Các thần học gia Kitô giáo Địa Trung Hải lắng nghe nỗi đau của năm bờ đại dương

Sau các cuộc gặp ở Napoli, Bari và gần đây nhất ở Marseille của Pháp, các thần học gia Kitô giáo Địa Trung Hải tiếp tục hướng tới sự hiệp nhất. Hiện được tạo thành từ một mạng lưới gồm khoảng 20 tổ chức hàn lâm với các đối tác từ nhiều hệ phái khác nhau, Mạng lưới Thần học Địa Trung Hải (RTMed) đã xuất bản một bản tuyên ngôn vào mùa thu và trong năm nay suy tư về vấn đề công lý và hòa bình ở Trung Đông.

Theo các thần học gia, thần học phải bắt nguồn từ cuộc sống. Một nền thần học trong phòng thí nghiệm không đem lại kết quả. Thần học phải phát triển một suy tư bám sát thực tế, chứ không chỉ là dữ liệu kỹ thuật, có khả năng thúc đẩy một cách độc đáo hành trình đại kết giữa các Kitô hữu và cuộc đối thoại giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau.

Kể từ ngày 23/9/2023, các thần học gia từ khắp Địa Trung Hải đã cố gắng bám sát lộ trình được Đức Thánh Cha nhắc lại trong phiên họp bế mạc của Cuộc họp Địa Trung Hải ở Marseille. Một bản tuyên ngôn về thần học dựa trên Địa Trung Hải đã xuất hiện ngay sau đó bằng tiếng Ả Rập, tiếng Pháp, tiếng Croatia và tiếng Ý, là kết quả của hai năm làm việc của các nhà thần học Kitô giáo từ năm bờ đại dương, và từ các tôn giáo khác. Bản tuyên ngôn là một câu trả lời cho yêu cầu của Đức Thánh Cha được đưa ra vào tháng 6/2019 trong một hội nghị thần học ở Napoli. Các thần học gia hiện đã tạo ra một mạng lưới gồm khoảng 20 tổ chức và đang lên kế hoạch cho một cuộc gặp gỡ vào cuối tháng 6 tại Sicily. Một trung tâm “Địa Trung Hải, tôn giáo và xã hội” đã được thành lập để khuyến khích cuộc đối thoại này. Trong giai đoạn dự định, hoạt động đã được thí điểm bởi Viện Giáo hoàng về Nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo (PISAI), Trường Roma của Pháp, Viện Hồi giáo Pháp và Viện Công giáo Địa Trung Hải, và một hội đồng khoa học tái tạo gồm đối tác từ mọi bờ biển.

Cha Patrice Chocholski, thần học gia, giám đốc Viện Công giáo Địa Trung Hải, đang phát triển cách suy nghĩ mới này về bức tranh khảm Địa Trung Hải, hơn bao giờ hết ngày càng chia cắt.

Trong cuộc phỏng vấn dưới đây của Vatican News, cha Patrice cho biết rõ về tiến trình này.

Gần 6 tháng sau “Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải” ở Marseille và việc công bố tuyên ngôn đa ngôn ngữ cho một nền thần học khởi từ Địa Trung Hải, mạng lưới thần học Địa Trung Hải đang tiến triển thế nào?

Tuyên ngôn đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha được đưa ra ở Napoli vào tháng 6/2019 nhằm suy tư về thần học chào đón, lắng nghe, đối thoại và lòng thương xót. Chúng tôi bắt đầu làm việc với phương pháp đối thoại mới này và do đó với một nhận thức luận mới. Tuyên ngôn tập trung vào việc lắng nghe trực tiếp người dân ở năm bờ đại dương. Thần học Địa Trung Hải là thần học ở giữa, bởi vì giữa các bờ, người ta luôn phải đi qua một cuộc đối thoại. Thiên Chúa là đối thoại và đối thoại là nơi Thiên Chúa hiện diện. Cụ thể hơn, sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, chúng tôi đã có thêm các thành viên, nhà nghiên cứu và tổ chức mới. Chúng tôi bắt đầu trình bày rõ ràng công việc thần học của chúng tôi với các trung tâm văn hóa ở Địa Trung Hải và các nhà nghiên cứu từ các ngành và tôn giáo khác nhau đã tham gia cùng chúng tôi. Đó là một nền thần học Kitô của Địa Trung Hải, nhưng bản tuyên ngôn của chúng tôi cũng đưa ra ý tưởng cho các thần học gia Hồi giáo, cho một nền thần học Hồi giáo khởi từ Địa Trung Hải.

Trong năm nay, cha tổ chức các cuộc gặp gỡ như thế nào? Chủ đề và mục tiêu là gì?

Trong cuộc gặp gỡ tại Palermo, từ ngày 22 đến 26/6, chúng tôi sẽ tổ chức 6 buổi họp thần học trực tuyến, nhằm tạo cơ hội cho các thần học gia và các nhà nghiên cứu ở năm bờ đại dương tham gia. Mỗi buổi, sẽ có 3 chuyên gia phát biểu dựa trên bối cảnh xung đột đặc biệt hiện nay ở Địa Trung Hải, từ ngày 07/10 năm ngoái. Chúng tôi nhận ra rằng trong mỗi buổi trao đổi sôi nổi, ở mỗi bờ đại dương, tương quan với công bằng và hoà bình là khác nhau.

Như thế, chúng tôi sẽ để cho mình được chất vấn bởi những câu hỏi về công lý, hòa bình và lòng thương xót. Chúng tôi đã đồng ý về một chìa khóa giải thích chung cho những câu chuyện của chúng tôi trong năm nay: Thánh Vịnh 84, câu 11: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên”.

Nếu các thần học gia và các nhà nghiên cứu không thành công trong việc nói chuyện với nhau trong thời điểm rất xung đột này, nếu chiều kích hàn lâm và khả năng suy nghĩ về đức tin của chúng ta không giúp chúng ta đối diện với một cuộc đối thoại thanh thản, thì ai có thể làm điều đó một cách vị tha như vậy? Hy vọng rằng suy nghĩ này, theo động lực của nền thần học quan hệ mới mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang thúc đẩy, sẽ giúp chúng ta tìm thấy ngôn ngữ thần học này ngay trong tâm điểm của cuộc đối thoại.

Hiện tại, chúng tôi đang nhận được những kết quả trên khắp Địa Trung Hải, ở Ai Cập, trong các trung tâm văn hóa, ở Libăng, Israel, Maroc, các bờ biển phía bắc, ở Istanbul hoặc ở Romani, trên Biển Đen. Những tác động này là rõ ràng ở cấp độ giảng dạy tôn giáo ở trường thông qua một dự án Địa Trung Hải mới được chia sẻ bởi Viện Công giáo Địa Trung Hải (ISTR), tổ chức liên tôn Adyan ở Libăng, với sự hỗ trợ của tổ chức bác ái Công giáo Pháp L'Œuvre d'Orient. Những sáng kiến ​​này nhằm mục đích mang lại một điều cụ thể cho Văn kiện về Tình huynh đệ Nhân loại vì Hoà bình thế giới và Chung sống để nghiên cứu các câu chuyện tương hợp giữa các câu chuyện tôn giáo khác nhau, nhằm tìm cách giáo dục về đối thoại liên văn hóa và liên tôn ở Địa Trung Hải như một cách loan báo và lời hứa về hòa bình, mặc dù thuyền của chúng tôi gặp khó khăn trên vùng biển này. Từ đây trở đi, chắc chắn chúng tôi phải chấp nhận sống trong cảnh bập bềnh sóng gió, không mơ đến một cuộc sống ổn định trên đất liền.

Trong khi làm việc với nhiều người trong thế giới hàn lâm Địa Trung Hải, cha học được gì?

Mạng lưới các nhà nghiên cứu khác nhau của các trường đại học và trung tâm văn hóa đang đặt câu hỏi về những diễn tả, mô hình văn hóa của chúng ta, những thứ không còn phù hợp với thời đại đang thay đổi. Như Đức Thánh Cha đã nhắc lại trong Tự sắc Ad theologiam Provendam, các nhà nghiên cứu thúc đẩy chúng tôi và chúng tôi chấp nhận sự thách đố của họ. Điều này cũng cho phép chúng tôi thoát ra khỏi chính mình, đi đến các vùng ngoại vi bằng cách lên tiếng tại các trung tâm văn hóa ở Địa Trung Hải, bằng cách thực hiện đối thoại liên tôn. Chính người Hồi giáo đã tỏ bày với chúng tôi rằng, vì chúng tôi đang nghiên cứu thần học về các mối quan hệ với người Do Thái, nhìn nhận sự lỗi thời của lý thuyết thay thế như Đức Thánh Cha mong muốn, nên về phần họ, họ đang xem xét lại thần học loại trừ của họ.

Mỗi lần nói chuyện với các thần học gia Kitô giáo từ năm bờ đại dương, chúng tôi nhận ra rằng việc coi Âu châu là trung tâm của chúng ta là quá đáng. Những bờ bên kia cũng nhận ra rằng chúng ta phải đồng lòng di chuyển, lên thuyền và để mình trôi theo dòng nước, để lắng nghe nỗi đau của thời đại chúng ta.

Cha có quan điểm gì trong các cuộc gặp gỡ về những vết thương đau đớn của Thánh Địa hiện đang làm tổn thương chính ơn gọi của vùng biển này?

Thường trong các cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi, như với các thần học gia Libăng và các nhà thần học ở Israel, hoặc từ bờ nam Địa Trung Hải, thường chúng tôi phải rất cố gắng để kìm nén nỗi đau. Rất khó để nghe những lời tường thuật từ bên này hay bên kia. Bản thân tôi đã sống ở Thánh Địa và làm việc ở Gierusalem, và chính vì những vết thương này, mà thần học cố gắng tìm ra một tư tưởng để chữa lành vết thương, mà chúng tôi đã gặp nhau trong một ủy ban nhỏ trước phiên họp toàn thể tháng 12 của Mạng lưới Địa Trung Hải. Thánh vịnh 84, trong đó chiều kích công lý là thiết yếu, sau đó đã áp đặt chính nó. Hòa bình tự nó phải được coi là công bình, như Isaia đã nói.

Chúng tôi chấp nhận thách đố này khi giải quyết vấn đề thần học về công lý, dù từ bờ biển Haifa hay từ bờ biển Beirut, để suy nghĩ về khớp nối của nó với hòa bình, và chúng tôi chia sẻ những quan điểm này với nhiều đại sứ khác nhau trên khắp Địa Trung Hải. Do đó, cũng có sự khớp nối với các chiều kích chính trị, xã hội, liên tôn giáo, liên văn hóa. Sau ngày 7/10, các nhà nghiên cứu miễn cưỡng tiếp tục làm việc với chúng tôi vì quan điểm của chúng tôi rất khác nhau, nhưng chúng tôi đã tìm ra cách đối thoại với sự tôn trọng, chào đón và lắng nghe sâu sắc. Sau khi đã vượt qua được cơn sóng lớn đầu tiên của cuộc xung đột này, chúng tôi hy vọng rằng công việc này có thể góp phần tìm ra một số con đường bổ sung dẫn đến hòa bình.

Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng