơn. Nước dâng lên ngập lụt làm mọi người vừa tan lễ phải chạy vội về thu dọn đồ đạc. Đoàn Thất khê dự lễ về phải bỏ xe, đi bè qua chỗ nước lụt. Đoàn Cao bằng phải vòng qua ngả Thái nguyên để về cho kịp lễ ngày Chủ nhật. Giáo dân cho đó là tiếng ngài nhắc nhở chúng ta rằng đời sống chưa hết đau khổ, chưa hết chiến đấu. Giỗ năm thứ 4, mưa bão đánh gẫy cành nhãn lớn nhất, nơi treo quả chuông. Quả chuông vốn đã nứt nẻ lại  rơi xuống một lần nữa, may mà không vỡ thêm. Tất cả những việc ấy làm người dân càng nhớ đến ngài. Mọi người đều ứa lệ khi nhớ đến những đoạn đời đau khổ ngài đã trải qua. Tượng Đức Mẹ để dưới cây nhãn tuy cũ kỹ, nhưng giáo dân vẫn muốn giữ lại, vẫn thích cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ cũ, vì tượng cũ làm họ nhớ đến Đức Cha Vinhsơn Phaolô. Đã bao lần ngài đứng trước tượng Đức Mẹ này, cầu nguyện với cả đau đớn và nước mắt. Quả thật sự hiện diện càng âm thầm lại càng có sức lan tỏa rộng lớn, càng đau đớn lại càng đi sâu vào lòng người. Vì tình yêu càng âm thầm, càng đau khổ lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Lúc ấy tôi mới hiểu hết lời Chúa nói với thánh Phaolô : “Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trong sự yếu đuối”, và thánh Phaolô cảm nhận : “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”(2Cr 12, 9-10). Vì khi tôi yếu, chính Chúa làm việc. 

image 20180902190440 1
 
duc20cha20du
 
2 2048x1365
 
10a 1982x1536
 
8 1516x2048
 
12a 2048x1531
12 2048x1520
14 2025x1536
 
14a 2040x1536
 
11 2048x1419
 
11a 2048x1523
 
15 2048x1404
 
10 2048x1490
img456
Đức cha Vinhsơn Phaolô đồng tế Thánh lễ với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Roma

duc cha du dang le
Đức cha Vinhsơn Phaolô dâng lễ Giáng Sinh 1992 tại Nhà Thờ Chính Tòa tạm tại khu Văn Miếu - Cửa Nam
 
dccrl
image20
 
dcha va dtc copy
Đức cha Vinhsơn Phaolô và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

img 3368
 Đức cha Vinhsơn Phaolô giữa đoàn con cái viếng Đức Mẹ dưới Tháp chuông cây nhãn.

duc cha pham van du
 
duc cha pham van du voi doan chien
 
img 3389
img 3386
 
duc cha du va cha quynh
 
dcdu 10
 
dcdu 2
 
dcdu 1
 
dcha 2

dc du
 Đức cha Vinhsơn Phaolô và chú Giuse Nguyễn Văn Chung ( thụ phong Linh mục năm 2012, hiện nay đang đau bệnh)

image23
Đức cha cố và Đức cha Nguyễn Khắc Ngữ
image24
 
image21
 
image19
 
image20
 
image22
1998 09 02 duc cha du qua doi 3
 
image3

 
Xem thêm: bài chia sẻ của ĐTGM.Giuse Ngô Quang Kiệt về Đức cố Giám mục Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ

bài liên quan mới nhất

Lễ Đức Mẹ Mân Côi: “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng