Bác ái trung tâm hoạt động của truyền giáo và đức tin

Thế giới ngày nay đang thay đổi một cách nhanh chóng. Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tăng trưởng bấp bênh, tình trạng khủng hoảng việc làm, giá lương thực tăng cao khiến cho số người lâm vào cảnh khốn khó cũng gia tăng, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, kéo theo tình trạng thất nghiệp, bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn, tỉ lệ nghèo đói ngày càng cao. Hiện tại vẫn còn biết bao nhiêu người bị tàn phế vì chiến tranh, vì thiên tai, bị đàn áp bất công, bị bệnh tật hành hạ, bị bỏ rơi và phải sống trong cô đơn... và còn biết bao hoàn cảnh đau thương khác nữa quanh chúng ta. Đứng trước những vấn đề nóng bỏng của thế giới, xin chia sẻ với Đại Hội một vài suy tư về đề tài: “Bác ái trung tâm hoạt động của truyền giáo và đức tin”

1. Bác ái trung tâm hoạt động của truyền giáo

“Loan báo Tin mừng – Cử hành Bí tích – Thực thi bác ái” là ba nhiệm vụ của người Kitô hữu đã được Đức Benedicto XVI đề cập tới trong thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu. Cả ba nhiệm vụ này không thể tách rời nhau, đặc biệt hai nhiệm vụ: Loan báo Tin Mừng và thực thi bác ái. Đối với Hội Thánh, bác ái xã hội không chỉ là một hoạt động trợ giúp xã hội nhưng cũng là trung tâm hoạt động của truyền giáo, vì bác ái thuộc về bản tính của Hội Thánh (Deus Caritas Est, 25a).

“Bác ái là tình yêu được đón nhận và trao ban. Nguồn gốc của bác ái là tình yêu của Thiên Chúa tuôn trào đến chúng ta.”(Caritas in Veritate, 5). Bác ái là tình yêu sáng tạo, là tình yêu cứu độ từ Chúa Con tuôn trào đến chúng ta, nhờ tình yêu này mà chúng ta được tái sinh. Là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi trở thành khí cụ của ân sủng để truyền đạt tình yêu của Thiên Chúa, kiến tạo những mạng lưới bác ái.

Bác ái phát xuất từ lòng nhân ái để tôn trọng và yêu thương con người, đặc biệt những người nghèo khổ cả tinh thần lẫn vật chất, một tình yêu vô vị lợi bắt nguồn từ Thiên Chúa. Khi nói đến làm việc bác ái xã hội, chúng ta thường nghĩ ngay đến vấn đề nhà cửa, tiền bạc, thực phẩm, quần áo... nhưng ít khi chúng ta nghĩ đến vấn đề tinh thần. Đây mới chính là mấu chốt quan trọng mà người Kitô hữu cần phải quan tâm nhiều hơn.

Đức Gioan Phaolô II cũng đã đặt các công việc bác ái như là một trung tâm hoạt động truyền giáo trong chương 5 của Thông điệp Redemptoris Missio. Vì vậy những từ ngữ “người nghèo”, “người khổ” được xếp hàng đầu và ở cuối chương, dưới hai tựa đề là: "Hình thức tiên khởi của việc loan truyền Phúc âm là sự chứng tá" (số 42); "Bác ái là nguồn mạch và tiêu chuẩn của sự truyền giáo" (số 60).

Bác ái là trung tâm hoạt động truyền giáo, vì chúng ta chính là những người đang hoạ lại hình ảnh của Thiên Chúa trong xã hội hôm nay, khi chúng ta thi hành bác ái cách chân thành, khi chúng ta đến với những người nghèo khổ, những trẻ em đường phố, những người bất hạnh bị xã hội ruồng bỏ, và những người đang gặp khủng hoảng cả tinh thần lẫn vật chất bằng cả tình yêu của chúng ta, một tình yêu như Đức Kitô mục tử nhân lành: biết chiên, tìm chiên và hiến thân vì chiên.

Công việc bác ái là thể hiện tình yêu một cách cụ thể đối với tha nhân, là một khí cụ loan báo Tin Mừng một cách hết sức phù hợp với xã hội ngày hôm nay. Đây chính là điểm khác nhau của công việc bác ái Kitô và không Kitô. Bác ái không Kitô luôn tìm kiếm cho mình hay là một sự trao đổi. Nhưng bác ái Kitô là cho đi, không giữ cho mình, cho vì một tình yêu nhưng không như Thiên Chúa đã ban nhưng không cho chúng ta.

Thế giới được công bằng hơn, nhân đạo hơn, nhờ được xây đắp mỗi ngày bằng tình yêu thương, bằng những hành động không nhất thiết phải là những hành động lớn lao vĩ đại, nhưng là những hành động nho nhỏ, được nuôi sống từ và bằng tình yêu Chúa, để loan báo Tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa. “Thiên Chúa cần chúng ta. Ngài cần đôi bàn chân chúng ta, đôi bàn tay, môi miệng, trái tim và thân xác chúng ta. Ngài cần trọn cả con người chúng ta, để làm cho người khác có thể cảm nghiệm được tình yêu của Ngài” (Michel Quoist).

2. Bác ái là trọng tâm của đời sống đức tin

Sắc lệnh Ad Gentes đề cao tầm quan trọng của đời sống đức tin trong việc thực thi bác ái: “Đời sống Dân Chúa phải đạt tới sự trưởng thành về mọi phương diện của đời sống Kitô hữu, được canh tân theo nguyên tắc đã được Công Đồng đề ra, đó là các cộng đoàn tín hữu ngày càng ý thức hơn rằng mình phải trở nên những cộng đoàn sống đức tin, cử hành phụng vụ và thực thi bác ái” (Ad Gentes, 19).

Cả cuộc đời của Mẹ Teresa Calcutta chỉ nhằm phục vụ người nghèo, không chỉ là những người đói khát, thiếu áo quần, không nhà ở, mà còn là những người bị bỏ rơi, không ai chăm sóc, không được hưởng sự yêu thương. Mẹ từng nói: “Tôi chỉ là cây bút chì của Chúa, để Ngài gởi bức thư tình yêu của Ngài cho thế giới”. Tuy nhiên cây bút chì này không thể sử dụng nếu không có tâm lõi bút chì. Đắm chìm trong tình yêu Chúa, Mẹ lắng nghe tiếng Chúa dạy và thể hiện những công việc Chúa muốn. Mẹ khẳng định: “Không có cầu nguyện, không có bác ái đích thực, mà không có bác ái đích thực thì cũng không thể dẫn đến việc loan báo Tin Mừng.” Khởi đầu công việc bác ái là đời sống cầu nguyện, nhưng việc cầu nguyện phải bền bỉ trong kiên trì (x. Lc 11,9-13). Cầu nguyện để hiệp nhất với Đức Kitô trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Để từ đó con tim của ta mới có thể rung cảm và nhận biết nỗi đau, sự thống khổ của những người đang cần đến chúng ta như trái tim của Chúa Giêsu. Nếu không sống sự hiệp thông nội tâm với Thiên Chúa, thì chúng ta không thể cho người khác điều mà chúng ta không có là tình yêu Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã cảm nghiệm được công việc thực thi bác ái khi Ngài không chỉ đến nhưng còn cùng ăn với những người nghèo, rửa chân cho các tù nhân...  để rồi Ngài có thể chia sẻ và nhắn nhủ chúng ta: “các việc bác ái là trọng tâm của đức tin mà chúng ta đặt để nơi Thiên Chúa.” (Huấn Từ ngày 7-1-2017)

“Đức tin mà không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Việc thực hành đức tin qua công việc bác ái chính là sự cụ thể hoá việc chúng ta tuyên xưng con Thiên Chúa đã nhập thể làm người: thăm viếng người bệnh, cho kẻ đói ăn, chăm sóc những người bị bỏ rơi... Từng người anh chị em mà chúng ta yêu thương chính là thân thể của Đức Kitô. Bác ái chính là phương tiện chuyển tải Tin mừng, là dấu chỉ để Đức Kitô được nhận diện giữa mọi người trong thế giới hôm nay. Vì vậy, là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi không những sống đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng mà nhất là thực thi đức ái cách sâu đậm để “người khác thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,16)

Giới răn yêu thương không những đòi hỏi ta phải thương yêu người khác như Chúa yêu thương ta, mà còn phải thể hiện tình thương yêu đó bằng những việc bác ái cụ thể: “Giả như có người anh em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no” nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần thì nào có ích gì?” (Gc 2,15-16).

Thay lời kết

Bác ái xã hội là công việc tốt đẹp mà mỗi thành viên Caritas hướng tới và thực hiện bằng những việc cụ thể với một tinh thần nhiệt thành và hăng say. Các thành viên Caritas cũng đang theo chân các Tông đồ xưa, hy sinh, dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin mừng nơi những vùng sâu vùng xa hẻo lánh; kiên nhẫn và quảng đại với những anh em không may mắn trong cuộc sống để đem Lời Chúa đến cho mọi người, để hạt giống đức tin được ươm mầm và nảy nở trong khắp mọi nẻo đường.

Cầu chúc Đại Hội Caritas được tràn đầy hồng ân của Chúa, và các thành viên Caritas không chỉ là những người làm công tác xã hội đầy tâm huyết và chuyên nghiệp, nhưng còn là những thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo.

+ Thomas Vũ Đình Hiệu

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng