Đại học Thánh Phanxicô của Giáo hội Công giáo Hong Kong chính thức ra đời

Ngày 09/01/2024, chính quyền Hong Kong đã chính thức trao tư cách Đại học cho Viện Giáo dục Đại học Caritas, nơi hiện có 2.500 sinh viên theo học trong các khoa: khoa học xã hội, quản trị kinh doanh và truyền thông. Trung tâm giáo dục có tên gọi là Đại học Thánh Phanxicô.

Để có thể được chính thức trở thành Đại học, vào tháng 10/2023, Hội đồng về kiểm định chất lượng hàn lâm và dạy nghề Hong Kong đã nhìn nhận Viện Giáo dục Đại học Caritas đáp ứng tất cả các yêu cầu để trở thành một trường đại học.

Trong một thông cáo báo chí, chính phủ Hong Kong chính thức tuyên bố đã cấp tư cách đại học cho Viện Giáo dục Đại học Caritas, do Giáo hội Công giáo điều hành.

Bà Christine Choi Yuk-lin, Bộ trưởng Giáo dục đã chúc mừng Đại học Công giáo trong khi nhấn mạnh cam kết của chính phủ “cung cấp cho giới trẻ Hong Kong chương trình học tập đa dạng, linh hoạt và chất lượng”. Bà nói: “Tôi tin tưởng rằng chương trình giáo dục sau trung học tự chủ tài chính sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc nuôi dưỡng nhân tài nhằm hỗ trợ nhu cầu nhân lực của Hong Kong và phát triển hơn nữa thành một trung tâm quốc tế về giáo dục sau trung học”.

Với sự ra đời chính thức của Đại học Thánh Phanxicô, mong muốn ấp ủ từ lâu của Giáo hội Công giáo Hong Kong đã được thực hiện.

Vào đầu những năm 1970, Đức cha Francis Hsu Chen-Ping, lúc đó là Giám mục Hong Kong đã thúc đẩy việc thành lập một trường đại học Công giáo. Năm 1985, Trường Cao đẳng Caritas Francis Hsu được thành lập, được đặt theo tên của vị giám mục quá cố, sau đó đổi thành Viện Giáo dục Đại học Caritas, một cơ sở được đánh giá cao ở Hong Kong, đặc biệt là đào tạo y tá.

Cùng với Trường Cao đẳng Nghề Caritas Bianchi, được đặt theo tên của Đức cha Lorenzo Bianchi, một nhà truyền giáo của Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại (PIME) đã lãnh đạo Giáo phận Hong Kong sau khi bị giam cầm ở Trung Quốc, Viện Giáo dục cung cấp các khóa đào tạo sau trung học ở 35 ngành khác nhau, bao gồm cả khoa học xã hội, công nghệ và kinh tế, với khoảng 2.500 sinh viên.

Giờ đây, với sự công nhận mới, Đại học Thánh Phanxicô sẽ có thể phát triển hơn nữa trong các lĩnh vực như quản trị kinh doanh tổng hợp, công tác xã hội cũng như công nghệ thông tin và truyền thông.

Tên của trung tâm giáo dục Công giáo Đại học Thánh Phanxicô dựa trên gợi ý của Đức Tổng Giám Mục Michael Yeoung, qua đời năm 2019, phản ánh ơn gọi đối thoại của Thánh Phanxicô Assisi và lời ngôn sứ truyền giáo của Thánh Phanxicô Xavier, nhà truyền giáo vĩ đại của châu Á.

Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng