Gia đình sống mầu nhiệm Kinh Mân Côi

1. Kinh Mân Côi – lời kinh truyền thống của Giáo Hội

Khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Thiên Thần đã chào Kính Đức Maria : Kính Mừng Maria đầy ơn phúc… theo hạnh cha Thánh Đaminh ghi lại thì đây là lời kinh mà chính Đức Mẹ hiện ra trao cho Thánh Đaminh. Chẳng vậy mà các tu sĩ Đaminh đều đeo một cỗ tràng hạt bên trái để nhắc nhớ mình bổn phận đọc, sống và truyền bá kinh Mân Côi.

Tuy nhiên, không chỉ các tu sĩ Đaminh mới chuộng kinh Mân Côi mà trong mỗi gia đình, kinh chủ đạo trong các giờ cầu nguyện vẫn là kinh Mân Côi, các mẹ các chị đi viếng xác ai, viếng mộ hay đọc kinh giỗ cũng đều có lần hạt.

Lời kinh đó là lời kinh chung của toàn Giáo hội, được mọi người trên thế giới đều đọc. Các kinh khác có thể mỗi quốc gia mỗi khác, nhưng riêng kinh Mân Côi là kinh phổ biến nhất và ai ai cũng biết.

2. Kinh Mân côi – lời kinh của mọi người, mọi giới, mọi tầng lớp, mọi cấp bậc.

Nhiều người nghĩ rằng, kinh Mân Côi chỉ dành cho giới bình dân còn các nhà trí thức uyên thâm thì đọc và nghiên cứu chính vào bản văn Kinh Thánh kia. Nhưng có nhiều nhà trí thức đã rất yêu thích đọc kinh Mân Côi. Bằng chứng là:

Một ngày nọ, một cậu sinh viên Pháp bắt xe lửa để đi, trên toa của cậu có một cụ già trán cao, tóc bạc trắng. Khi xe lửa chuyển bánh thì cũng là lúc cụ già lôi trong túi ra một cỗ tràng hạt và bắt đầu lâm râm đọc kinh. Lúc đầu cậu lờ đi không nói gì, và chăm chú vào một cuốn sách viết về khoa học hiện đại. Nhưng mãi một lúc sau, cậu nhìn sang vẫn thấy cụ già lần hạt. Như không thể kiên nhẫn hơn nữa, cậu bèn gợi chuyện: Này cụ, bây giờ là thế kỷ nào rồi mà cụ vẫn cứ còn đọc cái kinh lẩn thẩn kia thế. Nếu mà cụ biết được khoa học ngày nay phát triển đến cỡ nào, chắc hẳn cụ sẽ thôi không đọc cái của nợ ấy nữa đâu.

Cụ giả thản nhiên đáp: Vậy sao!

Cậu sinh viên tiếp: Cháu đang là sinh viên ở Paris, nếu cụ muốn cụ cho cháu địa chỉ, cháu sẽ gởi cho cụ một ít cuốn sách nghiên cứu về khoa học để cụ đọc.

Cụ già từ tốn trả lời: Vâng, rất cám ơn cậu, phiền cậu gởi cho tôi những cuốn sách cậu tâm đắc để tôi có dịp học hỏi. Đây là địa chỉ của tôi.

Nói rồi, cụ già lôi từ trong túi xách một chiếc danh thiếp, trên có ghi: Louis Pasteur – Viện hàn lâm Paris. Vừa thấy tên nhà bác học lừng danh, cậu sinh viên ba hoa lủi ngay xuống hàng ghế cuối.

Hơn ai hết, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là người rất sùng mộ kinh Mân Côi. Ngài luôn khuyến khích mọi người đọc kinh Mân côi và chân thành chia sẻ những kinh nghiệm sống của mình. Từ tháng 10 năm ngoái, kinh Mân Côi đã được Đức Thánh Cha thêm vào 5 sự sáng, để bản kinh Thánh rút gọn của chúng ta được đầy đủ hơn.

3. Người mẹ có vai trò truyền bá kinh Mân Côi trong gia đình.d

Khi nghiên cứu về những truyền thống văn hoá của dân tộc, các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng, chính những người phụ nữ, những người mẹ trong gia đình có công gìn giữ những truyền thống ấy hơn là các ông. Người ta nhận thấy: Khi văn hoá Trung Hoa tràn vào, Việt Nam cũng bị lây nhiễm định kiến “trọng nam khinh nữ” nên con gái không được đi học, nam giới đi học thì về làm quan, còn nữ giới chỉ cần học biết làm việc nhà là đủ. Cho nên, khi liệt kê đến những phẩm chất cần có của người nữ, nho học chỉ gói chúng trong 4 chữ: Công, dung, ngôn, hạnh. Tuyệt không thấy chỗ nào đả động đến học vấn. Thậm chí, nếu ai cho con gái đi học thì sẽ bị cười chê vì cho nó đi học biết chữ chỉ tổ viết thư cho trai. Chính vì cái thiệt thòi ấy mà người phụ nữ không được tiếp xúc với nền văn hoá ngoại lai, họ chỉ học thuộc lòng những câu ca dao, dân ca, những câu vè, câu đối truyền khẩu thấm nhuần đạo lý làm người và đó cũng là hình thái văn hoá truyền thống đặc thù của người Việt Nam. Sau đó, trong những khi đưa võng ru con, họ hát những câu vè, câu ca ấy. Nhờ thế mà kho tàng văn hoá dân gian còn giữ được khá nhiều những bài ca dao dân ca. Luân lý của Việt nam không phải ở trong : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Hay ở trong tam cương, ngũ thường – đó là luân lý của Trung Hoa. Luân lý của Việt Nam được truyền thừa từ đời nọ đến đời kia trong các câu tục ngữ, ca dao, dân ca, phong dao và các câu chuyện thần thoại dân gian. Và tất cả những triết lý, luân lý của người Việt Nam ấy lại được chính những người mẹ gìn giữ.

Những bài kinh truyền khẩu trong gia đình, cũng thường được các mẹ dạy cho con cái, và kinh đầu tiên mà con cái được học thường là kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Cha, rồi Kinh Sáng Danh. Vì Thế Giáo Hội khuyến khích những người mẹ đừng bỏ qua thói quen tốt lành này.

Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha khuyến khích nên có những sáng kiến khi đọc kinh Mân Côi trong gia đình để lời kinh ấy không chỉ là kinh dễ đọc, dễ hiểu, nhưng còn để sống và đọc làm sao để mang lại lợi ích thiết thực.

Và đây là cách mà Đức Thánh Cha gợi ý:

– Sau khi xướng lên một mầu nhiệm, nên đọc một đoạn Kinh Thánh liên quan đến mầu nhiệm ấy, đoạn Kinh Thánh dài hay ngắn tuỳ theo hoàn cảnh và thời gian cho phép. Vừa lắng nghe, vừa tâm niệm đoạn Kinh Thánh ấy là Lời Chúa đang nói với chính mình và cho thế giới ngày hôm nay. Vì Đức Thánh Cha nhấn mạnh : “Vấn đề không phải là nhắc lại một thông tin, mà là để Thiên Chúa nói” (KMC, 30)

– Thinh lặng giây lát để chiêm ngắm mầu nhiệm, để mầu nhiệm thấm sâu vào lòng. Đức Thánh Cha khuyên nhủ : “không có sự chiêm ngắm, kinh Mân Côi chỉ là cái xác không hồn và có khuynh hướng trở thành máy móc, nhàm chán” (KMC 12)

– Tiếp theo, đọc các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh trong niềm tin rằng lời chuyển cầu của Mẹ Maria cho chúng ta sẽ đạt được trong trái tim của Chúa Giêsu, con Mẹ.

Khi đọc kinh Mân Côi trong sự chiếm ngắm như thế, chính là cơ hội tốt nhất nhắc chúng ta phải kiểm điểm lại đời sống gia đình, nhắc chúng ta thực hiện những đức tính cần thiết để xây dựng một gia đình Thánh, để nên Thánh trong vai trò người mẹ. Ví dụ:

– Khi ngắm thứ nhất Mùa Vui, ta xin cho được ở khiêm nhường. Sự khiêm nhường cần thiết để giúp ta biết phó thác vào Chúa, chấp nhận những thử thách của đời sống thường ngày trong vui tươi và tin yêu, khiêm nhường trong tương quan với người thân cận, biết nhường nhịn đúng lúc.

– Khi Ngắm thứ hai, ta xin cho được yêu người. Là chúng ta xin cho mình biết yêu thương người khác như chính mình, biết quan tâm đến nhu cầu tha nhân như Mẹ Maria quan tâm chia sẻ niềm vui với Bà Isave, vì niềm vui được chia sẽ nhân lên gấp đôi, nỗi buồn được chia sẻ vơi đi một nửa.

– Ngắm thức ba  Chúa Sinh ra, nhắc ta dù gặp khó khăn cũng vẫn biết tôn trọng sự sống.

– Ngắm thứ tư: Mẹ dâng con, nhắc ta biết tuân thủ luật pháp của xã hội và nhất là Giáo Hội…

Do đó, từng câu từng chữ trong Kinh Mân Côi chính là từng cơ hội Chúa gợi ý cho ta một hướng sống, Chúa nhắc nhớ ta những gì còn khiếm khuyết phải sửa đổi. Đọc kinh Mân Côi như thế mới thực sự có lợi cho đời sống của chúng ta.

Người mẹ cũng cần dạy cho con cái biết tận dụng những giây phút rảnh rỗi để đọc kinh Mân Côi. Nếu như ngoài những thời gian học tập và làm việc, thời gian còn lại dùng để lần hạt chắc chắn sẽ bớt đi được nhiều thứ tệ nạn lắm. Vì lẽ, siêng năng đọc kinh Mân Côi sẽ không còn thời gian để phung phí vào những thú vui chơi giải trí. Nhất là trong xã hội hôm nay, tràn lan những phương tiện giải trí thiếu lành mạnh, rất dễ dẫn con cái chúng ta sa vào những tệ nạn. Cho nên, nếu xã hội đang kêu gào các gia đình nên tìm cách chủ động phòng chống các tệ nạn xã hội, thì thiết tưởng đối với gia đình công giáo thì việc đọc kinh Mân Côi là cách tốt nhất giúp chủ động ngăn ngừa tệ nạn.

4. Duy trì các giờ kinh tối chung trong gia đình.

Đây là một truyền thống tốt lành của nhiều gia đình. Truyền thống đọc kinh chung có nhiều mối lợi.

  • Tạo một thói quen đạo đức
  • Giúp các thành viên biết tôn trọng sinh hoạt chung của gia đình
  • Củng cố, duy trì sự hiệp nhất trong gia đình.
  • Duy trì lòng đạo đức chung, và khi cầu nguyện chung thì có Chúa luôn ở giữa.
  • Con cái được thừa hưởng truyền thống đạo đức từ cha mẹ, ông bà.

dTuy nhiên, ngày nay, truyền thống đọc kinh chung trong gia đình đang có nguy cơ mai một, theo với xu hướng hưởng thụ của xã hội, kinh tế ngày nay có khá hơn, người ta không còn chỉ tìm ăn no mặc ấm mà phải là ăn ngon mặc đẹp. Các bạn trẻ nhân đó thường dành giờ buổi tối để đi chơi, đi học thêm… khiến cho giờ kinh tối chung trong gia đình may ra chỉ còn có cha và mẹ đọc thay cho cả nhà. Nhưng nếu tình trạng này không được kịp thời chấn chỉnh, lòng đạo đức nơi con cái chúng ta cũng dần dà bay mất, mà một khi như thế thì khó có thể bắt chúng giữ đạo đàng hoàng được. Do đó, những người mẹ có trách nhiệm bàn bạc chung với cả gia đình để thống nhất một giờ kinh chung, không ai được phép vắng mặt. Nhờ đó mới có thể  giúp con cái chúng ta trau dồi đức tin và sống đạo tốt được.

ĐỂ KẾT:

Khoá tĩnh tâm của các mẹ các chị dịp mừng lễ bổn mạng cho đến hôm nay đã khép lại, trong 6 bài chia sẻ vừa qua, con chỉ muốn mở rộng chút ít vai trò quan trọng của người mẹ trong gia đình. Các mẹ cần nhớ rằng: Thiên Chúa muốn các mẹ nên thánh trong bậc sống gia đình, trong vai trò người mẹ. Nhưng các mẹ không thể nên thánh một mình mà không có quý ông hay con cái, vì đó chính là những phần chi thể của các mẹ các chị. Do đó, các mẹ muốn nên Thánh thì cần phải kiến tạo gia đình mình trở thành một gia đình thánh như gia đình Thánh Gia xưa kia. Từ đó, các mẹ mới có thể làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa, làm chứng cho trần gian thấy được Nước Trời đang hiện diện ngay trong trái đất này – đó chính gia đình của các mẹ các chị.

Xin kính chúc các mẹ, các chị hoàn tất tốt đẹp vai trò người mẹ mà Chúa đã dành riêng để trao ban cho các mẹ các chị. Một khi sống tốt vai trò của mình thì đó là lời biết ơn cụ thể nhất đối với những ân huệ của Chúa.

bài liên quan mới nhất

ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân nữ tại nhà tù Rebibbia

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng