Đức Phanxicô sẽ đi Papua Tân Ghinê tháng 8, người công giáo ở châu Đại Dương là ai?

Tín hữu trong một nhà thờ ở Palembe, Papua Tân Ghinê tháng 7 năm 2015. imageBROKER/Tomas Griger/MaxPPP

Ngày thứ năm 25 tháng 1, ngoại trưởng Papua Tân Ghinê cho biết, Đức Phanxicô sẽ đi Papua Tân Ghinê ba ngày vào tháng 8. Đông Timor và Indonesia cũng có thể là một phần trong chuyến thăm thường bị trì hoãn này của ngài. Papua Tân Ghinê là quốc gia ở Thái Bình Dương có đa số tín hữu kitô.

Gần ba mươi năm sau Đức Gioan-Phaolô II, tháng 8 năm 2024 Đức Phanxicô sẽ đi Papua Tân Ghinê trong ba ngày. Ngày thứ năm 25 tháng 1, bộ trưởng bộ Ngoại giao của Papua Tân Ghinê thông báo tin này trong bối cảnh chính trị đặc biệt căng thẳng kể từ giữa tháng giêng. Gần đây hai thành phố, trong đó có thủ đô Port Moresby đã xảy ra bạo loạn đẫm máu và đã phải ở trong tình trạng báo động.

Việc Đức Phanxicô đến đất nước này sẽ có thể giúp nối lại cuộc đối thoại với người công giáo ở Papua Tân Ghinê, họ đại diện cho hơn một phần tư tổng dân số, cũng như với những người ở Đông Timor và Indonesia. Hai quốc gia này cũng nằm trong chuyến thăm chính thức dự kiến năm 2020 nhưng đã bị Vatican hoãn nhiều lần.

Giáo hội công giáo đã có ở Papua Tân Ghinê từ 130 năm nay. Nhiều cơ quan truyền giáo công giáo và tin lành đã được thành lập tại đây trong thời kỳ thuộc địa và truyền giáo cho gần như toàn bộ người dân. Phần lớn theo kitô giáo, kết hợp đức tin với các nghi lễ truyền thống bản địa.

Cảng Port-Moresby, thủ đô Papua Tân Ghinê | © Gailhampshire/Flickr/CC BY 2. 

Ở Đông Timor, 95% dân số theo đạo công giáo

Từ thế kỷ thứ 16, khi người Bồ Đào Nha đến định cư trên đảo, đạo công giáo đã có có mặt ở Đông Timor. Một phái bộ truyền giáo Dominica được thành lập ở đây và đứng ra bảo vệ người bản xứ trước các cuộc tấn công của người Hà Lan và sự ngược đãi của những người định cư Bồ Đào Nha. Dù bị Bồ Đào Nha cai trị hằng nhiều thế kỷ, nhưng đạo công giáo phát triển chậm trên đất nước này, người Timor bảo tồn các nghi lễ truyền thống của họ.

Cuộc xâm lược của Indonesia năm 1975, tiếp theo là sự chiếm đóng cho đến năm 1999, đã đảo lộn các quân bài. Vào thời điểm đó, nhiều tu sĩ và linh mục công giáo đã đứng lên chống lại quân xâm lược nước láng giềng. Họ bảo vệ nhưng phải trả giá bằng chính mạng sống của mình cho cuộc kháng chiến dân sự của người Timor. Giáo hội công giáo đã phát triển và tạo một làn sóng trở lại: ngày nay người công giáo chiếm hơn 95% dân số, so với 20%  năm 1975 khi Đông Timor tuyên bố độc lập.

Ở Indonesia, một nhóm thiểu số công giáo

Indonesia là quốc gia có đa số người dân theo đạo hồi, chiếm 87% dân số trong tổng số hơn 270 triệu dân. Tuy nhiên, con số này phải được giải thích một cách thận trọng. Kể từ năm 1966 và cho đến năm 2015, người Indonesia buộc phải ghi rõ tôn giáo trên giấy tờ tùy thân. Một nghĩa vụ bị cho là có khả năng gây bất lợi cho việc bảo vệ tự do tôn giáo, ở một quốc gia nơi tín hữu kitô và người Ahmadis (một nhóm thiểu số theo đạo hồi bị cho là dị giáo) đang bị đàn áp.

Cũng như Đông Timor, kitô giáo được người Bồ Đào Nha truyền bá vào Indonesia vào thế kỷ 16. Các tu sĩ dòng Phanxicô đầu tiên định cư trên đảo Ternate năm 1522. Từ năm 1546 đến 1547, Thánh Phanxicô Xaviê, người đồng sáng lập Dòng Tên với Thánh I-Nhã đã thành lập một cơ sở truyền giáo ở Ternate và Ambon, tại đây ngài rửa tội cho hàng ngàn người.

Theo một cuộc điều tra dân số từ năm 2010, trong số 10% người theo đạo kitô giáo ở Indonesia, chỉ có 3% là người công giáo. Hiện tại Indonesia có 47 giáo phận.

la-croix.com, Capucine Licoys, 2024-01-25

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng