Con gà trống lại được đặt ở đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris

Ngày lịch sử của Nhà thờ Đức Bà Paris: thứ Bảy, ngày 16/12/2023, Nhà thờ Đức Bà Paris cuối cùng đã thấy lại được con gà trống của mình, được treo lên đỉnh của khung chóp. Bên trong có thánh tích của thánh Denis và thánh Geneviève, và một trong những chiếc gai trên vòng gai của Chúa Kitô.

Đó là ngày 16 tháng 4 năm 2019: giữa đống tro tàn còn nóng của Nhà thờ Đức Bà, con gà trống của nhà thờ chánh tòa đã được tìm thấy một cách kỳ diệu, mặc dù tất cả đều bị móp méo. Vào ngày 16/12/2023, nó lại xuất hiện, được treo lên đỉnh ngọn tháp một cách kiêu hãnh, loan báo sự Phục Sinh…và sự tái sinh của Nhà thờ Đức Bà.

Đó là một con gà trống hoàn toàn mới thay thế cho con gà trống đã rơi từ ngọn tháp xuống cách đây 5 năm. Con gà cũ này, tất cả đều được làm bằng đồng, đã giữ nguyên vẹn các thánh tích chứa trong đó. Con gà mới hoàn toàn bằng vàng. Trước khi gắn lên cây thánh giá được đặt vào ngày 6/12/2023 trên đỉnh ngọn tháp, có cả một nghi lễ nhắc lại tính chất thánh thiêng xung quanh việc đặt con gà mới này lên đỉnh tháp.

Con gà trống là vị anh hùng của ngày sống, nhưng chính Chúa Kitô mà chúng ta tôn vinh”, Đức cha Ulrich, Tổng Giám mục giáo phận Paris, nói với Aleteia. “Mọi sự luôn hướng về Ngài. Con gà trống đưa chúng ta trở lại với Chúa Kitô: với Bí tích Thánh Thể, Lời Chúa, các bí tích được cử hành trong thánh đường này, và tất nhiên, với vô số lời cầu nguyện sẽ được các du khách mang đến trong đó, mỗi người với đức tin hoặc sự tin tưởng của mình. Mọi người, dù tin hay không, sẽ biết rằng họ đang ở một nơi được đánh dấu bởi sự hiện diện của Thiên Chúa”.

Đối với Đức ông Ribadeau-Dumas, Giám đốc nhà thờ chánh tòa, “con gà trống này chính là dấu hiệu cho thấy tòa nhà này không chỉ là một tòa nhà di sản và văn hóa”.  “Nó được xây dựng vì vinh quang Thiên Chúa và việc bên trong con gà trống này có các thánh tích là một điều gì đó rất mạnh mẽ, điều này cho phép chúng ta hướng tới ngày 8 tháng 12 năm 2024, ngày mở cửa trở lại nhà thờ chánh tòa”.

Niềm hy vọng như một lời hứa

Ngày này là lời hứa hẹn sẽ sớm có thể đi vào nhà của chúng ta”, Đức cha Ulrich tuyên bố thêm trước khi làm phép. “Đây là thời điểm mạnh mẽ đối với Giáo hội và tất cả những ai yêu mến nhà thờ chánh tòa này. Chúng ta đặt tất cả niềm tin vào đó. Qua mọi bất hạnh của chúng ta, Chúa vẫn ở đó. Ước gì con gà trống này, vốn lưu giữ ký ức về Sự Phục Sinh, về sự sống, về lòng can đảm, đối với chúng ta, sẽ trở thành dấu chỉ cho thấy điều chúng ta có khả năng làm cho lớn lên: Niềm hy vọng”. Sau khi đọc bài Tin Mừng về sự Phục Sinh theo thánh Marcô, Đức cha Ulrich đã làm phép cho con gà trống mới. Thánh tích của thánh Denis, thánh Geneviève và một chiếc gai từ vòng gai của Chúa Kitô một lần nữa được đặt bên trong. Đức Ông Ribadeau-Dumas khẳng định: “Những thánh tích này chính là dấu hiệu cho thấy chúng ta là một tôn giáo nhập thể. Đi trước chúng ta là những người nam người nữ đã theo Chúa Kitô và đã ghi dấu lịch sử cứu độ. Đó là như thể toàn thể nhân loại Kitô giáo được đặt vào trong con gà trống này, nó đang trông coi Paris và nước Pháp”. Cùng với nó là một tấm giấy da, trên đó xuất hiện 2.000 cái tên được ghi khắc cho một phần mới trong cõi vĩnh hằng: tên của những công nhân, kiến ​​trúc sư, thợ thủ công và thậm chí cả các mạnh thường quân đã tham gia vào việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà, những người xây dựng thực sự của ngôi nhà thờ chánh tòa của thế kỷ XXI.

Lời mời gọi tỉnh thức

Truyền thống lắp đặt một con gà trống trên tháp chuông ở Châu Âu có từ thời Trung Cổ, và chính Đức Giáo hoàng Lêô IV, vào thế kỷ thứ 9, là người đầu tiên quyết định lắp đặt một con gà trống trên Vương cung thánh đường Thánh Phêrô (sau đó bị sét đánh sập). Việc thực hành này có thể gợi lên bổn phận tỉnh thức của các Kitô hữu được mời gọi tỉnh thức, và lời cảnh báo của Chúa Giêsu đối với Phêrô: “Trước khi gà gáy hai lần, con sẽ chối Thầy ba lần”. Con vật gáy lúc bình minh cũng là biểu tượng cánh chung của cuộc vượt qua từ bóng tối đến ánh sáng, niềm mong đợi sự phục sinh.

Nhưng chú gà trống gaulois (từ Latin Gallus vừa có nghĩa là gà trống và người dân Gaulois) tất nhiên cũng là quốc huy. Việc lựa chọn đặt lại nó trên cây thánh giá của Nhà thờ Đức Bà đã đánh dấu vị trí trung tâm của nhà thờ chánh tòa này trong lịch sử dân tộc Pháp. Tác phẩm điêu khắc mới được treo vào chiều thứ Bảy lên đỉnh ngọn tháp với sự có mặt của Philippe Jost, chủ tịch công sở “Rebâtir Notre-Dame de Paris” (“Xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris”) và Philippe Villeneuve, kiến ​​trúc sư trưởng của các di tích lịch sử.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Aleteia và nhật báo La Croix)

Nguồn: xuanbichvietnam.net

Xem video của KTOTV ở đây:

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng