Thứ Sáu, Tuần 27 Thường Niên, Lễ Đức Mẹ Mân Côi

THỨ SÁU, TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI.

"Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai".

* Ngày 7 tháng 10 năm 1571, Tây Phương thoát khỏi sự đe dọa của quân Thổ Nhĩ Kỳ nhờ chiến thắng ở vịnh Lê-pan-tô. Người ta cho rằng chiến thắng đó là kết quả của Kinh Mân Côi.

Ngày nay, mừng lễ này không có nghĩa là mừng biến cố xa xưa đó, nhưng là nhắc nhở việc suy niệm các mầu nhiệm nhập thể, thương khó và phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cũng như khám phá ra vị trí của Đức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm cứu độ.

Tin Mừng: Lc 1, 26 - 38

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”

35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA ĐỨC MARIA

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Khi nhìn ngắm các tượng ảnh Đức Mẹ, ta dễ có cảm tưởng rằng Đức Mẹ đã sống một đời bình an thư thái. Vì các nghệ nhân thường tạo ra những hình ảnh về Đức Mẹ đẹp đẽ, hiền từ, dường như siêu thoát mọi cảnh khổ đau ở trần gian. Khi ngợi ca Đức Mẹ là tuyệt mỹ, đầy ơn phúc, vô nhiễm nguyên tội, ta thường nghĩ rằng: Đức Mẹ đã được tạo dựng đặc biệt, hoàn hảo ngay từ đầu, thánh thiện từ khi sinh ra và mãi mãi là như thế, không tiến, không lùi, đẹp như một pho tượng đúc sẵn.

Nhưng nếu đọc Phúc Âm kỹ lưỡng, ta sẽ thấy hành trình đức tin của Mẹ không phải luôn luôn bằng phẳng, êm xuôi, dễ dàng. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã thanh luyện Mẹ, uốn nắn Mẹ. Và vì thế đã để Mẹ trải qua những kinh nghiệm đớn đau khi tin nhận và bước theo Chúa.

Cuộc thanh luyện thứ nhất: Thiên Chúa mời gọi Mẹ bỏ chương trình riêng để sống theo chương trình của Thiên Chúa. Maria, một thôn nữ bình dị sống thầm lặng trong một làng quê nhỏ bé. Cô muốn cuộc đời mãi mãi bình thản êm xuôi như thế. Nhưng Thiên Chúa đã đến khuấy động đời cô. Khi đề nghị Maria làm mẹ, Thiên Chúa đã mở ra trước mặt cô một lý tưởng cao đẹp, nhưng cũng đầy gian khổ chông gai. Maria đã ngoan ngoãn thưa “Xin vâng”. Lời thưa ‘xin vâng’ của Maria làm ta nhớ đến tổ phụ Abraham. Như Abraham đã từ bỏ quê hương, gia đình đi vào một tương lai bấp bênh theo tiếng Chúa mời gọi, Maria cũng đã từ bỏ chương trình riêng trong nếp sống bình dị, để đi vào chương trình của Thiên Chúa trong một tương lai bất ổn, hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa.

Cuộc thanh luyện thứ hai: Thiên Chúa gửi đến cho Đức Mẹ nhiều đau khổ. Vì nhận lời làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria phải gánh chịu nhiều đau khổ.

Đau khổ thứ nhất là bị Giuse nghi ngờ. Làm sao giải thích cho Giuse hiểu. Làm sao tránh được búa rìu dư luận. Không những bị nghi ngờ, mà còn nguy hiểm đến tính mạng nữa. Thời ấy, những cô gái chửa hoang sẽ bị ném đá cho đến chết. Nhưng vững tin vào Thiên Chúa, Đức Maria đã để mặc Thiên Chúa lo liệu dàn xếp mọi chuyện. Ngài chỉ biết cúi đầu, thinh lặng vâng phục và phó thác.

Đau khổ thứ hai là Đức Maria đã sinh hạ Chúa Giêsu trong cảnh cơ bần: không nhà cửa, không giường chiếu, không mùng mền. Thiếu thốn mọi phương tiện. Chung số phận với súc vật.

Đau khổ thứ ba là bị vua Hêrôđê tìm giết nên phải trốn sang Ai Cập. Con trẻ sơ sinh yếu ớt. Sản phụ chưa được nghỉ ngơi lại sức đã phải đi lên đường trốn chạy. Tuy nhiên, nỗi cực nhọc phần xác không sánh được với nỗi đau đớn trong tâm hồn: Tại sao lại mang lấy thân phận tội đồ ? Tại sao lại bị người đời thù ghét, săn đuổi ?

Đối diện với những đau đớn ấy, chắc chắn niềm tin của Đức Maria phải lung lay, nghi hoặc: Con Thiên Chúa mà phải chịu nghèo khổ, khốn cùng đến thế sao ? Tuy có chao đảo, nhưng Đức Maria vẫn phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa.

Cuộc thanh luyện thứ ba: Đức Maria bị dứt lìa khỏi Chúa Giêsu. Niềm vui và hạnh phúc của người mẹ là đứa con, nhất là con một. Con là tất cả của mẹ. Con quý giá hơn chính mạng sống của mẹ. Tách con ra khỏi mẹ khác nào lấy gươm đâm vào tim mẹ. Thế mà Chúa Giêsu đã tách lìa Đức Maria rất sớm. Phúc Âm ghi lại hai lần Chúa Giêsu từ chối Đức Mẹ.

Lần thứ nhất: Khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, cả nhà đi lên Giêrusalem dự lễ. Tan lễ, Chúa Giêsu đã tự tiện ở lại, để thánh Giuse và Đức Maria đi tìm mất ba ngày. Trong ba ngày đó, Đức Maria đã trải qua biết bao lo âu, sợ hãi, đau đớn, cực nhọc. Vậy mà khi gặp cha mẹ, Chúa Giêsu đã nói: “Cha mẹ tìm con làm gì. Cha mẹ không biết con phải lo việc cho Cha con ư ?”. Lời này khiến cho Đức Maria buồn phiền không ít vì thấy đứa con từ nay thoát khỏi vòng tay của Mẹ.

Lần thứ hai: Khi Chúa Giêsu đi rao giảng, Đức Maria và mấy người bà con đến tìm Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu không ra tiếp, lại còn nói những lời như chối từ liên hệ huyết thống:

“Kẻ nghe lời Cha ta và thực hành, người ấy là anh chị em và là Mẹ ta”.

Những lời nói và thái độ của Chúa Giêsu như thế chắc chắn khiến cho Đức Maria buồn phiền. Nhưng những lời nói và thái độ ấy cũng giúp thanh luyện Đức Maria khỏi những tình cảm riêng tư, những liên hệ sinh học tự nhiên để bước vào tình yêu rộng lớn của Thiên Chúa và tạo lập những dây liên hệ siêu nhiên với Ngài.

Cuộc thanh luyện cuối cùng: Đức Maria phải chứng kiến cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá. Còn gì buồn hơn khi mẹ mất con. Còn gì đau đớn hơn khi mẹ thấy con chết đau đớn, tủi nhục giữa tuổi thanh xuân. Ở đây ta cũng nhớ lại tổ phụ Abraham. Để thử thách ông, Thiên Chúa đã truyền cho ông sát tế Isaác, đứa con trai duy nhất. Đức Maria cũng được mời gọi hy sinh người con duy nhất của mình. Đau đớn hơn tổ phụ Abraham vì Đức Maria phải chứng kiến hy lễ đó hoàn tất. Khi mọi người trốn chạy, chối bỏ Chúa Giêsu, Đức Maria vẫn ở lại dưới chân cây thập giá đau nỗi đau của Chúa Giêsu, nhục nỗi nhục của Chúa Giêsu. Và khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng thì Đức Maria như bị mất tất cả, bị tước đoạt tất cả những gì yêu quý nhất. Đứng dưới chân thánh giá, Đức Maria trở nên một người nghèo nhất. Mẹ chẳng còn gì cho riêng mình. Chẳng còn điểm tựa nào để bám víu, Mẹ chỉ còn biết phó thác trông cậy vào Thiên Chúa.

Như vậy Thiên Chúa đã dẫn đưa Đức Maria từ bỏ chương trình riêng tư, từ bỏ chính mình, từ bỏ những gì thân thiết nhất của mình, để đi vào chương trình của Thiên Chúa, để trọn vẹn phó thác cho Thiên Chúa.

Ngày nay khi lần chuỗi Mân Côi là ta ôn lại hành trình đức tin của Mẹ. Hành trình đầy thử thách gian khổ nhưng cũng đầy chiến thắng vinh quang.

Xưa kia lễ Mân Côi được mừng để kỷ niệm cuộc thắng trận ở Lepante. Ngày nay, khi mừng lễ Mân Côi ta mừng Đức Mẹ Maria đã chiến thắng chính bản thân, đã vượt qua hết những thử thách và đạt tới đích điểm của hành trình đức tin.

Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết noi gương Mẹ, biết từ bỏ ý riêng mình để thực hiện ý Thiên Chúa. Xin giúp con can đảm vượt qua mọi thử thách và giữ vững niềm tin tưởng phó thác trong tay Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Hãy kể ra những cuộc thanh luyện của Đức Mẹ.

2) Tại sao con người phải chịu thanh luyện ? Có phải vì Chúa muốn hành hạ con người không ?

3) Thanh luyện hệ tại điều gì ? Chịu khổ sở hay từ bỏ mình, điều nào quan trọng hơn ?

KINH MÂN CÔI – LỜI KINH KỲ DIỆU

(ĐGM. Vũ Duy Thống)

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng sau khi đắc cử Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã ký thác sứ vụ của ngài cho Đức Mẹ Maria và giới thiệu lại Kinh Mân Côi cho toàn thế giới như là “lời kinh diệu kỳ”.

Sau hai mươi lăm năm, tức là vào dịp mừng Ngân khánh Giáo Hoàng, trong Tông thư “Kinh Mân Côi”, một lần nữa ngài ân cần nhắc lại kỷ niệm xưa mà nay đã trở thành xác tín: Kinh Mân Côi là lời kinh kỳ diệu. Đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung, nhưng không đơn thuần là một kinh dành cho giới bình dân như có thời người ta nghĩ, nhất là sau Vatican II khi Phụng Vụ tìm lại được vị thế đỉnh cao và trung tâm.

Vâng, Kinh Mân Côi là kinh phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng đâu là nét kỳ diệu của Kinh Mân Côi ?

1) Kinh Mân Côi hệ tại việc gặp gỡ Đức Maria trong tình mẫu tử.

Đành rằng lời kinh nào dâng lên Đức Maria cũng là dâng lên trong tình mẫu tử, như được thể hiện qua truyền thống cầu nguyện Việt Nam, nhất là trong lãnh vực ca nguyện. Cứ thử làm một bảng liệt kê những ca khúc hát dâng Đức Mẹ ắt sẽ rõ. Nhiều lắm. Chỉ những ca khúc bắt đầu bằng chữ “Mẹ ơi” từ nốt bậc năm về nốt bậc một không phân biệt trưởng thứ cũng có thể làm thành một cuốn sưu tập không mỏng. Nhưng vượt lên tất cả, riêng Kinh Mân Côi đã đẩy tình mẫu tử ấy lên một cung bậc diệu kỳ.

Phần đầu Kinh Kính Mừng dựa trên Phúc Âm là lời chào của sứ thần Gabriel phối hợp với lời mừng của bà Êlisabet làm thành lời xưng tụng Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Đấng từ trời cao xuống thế làm người. Phần sau Kinh Kính Mừng là lời xin ơn trợ giúp qua đó tín hữu xưng hô Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Và tổng hợp cả hai phần ngắn ngủi đọc lên chỉ trong mười lăm giây đồng hồ là cả một lời kinh kỳ diệu nối kết tâm tình con thảo vào với mầu nhiệm Đức Maria trên đỉnh vị thế là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ con người; Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ của mỗi người chúng ta.

Nếu “nải chuối buồng cau, đường mía lau xôi nếp một” là ca dao tình mẹ ngọt ngào trong văn học dân gian Việt Nam, thì Kinh Kính Mừng quả là lời kinh tuyệt diệu ngọt ngào tình mẫu tử thiêng liêng giúp ta gặp được Đức Maria cao xa là Mẹ Chúa Trời nhưng vẫn cứ luôn gần gũi với người dương thế cho dẫu phận người hôm nay không đẹp đẽ gì, vì xét cho cùng chỉ là kẻ có tội “khi nay và trong giờ lâm tử”. Chính vì thế Kinh Kính Mừng đã trở thành lời nguyện tắt mọi lúc mọi nơi.

2) Kinh Mân Côi: Qua Mẹ để tới Chúa Kitô.

Thật vậy, hình thức lời kinh trực tiếp dâng lên Đức Mẹ, nhưng nội dung chiêm niệm lại là mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu trải ra theo mười lăm ngắm truyền thống Vui Thương Mừng và năm mầu nhiệm sự Sáng do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề nghị. Chả thế mà Đức Phaolô VI trong Tông huấn Marialis Cultus đã gọi Kinh Mân Côi là “cuốn Phúc Âm rút gọn”, rất gọn không còn cách nào gọn hơn được nữa, để có thể ghi vào trong bộ nhớ sống, sẵn sàng bung ra làm việc trên màn hình máy tính cuộc đời. Từ việc Chúa Giêsu sinh ra trong Máng cỏ đến việc Người biến hình trên Núi Tabor, rồi qua việc Người như bị Chúa Cha ruồng bỏ, để hiện hình sáng tỏ trong mùa Phục Sinh.

Tất nhiên người ta có thể đến với Chúa Giêsu bằng nhiều cách khác nhau như đọc Phúc Âm, rước Thánh Thể, thương giúp người…, nhưng đến với Chúa Giêsu bằng cung cách của Kinh Mân Côi thì quả là độc đáo; không phải là bí tích nhưng hiệu quả dọn đường cho bí tích; không phải là Phụng Vụ nhưng tâm tình rất cận kề Phụng Vụ; và nhất là được cùng với Đức Mẹ trên từng cây số cuộc đời Chúa Giêsu và theo phong cách của Đức Mẹ là “lưu giữ và suy niệm trong lòng”, tức là “khẩu tụng” đều đều lời kinh Đức Mẹ và “tâm suy” dài dài cuộc đời Đấng Cứu Thế.

“Ad Jesum per Mariam” chính là đây, bằng phương thức tụng niệm tức là vừa đọc vừa suy niệm của Kinh Mân Côi. Đó là kết cấu tinh thần. Ngay trong kết cấu vật thể của tràng hạt Mân Côi, người ta cũng thấy rõ dụng ý này: năm mươi Kinh Kính Mừng kết thành tràng hạt, nhưng cả tràng hạt chỉ được kết thúc bằng tượng Chúa Giêsu chịu chết treo trên Thánh Giá. Thật diệu kỳ được Đức Mẹ dẫn tới Chúa Giêsu.

3) Kinh Mân Côi là phương thế giúp người người vững bước trên đường nên thánh

Khi nêu lên hiệu quả thánh hóa của Kinh Mân Côi trong nhịp sống Giáo Hội, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã không quên gợi lại những chứng tích lịch sử, những khuôn mặt tiền nhiệm, những lời kêu gọi của Đức Mẹ trong những lần hiện ra tại Lộ Đức và Fatima, và nhất là chính kinh nghiệm bản thân gắn bó với chuỗi Mân Côi, ngày xưa còn bé cũng như trong sứ vụ hiện nay và cách riêng qua biến cố ngài bị ám sát hụt ngày 13 tháng 05 năm 1981 kỷ niệm dịp Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima. Kinh Mân Côi, như kiểu nói bình dân, chính là vũ khí giúp ta chống lại ba thù “ma quỷ, thế gian, xác thịt”, và là sinh tố tăng cường ba việc “nên thánh, mến Chúa, yêu người”.

Nếu nhân đức là việc tốt lành được tập tành lặp đi lặp lại thành thói quen phản xạ tự nhiên, thì Kinh Mân Côi chính là một bửu bối không thể thiếu được cho người tu thân luyện đức theo gương Đức Mẹ và theo chân Chúa Giêsu từ Máng Cỏ ấp ủ qua Thập Giá trui rèn tới Nhà Tạm chiêm ngưỡng. Mỗi một mầu nhiệm xướng lên là một nhân đức khơi gợi để theo lời kinh nhả nhẹ và dưới tác động của ơn thánh, lòng người được bớt bất xứng hơn, tạo điều kiện thuận lợi dần dần cho việc nên thánh.

Những nhà thông thái có sách vở chữ nghĩa, những nhà cai trị có sức mạnh quyền hành, những nhà tu trì có bầu khí ổn định làm phương tiện, còn hầu hết chúng ta là những nhà “tu hành” nghĩa là tu thân bằng việc hành đạo như người giáo dân, hay đi tu mà vẫn phải đi tới đi lui đi xuôi đi ngược ở giữa cuộc đời như các giáo sĩ triều, thì Kinh Mân Côi chính là một hành trang và phương tiện “bỏ túi” (hoặc đeo tay đeo cổ) gọn nhẹ giúp thánh hóa bản thân, gia đình và xã hội. Theo định nghĩa này, Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời ta vào mạng sự sống thiêng liêng.

Tóm lại, Kinh Mân Côi, đúng như kiểu nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chính là lời kinh diệu kỳ dâng qua Đức Mẹ tới Chúa Giêsu để người đọc được vững bước đi trên đường thánh hóa.

TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI – SỢI DÂY YÊU THƯƠNG

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Một linh mục đã kể câu chuyện như sau: buổi tối nọ, có cuộc điện thoại mời ngài đến một bệnh viện gần đó để xức dầu cho một bệnh nhân. Người bệnh là một bà cụ già trạc tuổi 80. Khi đến nơi, cụ đang trong cơn nguy kịch. Vì thế, tay bên trái thì chằng chịt dây truyền nước và thuốc vào cơ thể, nhưng tay còn lại thì cụ không rời tràng hạt Mân Côi.

Vị linh mục nói tiếp: “Tôi có thể ví Tràng chuỗi Mân Côi như là sợi dây truyền mà Mẹ đang truyền nước và thuốc tâm linh vào trong cuộc đời của mỗi chúng ta để tăng thêm sinh lực, nhất là đức tin, cậy, mến nơi Thiên Chúa như Mẹ”.

Hôm nay, mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngưỡng sự kết hiệp mật thiết sâu xa của Mẹ Maria nơi Thiên Chúa, cũng như cảm nghiệm được tình mẫu tử nơi Mẹ Maria với con cái.

1. Cuộc đời Mẹ luôn hướng về Thiên Chúa

Có lẽ không ai là người Việt Nam lại không biết bài hát “Xin Vâng” của linh mục nhạc sĩ Kim Long! Bài hát này được gợi hứng từ chính đoạn tin Mừng Lc 1,26-38 mà chúng ta vừa nghe.

Qua bài hát này, chúng ta nhận thấy cuộc đời Mẹ là một cuộc đời xin vâng.

Khởi đi từ việc Mẹ xin vâng lời Thiên Chúa truyền dạy qua thiên sứ: “Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. Chính nhờ lời xin vâng này mà Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại.

Từ đây, Mẹ đã hoàn toàn vâng lời Thiên Chúa cách tuyệt đối. Mẹ đã cộng tác vào công trình cứu độ này cách trung thành. Nói cách khác: Thiên Chúa có thể tùy nghi sử dụng Mẹ như một nữ tỳ khiêm hạ đầy lòng mến để phục vụ cho công trình cứu chuộc của Thiên Chúa trên và trong nhân loại. Hình ảnh và thái độ của Mẹ Maria trong bài Tin Mừng hôm nay khác hoàn toàn với hình ảnh và thái độ của Evà trong thời Cựu Ước.

Nếu một Evà muốn sống tự do và sử dụng tự do để chống đối lại Thiên Chúa, thì với một Maria, Evà của Tân Ước đã sử dụng tự do để quy phục Thiên Chúa.

Nếu một Evà ham quyền, háo danh trong sự kiêu ngạo, thì với Mẹ Maria, một con người khiêm nhường, và hoàn toàn đón nhận thánh ý Chúa và ra sức làm cho ý Chúa được nên trọn trong thân phận nữ tỳ của Người.

Một Evà là mẹ của chúng sinh, nhưng đã gieo rắc tội chết cho nhân loại, thì với Mẹ Maria, Evà mới, Mẹ đã trở thành Mẹ của một thế hệ mới, thế hệ được ngụp lặn trong ân sủng, tình thương và sự sống nhờ lời xin vâng tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa.

Trong suốt cuộc đời của Mẹ, lời xin vâng ấy được lặp lại rất nhiều, có thể nói là liên lỷ đối với Thiên Chúa qua việc gắn bó với Đức Giêsu – Con của Mẹ.

Từ khi trẻ Giêsu còn thơ ấu đến lúc trưởng thành, từ làng quê Nazareth đến đỉnh đồi Canvê… Mẹ luôn hướng về con của Mẹ như hoa hướng dương hướng về mặt trời. Mẹ vui niềm vui của Đấng Cứu Thế. Buồn nỗi buồn của Đấng Cứu Chuộc. Cùng lo lắng cho sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Con Chí Ái của Mẹ đang thi hành.

Chính sự kết hiệp với Con Chí Ái của Mẹ cách liên lỷ như vậy, nên Mẹ đã trở thành người phi thường khi can đảm đứng dưới chân thánh giá để đồng công cứu chuộc với Đức Giêsu.

Có thể nói: từ khi đón nhận lời xin vâng, Mẹ đã tuyệt đối trung thành với lời tâm huyết thủa ban đầu. Vì thế, dù vui, buồn, sướng, khổ, Mẹ luôn tin tưởng phó thác và cậy trông nơi Thiên Chúa. Cả cuộc đời Mẹ được dệt nên bản tình ca “Xin Vâng” để thánh ý của Thiên Chúa được nên trọn.

Khi gắn bó với Thiên Chúa như vậy, chắc chắn Mẹ được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt. Hơn nữa, vì Mẹ đã cưu mang Con Thiên Chúa, mà Người Con ấy cũng là Thiên Chúa, nên Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Bởi vậy, trước mặt Thiên Chúa, Mẹ Maria là Nữ Hoàng Thiên Quốc, Thiên Chúa sẽ sẵn sàng đáp lại lời cầu xin của Mẹ cho con cái của mình.

2. Mẹ Maria luôn hướng về con cái

Người Công Giáo chúng ta thật hãnh diện và vui mừng vì có một người Mẹ luôn luôn yêu thương con cái của mình hết mực.

Tin Mừng và Giáo Huấn của Giáo Hội đã vén mở cho chúng ta thấy tình mẫu tử tuyệt vời ấy nơi Mẹ Maria.

Chẳng hạn như: Mẹ đã lên đường viếng thăm và giúp đỡ bà Êlisabét một thời gian; hay như việc Mẹ lên tiếng kêu cứu Đức Giêsu ra tay cứu giúp gia chủ tại tiệc cưới Cana khi trong tình trạng thiếu rượu.

Hơn nữa, chúng ta thật vinh phúc vì được chính Đức Giêsu trao phó cho Mẹ Maria dưới chân thập giá qua thánh Gioan. Và, hình ảnh thật thắm đượm tình Mẹ – con giữa Mẹ Maria với Giáo Hội lúc sơ khai, đó là Mẹ đã cùng với các môn đệ quây quần bên nhau nơi nhà Tiệc Ly để cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Giáo Hội.

Những hình ảnh đó cho thấy sự kết hợp mật thiết của Mẹ dành cho con cái chốn trần gian.

Một trong những biến cố quan trọng cho thấy Mẹ uôn dõi theo con cái của mình đang lữ thứ chốn trần gian và sẵn sàng ra tay bênh đỡ khi con cái gặp hiểm nguy, đó là:

Vào năm 1571, lúc đó, anh em Hồi Giáo đang làm một cuộc viễn chinh nhằm chinh phục thế giới về cho mình. Họ đi từ Trung Đông sang Á Châu rồi Ấn Độ và đổ bộ đến Âu Châu. Tới đâu, thì nơi đó trở nên hoang tàn, chết chóc đến tang thương. Điểm cuối cùng mà họ nhắm tới, đó là nước Ý, nơi đó có thủ đô của Giáo Hội Công Giáo và Đức Giáo Hoàng. Họ muốn san bằng và phá hủy hết tất cả những dấu tích của Giáo Hội. Vì thế, đội quân viễn chinh đã chuẩn bị đầy đủ vũ khí và một đội quân tinh nhuệ đã sẵn sàng chiến đấu.

Trước tình trạng nguy hiểm đó, họa Hồi Giáo đang đến gần, Đức Giáo Hoàng Piô X rất vững niềm trông cậy, ngài đã giữ được bình tĩnh và phát động chiến dịch cầu nguyện với kinh Mân Côi để xin Đức Mẹ cứu giúp.

Kết quả thật bất ngờ! Quân Hồi Giáo bỗng dưng bị suy yếu đến lạ thường, và cuối cùng, trái tin Mẹ đã toàn thắng. Con cái Mẹ hân hoan ca mừng chiến công hiển hách do tình thương của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria.

Biến cố này rơi vào đúng ngày 7-10, vì thế, ngày này được dâng kính Đức Mẹ Maria dưới tước hiệu Mân Côi.

3. Mỗi người chúng ta hãy gắn bó cuộc đời mình nơi Mẹ Maria

Mỗi khi mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta được mời gọi noi gương Mẹ Maria trong việc gắn bó, vâng phục Thiên Chúa. Chính nhờ sự gắn bó với Thiên Chúa cách tuyệt đối như vậy, mà Mẹ đã trở thành Đấng Đầy Ân Sủng để chuyển cầu cho chúng ta.

Mặt khác, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm tình yêu thương của Mẹ Maria với Giáo Hội và từng người chúng ta. Khi chiêm ngắm như vậy, chúng ta hãy noi gương Mẹ để cũng biết sống xót thương anh chị em mình như Mẹ đã thương xót chúng ta.

Cuối cùng, lời mời gọi yêu mến Mẹ Maria cách thiết thực mà Giáo Hội không ngừng tha thiết nhắc lại chính lời Mẹ nhắn gửi khi xưa: “Hãy tôn sùng Mẫu Tâm Mẹ, ăn năn sám hối, cải thiện đời sống và siêng năng lần hạt Mân Côi”.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con xin tạ ơn Cha đã ban cho chúng con một người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria. Xin cho chúng con biết yêu mến Mẹ, noi gương Mẹ và thực hành Lời Chúa cách tuyệt đối trong sự vâng phục như Mẹ khi xưa. Amen.

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Bảy tuần IV Phục Sinh: "Ai thấy Thầy là xem thấy Cha"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng