Khi một cuộc chiến tranh (không) kết thúc

Người Palestine đi giữa đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy ở thành phố Gaza ở phía bắc Gaza …

Người ta thường nói điều chắc chắn duy nhất khi một cuộc chiến bắt đầu là sớm hay muộn nó cũng sẽ kết thúc. Sự an ủi cay đắng nhưng không tương ứng với thực tế. Trên thực tế, nếu trong quá khứ xa xôi, các cuộc xung đột “chỉ” liên quan đến quân đội ở các khu vực xa trung tâm dân cư, thì hiện nay đã thành quá xưa, tin tức trong những năm gần đây càng ngày càng cho thấy bây giờ chính người dân thường phải trả giá và trong số này đặc biệt là trẻ em phải trả một giá quá cao. Vì vậy, chiến tranh một khi đã bắt đầu thì không bao giờ thực sự kết thúc. Nó kéo dài ít nhất cả một thế hệ của những người phải chịu đựng nó. Đó là lý do tại sao nó đánh cắp hy vọng: bởi vì nó giống như một lỗ hổng đen, tương lai sẽ bị nuốt chửng sau loạt đạn súng cối cuối cùng.

Những người trở về nhà sau khi ra mặt trận hoặc còn khổ hơn nữa là tù binh chiến tranh, họ đều biết rõ điều này. Họ là những người gặp khó khăn về thể chất, suy sụp tinh thần, một số vết sẹo trên da sẽ mỏng dần theo thời gian nhưng vết sẹo tâm hồn phải đấu tranh để chữa lành. Sau chiến tranh Việt Nam, tình trạng bệnh lý của các cựu chiến binh Mỹ sống – hay đúng hơn là sống sót – được định nghĩa về mặt y tế: rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. Có bao nhiêu người ngày nay, trong “Chiến tranh thế giới thứ ba từng phần”, thấy mình ở trong tình huống tương tự, nếu không muốn nói là tệ hơn? Và bao nhiêu người – vợ, con, cha mẹ – sẽ thấy cuộc sống của mình bị lung lay mãi mãi vì người chồng, người cha hay người con từng trải qua nỗi kinh hoàng của chiến tranh sẽ không còn như trước khi họ trở về với gia đình?

Rồi có những người sẽ không bao giờ trở về nhà. Ngày 2 tháng 11 Đức Phanxicô nói ở Nghĩa trang Chiến tranh ở Rôma: “Tại lối vào nghĩa trang, tôi xem tuổi của những người đã ngã xuống. Phần lớn là các thanh niên 20 đến 30 tuổi. Cuộc đời ngắn ngủi, cuộc sống không có tương lai…Và tôi nghĩ đến các cha mẹ, các bà mẹ nhận lá thư: ‘Thưa bà, chúng tôi vinh dự báo tin cho bà biết, bà có người con trai anh hùng’. ‘Đúng vậy, anh hùng, nhưng họ đã lấy nó ra khỏi tay khỏi tôi!’”.

Đây là cuộc chiến mà một khi đã bắt đầu thì không bao giờ thực sự kết thúc. Đức Phanxicô biết rõ điều này, ngài cảm nhận được toàn bộ sức nặng của nó và vì lý do này, ngài không ngừng lặp lại lời kêu gọi: chúng ta không được cam chịu trước logic của nó, logic của Cain. Ngài không ngừng kêu gọi điều này. Với lời cầu nguyện và ăn chay, vũ khí mạnh mẽ của các môn đệ Chúa Kitô. Ngài can đảm thực hiện điều này, ngài gặp nạn nhân của chiến tranh, của mọi cuộc chiến tranh. Qua các cuộc gặp, ngài chạm trực tiếp vào vết thương của thế giới và cùng với lời nói, ngài gần gũi bằng cái nhìn, bằng lắng nghe và im lặng, những “công cụ” đặc biệt của lòng dịu dàng và an ủi. Công cụ của những người mơ “giáo hội là bệnh viện dã chiến”.

Osservatoreromano.va, Alessandro Gisotti, 2023-11-25

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần VII Phục Sinh: “Để chúng được nên một như Ta”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng