Tự vẫn – Lấy lại ký ức về người thân yêu

Virgil không chỉ là một thần học gia tiên phong đầy thiên tư, mà còn là một linh mục thân thiện, một người bạn nồng hậu với vô số người. Mọi người đều chết, và cái chết của những người thân yêu luôn thật khó chấp nhận, nhưng cách chết của cha càng khiến nhiều người choáng váng và hoang mang. Tự vẫn đấy! Nhưng cha là một người nhạy bén và đầy đức tin. Làm sao có thể như thế được? 

Và những câu hỏi này khiến hầu hết những người quen biết cha phải đối diện với một câu hỏi khác, một câu hỏi lớn và xé lòng: Việc này gây hại gì cho công trình của cha, cho món quà mà cha đã để lại cho Giáo hội và cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha? Chúng ta còn có thể tôn vinh cuộc đời và đóng góp của cha như thể cha đã chết vì đau tim hay ung thư không? Thật sự là, nếu cha đã chết vì đau tim hay ung thư, thì cái chết của cha, dẫu có gây đau buồn, thì chắc chắn vẫn đem lại một bầu khí lành mạnh, thậm chí là vui mừng khi chúng ta được bình tâm nói lời từ giã với con người tuyệt vời mình từng được phúc quen biết, chứ không phải một bầu khí lặng lẽ, vội vã, và một sự đau buồn không trọn vẹn ở tang lễ của cha.

Đáng buồn thay, đây cũng là trường hợp của bất kỳ ai chết vì tự vẫn, cách chết của họ đã trở thành một lăng kính để chúng ta nhìn vào cuộc đời và công trình của họ, một lăng kính bị nhuốm màu vẩn đục vĩnh viễn. Không nên như thế, và bổn phận của chúng ta, những người còn sống và yêu mến họ, là gợi lên những ký ức của họ, chứ không phải gỡ ảnh của họ khỏi tường, tránh nói về cái chết của họ. Chúng ta đừng để cách chết của họ làm hoen ố sự tốt lành đời sống của họ. Tự vẫn là cách chết kém vinh quang và dễ bị hiểu lầm nhất.  Chúng ta có bổn phận với những người thân yêu đã mất, và với chính chúng ta, là không làm trầm trọng thêm bi kịch đó nữa.

Vậy nên mỗi năm, tôi viết một bài về tự vẫn, hy vọng nó sẽ giúp mọi người thông hiểu hơn về vấn đề này, và hy vọng có thể xoa dịu phần nào cho những người đã mất đi người thân vì tự vẫn. Về căn bản, năm nào tôi cũng nói như nhau, bởi đó là những điều cần phải nói. Như lời Margaret Atwood, có những điều cần nói ra và nói đi nói lại, cho đến khi không cần nói nữa. Có điều cần nói về tự vẫn.

Vậy đó là những thứ gì? Cần phải nói đi nói lại điều gì về tự vẫn? Để làm rõ, cho tôi đưa ra theo số thứ tự.

  1. Thứ nhất, trong hầu hết các trường hợp, tự vẫn là kết quả của một căn bệnh, một sự sụp đổ trầm trọng trong hệ miễn dịch cảm giác hay đơn giản là một căn bệnh hóa sinh chết người.
  1. Trong hầu hết trường hợp, người chết vì tự vẫn, cũng giống như một nạn nhân chết vì bệnh tật hay tai nạn, không phải do lựa chọn của người đó. Khi người ta chết vì đau tim, ung thư, hay tai nạn, họ chết không theo ý mình. Trong các trường hợp tự vẫn cũng như thế.
  1. Chúng ta không nên lo lắng quá đáng về ơn cứu độ đời đời của người chết vì tự vẫn, mà nên tin rằng tự vẫn là hành động tột cùng của tuyệt vọng. Thiên Chúa chắc chắn còn thông hiểu và trìu mến hơn chúng ta nhiều. Chúng ta không cần lo lắng về số phận của bất kỳ ai rời thế giới này một cách thành thật, nhạy cảm quá độ, bị tổn thương quá nhiều đến nỗi không dám vươn ra, như trong trường hợp hầu hết các vụ tự vẫn. Sự thông hiểu và lòng thương xót của Thiên Chúa vượt xa chúng ta.
  1. Khi mất đi một người thân vì tự vẫn, chúng ta không nên ức đoán quá đáng: Tôi đã làm gì sao? Tôi đã làm gì khiến người này buồn lòng? Nếu có thì sao? Nếu như tôi đã ở đó đúng lúc! Hiếm khi những lời tự vấn này làm được gì. Hầu như chúng ta không thể có mặt đúng lúc bởi vì người đó không muốn chúng ta có mặt ở đó. Người đó đã chọn thời gian, địa điểm và cách thức sao cho chúng ta không thể can thiệp. Tự vẫn như một căn bệnh chọn lấy nạn nhân của mình sao cho mọi người khác không thể tiếp cận. Đây không phải là một lời biện minh cho sự thiếu nhạy bén, nhưng là một xác định lành mạnh để không mặc cảm tội lỗi sai lầm và ức đoán vô cớ. Tự vẫn là kết quả của một chứng bệnh, và có những chứng bệnh mà mọi tình yêu thương ân cần của cả thế gian cũng không thể chữa lành nổi.
  1. Cuối cùng, chúng ta, những người còn sống, có bổn phận tôn vinh ký ức của những người đã chết vì tự vẫn, và đừng để cách họ chết làm vẫn đục lăng kính chúng ta nhìn vào cuộc đời họ. Một người tốt là một người tốt, và cái chết đáng buồn không thay đổi được điều đó. Một sự hiểu lầm thì lại càng không.

 

Ronald Rolheiser

bài liên quan mới nhất

Ngày 13/5: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng