Điều chúng ta tin, Phần 3: Giáo hội là gì?

ĐIỀU CHÚNG TA TIN
PHẦN 3: GIÁO HỘI LÀ GÌ?
 

Nếu điều chúng ta tin bắt đầu với Đức Giêsu và Kinh thánh, vậy còn Giáo hội thì sao?
Chắc chắn, việc đặt niềm tin vào Giáo hội là một bổn phận căn bản trong đạo Công giáo. Mỗi Chúa Nhật, chúng ta cùng tuyên xưng trong kinh Tin kính: “Tôi tin Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Không có cái gọi là đạo Công giáo nếu không có Giáo hội. Nhưng lý do là gì? Và việc tin vào Đức Giêsu và Kinh thánh tương hợp như thế nào với việc tin vào Giáo hội?
Trước tiên, đâu là ý nghĩa của từ “Giáo hội”? Từ này trong tiếng Latin là ecclesia, hay ekklesia trong tiếng Hy Lạp, kirche trong tiếng Đức, iglesia trong tiếng Tây Ban Nha. Những từ kể trên đại khái có nghĩa là “tụ họp” hay “hội nghị được triệu tập”. Trong tiếng Hy Lạp thế tục, ekklesia chỉ về demos hay polis, tức dân chúng hay thành phố. Đối với các Kitô hữu, điều làm cho ekklesia của họ nên khác biệt nằm ở chỗ nó chỉ về một cuộc tụ họp trong Đức Kitô. Những từ này chắc hẳn tương ứng với từ trong tiếng Hípri là quâhâl, nghĩa là “đại hội được triệu tập” – bởi các chỉ huy, ngôn sứ hay trưởng lão…“Qoheleth”, danh xưng được đặt cho tác giả sách Giảng viên, có thể phát xuất bởi từ Hípri này và mang nghĩa đại loại như “người rao giảng” hay “người kêu gọi”.
Toàn bộ điều này mang lại cho chúng ta một hình dung cơ bản ngay từ đầu, giúp chúng ta định nghĩa bản chất của Giáo hội. Đó là việc một nhóm người xuất hiện, được mời gọi cùng nhau làm nên một cộng đoàn. Giáo hội được diễn tả theo nhiều cách thế khác nhau, qua việc sử dụng nhiều hình ảnh khác nhau. Nhưng dẫu sao, tự ban đầu, chúng ta đã có một hình dung về Giáo hội nhờ chính hạn từ này: Giáo hội là một nhóm người được kêu gọi.
Tuy nhiên, điều này làm nảy sinh nhiều câu hỏi hơn nữa. Được kêu gọi vì điều gì? Ai kêu gọi? Đối với các Kitô hữu, đáp án là Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Giáo hội là một cộng đoàn do Thiên Chúa kêu gọi lại cùng nhau. Khi Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên ở biển hồ Galilê (Mc 1, 17), khi Ngài kêu gọi Lêvi (Mc 2, 14), khi Ngài triệu tập nhóm Mười hai (Mc 3, 13; 6, 7), khi đám đông vây quanh và nghe Ngài nói rằng gia đình của Ngài là “bất kỳ ai tuân hành ý muốn của Thiên Chúa” (Mc 3, 35), thì điều Ngài đang thực hiện chính là kêu gọi những kẻ tin cùng bước vào trong một ekklesia. Nói một cách đơn giản, đây chính là cách mà niềm tin vào Đức Giêsu và Kinh thánh dẫn chúng ta đến niềm tin vào Giáo hội. Chúng ta tin rằng Giáo hội được sinh ra nhờ Ngài và trong Ngài, bởi chính Đức Kitô mà chúng ta khám phá trong Kinh thánh.
Để thấy được cách tỏ tường nhất sự nối kết giữa Đức Giêsu và Giáo hội, việc đọc chương 17 Tin mừng Gioan thật hữu ích. Trong tư cách một Kitô hữu, theo cá nhân tôi, bản văn này đã làm thay đổi mọi thứ. Nếu không vật lộn với nó, tôi đã chẳng trở thành người Công giáo. Nó vẫn tiếp tục là một bản văn giúp tôi nhìn ngắm và suy tư về hầu hết mọi sự. Hiện thời, tôi biết bản văn này nói lên rất nhiều điều. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng, bản văn này có thể giúp ta nhận ra toàn bộ lịch sử, thần học và tất cả kinh nghiệm Kitô giáo. Đọc kỹ càng Gioan chương 17 cũng giống như đang khám phá bộ gen của Giáo hội. Theo một nghĩa nào đó, nó mặc khải về DNA của Giáo hội. Đó là vì khi Đức Giêsu cầu nguyện cho các một đệ nên một, như Chúa Cha và Chúa Con là một, Ngài đã mặc khải về hình thái mà nhóm người được kêu gọi này, tức thân thể của Ngài, phải tuân giữ. Cũng như khi Ngài cầu nguyện cho các môn đệ được thánh hiến và sai đi, Ngài mặc khải về sự thánh thiện và tông đồ tính của Giáo hội.
Như vậy, điều mà chúng ta đọc được trong Gioan chương 17 đóng vai trò nền tảng và có ý nghĩa lâu dài cho việc hiểu về Giáo hội ngày nay. Như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chỉ ra: “Sự hiệp nhất này, điều mà Thiên Chúa đã trao ban cho Giáo hội của Ngài và khát mong quy tụ muôn dân vào trong sự hiệp nhất ấy, không phải là một điều gì đó được thêm vào, nhưng nằm tại chính trung tâm của sứ vụ Đức Kitô” (Ut Unum Sint, số 9). Lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho các môn đệ nên một vừa thuộc về yếu tính của Giáo hội vừa có tính thiết yếu cho cách hiểu của chúng ta về Giáo hội. Điều Đức Giêsu nguyện xin trong Gioan chương 17 – để các môn đệ nên một, nên thánh thiện và nên tông đồ – có ý nghĩa then chốt đối với toàn bộ lịch sử Kitô giáo. Chúng ta nhận ra sự hiệp nhất trong Giáo hội: qua cách diễn tả “một lòng một ý” trong Công vụ Tông đồ 4, 32 – một hình ảnh mà thánh Augustinô hết sức yêu thích; khi thánh Irênê lập luận chống lại các địch thủ theo Ngộ đạo, rằng các độc giả cần tránh các lạc thuyết và “gia nhập vào Giáo hội”; trong giáo huấn sắc bén của thánh Cyprianô, “chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đức Kitô và chỉ có một Giáo hội của Ngài; chỉ có một đức tin và một đoàn dân được gắn kết với nhau trong sự hòa điệu”, một dân “không thể bị chia tách”. Trước khi trở lại Công giáo, thánh John Henry Newman đã thốt lên “tâm trí tôi hiệp cùng các thánh!”, khi nhận ra chân lý nền tảng này.
Thế nhưng, tại sao lại là Gioan chương 17? Vì đó là lời Đức Giêsu đã cầu nguyện vào đêm cuối cùng trước khi chịu chết. Đó là lời Ngài đã cầu nguyện khi bị Giuđa phản bội còn các môn đệ khác bỏ chạy tán loạn vì sợ hãi. Một lời cầu nguyện dâng Chúa Cha ngay trước khi mọi sự hoàn tất, trước khi Ngài chịu khổ hình Thập giá: lời cầu nguyện ấy nằm trong diễn ngữ sau hết của Ngài, là chúc thư truyền lại ước vọng cuối cùng của Ngài ngay trước khi chịu nạn. Vào hoàng hôn ngày hôm sau, Ngài sẽ chết. Chương 17 Tin mừng Gioan cho ta biết những lời cuối cùng của Đức Giêsu. Đó là một giây phút đặc biệt, một bản văn Kinh thánh có ý nghĩa trọng đại, ít nhất có thể nói như vậy. Như tôi đã tuyên bố, bản văn ấy thật quan trọng để hiểu được tất cả những điều khác mà chúng ta tin. Chúng ta sẽ đến với lời cầu nguyện đặc biệt này của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha trong phần tiếp theo.

Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

từ simplycatholic.com

Nguồn: gpquinhon.org

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng