Lạng Sơn chuông vọng khắp gần xa
Mời gọi giáo dân hết mọi nhà
Nghe tiếng chuông ngân mà chuẩn bị
Nâng hồn lên tận chốn cao xa.

Tới đây thờ lạy tôn vinh Chúa
Với cả tâm tình cất tiếng ca
Lời kinh tiếng hát bay cao vút
Chúa xuống ơn thiêng lượng hải hà.

                                  (Lm Anrê Đỗ Xuân Quế-OP.)


      Đã tự bao giờ, tiếng chuông đã đi sâu vào nếp sống của người Kitô hữu. Chuông không phải thật to, kêu thật lớn, không phải để trang trí, không phải để khoe khoang, nhưng tiếng chuông nhà thờ ngân vang ẩn chứa những thông điệp, những sắc thái sâu xa. Tiếng chuông là lời mời gọi cộng đoàn giáo dân tham dự thánh lễ, tiếng chuông còn được dùng để loan báo tin vui như sau khi bầu được Giáo Hoàng mới hay sau Hôn Lễ. Tiếng chuông cũng để báo tin buồn như trong nhiều xứ đạo tại quê hương ta vẫn quen làm: người ta giật chuông từng tiếng theo nguyên tắc nam thất nữ cửu, để báo và xin cầu nguyện cho người trong cộng đoàn vừa qua đời. Ở nhiều nơi, người ta kéo chuông để báo động khi có chiến tranh, tai nạn (cháy nhà, ngập lụt). Chuông cũng nhắc nhở các giờ kinh, giờ nghỉ trong các Tu Viện. Tiếng chuông tạo nên vẻ long trọng huy hoàng và vui mừng của các ngày Chúa Nhật và Đại Lễ. Trong Thánh Lễ, các người giúp lễ rung chuông để nhắc các tín hữu chú ý đến nghi thức “truyền phép”. Vào những ngày kính nhớ cuộc khổ nạn của Đức Giê-su trong Tuần Thánh, các nhà thờ không giật chuông. Nhiều nơi, người ta dùng mõ hoặc kẻng để thay thế cho tiếng chuông trong Tuần Thánh. Trong Thánh Lễ Đêm Phục Sinh, tiếng chuông lại vang lên để loan báo Tin Mừng Chúa sống lại khải hoàn. Bên cạnh những tiếng chuông thường thấy, mấy ngày gần đây, trên ngọn tháp sừng sững của nhà thờ chính tòa giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng đã vang lên những “tiếng chuông lạ” - tiếng chuông Lòng Thương Xót Chúa.
     Vào tháng 12 năm 2019, khi mọi người trên thế giới đang tất bật với những công việc cuối năm, lòng hân hoan rộn ràng khi năm mới sắp cận kề, thì tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc một mối nguy cơ đã hiển hiện và chen vào cuộc sống của con người – Virus Corona. Kể từ lúc xuất hiện con virus với kích thước khoảng 150-200nm(nano mét) và phức tạp đến nỗi phải tới tháng 2 năm 2020 Ủy ban quốc tế về phân loại virus mới có thể đặt tên cho nó là SARS-COV-2 đã và đang làm cả thế giới hoang mang khi tính cho đến 27 tháng 03 năm 2020 đã có 531.819 bị nhiễm loại virus này với 24.073 ca tử vong và không có dấu hiệu dừng lại. Cuộc sống con người hoàn toàn bị đảo lộn, quán xá vắng tanh, các công ty đứng trên bờ vực phá sản, giao thông công cộng bị hạn chế, cảnh tắc đường trong thành phố đã không còn, khẩu trang và nước diệt khuẩn là hai nhu yếu phẩm không thể thiếu…
Cùng dòng chảy với thế giới do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, Giáo Hội cũng mang những vết thương trên mình. Hoạt động của các đoàn thể bị tạm hoãn, một số chủng viện, dòng tu phải cho các tu sỹ của mình hồi hương, thánh lễ diễn ra ít người hơn, không một bài hát nào được cất lên trong thánh lễ, nhiều linh mục đã qua đời sau khi bị nhiễm virus, đặc biệt  một số nơi không còn thánh lễ với sự hiện diện của cộng đoàn dân Chúa, ngay cả tại Vatican thủ đô của Giáo Hội Công Giáo vv… Trước tình hình đời sống xã hội cũng như giáo hội có nhiều biến động, Bề trên Giáo phận đã có những định hướng mục vụ trong mùa dịch, đó cũng là lúc tiếng chuông lạ mang tên Lòng Thương Xót Chúa ra đời.
      Gọi là tiếng chuông lạ vì nó được cất lên vào lúc 15h00, một khung giờ bất thường trong sinh hoạt hằng ngày, một việc xưa nay hiếm không chỉ với vùng đất Lạng Sơn – Cao Bằng mà còn trên toàn thế giới. Tại sao phải là lúc này tiếng chuông Lòng Thương Xót Chúa mới được cất lên? Phải chăng Lòng Thương Xót Chúa chỉ xuất hiện mỗi khi thế giới rơi vào cảnh hoạn nạn? Chắc chắn là không. Thiên Chúa luôn yêu thương và chăm sóc con người là thụ tạo của Chúa. Có thể nói, nếu Thiên Chúa không thương xót nhân loại một giây thôi, thì cả thế giới này sẽ đi vào dĩ vãng. Qủa thế, “tiếng chuông lạ” kia là lời mời gọi, lời nhắn nhủ con người hướng về Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa một cách đặc biệt hơn trong giai đoạn đầy khó khăn trong đại dịch này. Thật vậy, cả thế giới dường như đang vang lên những tiếng than rên rỉ. Nền kinh tế bị kiệt quệ, những thành phố sôi động không ngủ đêm ngày nay đã trở thành những thành phố ma, số người nhiễm bệnh ngày càng gia tăng mà không thấy dấu hiệu dừng lại, đặc biệt nhất là lượng người chết quá nhiều gây biết bao đau thương, mất mát vv… Hơn bao giờ hết, con người đang cần lắm tình thương của Chúa để xoa dịu bớt những nỗi đau này.

Tại sao chuông lại vang lên? Chính thế, chuông vang lên mỗi khi bị một vật cứng nào đó tác động vào, người ta thường dùng tới những cái dùi. Con người ngày nay cũng như những chiếc chuông bị bỏ không lâu ngày, im lìm, không một tiếng động. Tuy cuộc sống tuy có vẻ hối hả, tất bật thế nhưng chính lúc này đây, chúng ta lại đang ngủ say trong dòng chảy của tiền bạc, địa vị, lạc thú. Con người ngày càng xa rời Thiên Chúa. Đi vào những quán bar, khách sạn, karaoke, quán nét, các trận đấu bóng đá hay gần đây nhất là những cuộc “đi bão” mừng đội tuyển Việt Nam chiến thắng thì đầy rẫy những chàng trai, cô gái với đủ kiểu hình thái ăn mặc sặc sỡ, phản cảm. Còn ngược lại nơi các thánh đường việc đọc kinh, dâng lễ sáng tối lại đìu hiu, có hay chăng là những ông bà , những bậc cao niên. Chắc hẳn, ai cũng đồng tình khi cho rằng con người ngày nay còn tội lỗi hơn cả hai thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra xưa kia. Con người đã “lờn” với tội lỗi như lời của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II: “Tội lớn nhất hiện nay của nhân loại là con người đang đánh mất dần cảm thức về tội lỗi và để tiếng nói lương tâm bị đè bẹp”. “Chiếc chuông con người” cần những “cái dùi” tác động để làm thức tỉnh lương tri, và hơn hết là thức tỉnh linh hồn mình. Phải chăng, Corona là cái dùi mà Thiên Chúa đã dùng để làm điều đó? Vì “ở đâu tội lỗi càng lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”. (Rm 5,20)  
Tiếng chuông vẫn vang lên hòa vào dòng nước tuôn đổ như dòng thác vì những cơn mưa không dứt trên mái nhà thờ chính tòa Cửa Nam. Nghe vang vọng đâu đây lời của Chúa trong ngày thứ 4 Lễ Tro: “Bấy giờ Chúa phán: ‘Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ. Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi?’” (Ge 2, 12-18) Cảm tạ Chúa đã gõ “dùi” vào chiếc chuông của loài người chúng con. Ước gì toàn thể nhân loại này biết nhận ra tội lỗi của mình để ăn năn sám hối quay về với Lòng Thương Xót vô biên của Chúa. Lạy Chúa, Chúa biết sự yếu mềm của chúng con, và giống như một danh y tốt lành, Chúa sẽ an ủi và chữa lành những đau đớn của chúng con. Amen.
                                                                                               

bài liên quan mới nhất

Vẻ đẹp Thượng Đế phản ảnh trên gương mặt ta

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng