Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh

THỨ TƯ TUẦN 5 PHỤC SINH

"Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái".

 

Lời Chúa: Ga 15, 1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.

"Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".

 

SINH NHIỀU HOA TRÁI

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Cây nho là hình ảnh quen thuộc của Kinh Thánh. Để diễn tả Dân Chúa, nhà Ít-ra-en. Nhưng Chúa Giê-su dùng cây nho để nói lên đời sống thiêng liêng thâm sâu nhiệm mầu.

Trước hết đó là đời sống kết hợp với Chúa. Hình ảnh cây nho và cành nho nói lên cuộc kết hợp thâm sâu. Nên một. Không chỉ là hình thức. Nhưng còn là sự sống. Cành và cây không chỉ liền lạc với nhau mà còn sống nhờ cùng một dòng nhựa, một sự sống. Sự sống từ thân cây chuyển sang cành cây. Thiên Chúa ban cho ta sự sống của Người.

Kế đến là đời sống kết hợp với anh em. Cây nho và cành nho là một toàn thể. Tất cả các cành, cùng với gốc rễ và thân, tạo thành một cây nho duy nhất. Sống bằng một dòng nhựa duy nhất. Dân Chúa là một cộng đồng. Không thể có tính cá nhân ích kỷ. Phải có hiệp thông. Với Chúa. Và với anh em.

Sau cùng là kết quả của đời sống kết hợp. Trổ sinh hoa trái. Cây cung cấp nhựa sống. Nhưng cành trổ sinh hoa trái. Để hoa trái tốt đẹp đòi hai điều kiện. Cành phải gắn chặt với thân. Và không được phung phí nhựa vào những cành lá dư thừa. Như thế bên trong ta phải kết hợp mật thiết với Chúa. Bên ngoài phải cắt tỉa những gì dư thừa. Thanh luyện những ô uế. Để sinh nhiều hoa trái.

Cộng đoàn tín hữu sơ khai là một Dân Mới của Chúa. Dân cũ chỉ có người Do thái. Dân Mới gồm cả người gốc Do thái và người gốc dân ngoại. Dân cũ là cây nho. Nhưng Dân Mới có Chúa Giê-su là cây nho thật. Dân cũ sống bằng Lề Luật. Dân Mới sống bằng Thánh Thần của Chúa Giê-su. Dấu chỉ của dân cũ là phép cắt bì. Dấu chỉ của dân mới là phép rửa trong Thánh Thần. Dân cũ cho rằng tự mình nên công chính bằng Lề Luật. Nhưng thực ra đó là những cành nho không gắn liền với thân nho. Nên không sinh hoa kết quả. Dân mới được thành hình và được sống nhờ kết hợp với Chúa Giê-su. Chính trong Chúa Giê-su mà dân mới sinh nhiều hoa trái. Điều đó được chứng nghiệm. Vì dân ngoại chỉ cần chịu phép rửa là nhận được Thánh Thần. Không cần đến phép cắt bì.

 

KẾT HỢP ĐỂ SINH HOA TRÁI

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Khi nói đến cây nho, chúng ta nghĩ ngay đến bà con nông dân khu vực duyên hải Miền Trung Việt Nam, bởi vì nơi đây, phong trào trồng nho đã trở thành nghề chính của người dân. Khi trồng nho, người ta phải chăm bón, và nhất là cắt tỉa đúng quy cách mới mong một vụ mùa bội thu. Nếu không biết chăm bón đúng cách và không dám cắt tỉa, cây nho sẽ không sinh trái hay chỉ sinh ra những trái sâu xi, sần sùi, èo ọt...

Hôm nay, Đức Giêsu dùng hình ảnh cây nho để nói lên mối tương quan giữa Ngài với dân và đồng thời cũng nói lên thực tại Nước Trời ngang qua hình ảnh cây nho và cành nho.

Cây nho là thứ cây trồng chủ yếu của người Palestina thời Đức Giêsu. Cây nho còn là biểu trưng của chính dân Iraenl. Vào thời Cựu Ước, các tiên tri đã lên tiếng cảnh tỉnh dân chúng khi mượn hình ảnh cây nho không trái hay cho ra những loại rượu đắng chát không đạt tiêu chuẩn để nói lên sự thờ ơ, bất trung, phản bội của dân với Thiên Chúa.

Hôm nay, Đức Giêsu cũng dùng lại hình ảnh cây nho để nói lên sự gắn bó và hệ quả của nó trong tương quan giữa Ngài với ta. Vì vậy, Ngài đã ví mình là cây nho, chúng ta là cành nho. Đồng thời, Ngài cũng tiên báo, muốn được sinh hoa trái thiêng liêng, ắt phải cắt tỉa những cành ích kỷ, vụ lợi, giả hình, kiêu ngạo, gian dối, bất công..., để từ đó nảy thêm những mầm nho mới và sẽ sinh ra hoa trái của chân thực, nhân từ, bao dung, khiêm nhường, từ bi, nhân hậu...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy kết hợp với Chúa như cành nho với thân nho, như hình với bóng, để sự sống của ta là của Chúa và hoa trái được sinh ra chính là hoa trái cùng dòng giống với Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là cây nho, chúng con là cành. Xin cho chúng con mãi mãi được gắn bó với Chúa như cành liền cây, để chúng con được ơn cứu chuộc và chia sẻ hoa trái cứu chuộc đó cho anh chị em xung quanh. Amen.

 

SỰ KẾT HIỆP THÂM SÂU

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Nền văn minh kỹ thuật làm phát sinh nơi con người một não trạng kiện toàn duy vật. Người ta đánh giá con người với những tiêu chuẩn của sự sản xuất và hiệu năng. Con người được nhìn qua lăng kính của những sản xuất và chiếm hữu vật chất, như đồng lương, cái nhà, chiếc xe. Não trạng ấy không chừng áp dụng vào việc đánh giá sự sống còn của xã hội. Hình ảnh của những cành nho phải sinh trái trong Tin Mừng hôm nay phải chăng không củng cố cho cái nhìn ấy. Phải chăng một Giáo Hội có sức sống không là một giáo hội có nhiều tín hữu, có nhiều cơ sở vật chất, có nhiều hội dòng, có nhiều phong trào, có nhiều hoạt động và nhất là có nhiều quan hệ tốt với thế quyền.

Thật ra, người ta không thể đánh giá về sự sống bằng số lượng. Những con số không thể nói hết về một thực tại vô cùng thâm sâu về huyền nhiệm và sự sống, nhất là sự sống của Giáo Hội. Người ta không thể đo lường sự sống của Giáo Hội bằng hiệu năng và những con số. Trong Giáo Hội, không ai có thể đi tìm hiệu năng bằng những phương pháp và các phương tiện riêng của mình. Ðể trở nên phong phú trong Giáo Hội, cần phải chấp nhận hai điều kiện được chính Chúa Giêsu đưa ra: một là ở lại trong Ngài, hai là chịu cắt tỉa. Ở lại trong Ngài, với kiểu nói này, Chúa Giêsu muốn nói đến sự kết hiệp thâm sâu giữa Ngài và Giáo Hội.

Nếu Giáo Hội tìm cách thay thế sự kết hiệp thâm sâu này bằng những cố gắng liên kết với quyền bính thế trần, Giáo Hội có thể có một chỗ đứng thế giá trong trần thế, Giáo Hội có thể mua được nhiều đặc ân đặc quyền hay bất cứ một dễ dãi nào mà thế quyền có thể ban tặng. Nhưng một khi đã sống bên ngoài sự sống của Chúa Giêsu, Giáo Hội chỉ còn là những cành nho khô héo. Những thành quả đạt được bằng sự liên kết, thỏa hiệp với quyền bính sẽ chỉ là những trái trăng héo úa, nếu ở lại trong Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng phải chấp nhận bị cắt tỉa. Sức sống và sự phong phú đích thực của Giáo Hội lúc đó sẽ không phải là những con số của những gì có thể đếm được mà chính là những mất mát, thử thách, bách hại, những chướng ngại thập giá. Sức sống của Giáo Hội được thể hiện trước tiên qua những cắt tỉa ấy.

Thánh Phaolô là hiện thân của một sức sống như thế, Ngài đã phải chịu cắt tỉa ngay trong cộng đoàn Giêrusalem. Ngài bị cô lập và nhìn với con mắt nghi ngờ. Ngài bị xem như một con người nguy hiểm gieo rắc những tư tưởng đe dọa những giá trị được củng cố, đảo lộn những cái khoen đã cắm rễ sâu, phá hoại sự an toàn có sẵn. Suốt một cuộc đời ra đi không ngừng, thánh nhân là đối tượng của không biết bao nhiêu bách hại, nhưng Ngài không sống theo luận lý của con người. Thập giá là một hiếu kỳ đối với người Do Thái và là một điều ngu xuẩn đối với người Hy Lạp, nhưng với ngài, nó sẽ là khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Với ngài, người chỉ biết có một Chúa Kitô chịu đóng đinh, "sống" là chính Chúa Kitô. Mất mát, khổ đau, thử thách, thập giá là chìa khóa để đọc được ý nghĩa và sự phong phú đích thực của Giáo Hội, nó cũng là chìa khóa để nhìn vào những bách hại và thử thách mà một số tín hữu Kitô đang phải trải qua trong cuộc sống của mình.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh nâng đỡ các tín hữu Kitô để họ trở thành đuốc sáng cho mọi người trong giai đoạn hiện nay.

 

 

 

bài liên quan mới nhất

Các bài Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm B

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng