Đức TGM của Damascus: Các Kitô hữu Syria đã bị mất “hai tài sản”: gia đình và ơn gọi

Nhận định về đời sống của các Kitô hữu ở Syria hiện nay, Đức Tổng Giám Mục Samir Nassar của Damascus, thuộc Giáo hội Công giáo Maronite nói: “Các cộng đoàn Kitô ở Syria đã bị mất hai ‘tài sản’, đó là gia đình và ơn gọi linh mục và tu sĩ”.

Theo Đức Tổng Giám Mục, nguyên nhân là do cuộc chiến đẫm máu kéo dài, và theo sau đó là cuộc khủng hoảng kinh tế rất nghiêm trọng, bên cạnh các biện pháp trừng phạt của phương tây đối với tổng thống Bashar al-Assad.

Thực tế, ngày nay, ở vùng đất này hiếm khi tìm thấy có một gia đình với đầy đủ các thành viên. Mười hai năm chiến tranh đã làm cho các gia đình phân tán và di dời. Trong các gia đình, thường người cha bị lưu đày hoặc di cư, người mẹ ốm yếu hoặc suy sụp, con cái đi nước ngoài, mỗi người ở một quốc gia khác nhau, và ngay cả ông bà, những người từng được kính trọng trong gia đình, giờ đây cũng bị cô lập và chết trong thầm lặng. Thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự bắt buộc, làm cho đời sống hôn nhân bị đổ vỡ, dẫn đến tỉ lệ sinh giảm. Hậu quả là dân số giảm, với những ngôi nhà trống không và các Giáo hội khao khát các tín hữu.

Sự suy giảm ơn gọi cộng thêm với cuộc khủng hoảng gia đình, làm khô héo một thực tế đã được đánh dấu bởi cuộc di cư. Trong quá khứ sự phong phú của các ơn gọi là một yếu tố liên quan đến gia đình. Ngày nay, do gia đình bị khủng hoảng làm cho các chủng viện cũng vắng dần. Năm 2019 có 120 chủng sinh, nhưng năm nay, 2023 chỉ còn 37 thầy. Trong các nhà huấn luyện của các dòng tu, số ơn gọi ngày càng ít. Gia đình và ơn gọi, cả hai yếu tố là hậu quả rõ rệt nhất của cuộc di cư ồ ạt của các Kitô hữu khỏi phương Đông, đặc biệt trong bốn năm gần đây.

Đức Tổng Giám Mục Maronite của Damascus nhấn mạnh rằng tình hình khủng hoảng đã đẩy các tín hữu còn lại về phía mà ngài gọi là “bức tường than khóc”. Một kiểu hành hương lý tưởng đến “Đền thánh các Vị Tử đạo”, dâng kính nhóm mười một nhà truyền giáo dòng Phanxicô và giáo dân của Giáo hội Maronite bị người Druze giết trong đêm 09/7/1860 và được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước vào ngày 10/10/1926. Đây là một dịp để suy niệm về ý nghĩa của sự hy sinh và hiến thân.

Ngài kết luận, các Kitô hữu cảm nhận được niềm hy vọng duy nhất cho hoàn cảnh hiện tại khi cầu nguyện âm thầm đầy nước mắt với các vị tử đạo năm 1860 ở Damascus, và với những vị tử đạo mới được thêm vào trong cuộc khủng hoảng nặng nề đang chia cắt Syria kể từ năm 2011.

Nguồn: vaticannews.va

 

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần VII Phục Sinh: “Để chúng được nên một như Ta”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng