Bà Andrée Dupuy rất ngạc nhiên khi nhận thư của Đức Phanxicô trả lời. Mathilde Ceilles/Le Figaro
Bà Andrée Dupuy, 97 tuổi gởi một trong các bài thơ của bà đến hồng y Jean-Marc Aveline, tổng giám mục giáo phận Marseille và đến Đức Phanxicô, không một chút suy nghĩ tài năng thơ văn của bà sẽ được hồng y và giáo hoàng khen ngợi. Chỉ vài tuần nữa là đến sinh nhật 97 của bà.
Khi được yêu cầu đọc bài thơ của bà, bà thu mình trong chiếc áo ngủ màu hồng và xúc động đọc trong căn phòng của viện dưỡng lão Chúa Chiên Nhân Lành ở quận 9 thành phố Marseille: “Tôi rùng mình! Tôi nhảy mừng! Tôi đã khóc trên Núi Ô-liu!”
Từ lâu bà đã thích làm thơ, nhưng bà tiếc nuối: “Thật khó để làm thơ khi còn trẻ, vì ở tuổi trẻ, khi làm thơ, các giáo viên thường đặt dấu chấm hỏi!” Vì thế bà làm thơ vào cuối đời, với bảy quyển sách và không dưới 200 bài thơ cho đến nay.
Nhưng đây là bài thơ thứ 200 bà viết vào cuối năm ngoái, vài tuần trước sinh nhật lần thứ 97, bài thơ này có một hành trình khó tin. Trong thời kỳ chiến tranh đây khó khăn này, bài thơ ca ngợi tình yêu và lòng trắc ẩn, hiệp nhất với bài Thánh vịnh Chúa Kitô trên Núi Ô-liu.
Trong một thảo luận với một bà bạn, bà này đề nghị bà Dupuy gởi bài thơ cho hồng y Aveline và cho Đức Phanxicô. Lúc đầu, bà ngại ngùng dù bà đã nghĩ đến giáo hoàng khi viết bài thơ này. Bà đã rất xúc động khi nghe Đức Phanxicô phát biểu trong chuyến đi Marseille, khi đó ngài cũng dùng chữ “nhảy mừng” trong bài giảng của ngài.
Thư gởi tổng giám mục Aveline, giáo phận Marseille
Trong căn phòng nhỏ của bà có bức ảnh nhỏ của Đức Phanxicô nói lên lòng kính mến của bà. “Hôm nay, tôi rất giống Chúa Giêsu, bà mỉm cười. Dù tôi không quá khắt khe về tôn giáo. Tôi đã kiếm lợi một chút ở mọi nơi. Tôi đến những nơi có thể mang niềm vui đến cho tôi. Khi không còn niềm vui nào nữa, tôi bỏ đi”. Khi viết bài thơ này, bà nhớ lại ký ức vẫn còn sống động dù bà đã lớn tuổi về chuyến hành hương đến Núi Ô-liu. “Tôi vừa vui vừa lo khi nghĩ Chúa đã ở đó. Tôi nhảy múa, tôi vuốt ve những viên đá”.
Cuối cùng, bà nghe theo lời đề nghị của người bạn và cách đây vài tuần bà gởi bài thơ cho hồng y Aveline và cho Đức Phanxicô. Bà mỉm cười tâm sự: “Tôi hy vọng hồng y sẽ trả lời cho tôi. Tôi nghĩ ngài sẽ trả lời vì tôi là con chiên của ngài! Nhưng còn giáo hoàng…” Ngày 24 tháng 12, thư trả lời đầu tiên đến như món quà Giáng sinh. Hồng y viết thư tay cho bà: “Andrée thân yêu, tôi xin chúc bà một lễ Giáng sinh vui vẻ, tôi cám ơn bài thơ của bà, bài thơ đi tìm tình yêu dù phải qua những giọt nước mắt”.
“Cả hai chúng tôi đều nháy mắt với nhau”
Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đó, và điều tưởng chừng như không thể tưởng tượng với bà thì lại xảy ra. Khoảng mười ngày trước, trong căn phòng nhỏ ở viện dưỡng lão, một lá thư từ Vatican gởi đến cho bà, một phụ thẩm ký thay Đức Phanxicô. Bức thư viết: “Bà đã gởi cho Đức Phanxicô bài thơ bà sáng tác trong thời điểm chiến tranh này để nói lên lòng thương xót của bà hiệp nhất với lòng thương xót của Chúa Kitô trên Núi Ô-liu”. Tôi có nhiệm vụ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của ngài với bà, đặc biệt với chữ “nhảy mừng” trong bài thơ của bà.
Bà Dupuy cười: “Ngài nhìn thấy cái nháy mắt của tôi và đáp lại, nên cả hai chúng tôi đều nháy mắt với nhau. Tôi đã chạm đến ngài bằng trái tim và lời nói của tôi. Bây giờ chúng tôi có một liên kết. Thơ chạm đến trái tim và tâm hồn, mang lại điều tốt đẹp cho con người. Và đó cũng là bài hát. Tôi viết như vậy. Thơ văn đưa tôi ra khỏi chính mình và làm cho tôi bớt ích kỷ hơn, để cho người khác và làm họ hài lòng”.
Bức thư của giáo hoàng đã làm bà hạnh phúc đến mất ngủ mấy ngày…và bây giờ là nguồn cảm hứng cho bà. Từ sự kiện này, không còn câu thơ nào làm lu mờ sổ tay của bà, nhưng bà không lo lắng và tự hứa: “Sau khi cú sốc qua đi, tôi sẽ trở về với thơ!”
lefigaro.fr, Mathilde Ceilles, 2024-01-16
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: phanxico.vn