Nghiên cứu mới khẳng định vết máu trên Tấm khăn liệm thành Turin nhất quán với sự tra tấn Chúa Kitô

Một nghiên cứu mới từ một nhà nghiên cứu người Ý phân tích máu trên Tấm Khăn liệm thành Turin cho rằng các vết máu nhất quán với sự tra tấn và đóng đinh Chúa Giêsu Kitô như được mô tả trong Tin Mừng.

Giulio Fanti — giáo sư về đo lường cơ học và nhiệt tại Đại học Padua — tuyên bố rằng phân tích ở mức vĩ mô và vi mô các vết máu phản ánh chính xác “tình trạng thể chất liên quan đến Chúa Giêsu Kitô” và phù hợp với mô tả về Chúa Giêsu Kitô trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong bốn sách Tin Mừng.

Fanti đã công bố hơn 50 nghiên cứu về Tấm Khăn liệm thành Turin và cũng đã xuất bản sách về chủ đề này. Tấm khăn liệm, một tấm vải liệm mà nhiều người tin rằng đã được sử dụng để quấn thi thể Chúa Kitô sau khi Người chết trên thập giá, đã là chủ đề của cuộc tranh luận học thuật đáng kể trong vài thập kỷ qua, với một số người bảo vệ tính xác thực của nó và những người khác khẳng định rằng đó là sản phẩm giả mạo từ thời Trung Cổ.

Tấm khăn liệm có in hình thân thể và khuôn mặt của một người đàn ông đội mão gai và phủ đầy vết máu. Nó được lưu giữ tại Nhà nguyện Khăn liệm Thánh ở Turin, Ý, nơi nhiều người Công Giáo tôn kính nó như một thánh tích của. cuộc khổ hình của Chúa Kitô. Vatican không có quan điểm chính thức về tính xác thực của nó.

Theo nghiên cứu của Fanti, các vết máu ở hai bên và mặt trước của tấm khăn liệm cho thấy máu chảy theo ba hướng khác nhau: theo chiều dọc khi cơ thể ở tư thế thẳng đứng, nghiêng một góc 45 độ và theo chiều ngang khi thi thể nằm nghiêng. Fonti khẳng định rằng “các dòng máu chảy riêng lẻ cho thấy sự thay đổi đột ngột về hướng; có khả năng là dòng máu chảy ra khi thi thể được di chuyển”.

Nghiên cứu còn cho biết rằng ba màu sắc khác nhau của máu cho thấy ba “loại máu khác nhau”, đó là “máu rò rỉ sau khi chết” do di chuyển thi thể, những vết máu ít rõ ràng hơn dường như là “vết máu trước khi chết” có khả thể xảy ra “khi Chúa Giêsu vẫn còn bị đóng đinh trên thập giá” và “dòng máu huyết thanh”. Nghiên cứu bổ sung rằng các vết bẩn dường như cho thấy dấu vết của những vết roi quất phù hợp với việc chịu đánh đập tại cột và lượng máu khớp với lượng máu sẽ chảy ra từ các vết thương được mô tả trong các sách Tin Mừng.

ĐGH Phanxicô với Tấm Khăn liệm Turin tại Nhà thờ chính tòa Thánh Gioan Baotixita, Turin, Ý, vào ngày 21/6/2015.

Ngoài ra, theo nghiên cứu thì các hạt nano được tìm thấy trong máu “được xác định là creatinine” phù hợp với “sự tra tấn rất nặng nề mà Chúa Giêsu phải chịu”. Nghiên cứu nói thêm rằng “mức urê cao được giả định” trong một số máu “ngụ ý tình trạng suy thận...hoặc tắc nghẽn, một tình trạng tương thích với việc chịu đòn roi nặng nề...ở vùng thận, gây ra thiếu máu tiểu hồng cầu”.

“Nếu tình trạng thiếu máu tiểu hồng cầu này cũng bị tăng thêm do nhịn ăn kéo dài, cho thấy những khó khăn cực độ mà Chúa Giêsu đã gặp trong việc trao đổi oxy, điều này có thể dẫn đến việc thở rất khó khăn”, nghiên cứu tiếp tục.

“Chúa Giêsu đã phải thở gấp rất nhiều”, nghiên cứu nói thêm, “và do đó, tăng nhịp tim, dẫn đến một cơn đau tim trở thành nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của Người”.

Cha Robert Spitzer, một linh mục Dòng Tên và là chủ tịch của Trung tâm Lý trí và Đức tin Magis, nói với CNA rằng “tất cả những dấu hiệu này [được tìm thấy trong nghiên cứu của Fanti] đều trùng khớp với việc đóng đinh của Chúa Giêsu Kitô”. Cha Spitzer là người ủng hộ mạnh mẽ tính xác thực của Tấm Khăn liệm thành Turin.

Cha Robert J. Spitzer, SJ, là một trong những chuyên gia được giới thiệu trong bộ phim tài liệu “The Shroud: Face to Face”, phát hành vào cuối năm 2023.

Cha Spitzer cho biết creatinine trong máu “thường chỉ ra tình trạng đa chấn thương nặng [những vết thương nghiêm trọng ở nhiều vị trí]”, đồng thời nói thêm rằng “máu xuất phát từ một người đã trải qua tình trạng đa chấn thương cực kỳ nặng”.

“Người đàn ông đó chắc chắn cũng đang vật lộn trong việc thở”, cha Spitzer nói, trích dẫn những phát hiện trong nghiên cứu. “Ông ấy đã trải qua những cực hình thực sự…Bạn có thể thấy rằng ông ấy đã mất rất nhiều máu…đặc biệt là từ trận đòn roi — trận đòn roi mà ông ấy phải chịu”.

Theo cha Spitzer, bằng chứng về máu chỉ ra “cuộc đóng đinh độc nhất vô nhị của Chúa Giêsu trên thập tự giá”. Khi bảo vệ tính xác thực của tấm khăn liệm, cha cho biết “một kẻ làm giả thời trung cổ” không thể lường trước được các nghiên cứu khoa học về tấm khăn liệm của thế kỷ 21: “[Ông ta] chắc chắn sẽ không sử dụng huyết thanh của một nạn nhân bị đa chấn thương nặng”.

Cha Spitzer đã tham khảo các nghiên cứu gần đây khác để bảo vệ tính xác thực của Tấm Khăn liệm thành Turin, đặc biệt là phân tích tán xạ tia X góc rộng năm 2022 do các nhà nghiên cứu người Ý tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia ở Bari công bố. Nhóm nghiên cứu do Liberato De Caro dẫn đầu.

Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp tán xạ tia X góc rộng để kiểm tra quá trình lão hóa tự nhiên của cellulose trong một mẫu Tấm Khăn liệm thành Turin, xác định rằng tuổi của tấm vải phải khoảng 2.000 năm — phù hợp với thời kỳ Chúa Kitô qua đời. Những phát hiện này mâu thuẫn với một nghiên cứu xác định niên đại bằng carbon nổi tiếng năm 1988, cho rằng tuổi của Tấm Khăn liệm thành Turin là vào thế kỷ 13 hoặc 14.

Cha Spitzer nói với CNA rằng việc tán xạ tia X là “một phép thử xác định niên đại thực sự lý tưởng” và nó “thực sự bổ sung độ tin cậy cho các dữ liệu khác đã thu thập được”. Cha cũng tham khảo các nghiên cứu phân tích DNA phấn hoa, nói rằng Tấm Khăn liệm thành Turin ”phải ở ngoài trời trong...ít nhất ba đến bốn thế kỷ” ở khu vực phía Bắc Giuđêa và Giêrusalem để phù hợp phấn hoa từ các loài thực vật bản địa.

Ngoài ra, cha Spitzer chỉ trích nghiên cứu xác định niên đại bằng carbon năm 1988 là không đáng tin cậy, cáo buộc rằng ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến xác định niên đại bằng carbon và các nhà nghiên cứu chỉ lấy vật liệu từ một phần nhỏ của tấm vải liệm thay vì lấy nhiều mẫu từ các phần khác nhau của tấm khăm liệm. Ông lưu ý rằng Tấm Khăn liệm thành Turin đã bị hư hại trong một vụ hỏa hoạn vào những năm 1500 và được sửa chữa bằng vật liệu từ thời đại đó và khẳng định rằng loại vải được sử dụng trong nghiên cứu xác định niên đại bằng carbon “chắc chắn không phải là cùng loại vải lanh mà phần còn lại của Khăn liệm được làm từ” mà thay vào đó là vải được thêm vào trong quá trình sửa chữa vào thời Trung Cổ.

Bất chấp cuộc tranh luận của công khai về tính xác thực của nó, Tấm Khăn liệm thành Turin vẫn tiếp tục thu hút những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới và vẫn là chủ đề được công chúng quan tâm.

Tấm khăn liệm đã được tôn vinh tại Đại hội Thánh Thể Toàn quốc vào tháng trước tại Trung tâm Hội nghị Indiana ở Indianapolis, Hoa Kỳ với bản sao dài 14 feet và một cuộc triển lãm giáo dục công nghệ cao.

Triển lãm Tấm Khăn liệm thành Turin tại Đại hội Thánh Thể Toàn quốc năm 2024 ở Indianapolis, Hoa Kỳ

Tấm khăn liệm cũng đã trở lại sự chú ý của công chúng vào tuần trước khi tờ New York Post công bố một hình ảnh được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo nhằm tái tạo khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô dựa trên dấu ấn trên Tấm Khăn liệm thành Turin. Vào năm 2022, Bảo tàng Kinh thánh ở Washington, D.C. đã tổ chức một cuộc triển lãm về Tấm Khăn liệm thành Turin trong năm tháng.

____________________

Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Catholic News Agency

Nguồn: tgpsaigon.net

 

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 16/10: Thánh Hedviga, Nữ tu

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng