Thiên Chúa không bao giờ ngủ?

THIÊN CHÚA KHÔNG BAO GIỜ NGỦ?

Thiên Chúa không phải là con người như chúng ta, nên Ngài không có nhu cầu ngủ nghỉ. Chúa của chúng ta không có thân xác, nên giấc ngủ có lẽ không có trong từ điển của Ngài. Trường hợp của Chúa Giêsu, vì vừa là con người, vừa là Thiên Chúa, nên Đức Giêsu cũng ngủ nghỉ như chúng ta. Tuy vậy, sau biến cố phục sinh, Chúa Giêsu hẳn là không cần ngủ, nhưng luôn muốn ở với con người cho đến tận thế (Mt 28, 20).

Trong bài dưới đây, chúng ta thử lật lại những trang Kinh Thánh để thấy giấc ngủ nghỉ ngơi của Thiên Chúa cần được hiểu như thế nào?

1. Nghỉ ngơi của Thiên Chúa

Trình thuật sách Sáng Thế mô tả rất kỳ công từng ngày làm việc của Thiên Chúa. Mỗi ngày là một bức tranh của sáng tạo muôn loài, trong đó con người được tạo dựng sau cùng: “giống hình ảnh của Thiên Chúa”. Điều thú vị là: “ngày thứ Bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2, 2). Bản văn gốc Dothái dùng “בַּיּ֣וֹם הַשְּׁבִיעִ֔י-ngày thứ Bảy”. Tuy nhiên “ngày- יוֹם” cũng có thể dịch là năm hoặc thời gian gồm quá khứ hiện tại và tương lai. Thiên Chúa thì vĩnh hằng. Vì, “đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2Pr 3, 8). Nếu hiểu theo nghĩa này, Thiên Chúa luôn nghỉ ngơi. Thật ra không phải thế!   

Các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng, câu “đến ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” không có ý nói Thiên Chúa mệt mỏi hoặc buồn ngủ. Ngài nghỉ ngơi để cho thấy công việc sáng tạo của Ngài đã hoàn thành. Về mặt sư phạm, Thiên Chúa muốn đưa ra một khuôn mẫu cho con người về cấu trúc thời gian (trong các tuần có bảy ngày - ngày Chúa Nhật theo Công giáo) và đưa ra một ví dụ về chúc phúc cho con người và thánh hóa cho ngày này (St 2, 3). Hơn nữa, Thiên Chúa còn thánh hóa ngày thứ bảy, vì đó là món quà dành cho con người để nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng[1].  

Đoạn văn St 2, 1-3 này mang đậm dấu ấn của truyền thống Tư Tế (Priestly)[2]. Họ muốn đề cao ngày Sabát như là thời gian để chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa, nên con người buộc phải nghỉ ngơi trong ngày thánh này. Đạo Do Thái ngày nay vẫn giữ luật này. Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng mỗi ngày là thời gian nghỉ ngơi sau khi hoàn tất công việc. Chúa Giêsu là mẫu gương để chúng ta thấy hằng ngày ngài cũng lánh ra một nơi hoang vắng mà cầu nguyện, nghỉ ngơi. Hẳn nhiên Chúa Cha, hoặc Thiên Chúa thì không cần nghỉ ngơi! “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi vẫn làm việc” – Chúa Giêsu đã nói như vậy.

2. Hoàn cảnh Thiên Chúa ngủ nghỉ

Sau bản văn sáng tạo trên đây, chúng ta khó tìm được chỗ nào mô tả Thiên Chúa nghỉ ngơi hoặc ngủ cả. Có lẽ chỉ trong Thánh vịnh 44 đã nói về sự kiện lạ lùng này: “Thiên Chúa ngủ”. 150 Thánh Vịnh đều là những lời cầu nguyện thật đẹp mà dân thưa thốt với Thiên Chúa. Có vô số lời tán dương ca tụng Thiên Chúa, nhưng có nhiều lời dân trách móc Ngài. Lý do?

Thánh vịnh 44 ra đời trong hoàn cảnh dân đứng trước vô vàn khó khăn tai họa. Trước kia, Thiên Chúa uy hùng đã giúp cha ông họ chiến thắng biết bao địch thù. Vậy mà giờ đây: “Ngài bỏ rơi, hạ nhục chúng con, với quân đội nhà, Ngài chẳng còn xuất trận, làm chúng con thua giặc chạy dài, kẻ ghét chúng con cứ mặc tình cướp phá. Ngài thí chúng con tựa bầy chiên thịt, bắt tản lạc đi giữa ngoại bang” (Tv 44, 10-12).

Thời đó dân tìm kiếm nguyên nhân nhưng không thấy sự hợp lý: “Thiên Chúa công bình và tốt lành, tại sao chúng tôi lại khổ sở thế này!”. Trong cơn hoạn nạn này, dân kêu lên trong cảm xúc bực bội: “Thật vì Chúa mà hằng ngày chúng tôi bị giết” (Tv 44, 22). Đỉnh điểm của lời than vãn này là: “Lạy Chúa, xin tỉnh giấc! Ngài cứ ngủ (יָשֵׁן) được sao? Xin trỗi dậy đi nào” (Tv 44, 24). Đâu phải dân Chúa ngày xưa mới cất lên lời than vãn này; chúng ta ngày nay cũng thế. Đôi khi thấy dường như Thiên Chúa vắng bóng, hoặc Ngài đang ngủ ở chốn nào mà chẳng đến giúp chúng ta!

Tác giả Thánh vịnh dùng động từ ngủ hoặc đi ngủ (יָשֵׁן) để chỉ về Thiên Chúa. Tuy nhiên, các nhà chú giải cho rằng chính tác giả cũng không thực sự tin rằng Thiên Chúa đang ngủ. Với sự thinh lặng của Đức Chúa trong cơn quẫn bách của dân, tác giả cảm thấy như vậy thôi. Hoặc giải thích theo nhà thần học người Anh Adam Clarke: “Đây là quyền tự do diễn tả tâm tình của một người cầu nguyện. Trong những lời này cần được hiểu theo nghĩa bóng”. Trong ý nghĩa này, dân Thiên Chúa thực sự muốn Thiên Chúa cầu cứu. Tuy biết Thiên Chúa không ngủ, nhưng dân vẫn cầu xin ngài “thức dậy- Xin trỗi dậy đi nào” (Tv 44, 22). Bản văn dùng động từ “ע֤וּרָה – thức dậy”, cũng có nghĩa là tự đánh thức chính mình trong cơn mê ngủ này. Thiên Chúa vẫn ở đó, tôi cũng cần tỉnh mộng để nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.  

Ý hướng trên gợi nhớ đến bản văn Tân ước khi Chúa Giêsu ngủ ở trên thuyền (Mc 4, 35-41). Giông bão đến, các môn đệ liền đánh thức Chúa dậy. Hiểu theo nghĩa Chúa ngủ trong bối cảnh này có vẻ ngây thơ đối với lối hiểu của ta, nhưng kỳ thực chúng ta có đủ can đảm để cầu xin Chúa đến giúp? Khi gặp khó khăn, hãy đánh thức Chúa Kitô! Thánh Augustinô gợi ý cho chúng ta cách phản ứng trong tình huống này, khi ngài đề cập đến đoạn Tin Mừng về cơn giông bão trên hồ Galilê. Ngài nói thế này:

“Đức tin vào Chúa Kitô trong lòng bạn cũng giống như Chúa Kitô trên thuyền. Bạn nghe những lời lăng mạ, bạn mệt mỏi, bạn khó chịu, và Chúa Kitô ngủ. Hãy đánh thức Chúa Kitô, hãy đánh thức niềm tin của bạn! Ngay cả trong tình trạng hỗn loạn, bạn vẫn có thể làm được điều gì đó. Hãy đánh thức niềm tin của bạn. Chúa Kitô tỉnh dậy và nói với bạn...Vì vậy, hãy đánh thức Chúa Kitô ... Hãy tin những gì đã được nói với bạn, và tâm hồn bạn sẽ có được sự bình tĩnh vô cùng” (Discorsi 163/B6).

3. Hãy đánh thức chính mình

Rõ ràng Kinh Thánh không minh nhiên nói Thiên Chúa cần ngủ nghỉ. Chúa không buồn ngủ và cũng không ngủ! Ngài luôn thức và hằng làm việc để chăm sóc thế giới và chúng ta. Có chăng chính chúng ta mới là người ngủ mê. Nhất là khi gặp khó khăn thách đố, cơn ngủ này có nguy cơ dẫn chúng ta xa cách Chúa. Đức Giêsu đã thức dậy và làm cho biển yên sóng lặng (Mc 4, 35-41). Chính Chúa cũng đánh thức và hồi sinh niềm tin của chúng ta nơi sự phục sinh.

Trước sức công phá của Covid-19 năm xưa, lúc này cũng thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho chúng ta chìa khóa để tỉnh thức: Cầu nguyện và phục vụ âm thầm. Đây là những khí giới chiến thắng của chúng ta. Ma quỷ thích chúng ta mê ngủ, say mê với những niềm vui thế trần mà quên những giá trị thiêng liêng. Ngược lại khi gần Chúa, chúng ta sẽ tỉnh thức. Qua những cử chỉ bé nhỏ và thường nhật, chúng ta tập cách thức đương đầu và vượt thắng một cuộc khủng hoảng. Bằng cách nào? Thưa: “bằng cách điều chỉnh các thói quen, ngước mắt lên cao và khích lệ cầu nguyện. Bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hy sinh và chuyển cầu cho ích chung của tất cả mọi người”. – Đức Giáo Hoàng viết.

Đôi khi Thiên Chúa “trì hoãn” sự giúp đỡ, không phải Ngài ngủ cho bằng Ngài muốn đánh thức chúng ta. Nếu lúc nào đó, bạn thấy Thiên Chúa vắng bóng, cứ than thở với Ngài. Lời than thở nguyện cầu này đánh thức chính bạn. Thiên Chúa luôn lắng nghe và muốn giúp đỡ chúng ta. Nhưng trước hết chúng ta hãy mạnh mẽ chạy đến với Ngài. Ở đây, tôi liệt kê vài cách tự đánh thức mình để gần Chúa:

- Cầu nguyện: Dành thời gian hàng ngày để tĩnh lặng nguyện cầu, nhất là việc xét mình. Điều này có thể giúp bạn nhận diện được hiện trạng của chính mình trong các mối tương quan với Chúa và với tha nhân, đồng thời có cơ hội tập trung vào mục tiêu thiêng liêng và nuôi dưỡng tinh thần tỉnh thức.

- Ăn chay: Có thể ăn chay để giảm cân, nhưng với ý nghĩa thiêng liêng, tôi ăn chay để cải thiện sức khỏe tâm hồn. Càng gần Chúa, tôi càng tỉnh thức.

- Bác ái: Tìm cơ hội giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người có nhu cầu. Hành động này có thể giúp bạn tăng cường tinh thần tốt lành và sự kết nối với cộng đồng. Cùng giúp nhau tỉnh thức.

- Đọc Kinh Thánh: Những câu chuyện Kinh Thánh nhắc nhở ta về việc sống một cuộc sống thánh thiện và tin tưởng vào Thiên Chúa.

- Truyền thông xã hội và giải trí: Thật thách đố nếu chúng ta hạn chế sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và giải trí. Tập thôi vì chúng ta muốn tập những thói quen tốt.

- Phát triển bản thân: dám dùng thời gian để đọc sách, tham gia các khóa học, hoặc thực hiện các hoạt động sáng tạo nơi giáo xứ hoặc nhóm nhỏ.

Tạm kết

Với tâm tình thiêng liêng cá nhân, tôi nghĩ Thiên Chúa không ngủ vì Satan cũng không bao giờ ngủ. Chúa thức để gìn giữ chúng ta khỏi những cơn cám dỗ. Ước sao mỗi lần gặp thách đố, ta biết Chúa luôn ở bên. Cầu nguyện tha thiết với Ngài để “đánh thức Chúa, đánh thức chính mình” trong cuộc sống này. Hoặc nói như lời thánh Phêrô: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (1Pr 5, 8-9).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con hàng ngày phải đương đầu với cuộc chiến đấu mà Chúa Giêsu đã phải chịu đựng ở sa mạc Giuđêa suốt bốn mươi ngày do chính Satan gây ra. Ngài tỉnh thức và cầu nguyện với Chúa Cha. Ngài biết Chúa Cha không ngủ và cũng không quên Con Một của mình. Nhờ bắt chước điều này, chúng con có thể chiến đấu thiêng liêng chống lại tội lỗi, mà cuối cùng là chống lại Satan. Đó là một cuộc chiến đấu buộc toàn diện con người phải tham gia và đòi hỏi luôn phải tỉnh thức và kiên trì[3]. Amen.

Nguồn: hdgmvietnam.com


[1]https://enduringword.com/bible-commentary/genesis-2/

[2]Bốn truyền thống, hoặc thuyết bốn nguồn là các nguồn chính của Ngũ Thư, một truyền thống mà từ đó câu truyện tạo dựng được trích dẫn là (a) Yahwist; (b) Elohist; (c) Thứ Luật; (d) Tư Tế.

[3]Theo ý của Đức Bênêđíctô XVI

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo và Thánh Columbano, Viện Phụ

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng