THỨ TƯ LỄ TRO

(Ge 2, 12-18; 2 Cr 5, 20 – 6,2; Mt 6, 1-6. 16-18)

“Cha ngươi, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.

Dẫn vào Thánh Lễ: 

Lễ Tro nhắc bảo mùa Chay bắt đầu. Tro bụi là biểu tượng sự dòn mỏng của con người, nay còn mai mất, nên khi nhận một ít tro, người tín hữu phải nhớ mình là kiếp phù du.

Cha Marco cho biết: “Trong Cựu Ước, tro được dùng như dấu chỉ sự khiêm nhường và tính phải chết; đồng thời cũng là dấu chỉ lòng lo buồn và thống hối về tội lỗi.”

Theo Tân Ước, nghi thức sức tro, mở đầu Mùa Chay là mùa thống hối, nhắc bảo mỗi Ki-tô hữu phải làm mọi việc vì sáng danh Chúa và phục vụ tha nhân, dù là việc làm nhỏ bé nhất.

Tro là dấu chỉ để mỗi người chúng ta đều nhìn nhận mình là tội nhân, là người có tội, như lời Thánh Gioan: “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính”

Bài Ðọc I: Ge 2, 12-18

Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo các ngươi”.

Trích sách Tiên tri Giô-en.

Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ. Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi?

Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang hãy ra khỏi nhà, và tân nương hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự Chúa, hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: “Chúa của chúng ở đâu?” Chúa đã nhiệt thành với xứ sở Người và đã tha thứ cho dân Người. Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 5-6a. 12-13. 14 và 17

Ðáp: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa

Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

Xướng: Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn; con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa.

Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, để miệng con sẽ loan truyền lời ca khen.

Bài Ðọc II: 2 Cr 5, 20 – 6,2

“Hãy làm hoà cùng Chúa đi… Bây giờ là cơ hội thuận tiện”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Anh em thân mến, chúng tôi đây là sứ giả của Ðức Kitô, chính Thiên Chúa nhờ chúng tôi mà khích lệ anh em. Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa. Ðấng không hề biết đến tội lỗi thì Thiên Chúa đã làm Người thành thân tội vì chúng ta, để trong Người, chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa.

Với tư cách là những cộng sự viên của Người, chúng tôi khuyên anh em đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô hiệu. Quả thật Chúa phán: “Dịp thuận tiện đến rồi, Ta đã nhậm lời ngươi, vào ngày giải thoát, Ta đã cứu vớt ngươi”. Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát. Ðó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Mt 6, 1-6. 16-18

“Cha ngươi, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Ðấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”. Ðó là lời Chúa.

Làm phép và xức tro

Sau bài giảng chủ tế chắp tay nói:

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy thinh lặng trước nhan thánh Chúa, và khiêm tốn xin Người giáng phúc cho chúng ta, để cử chỉ sám hối chúng ta sắp làm được Chúa thương chấp nhận.

Thinh lặng cầu nguyện giây lát, chủ tế dang tay đọc:

Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và thứ tha cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngay chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Ki-tô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Hoặc:

Lạy Chúa, Chúa không muốn cho người có tội phải chết, nhưng muốn họ sám hối ăn năn. Xin dủ thương nghe lời chúng con cầu nguyện và thánh X hoá nắm tro mà chúng con sẽ xức lên đầu để tỏ dấu nhìn nhận mình chỉ là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi. Xin giúp chúng con hằng cố gắng giữ Mùa Chay thánh này để được Chúa thứ tha tội lỗi và biết sống một đời sống mới theo hình ảnh Con Chúa Phục Sinh, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Chủ tế thinh lặng rảy nước thánh, rồi xức tro cho từng người có mặt và nói:

Hãy ăn năn sám hối và đón nhận tin mừng

Hoặc:

Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi.

Trong khi đó hát tiền xướng.

Xức tro xong, chủ tế rửa tay và kết thúc bằng lời nguyện cho mọi người

Không đọc kinh tin kính.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Khởi đầu mùa Chay thánh, chúng ta kêu cầu Chúa, vì chỉ có Ngài mới có thể giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và nâng đỡ chúng ta trên hành trình sám hối đích thật. Với tâm tình sốt sáng, chúng ta dâng lên Chúa những lời cầu nguyện cho Giáo Hội và thế giới.

1. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô được Chúa tuyển chọn kế vị thánh Phê-rô và mục tử hướng dẫn đoàn chiên Chúa, xin cho Ngài khi thi hành sứ mạng cao cả Chúa đã trao phó, lãnh nhận được sức mạnh từ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và niềm an ủi nhờ ánh sáng của Người.

2. Cầu cho các nhà lãnh đạo các quốc gia. Xin Chúa ban cho họ trở thành khí cụ bình an và hòa giải của nhân loại, đồng thời hằng tích cực hoạt động để phẩm giá con người được tôn trọng và thăng tiến.

3. Cầu cho các Dự Tòng đang chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo trong Đêm Vọng Phục Sinh. Xin cho họ được tràn đầy tình yêu của Chúa Ki-tô và cảm nhận được sự nâng đỡ của Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống.

4. Khởi đầu mùa chay thánh với nghi thức xức tro, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta trái tim mới và trung tín để nhận ra thân phận tro bụi, và hồng ân làm con cái Chúa.

Chủ tế: Lạy Cha, Cha mời gọi chúng con lắng nghe và hướng dẫn chúng con trên con đường trở về với Cha; xin đón nhận lời cầu nguyện của chúng con, để khi sống mùa Chay thánh này, nhờ Lời Chúa Giêsu, Con Cha yêu dấu hướng dẫn, và được thánh hóa bằng ân sủng của Cha, chúng con có thể tiến lên núi thánh phục sinh với bàn tay thanh sạch và trái tim nhân hậu. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Các bài suy niệm:

1/ HÃY XÉ LÒNG

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Nghi thức này bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra.

Cựu ước nói nhiều đến tập tục này. Nhưng dễ nhớ nhất là truyện dân thành Ni-ni-vê. Ni-ni-vê là một thành phố lớn. Nhưng dân chúng ăn chơi truỵ lạc, phạm nhiều tội lỗi. Thiên chúa muốn tiêu diệt thành này. Trước khi phạt, Chúa sai ngôn sứ Gio-na đến báo động. Nghe vị ngôn sứ nói Chúa sắp trừng phạt, dân thành sợ hãi bảo nhau bỏ đàng ăn chơi tội lỗi, tha thiết ăn chay cầu nguyện, mặc áo vải thô, ngồi trên đống tro. Thấy dân chúng có lòng ăn năn sám hối, Chúa đã tha phạt cho thành.

Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi. Tội nhân tự nhận mình không xứng đáng được kính trọng, chỉ xứng đáng với tro bụi nhơ bẩn, với áo rách tồi tàn, đáng bị khinh miệt, bị chà đạp như cát bụi bên đường.

Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích. Cuộc đời giống như manh áo, hôm qua còn mới còn đẹp, hôm nay đã cũ kỹ xấu xí, hôm qua còn lành lặn, hôm nay đã sờn rách.

Như thế, việc xức tro và xé áo có một nội dung ý nghĩa rất sâu xa. Nhưng với thời gian, do những cử hành máy móc, các việc này dần dần rơi vào thái độ hình thức bên ngoài. Người ta làm cho qua lần chiếu lệ, chẳng còn có ý thức thống hối. Chính vì thế, ngôn sứ Giô-en đã kêu gọi dân chúng: “Hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2, 12b-13a).

Nghi thức phải diễn tả tâm tình thì việc cử hành mới có ích lợi. Việc xức tro sẽ vô ích nếu trong lòng ta không dâng lên tâm tình sám hối. Việc xé áo sẽ trở thành giả dối nếu tâm hồn ta không tan nát vì hối hận tội lỗi.

Xức tro trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn. Hãy xức tro vào tâm hồn cho tâm hồn xót xa đau đớn vì tội lỗi. Hãy xức tro vào thói kiêu căng để nó biết hạ mình xuống trong khiêm nhường bé nhỏ. Hãy xức tro vào thói phô trương để nó biết chìm vào âm thầm nghèo hèn. Hãy xức tro vào thói hận thù ghen ghét để nó đau đớn vì đã không biết yêu thương. Hãy xức tro vào những mối chia rẽ bất hoà để tẩy sạch vết thương, hàn gắn tình hiệp nhất. Hãy xức tro vào tính ích kỷ để nó biết mở ra chia sẻ. Hãy xức tro vào thói lười biếng để nó tỉnh thức chăm lo việc đạo đức. Xức tro như thế có khác gì xát muối vào lòng, sẽ gây nên đau đớn xót xa, nhưng sẽ tẩy rửa linh hồn nên trong trắng.

Xé áo chẳng có ích lợi gì nếu ta không xé lòng ra. Lòng ta bấy lâu đã gắn bó với tội lỗi Tội lỗi ăn sâu dính chặt hầu như trở thành một phần của tâm hồn. Muốn dứt lìa tội lỗi, phải xé nó ra. Hãy xé lòng ra khỏi những đam mê dục vọng bất chính. Hãy xé lòng ra khỏi thói tham lam tiền bạc. Hãy xé lòng ra khỏi thói nô lệ danh vọng chức quyền. Hãy xé lòng ra khỏi thói ham mê ăn uống, rượu chè, cờ bạc. Hãy xé lòng ra khỏi thói tự mãn tự tôn. Biết bao thứ đã trở thành thiết thân. Những quan hệ, những tiền bạc của cải, những chức tước danh vị, những thú ăn chơi, những tự ái, những giận hờn, tất cả đã gắn chặt vào đời ta. Giờ đây phải xé nó ra. Đau đớn lắm. Vết thương sẽ nặng lắm. Máu sẽ chảy nhiều lắm. Nhưng khi đã cắt bỏ được hết những ung nhọt độc hại, linh hồn sẽ nhẹ nhàng, trong sạch và lớn mạnh vì được đầy tràn ơn phúc và tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy ban thêm sức mạnh cho con, để mùa Chay năm nay con thực sự biết xức tro vào tâm hồn, biết xé tâm hồn trong đau đớn vì tội lỗi. Lạy Chúa, xin đổi mới tâm hồn con. Amen.

2/ TRỞ VỀ VỚI BẢN THÂN–TRỞ VỀ VỚI CHÚA–TRỞ VỀ VỚI THA NHÂN

(ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên)

 

Mùa Chay đã về. Sắc tím của phẩm phục phụng vụ, cung điệu của các bài thánh ca cũng như các lời kinh cầu nguyện tạo cho ta một cảm giác trầm buồn, sâu lắng. Trong nghi lễ khai mạc Mùa Chay, khi khiêm tốn đón nhận một chút tro bụi trên đầu, lời thánh ca gọi ta về với thực tại của thân phận con người:

“Hỡi người hãy nhớ, mình là bụi tro,

Một mai người sẽ trở về bụi tro”

Những bài thánh ca cùng chung một tâm trạng, vừa thống thiết than van vừa quyết tâm mãnh liệt: Con nay trở về, trở về cùng Chúa Chúa ơi!

Sự trở về dựa trên lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa: Ngài là Thiên Chúa, rất nhân hậu và hay tha thứ.

Khi nhìn lên thánh giá, chúng ta tưởng niệm một sự kiện lịch sử đã xảy ra cách đây hai ngàn năm, qua lời kinh cầu nguyện thống thiết:

– Chúa Giêsu chịu các quan lấy hết áo chia nhau

– Chúa Giêsu còn trên thánh giá chịu thiên hạ nhạo cười (Kinh cầu Chịu nạn).

Cảm nhận thân phận tội lỗi, con người thấy cần được ơn thứ tha. Mùa Chay là mùa sám hối, là mùa trở về để được sống trong tình thân nghĩa với Chúa và với anh chị em mình.

Khi phạm tội, con người hối hận và dằn vặt khôn nguôi, vì tội không chỉ là xúc phạm đến đồng loại mà còn xúc phạm đến Chúa. Người phạm tội chạy trốn chính bản thân mình, đi đâu cũng không thể tìm được nơi ẩn nấp. Tội ác luôn bám sát và ám ảnh tội nhân. Chỉ có tâm tình sám hối và khiêm nhường xưng thú tội lỗi qua bí tích Hòa giải mới có thể đem lại cho họ sự thanh thản, bình an. Cùng với vua Đavít trong Thánh vịnh 50, chúng ta thú tội với Chúa qua lời kinh sám hối đẫm lệ, được thốt lên với tâm trạng hối hận day dứt:

“Vâng, con biết tội mình đã phạm,

Lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

Dám làm điều dữ  trái mắt Ngài” (Tv 50, 5-6).

Những tâm tình được trải nghiệm trên đây giúp chúng ta trở về với Chúa. Tuy vậy, trước khi trở về với Chúa, chúng ta cần phải hồi tâm cảnh tỉnh, phải trở về với chính mình, nhìn nhận thân phận con người còn vương nhiều lầm lỗi cần được thương xót thứ tha. Trong cuộc sống bon chen quay cuồng, con người có nguy cơ quên mất chính bản thân, thậm chí đánh mất chính mình. Vì không ý thức mình là ai nên người ta dễ kiêu ngạo. Vì cho mình là chuẩn mực nên người ta dễ phủ nhận và loại trừ người khác. Trở về với chính mình để xem xét lại hành vi cử chỉ đã làm, để canh tân sửa đổi, nên con người tốt hơn. Trở về với chính mình còn là việc nhận ra những điểm tốt nơi anh chị em, cảm thông những khiếm khuyết của họ, xây tình liên đới để nâng đỡ và bổ túc cho nhau. Chỉ sau khi đã hồi tâm cảnh tỉnh, chúng ta mới có thể trở về với Chúa, tôn nhận Ngài là chủ đích của đời sống chúng ta và chuyên tâm tuân giữ lời Ngài dạy. Thiên Chúa như người Cha luôn chờ đợi chúng ta trở về.

 Một điều kiện căn bản để chứng minh chúng ta có lòng sám hối thật, đó là chúng ta trở về với anh chị em mình. Trở về để nhận ra những người xung quanh là anh chị em con cùng một Cha trên trời, là khiêm tốn nhìn nhận nhiều lần mình đã làm tổn thương họ. Sám hối ăn năn mà không làm hòa với đồng loại, thì chỉ là sám hối giả tạo bề ngoài. Kêu van: Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà không thực thi lời Ngài dạy, thì chỉ là những tiếng kêu suông mà thôi. Mùa chay như điểm dừng của người lữ khách để nhìn lại quãng đường đã đi. Mùa chay còn là cơ hội để rũ bỏ mọi lỗi lầm bất xứng. Lòng sám hối giúp ta lấy lại nghị lực và niềm tin để tiếp bước lên đường trong sự thanh thản và bình an.

Nghi thức khai mạc Mùa Chay là lời kêu gọi sám hối trở về. Qua nghi thức lãnh nhận tro trên đầu, chúng ta cảm nhận nguồn cội của mình. Qua việc tưởng niệm Chúa chịu chết, chúng ta tuyên xưng tình Chúa yêu thương. Những thực hành truyền thống trong Mùa Chay như ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ, phải hướng chúng ta đến canh tân hối cải, nếu không, sẽ giống như diễn kịch hay trò chơi giải trí hay những hình thức giả tạo bề ngoài (x.Tin Mừng Lễ Tro).

Như người con thứ hoang đàng nhận ra mình lầm lỗi, chúng ta hãy xin Chúa thương tha thứ và ban cho chúng ta niềm vui được sống trong tình Chúa và tình người.

Con người là sa ngã, nhưng thiên thần thì chỗi dậy (Thánh Mary Euphrasia Pelletier).

3/ CÁT BỤI TUYỆT VỜI

(Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Nhạc Trịnh Công Sơn rất triết lý. Mùa Chay lại về, tôi thích nghe bài ca

“Cát Bụi” :

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi,để một mai vươn hình hài lớn dậy.

Ôi cát bụi tuyệt vời,mặt trời soi một kiếp rong chơi.

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi,để một mai tôi về làm cát bụi .

Ôi cát bụi mệt nhoài,tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.

Bao nhiêu năm làm kiếp con người,chợt một chiều tóc trắng như vôi

Lá úa trên cao rụng đầy,cho trăm năm vào chết một ngày.

Cát bụi,con người chỉ là cát bụi. Hạt bụi tuyệt vời khi hoá kiếp thân tôi. Hạt bụi mệt nhoài khi tôi trở về làm cát bụi. Khi dùng hình ảnh hạt bụi để nói về thân phận con người,Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lấy nguồn cảm hứng trong Thánh Kinh Sáng Thế: Thiên Chúa dùng bùn đất tạo dựng Ađam,sau khi Ađam phạm tội bất phục tùng,Thiên Chúa phạt ông và con cháu sau này cũng sẽ trở về với cát bụi. ( x. St 1,26-3,24).

Nghĩ cho cùng,tất cả mọi người cũng chỉ là những hạt bụi hoá thân thành kiếp nhân sinh,sớm muộn cũng sẽ tàn lụi với thời gian.Do đó nỗi khắc khoải ngàn đời của con người là tìm kiếm ý nghĩa của sự hiện hữu,ý nghĩa của đau khổ,ý nghĩa của giải thoát,ý nghĩa của cuộc sống.Vấn nạn mà con người chưa tìm được câu trả lời chính là:

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi ?

Hạt bụi nào hoá kiếp thân bạn ?

Và Hạt bụi nào hoá kiếp thân xác chúng ta ?

Một vòng quay,một trăm năm,một kiếp người có là mấy ! “Chợt một chiều tóc trắng như vôi”. Không phải là trắng như bông, trắng như mây hay trắng như tuyết mà là như vôi đổ xuống huyệt mồ. Trịnh Công Sơn không bi quan,ông chỉ nói lên điều ông cảm nghiệm thấm thía về sự mong manh của kiếp người. Cuộc đời đẹp biết bao,sự sống cao quý biết dường nào,nhưng nó cũng như “đoá hoa vô thường”. Xét cho cùng, đã là con người sinh ra trên đời, mặc dù có sống lâu trăm tuổi, có vẫy vùng ngang dọc cách mấy, từ bụi tro hóa kiếp nhân sinh, cuối cùng rồi cũng trở về bụi tro. Đó là một thực tế,nhìn nhận và đối diện với nó cách can đảm để có thể đưa tới một cuộc sống tốt đẹp hữu ích và có ý nghĩa.

Mùa Chay muốn nhắc nhở chúng ta quay về với sự thật của thân phận con người “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro,một mai rồi sẽ trở về bụi tro…”. Phụng vụ Giáo Hội muốn diễn tả rằng: cuộc đời này mong manh vắn vỏi,bởi thế nó rất hệ trọng .Số phận đời đời của mỗi người được quyết định trong thời gian tạm bợ này. Người theo Đạo Phật thì tin ở sự đầu thai kiếp sau,luân hồi nghiệp báo. Đối với Kitô hữu thì vĩnh cữu được gieo mầm trong hiện tại. Không để thời gian trôi qua cách phung phí. Đời người chỉ có một lần. Được mất chỉ có một cơ hội.

Thân phận mỏng dòn mà Phụng vụ Mùa Chay nhắc cho chúng ta đừng quên, không phải chỉ có liên quan đến phần xác hay chết của phận người mà còn cả về mặt tinh thần cũng mong manh yếu đuối.Thánh Phaolô đã diễn tả kinh nghiệm đó trong thư Rôma “Điều tôi muốn làm thì tôi lại không làm,nhưng điều tôi không muốn làm thì tôi lại cứ làm …Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm,nhưng sự ác tôi không muốn tôi lại cứ làm…Tôi khám phá ra luật này là khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.Theo con người nội tâm tôi vui thích vì luật của Chúa,nhưng trong các chi thể của tôi,tôi lại thấy một luật khác : luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tôi…tôi thật là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác hay chết này ?” ( Rm 7,15.19.21-24) .

Ý thức về sự yếu đuối và tội lỗi của mình,về khuynh hướng xấu,sự bất lực nơi bản thân để mỗi người nổ lực giải thoát khỏi sự thống trị khắc nghiệt của tội lỗi và đó là khởi đầu cho ơn hoán cải và ơn cứu độ .

Mùa Chay mời chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu.Sa mạc là nơi hoang vu trơ trọi, mênh mông. Ở đó người ta mất hết mọi điểm tựa, không còn chi để “chia trí,lo ra”, chẳng hạn như ngoại cảnh ồn ào,các hoạt động, các thú vui, các quan hệ xã hội. Chỉ còn ta với ta và buộc ta phải quay về với mình trong sự đơn độc của chính mình.Trong sự quay về đó ta có cơ may nhìn thấy những điều cốt yếu nhất khi đối diện với chính lòng mình.

Con người chúng ta thường sống hời hợt bên ngoài,tan loãng ra trong trăm thứ linh tinh hay phụ thuộc khác. Mùa Chay mời gọi chúng ta đi vào sa mạc, nghĩa là tạo một sự trống vắng nào đó, một sự thinh lặng của các giác quan của trí khôn và của cõi lòng, một sự rút lui vào trong tâm khảm mình để có thể phân định đâu là cái chính cái phụ, đâu là cái cùng đích và cái phương tiện. Đây chính là lúc hồi tâm .

Biềt mình mỏng dòn, nhưng con người theo Phụng vụ Mùa Chay lại không phải là con người mềm yếu, uỷ mị, ngã nghiêng theo mọi lời mời mọc cám dỗ. Con người Mùa Chay dũng cảm chiến đấu. Như Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời hoạt động công khai. Chúa vào sa mạc và tuyên chiến với Satan tức là với mọi mãnh lực của sự ác một cách không khoan nhượng và Ngài đã chiến thắng. Người Kitô hữu là người biết nói không với tội lỗi, là người dám bơi ngược dòng “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ,anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” ( Pl 2,15) . Người Kitô hữu không cố ý sống lập dị khác người, song đứng trước điều xấu, dù là khi cả xã hội đều làm điều xấu đó, họ vẫn không được ngã theo. Họ phải can đảm từ chối một cơ hội làm giàu bất chính, một liên minh bất công, một mối quan hệ tội lỗi….Dĩ nhiên điều đó không dễ chút nào nhưng đã là môn đệ Đức Giêsu, họ không có chọn lựa nào khác .

Con người theo Phụng vụ Mùa Chay biết mình tự thân chỉ là cát bụi, nhưng là “cát bụi tuyệt vời”. Nó vẫn tuyệt vời ngay khi trở về với cát bụi trong một chiều “lá úa trên cao rụng đầy”, chứ không phải chỉ tuyệt vời khi “vươn hình hài lớn dậy” mà thôi .

Đức tin dạy cho chúng ta biết rằng “Hạt bụi” là chúng ta,được tình yêu Thiên Chúa gọi vào hiện hữu và chia sẽ sự sống bất diệt của Người. Kiếp người cho dù có đau thương,có bi đát ,đôi lúc tưởng chừngbóng tối lấn lướt ánh sáng, nhưng cuối cùng sự sống, chân lý, tình thương vẫn mạnh hơn tất cả.

Ước gì mỗi người Kitô hữu đều có bản lãnh của Đức Giêsu để chiến thắng sự nặng nề, nhỏ mọn của bản thân; luôn luôn cậy dựa vào Thiên Chúa, sống Mùa Chay thánh thiện để đón nhận nhiều Ơn Phúc Chúa ban .

 

bài liên quan mới nhất

Giáo phận Bắc Kinh chuẩn bị Ngày cầu nguyện cho ơn gọi: “Sứ mệnh bước theo Chúa Kitô”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng