“Bạo lực làm cho mọi người gặp nguy hiểm về mặt đạo đức”

Một người lính Israel đứng cạnh bức tường có hàng chữ bằng tiếng do thái “Con đường dẫn đến hòa bình” ở Kibbutz Netiv Haasara gần biên giới với Dải Gaza ngày thứ sáu 17 tháng 11 năm 2023. LEO CORREA/A

Theo nhà xã hội học Bernard Perret, việc nghĩ rằng chúng ta có thể dễ dàng kiểm soát bạo lực là một ảo tưởng, ông giải thích vấn đề bạo lực đương thời dựa trên công trình nghiên cứu của nhà nhân chủng học René Girard (1923-2015).

Cuộc chiến ở Ukraine và cuộc xung đột ở Trung Đông đặt chúng ta ở trong một tình trạng bạo lực tàn khốc nhất. Ngoài những điểm riêng của những xung đột này, chúng ta có thể đọc gì ở logic của bạo lực?

Bernard Perret: Mỗi cuộc chiến đều bộc lộ động lực tự động của bạo lực, khả năng lật đổ ý chí của các chủ thể và tính hợp lý được cho là của họ. Suy nghĩ của triết gia René Girard giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc lâu dài của nó, điều này không có nghĩa là chúng ta không nên xét đến các nguyên nhân cụ thể của từng cuộc xung đột, và dĩ nhiên ông cũng không đưa ra quan điểm. Nhưng tinh thần nhân chủng học girardian có thể giúp chúng ta làm sáng tỏ bạo lực, để  không bị đánh lừa hoàn toàn bởi diễn từ muốn biến nó thành phương tiện đạo đức và hợp lý để đạt được những mục tiêu nào đó.

Vì sao lại có bạo lực giữa hai quốc gia anh em?

Trong quyển Bạo lực và thiêng liêng, triết gia Girard viết: “Người ta thường cho bạo lực là phi lý. Tuy nhiên, bạo lực không thiếu lý do. Thậm chí nó còn tìm những lý do tốt khi nó phát hung dữ. Dù cho những lý do này có tốt đến mấy thì chúng cũng không bao giờ xứng đáng được chúng ta xem một cách nghiêm túc.” Chúng ta có thể đánh giá câu nói này là quá đáng, nhưng thực tế chúng ta luôn đánh giá thấp bản chất ăn miếng trả miếng và tác động lây lan của bạo lực, vòng xoáy trả thù và oán giận, sự mê hoặc rắc rối mà điều này tạo ra. Chúng tôi không muốn thấy cuối cùng mong muốn tiêu diệt người khác lại được đưa lên hàng đầu, trên tất cả những cân nhắc khác.

Trong những xung đột này, tất cả các nhân vật chính đều xem mình là nạn nhân. Có phải đây là một yếu tố biểu lộ?

Sự quan tâm đến các nạn nhân, vị trí trọng tâm họ chiếm giữ trong các cuộc tranh luận của chúng ta, đó là đặc điểm cụ thể của các xã hội mang đậm dấu ấn kitô giáo. Theo triết gia Girard, đó là hiệu ứng cao siêu của thập giá Chúa Kitô. Hình ảnh Thiên Chúa gắn liền với hình ảnh nạn nhân bị tra tấn, nhưng bây giờ không ai có thể hành động như thể điều này không xảy ra, dù họ có là tín hữu kitô hay không.

Israel-Hamas: theo Đức Phanxicô, “đó không phải là chiến tranh, đó là khủng bố”

Tuy nhiên, như triết gia Girard thường lưu ý, nhân loại đã dừng lại ở những gì đã bắt đầu. Tác động của thông điệp Tin Mừng đủ mạnh để ngăn chúng ta nói “khốn cho kẻ bại trận” như người la-mã đã nói, nhưng không đủ mạnh để chúng ta bỏ bạo lực. Vì thế có sự đổi hướng của những cảm xúc tồi bại này: dù khi các nạn nhân khơi dậy lòng trắc ẩn chân thành, họ rất nhanh chóng biện minh cho việc leo thang bạo lực. Chính các chiến binh thánh chiến đi Syria đã nói: “Anh em của chúng tôi là nạn nhân.” 

Chúng ta nói nhiều về nguy cơ du nhập cuộc xung đột Israel-Palestine. Triết gia Girard nói gì với chúng ta về sự lây lan của bạo lực?

Ngay khi chúng ta quan tâm đến bạo lực và để cho những hình ảnh bạo lực xâm lấn mình, bản thân chúng ta có nguy cơ bị lây lan cảm xúc, tự nhận mình ở một bên mà không có một độ lùi để nhìn sự việc, chúng ta chọn nạn nhân của mình và vui mừng trước bất hạnh của người khác.

Bài đọc về Cuộc Khổ Nạn thay đổi quan điểm của chúng ta

Bạo lực là sự bắt chước nhiều nhất trong các đam mê, ngày nay sức hấp dẫn của nó lại càng ngày càng được các mạng xã hội khuếch đại, đó là những cỗ máy thực sự khuấy động đam mê tập thể. Bạo lực làm cho mọi người gặp nguy hiểm về mặt đạo đức, cả những người ban đầu chỉ là khán giả – liệu chúng ta tiếp tục chỉ đơn thuần là khán giả khi đối diện với bạo lực không?

Israel bảo vệ hành động của mình dưới danh nghĩa tự vệ, từ đó dẫn đến bạo lực hợp pháp. Phương Tây đang đi theo sau. Chúng ta có thể hiểu sự quay về với bạo lực này như thế nào không?

Chúng ta tin vào sự tiến bộ của văn minh, không phải không có lý do chính đáng: việc mở rộng nhà nước pháp quyền, các lãnh vực pháp lý quốc tế và phát triển trao đổi kinh tế là những điều tuyệt vời. Nhưng ngày nay chúng ta thấy hòa bình của thế giới thật mong manh và bạo lực có thể cuốn trôi mọi thứ.

Một số chính trị gia có khuynh hướng quên rằng việc bảo vệ trật tự quốc tế không bao gồm việc tuyên bố đứng về phía người tốt chống lại kẻ xấu. Tôi phải nói rõ ở đây: bạo lực chỉ có thể biện minh được trong chừng mực nào đó nếu nó phục vụ cho một trật tự chính trị và pháp lý có khả năng tất cả mọi người công nhận là công bằng và hợp pháp.

Đức Phanxicô: “Không có cuộc chiến nào có thể trả giá bằng nước mắt trẻ em”

Nhất là không nên nhầm lẫn ý tưởng này với ý tưởng “chiến tranh chính nghĩa”, theo nghĩa “chiến tranh đạo đức” được thúc đẩy bởi một tầm nhìn riêng về điều tốt đẹp, vì không có gì nói rằng tầm nhìn này có thể dùng làm cơ sở để xây dựng một thế giới hòa bình. Tuy nhiên, phác thảo của trật tự công bằng và hợp pháp này không được thể hiện rõ ràng trong trường hợp xung đột giữa Israel và Palestine.

Tính hợp pháp của một trật tự tập thể không được quyết định. Nó được xây dựng theo lịch sử, bằng cách tạo ra các thể chế có khả năng ban hành các nguyên tắc và tạo ra các tiêu chuẩn có thẩm quyền. Đây là lý do vì sao trên hết chúng ta phải củng cố các cơ quan đa phương và các lãnh vực pháp lý quốc tế hiện có. Dù những  yếu kém của chúng hiện nay, chính nơi những yếu kém này mà họ phải tìm ra giải pháp.

Một số nhà trí thức công giáo bảo vệ Israel nhân danh sự gần gũi với người do thái, họ đi xa hơn khi thần học hóa bạo lực. Làm thế nào để thoát khỏi sự lẫn lộn này?

Tái đầu tư vào nguồn gốc do thái của kitô giáo không có nghĩa là thần học hóa Nhà nước Israel! Thần học hóa một thực tại chính trị luôn có nghĩa là tán thành việc thánh hóa bạo lực. Sự lẫn lộn này thật đáng kinh ngạc. Kinh thánh không ngừng nhắc chúng ta rằng vũ lực phải phục vụ luật pháp và công lý.

Việc phân biệt chiến binh với kẻ khủng bố chắc chắn là cần thiết để cố gắng văn minh hóa chiến tranh, nhưng sự phân biệt này mong manh và tương đối hơn chúng ta tưởng. Tất cả các cuộc chiến tranh đều có phần tàn bạo của chúng. Khi Israel cho mình là “đội quân có đạo đức nhất thế giới”, điều này đã tạo ra rất nhiều nhầm lẫn. Chúng ta thấy lối hùng biện của George Bush, người phản đối phe thiện, phe ác. Một quan điểm như vậy không để chỗ cho việc xử lý các vấn đề bằng chính trị.

Có một bản thể học hóa của phe thiện, một cách đặc trưng của phương Tây để thần thánh hóa bạo lực. Với ý tưởng hão huyền rằng, vì chúng ta “văn minh”, vì chúng ta là “tín hữu kitô” nên chúng ta có khả năng sử dụng bạo lực một cách nhân đạo, vừa phải và hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta nên biết, khắc phục bạo lực là công việc đòi hỏi khắt khe hơn nhiều. Đầu tiên, chúng ta phải từ chối xem nó là nguồn gốc của ý nghĩa. Đây là lúc triết gia Girard trở nên quan trọng, khi ông phát hiện ra khả năng bạo lực tạo ra những chuyện lừa phỉnh. Đó là hình thức tồi bại bị thần thánh hóa mà không phải lúc nào cũng dễ dàng giải mã được…

Đối diện với bạo lực, triết gia Girard đã nghĩ ra giải pháp gì? 

Một trong những đóng góp của ông là ông cho thấy trục trung tâm của đạo đức Tin Mừng là “chống ăn miếng trả miếng” – “đưa má bên trái” thay vì nói “mắt đền mắt, răng đền răng”, hãy tha thứ “bảy mươi lần bảy lần,” v.v. Đây không phải là những khẩu hiệu không tưởng minh chứng cho chủ nghĩa lý tưởng ngông cuồng mà là nguyên tắc ứng xử thực tế dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về cơ chế của bạo lực. Chúng ta không thể chấm dứt bạo lực nếu không kiên quyết phá bỏ xiềng xích bắt chước.

Phỏng vấn nhà xã hội học Bernard Perret

la-croix.com, Élodie Maurot, 2023-11-25

 

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần VII Phục Sinh: “Để chúng được nên một như Ta”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng