“Phụ nữ lãnh đạo, cần thiết cho một tương lai tốt đẹp hơn”

Đức Phanxicô trong buổi tiếp các tham dự viên của hội nghị quốc tế “Phụ nữ trong Giáo hội: Những nghệ nhân của nhân loại” ngày thứ năm 7 tháng 3.

Việc giải phóng phụ nữ trong Giáo hội và trên thế giới là tâm điểm của ngày suy tư “Phụ nữ lãnh đạo: hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn”. Những người tham dự nhấn mạnh đến sự cần thiết của phụ nữ trong vai trò giải quyết các thách thức toàn cầu.

Trong thông điệp gởi đến hội nghị, Đức Phanxicô hy vọng cuộc gặp sẽ dẫn đến một cam kết lớn hơn bao giờ hết, trong Giáo hội và trên thế giới, nhằm thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá bình đẳng và bổ sung cho nhau giữa phụ nữ và nam giới.

Cuộc gặp “Phụ nữ lãnh đạo: hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn” được tổ chức như một phần của Ngày Phụ nữ 8 tháng 3 và được Caritas Quốc tế và các tòa đại sứ ở Tòa Thánh hỗ trợ. Những người tham dự hiểu được cách thức Giáo hội công giáo, các tổ chức tôn giáo và chính phủ có thể cùng làm việc với nhau để có thể trao quyền cho phụ nữ. Các ví dụ về thành công trong lĩnh vực này, thông qua các chương trình giáo dục, chăm sóc sức khỏe cơ bản, các sáng kiến kinh tế đổi mới và các dự án hỗ trợ trong các trường hợp dễ bị tổn thương, đã được phân tích.

Trong số các diễn giả có Nữ tu Patricia Murray, thư ký điều hành của Liên minh Quốc tế các Bề trên Tổng quyền, Cha Arturo Sosa, bề trên tổng quyền Dòng Tên và nữ tu Nathalie Becquart, phó thư ký Thượng Hội đồng.

Sự tham gia của phụ nữ cho một tương lai tốt đẹp hơn

Ông Christopher Trott, Đại sứ Anh tại Tòa thánh, nhấn mạnh: “Phụ nữ là những tác nhân thiết yếu trong việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và ứng phó với các vấn đề cấp bách của toàn cầu mà thế giới ngày nay phải đối diện, để xây dựng một thế giới công bằng hơn, tự do hơn, an toàn hơn, giàu có hơn và xanh hơn, để tất cả mọi người được hưởng lợi và không ai bị bỏ lại phía sau, phụ nữ và các em bé gái phải luôn là trọng tâm trong những nỗ lực của chúng ta”.

Bà Chiara Porro, đại sứ Úc tại Tòa Thánh nhấn mạnh: “Phụ nữ và trẻ em gái, với sự đa dạng của họ, là trung tâm cho sự thay đổi mang tính chuyển đổi cần thiết ngày nay. Điều cần thiết là chúng ta phải khai thác kiến thức và kinh nghiệm của họ, kể cả ở cấp lãnh đạo, để xây dựng một thế giới nơi tất cả các cá nhân có thể nhận ra và đóng góp tiềm năng của mình, bất kể giới tính”. 

“Phụ nữ là động lực của tính đồng nghị”

Nữ tu Nathalie Becquart lưu ý: “Thượng hội đồng về tính đồng nghị là tiến trình nhằm mang lại tiếng nói mạnh mẽ hơn cho phụ nữ. Cho đến nay, các bước tiến được Thượng hội đồng thực hiện cho thấy phụ nữ mong muốn được tham gia nhiều hơn vào đời sống Giáo hội, đặc biệt là vào các quá trình đưa ra quyết định. Phụ nữ thường không cảm thấy mình được xem trọng trong Giáo hội. Các báo cáo của Thượng Hội đồng toàn cầu kêu gọi sự tham gia đầy đủ và bình đẳng. Phụ nữ là động lực của tính đồng nghị. Đa số họ có phong cách lãnh đạo hợp tác và Giáo hội cần điều này. Phụ nữ muốn Giáo hội trở thành đồng minh của họ trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Họ muốn có một vai trò trong Giáo hội và sự hỗ trợ của Giáo hội trong cuộc chiến chống phân biệt đối xử”.

cath.ch, I.Media, 2024-03-07

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng