ĐTC Phanxicô thay đổi quy chế của Đền thờ Đức Bà Cả, nhấn mạnh nghĩa vụ thiêng liêng của kinh sĩ

Đền thờ Đức Bà Cả 

Ngày 20/3/2024, Đức Thánh Cha đã ban hành các quy định mới về việc quản lý Đền thờ Đức Bà Cả, nhấn mạnh vào hoạt động thiêng liêng và chăm sóc mục vụ, đồng thời bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Makrickas gốc Litva làm tân Phó Giám quản Đền thờ.

Nghĩa vụ thiêng liêng của kinh sĩ đoàn

Trong sắc lệnh ban hành ngày 20/3/2024, Đức Thánh Cha giải thích rằng ngài tìm cách “giải phóng” các “kinh sĩ” (các giáo sĩ được ngài chỉ định phục vụ Đền thờ) “khỏi mọi hoạt động kinh tế và hành chính để họ có thể cống hiến hết mình và với sức sống mới cho việc đồng hành thiêng liêng và mục vụ” với các tín hữu hành hương.

Vào tháng 12/2021, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục gốc Litva Rolandas Makrickas làm ủy viên đặc biệt để thực hiện tiến trình “tổ chức lại đời sống của kinh sĩ đoàn và Đền thờ, vì lợi ích lớn hơn của dân Chúa”.

Quá trình này, do một ủy viên đặc biệt lãnh đạo và được hỗ trợ bởi một ủy ban đặc biệt, đã xem xét hoạt động hành chính của Đền thờ, bao gồm cả việc nghiên cứu tình hình tài chính của Đền thờ.

Bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Makrickas làm Phó Giám quản Đền thờ

Trong sắc lệnh ngày 20/3/2024, Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Makrickas làm Phó Giám quản Đền thờ và có quyền kế vị Đức Hồng Y người Ba Lan Stanislaw Rylko, 78 tuổi, người đã giữ chức vụ Giám quản kể từ năm 2016.

Theo truyền thống, Giám quản Đền thờ là một Hồng y phục vụ với nhiệm kỳ 5 năm và có thể được gia hạn; ngài thực thi “quyền điều hành các hoạt động của Đền thờ và quản lý tài sản của kinh sĩ đoàn” và là đại diện hợp pháp của Đền thờ.

Việc quản trị Đền thờ

Sắc lệnh mới của Đức Thánh Cha cũng đặt hai chức vụ mới: đại diện về chăm sóc mục vụ, là người cộng tác với vị Giám quản trong các hoạt động của các kinh sĩ và đền thờ, đồng thời hợp tác chặt chẽ với vị trưởng ban nghi lễ; và đại diện điều hành, là người giám sát các công việc hành chính của Đền thờ. Đức Tổng Giám mục Makrickas sẽ tiếp tục đảm nhiệm hai vai trò này cho đến khi những chức vụ đó được bổ nhiệm.

Quy chế mới cũng thành lập một hội đồng hành chính mới, có nhiệm vụ quản lý tài sản của kinh sĩ đoàn. Theo Điều 48 của quy chế mới, hội đồng hành chính bao gồm Giám quản, hai đại biểu, một đại diện của Phủ Thống đốc Thành Vatican và một đại diện của Cơ quan Quản lý Tài sản của Tòa thánh (APSA). 

Đền thờ Đức Bà Cả

Đền thờ Đức Bà Cả, Đền thờ Thánh Phêrô, Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành và Đền thờ Thánh Gioan Laterano là 4 Đền thờ lớn ở Rôma, còn được gọi là Đền thờ Giáo hoàng. Tại Đền thờ Đức Bà Cả có lưu giữ thánh tích Nôi Thánh và ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của Dân thành Rôma mà Đức Thánh Cha thường đến cầu nguyện trước và sau các chuyến tông du nước ngoài.

Vào tháng 12/2023, trong một cuộc phỏng vấn với chương trình truyền hình Mexico “N+”, Đức Thánh Cha bày tỏ mong muốn được chôn cất tại Đền thờ Đức Bà Cả sau khi qua đời. Và trong cuốn tự truyện mới xuất bản, Đức Thánh Cha còn nói rằng nếu từ nhiệm, ngài mong muốn là một vị giải tội tại Đền thờ này.

Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng