Kinh Truyền Tin (12/11): Gìn giữ và nuôi dưỡng dầu tâm hồn

Trưa Chúa Nhật ngày 12/11, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 32 thường niên về mười cô trinh nữ đi đón chàng rễ, trong đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một câu chuyện liên quan đến ý nghĩa cuộc sống của mỗi người. Đó là dụ ngôn mười cô trinh nữ được mời đi đón chàng rể (x.Mt 25, 1-13). Đây là cuộc sống: một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày chúng ta được mời đi đón Chúa Giêsu! Tuy nhiên, dụ ngôn kể, trong số mười cô trinh nữ đó, có năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Chúng ta hãy xem sự khôn ngoan và sự khờ dại muốn nói điều gì. Sự khôn ngoan của cuộc sống và sự khờ dại của cuộc sống.

Tất cả những cô phù dâu đều có mặt để đón chàng rể, nghĩa là họ muốn gặp chàng rễ, cũng như chúng ta mong muốn một cuộc sống viên mãn hạnh phúc: do đó, sự khác biệt giữa sự khôn ngoan và sự khờ dại không nằm ở thiện chí. Nó cũng không nằm ở việc chúng ta đến buổi gặp đúng giờ. Tất cả mọi người đều ở đó. Sự khác biệt giữa những cô khôn và những cô dại là ở sự chuẩn bị. Đoạn văn nói: những cô khôn vừa mang đèn “vừa mang dầu theo” (c.4); nhưng các cô dại thì không. Đây là sự khác biệt: dầu. Và một đặc tính của dầu là gì? Nó là điều không thể nhìn thấy: nó ở trong đèn, không dễ thấy, nhưng không có nó thì đèn không sáng.

Chúng ta nhìn lại bản thân và thấy cuộc sống của mình cũng có những rủi ro như vậy: nhiều lần chúng ta rất để ý về ngoại hình, coi trọng việc chăm sóc thật tốt hình ảnh của mình và tạo ấn tượng tốt trước mặt người khác. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng sự khôn ngoan của cuộc sống nằm ở chỗ khác: chăm sóc những gì không thể thấy được, nhưng quan trọng hơn, chăm sóc con tim. Bảo vệ của đời sống nội tâm. Nghĩa là biết cách dừng lại và lắng nghe trái tim mình, để ý đến suy nghĩ và cảm xúc của mình. Bao nhiêu lần chúng ta không biết điều gì xảy ra nơi tâm hồn chúng ta trong ngày sống. Điều gì trải qua bên trong mỗi chúng ta? Khôn ngoan cũng có nghĩa là biết dành chỗ cho sự thinh lặng, để có thể lắng nghe chính chúng ta và người khác. Nó cũng nghĩa là biết dành thời gian, thay vì ngồi trước màn hình điện thoại, để nhìn vào ánh sáng trong mắt người khác, trong trái tim mình, trong cái nhìn của Chúa dành cho chúng ta. Nó cũng có nghĩa là không bị rơi vào bẫy của chủ nghĩa hành động, nhưng dành thời gian cho Chúa, lắng nghe Lời Người.

Tin Mừng cho chúng ta lời khuyên chính xác là đừng bỏ bê dầu của đời sống nội tâm, “dầu của tâm hồn”: Tin Mừng dạy chúng ta rằng điều quan trọng là phải chuẩn bị nó. Thực vậy, trong câu chuyện chúng ta thấy các trinh nữ đã có đèn rồi, nhưng họ còn phải chuẩn bị dầu: phải đến các tiệm để mua, rồi bỏ vào đèn...(x.c.7.9). Đối với chúng ta cũng vậy: đời sống nội tâm không thể tùy cơ ứng biến, nó không phải là chuyện nhất thời, thỉnh thoảng, một lần là xong; đời sống nội tâm phải được chuẩn bị bằng cách dành một ít thời gian mỗi ngày, với sự bền lòng, như được làm đối với mọi việc quan trọng.

Vì vậy chúng ta có thể tự hỏi: tôi đang chuẩn bị điều gì vào thời điểm này của cuộc đời? Bên trong tôi, tôi chuẩn bị điều gì? Có thể tôi đang cố gắng dành một số tiền tiết kiệm, tôi đang nghĩ về một ngôi nhà hoặc một chiếc ô tô mới, về những dự án cụ thể...Đây là những điều tốt chứ không phải xấu, nó tốt. Nhưng tôi cũng có đang nghĩ đến việc dành thời gian để chăm sóc con tim, cầu nguyện và phục vụ người khác, dành thời gian cho Chúa, Đấng là cùng đích cuộc đời tôi không? Tóm lại, dầu của tâm hồn tôi thế nào? Mỗi người tự đặt ra câu hỏi này: dầu linh hồn của tôi thế nào? Tôi có nuôi dưỡng và gìn giữ nó tốt không?

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta bảo vệ dầu của đời sống nội tâm.

Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng