Đức Phanxicô cảnh báo hậu quả của trí tuệ nhân tạo trên hòa bình

Lá cờ hòa bình ở Quảng trường Thánh Phêrô

Trong thông điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 58, Đức Phanxicô lên tiếng về tác động của trí tuệ nhân tạo với hòa bình toàn cầu và kêu gọi cộng đồng quốc tế thông qua một hiệp ước ràng buộc để điều chỉnh sự phát triển và sử dụng của trí tuệ nhân tạo.

Các công nghệ mới phải luôn hướng đến “việc tìm kiếm hòa bình và lợi ích chung, phục vụ sự phát triển toàn diện cho cá nhân và cộng đồng”. Trong thông điệp hàng năm nhân Ngày Hòa bình Thế giới, Đức Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đảm bảo tiến bộ trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo là để phục vụ cho “tình huynh đệ và cho hòa bình của con người”.

Thông điệp được công bố ngày thứ năm 14 tháng 12 nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 58 sắp đến, 1 tháng 1 năm 2024, một thông điệp hoàn toàn dành cho trí tuệ nhân tạo (AI) có chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và Hòa bình”.

Qua mâu thuẫn vốn có của những tiến bộ khoa học kỹ thuật, Đức Phanxicô kéo sự chú ý vào “chiều kích đạo đức” của những công nghệ mới đang cách mạng hóa nhân loại trong mọi lãnh vực của đời sống, nhấn mạnh đến tính chất hai chiều luôn có trong mọi tiến bộ khoa học và công nghệ.

Ngài nói, một mặt, nó có thể dẫn đến sự cải thiện nhân loại và biến đổi thế giới nếu “nó góp phần vào một trật tự tốt hơn cho xã hội loài người, tăng thêm tự do và hiệp thông trong tình huynh đệ”; nhưng mặt khác, tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số, “đặt vào tay con người rất nhiều khả năng, một số trong đó có thể gây nguy hiểm cho sự sống còn của nhân loại và là mối nguy hiểm cho ngôi nhà chung”.

Làm chủ trí tuệ nhân tạo

Không có sự đổi mới công nghệ nào là “trung lập”

Đức Phanxicô chọn trí tuệ nhân tạo làm chủ đề cho Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 58 sẽ được tổ chức vào năm tới. “Điều quan trọng là phải hướng dẫn…, thông điệp nhắc chúng ta không có nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ nào là “trung lập”: “Đó là những hoạt động hoàn toàn của con người, những hướng đi phản ánh các lựa chọn có điều kiện của các giá trị cá nhân, xã hội và văn hóa cụ thể cho từng thời đại. Và dĩ nhiên nó đi đôi với các kết quả thu được: chính vì chúng là kết quả của những cách tiếp cận cụ thể của con người với thế giới xung quanh, nên chúng luôn mang chiều kích đạo đức, liên kết chặt chẽ với các quyết định của những người thiết kế chương trình và hướng dẫn sản xuất để hướng tới các mục tiêu cụ thể”.

Và điều này cũng áp dụng cho các dạng trí tuệ nhân tạo khác nhau, vì “tác động của chúng, bất kể công nghệ cơ bản là gì, không chỉ phụ thuộc vào thiết kế của chúng mà còn phụ thuộc vào mục tiêu và lợi ích của những người sở hữu và phát triển chúng, cũng như các tình huống qua đó chúng được sử dụng.

Vì vậy, chúng ta không thể tiên nghiệm rằng sự phát triển của nó sẽ đóng góp có lợi cho tương lai của nhân loại và hòa bình giữa các dân tộc. Ngài viết: “Một kết quả tích cực như vậy sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta cho thấy khả năng hành động có trách nhiệm và tôn trọng các giá trị cơ bản của con người như “hòa nhập, minh bạch, an ninh, công bằng, bảo mật và đáng tin cậy”.

Các vấn đề đạo đức

Vì thế cần phải tăng cường hoặc, nếu cần thiết, thành lập các cơ quan “để xem xét các vấn đề đạo đức đang nổi lên và bảo vệ quyền lợi của những người sử dụng hoặc bị ảnh hưởng bởi các hình thức trí tuệ nhân tạo”.

“Do đó, chúng ta có nhiệm vụ mở rộng tầm nhìn của mình và hướng nghiên cứu khoa học-kỹ thuật hướng tới hòa bình và lợi ích chung, phục vụ sự phát triển toàn diện của con người và cộng đồng”.

Ngài nói: “Những phát triển công nghệ không dẫn đến sự cải thiện chất lượng cuộc sống của toàn nhân loại, nhưng làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng và xung đột, không bao giờ có thể được xem là tiến bộ thực sự”.

Thông điệp tiếp tục nêu bật nhiều thách thức “nhân chủng học, giáo dục, xã hội và chính trị” do AI đặt ra.

Những rủi ro cho các xã hội dân chủ

Ví dụ, khả năng của một số thiết bị tạo ra văn bản mạch lạc “không phải là sự đảm bảo cho độ tin cậy của chúng”. Điều này “đặt ra một vấn đề nghiêm trọng khi trí tuệ nhân tạo bị dùng trong các chiến dịch thông tin sai lệch nhằm truyền bá tin tức sai lệch đưa đến sự mất lòng tin ngày càng tăng với các phương tiện truyền thông”.

Việc lạm dụng các công nghệ này cũng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực khác “như phân biệt đối xử, can thiệp vào quá trình bầu cử, thành lập một xã hội giám sát và kiểm soát con người, loại trừ kỹ thuật số và làm trầm trọng thêm chủ nghĩa cá nhân ngày càng làm người dân xa rời cộng đồng”, tất cả đều đe dọa hòa bình thế giới.

Sau đó ngài cảnh báo về những rủi ro với các xã hội dân chủ và sự chung sống hòa bình. Mô hình kỹ trị thống trị đằng sau AI, “được đánh dấu bằng giả định về khả năng tự cung tự cấp kiểu con người là tất cả, thúc đẩy họ nghĩ rằng con người có thể vượt qua mọi giới hạn nhờ công nghệ”, chấp nhận rủi ro trong nỗi ám ảnh muốn kiểm soát mọi thứ, đến mất kiểm soát chính mình.

Khi Vatican nhúng tay vào trí tuệ nhân tạo

Đức Phanxicô chào mừng những người tham gia Đối thoại Minerva tập trung tại Rôma trong cuộc họp thường niên tại Vatican ngày 27 tháng 3 năm 2023.

Thuật toán và nhân quyền

Đức Phanxicô nhấn mạnh đến các vấn đề đạo đức “nghiêm túc” do AI đặt ra, gồm cả phân biệt đối xử, thao túng hoặc kiểm soát xã hội: “Việc sử dụng các quy trình tự động phân loại các cá nhân, như thông qua việc sử dụng rộng rãi giám sát hoặc áp dụng hệ thống tín dụng xã hội, cũng có thể có tác động sâu sắc đến cơ cấu xã hội, thiết lập sự phân loại không phù hợp giữa các công dân”.

Ngài cảnh báo: “Các thuật toán không được phép xác định cách chúng ta hiểu về nhân quyền, gạt bỏ các giá trị thiết yếu của lòng trắc ẩn, lòng thương xót và tha thứ”, đồng thời ngài nhấn mạnh đến tác động của các công nghệ mới đang hoạt động”.

Vũ khí và trí tuệ nhân tạo

Đặc biệt Đức Phanxicô lo ngại về “khả năng thực hiện các hoạt động quân sự thông qua các hệ thống điều khiển từ xa”, đặc biệt trong các hệ thống vũ khí tự động giết người (LAWS), có nguy cơ cuối cùng, vũ khí tinh vi rơi vào tay những kẻ khủng bố.

“Những ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nhất không nên được dùng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết xung đột bằng bạo lực, nhưng để mở đường cho hòa bình”.

Ở mức độ tích cực, Đức Phanxicô lưu ý trí tuệ nhân tạo có thể được dùng để thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, đưa ra “những đổi mới quan trọng trong nông nghiệp, giáo dục, văn hóa, cải thiện mức sống người dân của toàn thể các quốc gia và dân tộc, sự phát triển của con người trong tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội.

Những thách thức của giáo dục

Thông điệp của ngài tiếp tục nêu bật những thách thức do AI đặt ra với việc giáo dục các thế hệ mới lớn lên “trong môi trường văn hóa tràn ngập công nghệ”.

Về vấn đề này, ngài nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải giáo dục giới trẻ cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, nền giáo dục này trước hết phải nhằm mục đích thúc đẩy tư duy phản biện.

Một hiệp ước quốc tế để điều chỉnh AI

Đức Phanxicô kêu gọi cộng đồng các quốc gia toàn cầu hợp tác để thông qua một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc nhằm quản lý việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo dưới nhiều hình thức: “Phạm vi tiếp cận toàn cầu của AI cho thấy, cùng với trách nhiệm của các quốc gia có chủ quyền trong việc quản lý nội bộ của mình, các tổ chức quốc tế có thể đóng vai trò quyết định trong việc ký kết các hiệp định đa phương và trong việc phối hợp áp dụng và thực hiện các hiệp định đó”.

Kết thúc thông điệp, Đức Phanxicô nói: “Lời cầu nguyện của tôi cho năm mới là sự phát triển nhanh chóng của các hình thức trí tuệ nhân tạo không làm gia tăng quá nhiều bất bình đẳng và bất công hiện có trên thế giới, nhưng góp phần chấm dứt chiến tranh và xung đột, giảm bớt nhiều hình thức đau khổ đang hành hạ gia đình nhân loại”.

vaticannews.va, Lisa Zengarini, Vatican, 2023-12-14

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng