Tình yêu - Cơ sở nền tảng để hình thành Gia đình

1. Tình yêu, cơ sở nền tảng để hình thành gia đình.d

Đại văn hào Victor Hugo đã nói: Nếu là đá, hãy là đá nam châm; nếu là cây, hãy là cây trinh nữ; nếu là người, hãy sống cho tình yêu. Tại sao phải là hãy sống cho tình yêu” mà không phải là sống cho một điều gì khác ? Cuộc sống từng chứng minh: “con người không thể mạnh mà không có tình yêu. Bởi tình yêu không phải là sự cảm động đơn thuần. Nó là máu huyết của cuộc sống, là sức mạnh kết hợp những con người chia ly” (Paul Tilich).

Kinh Thánh bằng cung cách diễn tả của mình cũng xác nhận rằng: con người được Thiên Chúa tạo dựng có bản chất là yêu – nên nếu không yêu thì không còn là người. Sách Sáng Thế 1,26: “Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa dựng nên con người có nam, có nữ.” Chính việc có nam có nữ là có sự kết hợp với nhau trong tình yêu thì sẽ trở nên giống Thiên Chúa. Thánh Gioan định nghĩa: Thiên Chúa là Tình Yêu, nên chúng ta chỉ có thể mỗi ngày nên giống Thiên Chúa hơn bằng những nghĩa cử yêu, phát triển tình yêu và sống yêu.

Bên cạnh đó, một gia đình không thể hình thành nếu không có tình yêu. Điều đó được minh chứng khi hai người tiến lên trước bàn thờ, vị chủ tế hỏi: “Anh chị sắp kết hôn với nhau, anh chị có thật sự tự do hay bị ép buộc ?

Thưa: Thật sự tự do.

Hỏi: một khi đã thành hôn, anh chị có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không ?

Thưa : Có.

Vâng, chỉ khi xác nhận như thế, hai người mới thành thân với nhau, mới trở nên một gia đình được. Khởi đầu, trong trình thuật sáng tạo, Kinh Thánh ghi lại một câu chuyện tình của gia đình đầu tiên. Thiên Chúa thấy được cái thừa và cái thiếu nơi Ađam. “Thừa” vì Ađam có một cuộc sống đầy đủ, sung túc. Nhưng dường như ông không hạnh phúc, vì ông đang còn “thiếu”. Ông thiếu một trợ tá tương xứng để cùng đồng hành với ông, có khả năng kết hợp với ông để làm thành một gia đình, nhờ đó những con người khác sẽ xuất hiện tiếp nối cho những thế hệ sau ông. Cho nên, cái ông thừa không thể bù đắp cho cái ông thiếu, cũng không thể thay thế cho cái thiếu ấy nơi ông, cái thiếu ấy là thiết yếu, không có không được và Thiên Chúa buộc lòng phải ra tay. Khi dẫn Eva đến với Ađam, Thiên Chúa chẳng cần giới thiệu người nữ này bởi ông mà ra, chẳng cần diễn giải về việc tạo dựng bà Eva như thế nào mà chỉ cần nhìn thấy, Ađam đã thốt ngay rằng : đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Và Thiên Chúa xác nhận bằng một khẳng định “bởi thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).

Vâng, người đàn ông phải đi tìm chiếc xương sườn của mình nếu không muốn trở thành người “khiếm khuyết”. Và một điều chắc chắn là : sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì con người không được phân ly” (Mt 18,6). Vì lẽ, một khi đã nhận là một nửa của nhau thì không có lý do gì khi không thích lại loại đi chính phần cơ thể của mình.

2. Gia đình, chiếc nôi của mọi tình yêu

Chính vì gia đình được đặt nền trên tình yêu, nên gia đình cũng là nơi duy trì tình yêu và là chiếc nôi nuôi dưỡng mọi hình thái của tình yêu. Nghĩa là, từ trong gia đình ngoài tình yêu vợ chồng, còn có tình phụ – tử, mẫu – tử, huynh – đệ, bằng – hữu…

Tiến sĩ Biancant nói: “Gia đình là trường học đầu tiên và tốt nhất về sự liên đới”. Vâng, mọi cái đều bắt đầu từ tình liên đới, ý thức sống tình liên đới và từ sự liên đới tốt nhất đó mà mọi thành viên trong gia đình học, hiểu và thực hành tình yêu thương trong cương vị của mình.

Từ tình yêu vợ chồng được chuyển hoá thành tình phụ – mẫu khi có một sinh linh chào đời. Đứa con ấy là kết quả của tình yêu, là sự hội tụ của “tình anh” và “tình em”, là mối giây liên kết hai người chặt hơn nữa như Đức thánh Cha đã nói: “Phải làm sao cho con cái anh chị em sinh ra tăng cường sự bền vững cho giao ước tình yêu, bằng cách làm cho mối hiệp thông lứa đôi giữa cha mẹ được thêm phong phú và sâu rộng” (Thư gửi gia đình 1994 của ĐTC JP II, số 7).

Bên cạnh vai trò làm cho con cái được sống trong bầu khí yêu thương của cha mẹ, thì cha mẹ lý tưởng phải biết linh động chuyển đổi đóng những vai trò khác nhau đối với con cái. Lúc này, có thể ở vai trò cha mẹ, quan tâm chăm sóc con cái. Lúc khác phải nhập vai thầy dạy để giáo dục, dạy dỗ và đôi khi cũng cần nghiêm khắc với chúng, khi thì thể hiện vai trò một người bạn gần gũi, để chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông với những biến động trong suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của từng giai đoạn lớn lên của con trẻ.

Thông qua cha mẹ, đứa trẻ nhận thấy trong chiếc nôi nó đang sống, còn có nhiều anh chị hay em khác cũng cùng sống, cùng là con của cha mẹ. Cha mẹ có nhiệm vụ giúp cho con cái thể hiện tốt vai trò làm anh, làm chị, làm em trong nhà. Đây là một vấn đề mà các bà mẹ nên quan tâm đặc biệt. Có những lúc vô tình đùa giỡn mà chúng ta không biết điều đó đã ảnh hưởng đến tâm lý con cái nặng nề ra sao.

dChuyện kể rằng: hai vợ chồng nọ có hai người con một trai, một gái. Khi mang thai đứa thứ hai, cha mẹ cũng như họ hàng thường trêu chọc bé trai rằng: “Mai mốt có em là con ra rìa”. Một lần không sao, nhưng lời ấy cứ lặp đi lặp lại và tự in vào đầu đứa trẻ, những phản ứng tâm lý bắt đầu lộ diện. Câu nói ấy vô tình kích thích tính tự ái và tính sở hữu của nó, cho nên khi sinh em bé, nó rất ghét em bé, cho đó như là nguyên nhân dẫn đến sự lơ là của cha mẹ đối với nó, không còn yêu thương nó. Nó luôn tìm cách chọc em khóc, khi thì lén cấu em, khi thì lén đánh em… mẹ biết được thì la rầy, nó lại càng tức tối đinh ninh rằng mẹ yêu em bé và ghét bỏ nó. Và nó lớn lên trong sự thù hận. Không may, bé gái mắc bệnh hiểm nghèo, vừa đau tim, vừa bị bệnh huyết trắng, nên em gầy yếu xanh xao, người mẹ không dám để em làm việc gì mà mọi chuyện đều do bé trai đảm nhận, kể cả việc giặt quần áo cho em. Khi đi học, mẹ lại bắt nó đưa em đến trường, mang cặp cho em và đón em về. Nó lại càng căm tức hơn. Cho đến một hôm, khi em nó vừa tròn 16 tuổi thì căn bệnh tái phát, em nó phải vào nhà thương. Mẹ nó chăm sóc em, còn nó thì tuyệt nhiên không thèm vào thăm. Mẹ nó giục mãi, nó mới vào bệnh viện, nó thấy em nó như người sắp chết, lúc này nó mới động lòng thương, tình máu mủ mới chỗi dậy chút ít song cái hận em nó vẫn còn. Trong bệnh viện, nó thấy mẹ nó nói chuyện gì đó với một bà bác sĩ và chốc chốc lại nhìn nó… Về nhà, mẹ nó cho nó biết: em nó chỉ được cứu sống nếu nó cho em nó chịu cho người ta lấy tuỷ của nó thay vào cho em nó. May mà chút tình máu mủ cuối cùng cũng thắng, nó bằng lòng cứu sống em nó.

Đây là một câu chuyện có thật, và cái cách đùa giỡn như thế không phải là chuyện lạ hay hiếm có. Khi nói đùa với một đứa trẻ rằng nó sẽ bị ra rìa khi có em, tưởng đâu chỉ là một lời nói chơi vô hại, nhưng trẻ con không biết nói chơi, tâm hồn chúng như một tờ giấy trắng, mà chúng ta vẽ cái gì là nó in đậm vào lòng cái đó. Nếu chúng ta vẽ vào đó tình yêu thương, thì nó cũng sẽ biết yêu thương và ngược lại. Câu nói đùa đã làm cho nó sợ hãi, mặc cảm, tính ích kỷ chiếm hữu chỗi dậy, tính thù hận sẽ ở mãi trong nó, lớn lên, nó không chỉ ghét em nó, mà khi ra đường đời nó sẽ trở thành một con người thủ đoạn, bất chấp đạo lý để giành chiến thắng với người mà nó cho là tranh giành với nó, và biết bao những ức chế tâm lý khác. Cho nên, những câu nói đùa đại loại như : mẹ nhặt con ở thùng rác, ở trên cầu, con là con người ta, là những câu nói không được phép dùng, nhất là nơi người mẹ. Mà khi ai đó chọc ghẹo con mình, người mẹ có nhiệm vụ nhắc nhở để họ, nhằm bảo vệ con khỏi những ảnh hưởng của sự đùa giỡn tai hại. Người mẹ cần dạy cho con biết yêu anh chị em ruột thịt của mình, dạy cho anh, cho chị biết che chở em vì em bé bỏng. Và con cái cũng cần thấy được tấm gương ấy nơi cha mẹ mình, cha phải che chở cho mẹ, gánh vác những việc nặng trong nhà. Nhìn vào đó, con trẻ tự biết mình có trách nhiệm yêu thương và che chở em mình.

3. Những yếu tố vun đắp tình yêu.

–     Sự thống nhất trong tính cách giữa người nam và người nữ: Hai người yêu nhau, kết hôn với nhau không phải để nhìn nhau mà nhìn về một hướng. Đồng vợ, đồng chồng tát bể Đông cũng cạn. Sự hoà hợp mọi phương diện trong đời sống gia đình là trọng điểm của hạnh phúc. Hoà hợp không có nghĩa là hai người có những đức tính, những suy nghĩ giống nhau, nhưng là cảm thông chia sẻ và trân trọng những khác biệt của nhau để làm phong phú cuộc sống lứa đôi. Đồng thời chấp nhận luôn cả những hạn chế của người kia. Cuộc sống hoà hợp vẫn có thể xảy ra tranh cãi nhưng không xung đột, gây gỗ. Vì khi tranh luận, người này còn biết lắng nghe người kia nhận ra sự thật để giúp nhau thăng tiến và hoàn thiện; trong khi xung đột thì thường cố sức bảo vệ ý mình, luôn luôn cho mình là đúng. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Villot nói : “sự thống nhất giữa cá tính người nam và cá tính người nữ không phải là một đáp số có sẵn từ đầu và một lần là đủ. Nhưng nó phải được mỗi người thực hiện suốt cả đời và ngày qua ngày, suy nghĩ thực tế sẽ soi sáng cho mỗi người một chọn lựa của lịch sử lứa đôi và gia đình”. Nên gìn giữ hạnh phúc gia đình cần có thiện chí và kiên nhẫn.

–     Sự kiên trì, cần mẫn: Đức Hồng Y Feltin khẳg định: “Hạnh phúc của hai người yêu nhau được xây nên như một tổ chim, từng cọng rơm một, bằg cố gắng thông hiểu nhau”. Hạnh phúc có thể lớn dần lên từ những động thái rất nhỏ trong sự quan tâm lẫn nhau, nhưng cũng có thể bị mai một do những hành vi tưởng không là gì chỉ vì chúng ta coi thường không để ý. Nhưng để thực hiện được những việc tưởng là “vặt vãnh” ấy, hay muốn sửa đổi những khiếm khuyết nho nhỏ, đòi phải từ bỏ, và “chỉ có những tâm hồn biết từ bỏ mới biết yêu thương đích thực” (J. Vincent)

–     Sự từ bỏ: “Bạn có thể ban tặng mà không yêu, nhưng bạn không thể yêu mà không dâng hiến” (Seneca). Đức Giêsu đã vừa khẳng định vừa thực hiện chân lý ấy: “Không có tình yêu nào lớn bằng mối tình của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Tình yêu không có đối tượng chỉ là tình yêu ảo, tình yêu không có hy sinh chỉ là tình giả dối.

 Tạm kết:  Gia đình có vai trò quan trọng đối với con người và xã hội. Con người cần có gia đình để sinh ra và hoàn thiện nhân cách, xã hội cần có gia đình để tồn tại. Đối với Giáo Hội lại càng quan trọng hơn. ĐTC JP II nói: “Gia đình là đường lộ của Hội Thánh” (Thư gửi gia đình 1994, số 14). Nghĩa là, gia đình là con đường chính để dẫn mọi người đến với Hội Thánh, cũng là con đường đưa đến với Ơn Cứu Độ. Cho nên “sứ vụ của gia đình Kitô hữu hoạ theo kiểu mẫu sứ vụ của Hội Thánh, đó là trở nên nơi ưu việt để làm chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa” (ĐHY Villot). Xin cầu chúc cho các mẹ, các chị có đủ tình yêu và năng lực để xây dựng gia đình theo kiểu mẫu mà Chúa và Hội Thánh mong muốn.

bài liên quan mới nhất

Dưới ánh sáng Lời Chúa | Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh, năm B: Cây nho và cành

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng